Thạch Lam, cha tôi trong trí tưởng tượng
Nguyễn Tường Giang
(con trai Thạch Lam)
Chết là giải thoát một đời. Chết là đầu bên kia của sợi dây ngày tháng. Một sớm kia, một tối nào. Tôi hay anh, cũng thế. Bên kia cái chết là nội cỏ ngàn cây hoa mộng hay bên kia cái chết là thảng thốt khổ đau. Tôi đã nhìn thấy nhiều cái chết, nhiều khuôn mặt chết. Quá nhiều. Nhưng không bao giờ, mãi mãi, tôi có thể hình dung được một cái chết, một khuôn mặt chết thân yêu
nhất và buồn bã nhất của đời tôi. Cái chết của cha tôi. Thạch Lam. Người văn sĩ tài hoa ấy đã chết quá sớm. Ông chết như thế nào, có thể mẹ tôi, bà nội tôi, một vài người bạn của ông và người em ruột của ông biết rõ. Mẹ tôi cũng đã kể cho tôi, bà tôi cũng đôi lần mơ màng nhắc lại,một đoạn văn đã viết. Nếu muốn xác thực hơn, người chú tôi chưa một lần gặp mặt, còn sống
ở một tỉnh Trung-hoa giáp ranh biên giới Việt-Nam, hẳn tôi có thể viết thư hỏi rõ và cặn kẽ.
Nhưng không bao giờ tôi muốn thế. Bởi vì, đối với tôi Thạch Lam êm dịu quá, nhẹ nhàng quá và nói hay nghĩ tỉ mỉ về cái chết của ông tôi không thể không có một chút đau đớn trong lòng.
Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán số tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sanh con trai người cha sẽ chết. Khi mẹ tôi đi sanh, cha tôi đang đau nặng. Ông đau bệnh gì: bệnh lao vì làm việc và suy nghĩ nhiều, ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số. Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo
với ông đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27-6-42, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn.
***
Cao hơn một thước bảy mươi. Mắt sâu và buồn. Buổi sáng lặng lẽ đội chiếc mũ phớt lên đầu, tay cầm vài cuốn sách để đi đến tòa báo. Thạch Lam. Ông rất ít khi uống cà phê ở ngoài, và vì thế mẹ tôi là người pha cà phê ngon nhất họ. Ðôi khi nhà hết cà phê, người nhà lỡ mua về một ly cà phê nguội, ông bắt đổ đi. Ăn ít và nhỏ nhẹ như một con mèo, bát đũa phải thật sạch và
đẹp. Ông ăn nhẹ nhàng và ít nói. Mẹ tôi nấu cơm rất ngon. Bà đã chết, nhưng mỗi khi Ngạc, Thế-Uyên và tôi tụ họp ăn cơm tại nhà một người trong bọn theo thông lệ, chúng tôi không thể không nhắc tới những chén cơm bà nấu cho chúng tôi ăn ngày bà còn sống. Thạch-Lam buổi tối đi chơi thật khuya, gần như mọi tối nhưng không bao giờ ông say rượu trở về. Tôi hồi còn nhỏ thường hỏi về quán nước cô Dần, về những đêm cha tôi đi suốt sáng không
về, mẹ tôi chỉ cười. Quán nước cô Dần bà cũng biết và chuyện người chồng đi suốt sáng bà quen đi rồi. Thạch-Lam ít tiếp khách, buổi trưa ông thường nằm trong nhà, khách không quan trọng đến chơi ông nói người nhà ra xin lỗi, có gì cần thì viết vào một cuốn vở để sẵn trên bàn.
Sau này, khi mới vào Nam, tôi cùng mẹ tôi đến thăm chú Ðinh Hùng - thi sĩ Ðinh Hùng vẫn coi cha tôi như anh em - tôi cũng phải viết giùm mẹ tôi trên tập vở ngoài phòng khách và thoang thoảng bay trong buổi sáng hôm đó, tôi ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của một loại thuốc đen.
***
Vào mùa hạ, khi những cơn gió Lào nóng nhất đã thổi về Hà-nội. Trời cao và trong. Trời xanh và gió nhẹ. Buổi chiều, Thạch-Lam ngồi câu những con cá mát rượi nước hồ Tây, những con tôm tươi trong suốt còn lóng lánh những giọt nước đọng trên mình. Ông ngồi lặng lẽ trên một gốc cây lớn, đã gẫy. Nhìn mặt hồ gợn sóng rung rinh ánh mặt trời chiều. Ðôi khi Nhất-Linh
Nguyễn-Tường-Tam, người anh ruột, người trưởng nhóm, đến nhắc nhở ông về một truyện ngắn ông hứa viết. Nhưng những ngày hè nóng quá ông đã viết đâu. Lại hẹn thêm một lần nữa.
Nghĩ đến buổi tối rủ năm ba người bạn, bầy bàn dưới gốc liễu, ăn cái nguyên thủy của đất trời, nhấp những giọt rượu tinh túy và thơm ngát, bàn về chuyện văn chương thời thế. Hẳn tối nay anh cũng động lòng muốn sống thêm một ngày.
Thạch-Lam, người chỉ cần cái phẩm hơn cái lượng. Văn chương và đời sống ông tinh tế, nhẹ nhàng quá. Người yêu hoa cẩm chướng, viết văn thật sớm vào buổi sáng, dạy học thêm một tuần đôi ba giờ, đến tòa báo vào những giờ đẹp nhất trong ngày. Ông thích thơ Nguyễn Nhược Pháp, yêu văn Nguyễn Tuân. Người văn sĩ tài hoa của dĩ vãng đã tặng ông một chiếc ấm gan
gà và một bộ đồ trà, ngày nay tôi chỉ lâu lâu nhìn và ngắm nghía trong những lần dọn nhà. Hỡi ơi, giữa thời đại này một chiếc ấm trà đã lạc lõng, huống chi một chiếc ấm gan gà của một tình bạn cố tri. Thạch-Lam cũng có làm thơ, góp phần khá nhiều vào bài “Tương Biệt Dạ” của Huyền-Kiêu. Thi sĩ Ðinh Hùng - những bài thơ trác tuyệt của mùa thu - đã khóc khi đưa quan tài
ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ðêm nào tôi mộng buồn riêng gối, Anh đã nằm yên dưới mộ hoa. Nghe tin Thạch-Lam chết, Thanh-Tịnh một sớm nào đã đáp xe từ Nghệ-an ra Hà-nội, thắp trước bàn thờ người bạn tâm giao ba nén hương, nhỏ những giọt nước mắt chân tình nhất rồi lại tất tả trở về. Hàng năm cứ vào cuối thu...
***
Trời mấy hôm nay lạnh, ảnh hưởng của một cơn bão rớt hay đất trời cũng cảm thông với con người buồn bã của những ngày cuối năm 71. Chỉ biết ra đường đã phải mặc len. Những người trên dưới ba mươi đã một lần dời quê hương miền Bắc, không hẹn mà ùa ra ngoài đường, tìm đến gần nhau, nghe tiếng nói của nhau, nhắp một ly cà phê đen, phà một hơi thuốc hôm nay
sao ngọt ngào đến thế. Họ đi trên đường âu yếm, chiếm hết các quán cà phê đẹp, thì thầm thủ thỉ nhắc đến những kỷ niệm ấu thơ. Tôi cũng thế, cũng phải ra khỏi nhà, lên phố, vào một quán cà phê quen thuộc, ngó những chiếc áo len ấm cúng, mầu nâu non, mầu trắng sữa, mầu xám trời đông, mầu vàng lá rụng. Tôi ngồi với người bạn hiền dịu miền Trung, nói chuyện về mùa
thu và Thạch-Lam. Chúng tôi cùng yêu cái nhẹ nhàng êm dịu của “Dưới bóng hoàng lan,” cái ấm cúng gia đình của “Gió lạnh đầu mùa.” Chúng tôi nhắc đến một Cô áo lụa hồng nhí nhảnh
đáng yêu và riêng tôi cũng vì hôm nay trời đẹp quá phải ngượng ngùng nghĩ mình đôi lần cũng chỉ còn cách một Sợi tóc là sa chân. Còn anh, có phải anh đôi lần cũng buồn nhè nhẹ với một mối Tình xưa. Tôi kể cho bạn tôi nghe những năm trẻ thơ chạy loạn. Dời Hà-nội trên một chiếc thúng, tôi còn nhỏ quá và chiếc thúng nhẹ lắc lư trên bờ đê ào ạt gió. Tôi kể cho bạn tôi nghe
những ngày mùa đông tôi đứng ngoài ngõ đón mẹ và chị đi chợ về ở một vùng quê Nhã-nam nào đó, một thiên đường trong trí nhớ. Những ngày đi mót lúa dưới bầu trời hiu hắt của mùa thu, phía xa kia là một khu rừng lau trắng xóa chuyển động dịu dàng như những đám mây nhẹ bay. Tại sao tôi lại nhớ đến những kỷ niệm đẹp như thế trong khi đối với người khác có thể là
khổ đau và uất hận. Bởi vì, không giải thích được, tôi đã là con của Thạch-Lam. Tôi đã học những chữ đầu tiên trong một ngôi đình nhỏ, dưới bóng cờ đỏ. Tôi đã ngồi cạnh những anh du kích với một khẩu súng trường đòi bắn máy bay. Tôi đã chạy trốn lính Tây càn quét trong những khu rừng lau. Tôi thường theo anh tôi, hơn tôi ba tuổi, vào rừng tìm những cây nhót trái
mọng nước và đầy bột để chùi lên áo len, giấu một quả mít trong bụi cây chờ mai chín đến ăn hay hì hục chạy kiếm đá sỏi để bắn một con chim nhiều mầu sặc sỡ trên bụi ruối dầy đặc. Hồi đó chúng tôi ngây thơ quá, không hiểu mình đang sống giữa một miền đất thù. Hồi đó, vì ảnh hưởng của Nguyễn Tường Tam - Việt Minh đang lùng kiếm - mẹ tôi phải đốt và chôn vùi tất cả
những hình ảnh của gia đình. Những hình ảnh của cha tôi, bác Tam, và các bạn văn nghệ của ông, một vài cuốn bản thảo, cuốn sách kỷ niệm có thủ bút của Nguyễn Tuân, Nguyễn Nhược Pháp, các hình ảnh đám tang cha tôi chạy dài trên đường Quan Thánh - số 80 - cơ sở của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Mẹ tôi phải giấu hết dĩ vãng, đổi chữ đệm chúng tôi là Nguyễn Thạch -
Nguyễn Thạch Giang - tên tôi đầu tiên trên cuốn vở vỡ lòng, và đó là, hỡi ơi, những ý thức chính trị đầu tiên trong đời đã ám ảnh tôi tới bây giờ. Tôi vẫn tự hỏi tại sao Thạch-Lam không tham dự một hành động chính trị tích cực nào. Trong khi bác Tam, nửa đêm ghé qua nhà, uống một ly cà phê mẹ tôi pha, bàn cãi với người em một vài chuyện về báo chí rồi vội vã vượt biên
giới qua Tầu, bác Long bị mật thám Tây bắt và treo lên sà nhà bằng hai ngón tay cái, Thạch-Lam phải chạy trốn suốt đêm ngoài nghĩa địa. Nhưng sau đó ông vẫn chỉ nhận trông coi tờ báo và viết những bài văn nhẹ nhàng. Có phải chăng - ông là sợi tơ giăng giữa một trời bão táp.
***
Cách đây khoảng hai ba năm, sau một tuần nghỉ ngơi ở Ðà-Lạt trở về, tôi, Thế-Uyên và vài ba người bạn có ý định thành lập một nhóm văn hóa. Vợ tôi giết hai con gà nhà nuôi, mua thêm ít giò chả đặc biệt và chúng tôi tổ chức một bữa ăn họp mặt tại nhà - chúng tôi vẫn cảm thấy đậm đà, dễ bàn cãi và nói chuyện với các thức ăn ngon, gợi một chút xa xưa khi còn bé gặp nhau
trong các buổi giỗ Tết. Chiếc bàn tròn được kê dưới những cành mận đầu mùa, lâu lâu một cơn gió nhẹ làm rơi đôi ba cánh hoa sắp kết thành trái. Bữa cơm ăn xong chúng tôi kê một ít ghế bành cũ, pha cà phê trên một mặt bàn thấp hơn, yên lặng hưởng cái thú êm ả của trời đêm. Gió thổi nhẹ, trời trong và cao. Chúng tôi bàn về sự thất bại của những năm qua khi làm tờ báo
quay tay, tự hỏi lý do và phương thức làm việc của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn và phác thảo một đường lối làm việc mới. Chúng tôi thảo luận về những kinh nghiệm cũ, bàn cãi các dữ kiện cần thiết cho một tổ hợp xuất bản. Ðêm càng khuya, những tiếng nói cũng to hơn và gay gắt hơn.
Thế-Uyên nổi giận, nóng tính và bỏ về. Nhưng việc đó đối với vài người chúng tôi đã quá quen,vài ngày sau hay có thể ngay sớm mai, Thế-Uyên lại cùng chúng tôi uống cà phê và quên chuyện cũ - bởi vì trước tiên chúng tôi đã là những người bạn của nhau. Khi mọi người về hết,
buổi họp đã không thành công ở một phương diện nào đó. Thái-Lãng và Kỳ ở lại cùng tôi. Ðêm hôm đó chúng tôi ba người thức suốt đêm ở ngoài trời, pha thêm cà phê và tâm sự cùng nhau.
Thái-Lãng hăng say nói những dự tính của anh - lần này về Ðà-Lạt phải làm thêm một khu vườn hoa phía sau nhà, trồng vài luống cúc vàng hay hồng nhung đỏ thắm, buổi chiều ngồi trong chiếc ghế mây, hút pipe, nhắm chút rượu mạnh và ngó đằng xa đồi núi cỏ cây trong hơi lạnh của một ngày giáp Tết. Lãng cũng kể cho tôi và Kỳ nghe một vài truyện ngắn dự tính viết
trong thời gian sắp tới. Cuốn bút ký của Lãng, tập thơ của tôi và Ngạc, một tập đoản văn của Thế-Uyên đã bị bộ Thông Tin cấm. Chúng tôi không làm gì được về văn hóa. Chúng tôi đã bị ngăn cản. Tôi chợt có ý nghĩ về nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Họ làm nếu có thể gọi là thành công thời đó, phải chăng vì hoàn cảnh Pháp thuộc tự do và rộng rãi hơn? Họ đoàn kết hơn hay họ
khôn khéo và gặp may hơn ? Tôi không thể có một câu trả lời rõ rệt. Chúng tôi lạc quan nghĩ rằng muốn thành công phải chịu khó chờ đợi thêm, kể cả sự đoàn kết cũng thế. Kỳ đưa ra ý tưởng về sự khác biệt giữa những năm ba mươi sáu mươi và mỉa mai: ít ra bọn Pháp cũng có truyền thống văn hóa cao trên thế giới. Tôi ngậm ngùi tưởng tượng cảnh các chú bác, cha tôi
và bạn hữu ngồi với nhau phác thảo kế hoạch. Họ có bàn cãi như chúng tôi, hăng say hơn chúng tôi, Thạch-Lam chắc cũng chỉ ngồi yên lặng, mơ màng. Ðốãi với ông chỉ có văn chương là đáng quí. Ông yêu văn chương cũng thầm lặng và nhẹ nhàng như ông viết. Tôi nhớ tới lời người bạn miền Trung dịu hiền: góp phần vào văn chương không phải chỉ có những tác phẩm
ồn ào, tiếng tăm - văn chương còn được xây dựng vững vàng và yêu quí hơn bởi những tác phẩm nhẹ nhàng thầm lặng. Sớm hôm sau, khi mặt bàn và các ly cà phê được phủ đầy bởi những cánh hoa, chúng tôi phủi những cánh hoa bám trên tóc và trên quần áo, cùng đi đến một quán nhỏ đầu đường uống ly cà phê đầu ngày. Một sớm mai nào cũng gợi cho con người đôi
chút lạc quan về tương lai. Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó, gần đây, chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với nhau, như ngày xưa chú bác tôi, cha tôi và các bạn hữu đã làm.
***
Mẹ tôi mất đã gần hai năm, vào một ngày giáp Tết. Sợi dây liên lạc thân yêu giữa chúng tôi và Thạch-Lam bị đứt đoạn hoàn toàn. Còn đâu những ngày chúng tôi cùng ngồi ăn với bà, khi gắp một món ăn ngon bà nói: ngày xưa cậu mày còn ăn cầu kỳ hơn nhiều. Khi đi chơi khuya về nhà, nhè nhẹ chui vào giường ngủ, sớm hôm sau thức giấc bà đã pha một ly cà phê phin đen
sánh và thơm ngát: thật giống cha mày như đúc, đêm nào đi cũng tới sáng mới về. Chúng tôi làm cái gì bà cũng coi như chuyện thường. Bà bình thản khi tôi nói với bà về kết quả kỳ thi năm vừa qua và tôi đậu đầu: ngày xưa cậu mày 16 tuổi đã đậu Tú Tài. Ngày xưa cậu mày thông minh nhất nhà. Ngày xưa... ngày xưa...
Ngày xưa... Căn nhà ở Cẩm-giàng nơi có những đóa hải đường ven con đường lát sỏi vào nhà, có những cây khế trong vườn lâu đời đến nỗi chúng tôi có thể trải chiếu nằm và há miệng cắn những trái thấp nhất, có một bụi ổi ở cuối vườn. Căn nhà cha tôi, các chú bác hàng năm từ mọi
nơi về giỗ Tết. Có một đêm 30 nào, Xuân-Diệu ngồi canh bánh chưng và sau khi ăn chiếc bánh nóng hổi đầu tiên vớt trong nồi ra, ông lại cùng Huy-Cận lên đường vào Trung. Tôi nhớ con đường xe lửa chạy ngang nhà trước khi vào ga. Buổi chiều ngồi ngắm người bẻ ghi in bóng trên nền trời vàng nhạt, nghe tiếng pháo báo hiệu nổ dưới bánh xe và dưới bầu trời con bay
đầy khói tầu, chúng tôi tranh nhau chạy ra lấy chiếc pháo đã bị kẹp mỏng như một lưỡi dao.
Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp. Chúng tôi đã trên dưới ba mươi và một thế hệ đã trôi qua. Năm nay là cái Tết thứ hai chúng tôi không có mẹ bầy một mâm cỗ cúng Thạch-Lam, không tự tay bà cắm những bông cẩm chướng mầu hồng trên bàn thờ và ngồi nhắc lại một vài kỷ niệm về người chồng chết quá sớm. Nơi nghĩa trang chùa Giác Minh, bà nằm chung với bà nội chúng
tôi, bác Tam, bác Hoàn chồng cô Năm và một người cháu ruột chết trận. Ba thế hệ của dòng họ đều nằm êm ả trong hương thơm của nến nhang, phần đất hiền lành của Phật. Bên chùa, một cây ngọc lan cao và đầy bóng mát, ngày xưa me tôi mỗi lần đi thăm mộ bà nội vẫn thường xin
một hai bông hoa đầu mùa về xếp lên bàn thờ Phật. Ðôi khi tôi tự nghĩ chúng tôi lưu lạc như những người Do-Thái: Ngôi nhà từ đường ở tỉnh Quảng-Nam nghèo nàn và anh dũng, căn trại nhỏ ở Cẩm-giàng nơi nuôi dưỡng che chở Nhất-Linh, Hoàng Ðạo, Thạch-Lam và thế hệ chúng
tôi đang xây dựng cho tương lai ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Tôi vẫn mong một ngày nào hết chiến tranh để có thể đưa các con tôi đi thăm, vào một ngày cuối tháng chạp, từ ngôi mộ của bà nội chúng nơi hiền hòa cửa Phật, ngôi nhà Từ đường miền Trung xa xôi, và buổi chiều nhặt cỏ trên ngôi mộ Thạch-Lam, ông nội chúng. Phần mộ đó nằm hiu quạnh trong nghĩa trang Bạch Mai vùng ngoại ô Hà-nội, - nơi nếu không bị phá hủy, hẳn bây giờ đêm ngày chỉ vang vọng tiếng máy bay.
11-1971
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét