22 thg 5, 2024

Công nghệ 6G sẽ nhanh hơn 5G gấp 500 lần

Một bản demo được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy thiết bị không dây 6G có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu lên đến 100 gigabit mỗi giây (Gbps), nhanh hơn 10 lần so với mạng 5G ở thời kỳ đỉnh cao, và nhanh hơn 500 lần so với một chiếc điện thoại thông minh 5G trung bình.

6G mang lại nhiều trải nghiệm đầy hứa hẹn

Một bộ phim Netflix chất lượng trung bình dài hai giờ được phát trực tuyến tới điện thoại có dung lượng khoảng 1,5 GB. Điều này nghĩa là mạng 6G có thể chuyển được tám hoặc chín bộ phim cỡ này mỗi giây.

Là kết quả nghiên cứu và phát triển của Công ty viễn thông NTT (Nhật Bản), nhà điều hành điện thoại di động Nhật Bản DOCOMO và các tập đoàn điện tử NEC và Fujitsu, thiết bị này sử dụng các băng tần cao trong phạm vi 100 GHz và 300 GHz, cho phép công nghệ mới xử lý được dung lượng đáng kể và nhiều dữ liệu hơn.

Thử nghiệm cho thấy kết nối ổn định trên 100m. Khi mạng 6G và các tiến bộ công nghệ được phát triển, thực tế sẽ yêu cầu các dạng máy phát và thu khác nhau. Về phần cứng, bản demo 6G này đòi hỏi rất nhiều thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, dần dà kích thước và giá thành của các thiết bị này sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, tốc độ tối đa 10 Gbps của mạng 5G là mức trần kỹ thuật, trong điều kiện hoàn hảo, sử dụng phần cứng mạnh nhất và được tối ưu hóa tốt nhất. Theo Opensignal, tốc độ 5G trung bình cho điện thoại thông minh trên T-Mobile ở Mỹ, nhà mạng tốt nhất nước này về tốc độ 5G, hiện ở mức 186,3 Mbps.

Nói cách khác, 6G hứa hẹn tốc độ được cải thiện đáng kể. Theo các nhà nghiên cứu, tính năng này sẽ hữu ích trong mọi việc, từ tải phim có độ phân giải cao đến liên lạc giữa các phương tiện tự hành.

Giống như 5G, 6G cũng sẽ có bước tiến nhảy vọt về băng thông hoặc dung lượng mạng, với nhiều thiết bị hơn có thể kết nối cùng lúc. Nếu bạn từng bị mất tín hiệu điện thoại tại một buổi hòa nhạc hoặc trận đấu thể thao đông người, 6G sẽ giúp bạn thoát khỏi trải nghiệm không mấy vui vẻ này.

Trong một số trường hợp nhất định, 6G khiến WiFi trở nên dư thừa. Điều này đã bắt đầu xảy ra với 5G. Những công nghệ mới sẽ giúp tránh được các loại dây cáp vật lý được nối trong nhà hoặc văn phòng. Nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ có thêm nhiều thiết bị trực tuyến với tốc độ nhanh hơn, có nhiều thành phần và cảm biến để giao tiếp với nhau.

Ăng ten 6G cho phép truyền hình ảnh ba chiều

Vừa qua, các nhà khoa học đã chế tạo ăng ten 6G đầu tiên trên thế giới, cho phép truyền dữ liệu ở tốc độ cao, kể cả hình ảnh ba chiều (3D). Ăng ten này cũng sẽ mở đường cho thế hệ thiết bị 6G mới.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một ăng ten metasurface động (DMA) có thể được điều khiển bằng bộ xử lý thu nhỏ được mã hóa kỹ thuật số, về mặt kỹ thuật là mảng cổng lập trình trường tốc độ cao (FPGA) - một loại mạch tích hợp mà người dùng có thể lập trình.

Bản nguyên mẫu có kích thước bằng một hộp diêm, là nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới hoạt động với tín hiệu 6G ở băng tần sóng milimet (mmWave) 60 GHz - dành riêng cho các ứng dụng công nghiệp, khoa học và y tế.

Những phát hiện này được trình bày chi tiết trong một nghiên cứu mới được chấp nhận công bố trong thời gian tới trên tạp chí IEEE Open Journal of Antennas and Propagation.

Tiêu chuẩn mạng thiết bị di động tiên tiến nhất hiện nay là 5G. Mạng này được thành lập lần đầu tiên vào năm 2018, trước khi trở nên phổ biến vào năm 2019. Ngày nay, hầu hết mọi điện thoại thông minh mới đều có thể kết nối với mạng 5G ở Mỹ và trên toàn cầu.

6G là công nghệ tiếp theo, với các thông số kỹ thuật vẫn đang được quyết định, cùng với cơ sở hạ tầng và các thành phần cần thiết để biến mạng này thành hiện thực.

Theo tổ chức GSMA - cơ quan đại diện cho các nhà cung cấp mạng di động trên toàn thế giới, các thông số kỹ thuật cuối cùng cho 6G dự kiến sẽ có vào năm 2028 và việc triển khai thương mại có thể sẽ diễn ra vào đầu những năm 2030.

Thiết bị không dây 6G có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu lên đến 100 gigabit mỗi giây (Gbps), nhanh hơn 10 lần so với mạng 5G ở thời kỳ đỉnh cao - Ảnh: VoIP Review

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét