17 thg 4, 2024

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN -Kỳ 15/4/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

***

Ma ha

 

“Ma ha” là tên một con sông ở Ấn Độ. Tương truyền các sư sãi tắm ở sông này thì tẩy hết bụi trần, trở nên thanh thản.

 

Trong bài Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu:

Rửa bụi trần, sãi vui nước ma ha

 

Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam


Vũ Huyến là con trai của Vũ Huân, hai cha con đều là kịch sĩ có tiếng của đất Bắc thời đó. Vào Nam, cả hai lập ban kịch Gió Nam. Theo nhiều người kể lại, Vũ Huyến rất sáng sân khấu, da trắng, mặt mũi thanh tú, dấp dáng thư sinh và đóng kịch rất có duyên..

 

(Nhạc sĩ Vũ Huyến)

 

Ngoài kịch sĩ, ông được biết đến với vai trò là một nhạc sỹ với khá nhiều ca khúc như “Lời cầu nguyện”, “Mây vẫn còn bay”, “Một mai ly biệt”, “Vào mộng”, “Trao nhau lời cuối”… nhưng nổi tiếng nhất là “Cô hàng nước” (1952), với bút hiệu là Vũ Minh. Đây là tên ghép của ông với người vợ đầu tiên tên Minh Hoan. Sau này, ông tái hôn với nghệ sỹ Linh Sơn (trong ban kịch Gió Nam - xem tr 7) nhưng cuộc hôn nhân không bền. Vũ Huyến mất năm 1995.

Phụ đính


Ông là kịch sĩ kiêm nhạc sĩ đã qua đời vào năm 1995. Nhạc phẩm nổi tiếng Cô hàng nước của ông chắc chắn là một nhạc phẩm ai cũng biết tới, được coi như tiêu biểu của ông.

 

Vũ Huyến định cư tại California sau khi di tản cùng với các nhân viên của đài phát thanh Mẹ Việt Nam mà ông cộng tác. Tại đây trong những năm đầu ông đã có nhiều hoạt động đáng kể. Ðặc biệt ông từng là thành viên của ban tam ca AVT với hai nhạc sĩ Lữ Liên và Ngọc Bích.

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

Cà sa

Những sai lầm trong Từ điển từ ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân:

Cà sa là áo của các nhà sư tu đạo Phật, may bằng nhiều mụn vải màu khác nhau.

Ðịnh nghĩa như vậy thì đúng, nhưng soạn giả lại giải thích rằng, cà = áo thầy tu; và sa = áo thầy tu.

Sự thực thì hai chữ cà sa 袈裟 này chỉ để phiên âm chữ kasaya trong tiếng Phạn (nghĩa là áo của nhà sư). Nếu đứng tách rời nhau thì  sa 裟 đều không có nghĩa gì cả. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Chữ cà-sa có nguồn gốc từ tiếng Phạn kasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa gì là áo mà chỉ có nghĩa là bạc màuhay hư hoại.

Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo tượng trưng cho những gì thô sơ, tầm thường. Thật vậy, kẻ thế tục thường hay đồng hoá chiếc áo với người tu hành hay đạo Pháp cao cả. Đạo Pháp hay người tu hành, như chiếc áo rất tầm thường, hoặc đôi khi cũng có thể hiểu ngược lại : chiếc áo tượng trưng cho nhà sư là tầm thường.

 Hoàng Phong)

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Vũ Hoàng Chương thất tình sâu đậm, bỏ cả học đại học Hà Nội, gia nhập ngành Hoả xa, xin một nhiệm sở xa nhất phía bắc là Lào Cay. Nhưng phiền một nỗi nơi biên cương ấy nằm trên một trục lộ chuyển thuốc phiện từ Tam giác vàng vào Đông dương thuộc Pháp.

Nằm cạnh ngọn đèn dầu lạc hít làn khói xanh vào phổi, nghe thân thể nhẹ dần như đi mây về gió, thi hứng văn hứng dâng lên tràn đầy. Một người thường còn dễ nghiện thuốc phiện, nữa là thi sĩ thất tình

Vũ Hoàng Chương. Vậy Vũ Hoàng Chương trở thành người nghiện lúc nào không hay.

***

Vào Nam

Khi tôi (Thế Uyên) vào làm rể gia tộc Nguyễn-huy, dù cô vợ trẻ kể thiếu gì chuyện, huyền thoại về gia đình “cô Tố” của cô vợ trẻ đến nỗi quen thuộc. Khi ngồi cạnh ông trong bữa cơm trưa, tôi đã ngạc nhiên khi biết ông đã đọc khá nhiều văn tôi viết. Trước khi bắt tay giã từ, ông đột nhiên hỏi: “Cái thằng Vũ Hoàng Chương hiện ra sao?”, tôi khoát tay nhẹ nhàng: “Vẫn dạy học đâu đó...” Chỉ một câu hỏi tôi đoán ông vẫn còn ấm ức tên thi sĩ mang vợ mình ra làm đối tượng thất tình ồn cả nước. Trong bữa ăn hàn huyên giữa hai gia đình, bây giờ là gia đình cô chú và gia đình nhỏ nhiều con nít của vợ chồng tôi, lần đầu tiên tôi biết mặt thật rõ ràng “cô Tố của Hoàng”, cô gái của huyền thoại thi ca, cô gái đã khởi hứng bao nhiêu câu thơ truyệt vời của Vũ Hoàng Chương: Ta đợi em từ ba mươi năm, Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm... Ôi ta đã làm chi đời ta, Cho lòng tàn tạ, tình băng giá...

 (Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương – Thế Uyên)

 Mộng

 Giã từ cõi mọng điêu linh
Ta về buôn bán với mình phôi pha

Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 1

Tôi nhớ là sau những tháng ngày nhiều thay đổi này, Vũ Ánh “bén duyên” với Dinh Độc Lập. Anh thường xuyên tháp tùng các chuyến đi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phụ trách công tác bình luận cho đài. Có lẽ các sếp đã nhìn thấy kiến thức, khả năng chuyên môn, phong cách làm việc nghiêm túc và đặc biệt tinh thần yêu nghề của anh và họ chuẩn bị cho anh lên cao hơn. 
Rồi Vũ Ánh trở thành Chánh sự vụ Sở Thời sự Hệ thống Truyền thanh Quốc gia, trông coi cả phòng tin tức, phòng phóng sự và phòng bình luận. Ở vị trí mới, Vũ Ánh không câu nệ, không có vẻ “Chánh sở”, anh gần gụi với đồng nghiệp cũ, thân thiện với giới trẻ, những phóng viên lứa đàn em và đặt sự tin cậy vào họ. Tôi cho rằng Vũ Ánh đã học được cách điều hành của các Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Linh và Vũ Đức Vinh. Các ông sếp này rất tin tưởng và dám sử dụng anh em trẻ vào những sự kiện thời sự. 

(Nguyễn Mạnh Tiến cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)

 Mộng

 Ngày mai mơ mộng làm chi
Sẽ tàn sẽ mất còn gì nữa đâu

Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 2

Ông Linh được cho là một nhà cải cách truyền thông ở Việt Nam vào thập kỷ 1960 và hẳn ông đã hài lòng về các học trò của mình. Vì họ đã thực hiện những cải cách của ông, vốn chưa từng có ở Việt Nam. Điển hình như ngừng chương trình phát thanh thường lệ để phát một bài tường trình từ mặt trận thu qua điện thoại, hay một sự kiện thời sự quan trọng vừa diễn ra, nó có bóng dáng hình thức Breaking news bây giờ. 

Thời đó những cải cách như thế bị giới lãnh đạo bảo thủ làm khó dễ rất nhiều. Có lẽ họ muốn an toàn, họ sợ ‘mất ghế’, vì làm truyền thông tranh nhau cái nhanh, đa dạng, hấp dẫn, năng động, đồng nghĩa với dễ sai sót. Vũ Ánh là một trong những nhân tố góp phần vào các cải cách đó, khi anh nhanh chóng từ một phóng viên trở thành một cấp chỉ huy trong vai trò người điều hành. 

Tôi có thể nói gì về Vũ Ánh? Một phóng viên mang tinh thần xung phong, một nhà bình luận có những phân tích sâu sắc các sự kiện và ảnh hưởng của nó, một điều phối viên có những quyết định đúng lúc và hợp lý trong tổ chức hoạt động của khối thời sự, bao gồm tin tức, phóng sự và bình luận.


Còn trong đời thường, bên ngoài công việc, trước những năm 75, Vũ Ánh như thế nào? Anh đặc biệt không bia không rượu, thích hội hoạ, nghe nhạc, đọc sách. Lúc còn độc thân, Vũ Ánh tỏ ra không chú ý gì tới các đồng nghiệp nữ dù chỗ chúng tôi có không ít những biên tập viên, phiên dịch viên, phóng viên, nếu không gọi là xinh đẹp thì cũng rất mặn mà. Chính vì chỗ anh không dòm ngó, đùa cợt với các đồng nghiệp nữ, nên tôi thường nghe chị em nói: “Ai lấy được ông bụt Vũ Ánh là phúc cả đời”.

(Nguyễn Mạnh Tiến cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)

Mộng

 Có gì mà lấy làm vui
Chỉ là một giấc mộng vùi trăm năm

 Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Lại gặp Phùng Quán, Hoàng Cầm, tuy dài dặt cuộc đời bị quản chế tư tưởng, cơ cực về đời sống, gian lao trong hành xử một xã hội bị bao vây, tưởng đã “hết chuyện”.

Nhà thơ Phùng Quán gầy ốm nhưng khí lực chừng rất mạnh mẽ. Ông rất trân quý những gì là tài sản văn hóa, trí tuệ, tinh thần của miền Nam. Nhưng ông có cái thói quen gần như một quán tính, lúc ngồi trò chuyện ông thỉnh thoảng đảo mắt nhìn quanh, lo lắng. “Chừng như sau lưng, hay bàn kế cận có ai đó theo dõi lời nói, tư tưởng, hành tung của mình”.

Phùng Quán, ông lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Lời Mẹ Dặn của ông từ 1960, khi thơ văn của Nhân văn – Giai phẩm được phổ biến rộng rãi tại miền Nam:

“Bút giấy tôi ai cướp giật đi 

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.

 Và, lúc đối diện ông, Phùng Quán giữa trời Sàigòn, tôi cũng liên tưởng, ngỡ ra nỗi lòng đau, qua lời thơ của nhà thơ Trần Dần:

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc

Đất hôm nay tầm tã mưa phùn 

Bỗng nhói ngang lưng 

Máu rỏ xuống bùn 

Lưng tôi có tên nào chém trộm?” 

 (Cung Tích Biền)

Mộng

Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 1

Vâng! Đúng thế đấy tác giả Vũ Ngọc Tiến ạ. Những ông bố, bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy, nào có ai được biết đến sự thật này đâu. Câu chuyện xoay quanh hai cái đói, đói bụng và đói tình. Những thanh niên, trí thức cùng nòi giống mũi tẹt da vàng bị giằng khỏi cuộc sống, ném thẳng vào cái cối xay thịt của chiến tranh, Người chết biến thành những con ma không đầu vĩnh hằng, đói vĩnh hằng. Kẻ sống biến thành lũ man rợ, thèm khát phụ nữ, thèm khát máu người. Những người lính chứng kiến cảnh người vợ đối phương gào khóc bên xác chồng vừa bị họ giết như thế nào?

Hãy đọc đoạn đối thoại sau đây:

“Giết nốt con đĩ này thôi, anh em ơi!”
“Cho nó đi chầu Diêm vương với thằng chồng ác ôn!”
“Lột quần áo nó ra ngắm cho sướng mắt rồi hãy làm thịt!”
“Phải đấy, xem thử cái lồn người Sài Gòn nó đen-trắng, dày-mỏng thế nào rồi hãy giết!”

Hơn chục thằng lính Hà Nội đang cơn say máu, nhao nhao quát thét, ánh mắt man dại. Riêng hắn lặng đi, trán vã mồ hôi, mặt tái mét, trân trối nhìn thiếu phụ...
Chả cứ gì nhân vật “hắn” lúc đó phải tái mặt. Cho đến tận bây giờ, khi mà cuộc chiến ấy đã lùi xa hơn ba mươi năm, những thế hệ học trò chỉ được “học” văn học viết về chiến tranh trong các sách giáo khoa, hẳn phải tối tăm mặt mũi khi đọc đến đoạn này. Đây chính là những điều mà cả một nền văn học chính thống, vì nhiều lý do phi nhân bản, đã luôn phải né tránh (!) “Hắn” là nhân vật trung tâm của tác phẩm, kẻ thuộc phe thắng trận còn sót lại chút lương tri.

(Phạm Lưu Vũ)

 Mộng

 Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không

 Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 2

Tiếp tục đối lập với sự dối trá, tác phẩm tiếp sau đây của Vũ Ngọc Tiến cũng là một truyện ngắn, nhưng theo tôi, nó chính là một tiểu thuyết dồn nén, được viết theo nghệ thuật biến hoá không gian và thời gian. Trữ lượng của nó không thua kém một tiểu thuyết bởi đó là cả một cuộc chiến tranh với không biết bao nhiêu sự khốn nạn và tang tóc của những kiếp người.

Truyện có cái tựa: Chù Mìn Phủ và tôi”.

Tôi đã cố vật vã tóm tắt lại câu chuyện dã man, rùng rợn thời Trung cổ ấy, song lại diễn ra vào cuối thế kỉ hai mươi này mà không tóm tắt nổi, bởi sự căm giận và cảm giác ghê tởm cứ không ngớt dâng trào. Đối với lương tri của nhân loại, có lẽ đó là một cuộc chiến tranh đểu cáng nhất trong lịch sử, do một truyền thống ngạo mạn cố hữu gây ra, một cuộc chiến mà sau này những kẻ gây ra nó đã cố tình lờ đi. Song những đau thương, mất mát giáng xuống những thường dân vô tội ở cả hai bên thì làm sao có thể xóa nổi. Càng đểu cáng hơn khi người ta lờ đi không phải vì xấu hổ hay ân hận, mà chỉ vì những mục đích bẩn thỉu và khốn kiếp nào đó.

Đọc xong câu chuyện, tôi rùng mình với một ý nghĩ, rằng nếu không có những tác phẩm như thế này, thì cái sự tảng lờ bất lương và vô liêm sỉ đến độ khủng khiếp kia sẽ đạt được mục đích của nó, và lịch sử sẽ bị một lỗ hổng toang hoác. Một lần nữa xin được cám ơn tác giả Vũ Ngọc Tiến với bản luận tội lạnh lùng, một trang sử đẫm máu này của ông.

Hãy xem tác giả tố cáo cái bản chất ghê tởm của cuộc chiến đó: Và tôi vẫn phải trích ra ở đây, đơn giản vì phải đặt nó vào giữa những trang viết đẫm máu, khét lẹt thịt người. Nó làm tôi nhớ đến một câu thơ Đường: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Thật là khốn kiếp. Hai bản người Mông hiền lành ở hai bên biên giới bỗng nhiên lao vào cuộc bắn giết lẫn nhau. Những cái đầu lạnh có nghe thấy tiếng kêu xé ruột của họ không? “Giời ơi! Tôi là cái giống gì thế này? Người Mông sao lại đi giết người Mông, hở giời?...

(Phạm Lưu Vũ)

Mộng

Rồi đây ta cũng bỏ ta
Có không không có cũng là phù du.

 Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 1

Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính về Hà Nội và ra một tờ báo, đặt trụ sở ở phố Lê Văn Hưu. Thư ký tòa soạn là cô Phạm Vân Thanh vốn là sinh viên Đại học Văn khoa, con một cán bộ ngành Bưu điện Hà Nội. Chẳng bao lâu, cô thư ký trở thành vợ ông chủ bút và sinh cho ông một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Hiền.

 

Oái oăm thay, ngay từ đầu cuộc hôn nhân này đã tiềm ẩn một nguy cơ tan vỡ. Gia đình Vân Thanh là một gia đình khá giả, bề thế, nền nếp. Còn Nguyễn Bính lại là một thi sĩ lãng tử giang hồ. Vì thế gia đình Vân Thanh không hài lòng về cuộc hôn nhân này.
Tờ báo của Nguyễn Bính bị đình bản. Nguyễn Bính không có việc gì làm. Cái tổ uyên ương thứ ba của chàng thi sĩ tài hoa bị rạn nứt và tan vỡ! Lại ly hôn! Nguyễn Bính sống bằng khoản tiền trợ cấp hạn hẹp của Hội Nhà văn Việt Nam.

Một mình sống còn chật vật, lấy gì để chu cấp cho con! Vân Thanh đi bước nữa để kiếm tìm hạnh phúc lâu bền. Đến lượt Nguyễn Bính phải nuôi con.

 

Và cái việc thương tâm đã xảy ra: Nguyễn Bính gửi đứa con trai bé bỏng cho một người lạ ở bến ôtô để đi vệ sinh và thất lạc...

(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)

 

Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 2

Giải thưởng văn học được Hội Văn Nghệ Việt Nam công bố (1955-1956), gây phản ứng trong giới văn nghệ sĩ. Nguyễn Bính đã dành trang phê bình của Trăm Hoa đăng bài viết của mình về giải thưởng văn học. Dưới nhan đề in đậm: “Ðề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao (của Xuân Diệu)”

Tố Hữu trông người nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”. Tôi đã chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co dúm người lại trước con ếch.
Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng:

“Để râu sớm quá đấy, để trốn họp chi bộ chứ gì”.

Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói: “Dạo này viết ít quá đấy!”. Kim Lân buột miệng nói: “Bác lại phê bình em rồi!”.

Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá. Kim Lân nói: “Tôi nhớ trong truyện Tam Quốc, có hai anh bạn thân, sau một anh làm to, anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỷ niệm thuở hàn vi. Sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá”.

 Nguyễn Khải kể lại, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh:

– Ông Lành (tức Tố Hữu) đang nói sao cậu lại cười?

Khải sợ quá, vội chối:

– Không, răng tôi nó  đấy chứ, tôi có dám cười đâu!

 (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

 Một câu hỏi chưa được trả lời - 1

 Tôi còn nhớ, người ta bố trí hai nhân viên có mang súng đưa tôi trả về Hội Văn nghệ. Đến một quãng đường nào đó thì may quá, gặp tướng Đàm Quang Trung đi ngựa cùng hai người nữa. Anh nhận ra tôi, ngạc nhiên hỏi đi đâu mà lại có lính gác thế này, tôi nói đi cải cách, bị thải hồi về. Anh ấy bảo thế thì đi cùng với anh ấy, rồi đưa giấy tờ của anh cho hai nhân viên đi với tôi xem để biết chắc anh là Đàm Quang Trung (lúc ấy là một vị chỉ huy quân đội vùng Đông Bắc), và nhận sẽ đưa giúp tôi về tận Hội Văn nghệ ở Thái Nguyên. Khi hai nhân viên ấy quay về rồi, anh Đàm Quang Trung bảo tôi: May cho cậu là trên đường chưa gặp máy bay Pháp đi tuần, chứ trên con đường chỉ cách đồn Ngô chục cây số thế này, hễ có máy bay, hai cậu kia nó sẽ “feu” (bắn) cậu đấy!

 (Trần Duy)

 Mộng

Bài vô thường dễ nhớ lại hay
Trong cơn mộng ai biết mình đang mộng.

Một câu hỏi chưa được trả lời - 2

 Đi theo mong ước làm điều gì đó có ích cho đất nước, cho dân tộc, tôi đã gặp nhiều điều không may, gây ra những tình huống đẩy tôi thành ra đối lập với thời cuộc. Và trong sự bế tắc ấy, tôi muốn đi tìm một lối thoát, đó lại chính là con đường đưa tôi tham gia nhóm Nhân văn.

Phải nói cho minh bạch, khi tham gia Nhân văn cùng ông Phan Khôi, tôi vẫn ước mong đóng góp một tiếng nói cho dân chủ, cho sáng tác và may ra cũng là một con đường nghệ thuật mà tôi mong nương tựa nên tôi rất tích cực hoạt động cho tờ báo ra đời.

Nhiều ngưới nghĩ rằng tôi là một họa sĩ, sao lại có thể làm thư ký cho một tờ báo? Thật ra hoàn cảnh lúc ấy của Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm, những nhà văn nhà thơ đã có tên tuổi, đều khiến họ không thể đứng tên xin ra báo. Họ là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có thể được cử đến làm ở các tờ báo của đảng, của các đoàn thể, nhưng lại không thể đứng tên xin ra báo tư nhân. Họ đã tìm đến ông Phan Khôi và tôi; ông Phan có danh nghĩa một nhân sĩ nổi tiếng, tôi thì có nghề họa để lên khuôn tờ báo, để làm các công việc cụ thể với nhà in. Việc in các số đầu là nhờ ông Đỗ Huân, chủ một nhà in ở đường Nguyễn Thái Học.

 Tờ báo xuất bản được nhưng mâu thuẫn và bất đồng giữa Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang ngày càng tăng. Nói chung mọi người trong tòa soạn đều cảm thấy cùng đi trên một chuyến xe mà người lái xe chạy không theo lộ trình mong muốn của những người cùng đi trên xe. Ngoài chủ nhiệm (là ông Phan Khôi) và thư ký tòa soạn (là tôi), số còn lại chia làm hai phái:

Các văn nghệ sĩ  (Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần, Tử Phác)

một nhóm kia; một mình Nguyễn Hữu Đang một nhóm.

 (Trần Duy)

 Mộng

Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường.

Một câu hỏi chưa được trả lời - 3

 Tại tòa soạn báo Văn nghệ, tuy không giữ chức vụ gì cụ thể, nhưng Lê Đạt thường nổi bật, anh em trong báo nhận ra rằng các cấp trên muốn qua Lê Đạt để kiềm chế Nguyễn Hữu Đang.

Nhưng Đang là người có kiến thức rộng, có hoài bão lớn, là người không dễ nghe theo ai, nên khi tham gia báo Nhân văn, Số văn nghệ sĩ tham gia Nhân văn hầu như không có mấy quyền hạn với tờ báo, nên các việc của tờ báo là do Đang và Đạt quyết định.

 Lê Đạt tính trịch thượng, nói năng quyết đoán, coi thường mọi người; nhưng Nguyễn Hữu Đang cũng không phải tay vừa. Kết quả là Đang và Đạt không mấy khi nhất trí với nhau về bất kỳ một vấn đề nào.

 (Trần Duy)

 Một chiếc cùm lim chân có đế - 1

Cao Bá Quát bất mãn với triều đình Tự Đức, quay sang chửi đời :

- Tưởng đến khi vinh hiển đã an tường 
Song nghĩ lại trần ai không 
đếch chỗ.

Ông mộ quân nổi lên chống lại triều đình. Nhưng cuối cùng thất bại, ông bị giết.

(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)

 Thành ngữ tục ngữ…sai

 Chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào 

Ý nói chỉ sợ chồng ghét thì khó sống với nhau, chứ mẹ chồng mà ghét thì không ngại.

 

Ý dân gian là: khi chồng giận dữ (ghét) thì nên tránh đi (ra). Còn mụ gia (mẹ chồng) có mắng (ghét) thì cũng không nên tỏ thái độ, giận dỗi bỏ đi mà nên biết chịu đựng, làm lành. Đó là lời răn dạy ứng xử, ăn ở của người vợ đối với chồng và mẹ chồng.

 (Hoàng Tuấn Công)

 Một chiếc cùm lim chân có đế - 2

 Hoàng Xuân kể nhiều chi tiết về cái chết của Cao Bá Quát :

- Cao bị bắt giam tại ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế...

 

Tới kinh, Quát bị bỏ ngục chờ ngày hành quyết.

Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình :

Một chiếc cùm lim chân có đế 
Ba vòng xích sắt bước thì vương

Sau được lệnh của triều đình, người ta giải ông cùng hai con (Bá Phùng và Bá Thông) về quê nhà để hành quyết.

Trước khi thọ hình, ông ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa :

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp 
Một nhát gươm đưa, 
bỏ mẹ đời !.

(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)

Sự xuất hiện của địa danh "Huế"

 Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc “Huế , thuyền tám tầm chở đã vạy then" .

 Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng tên là Hué”. Trên bản đồ Việt Nam in trong "Dictionarii Latino-Annamitici" của Taberd, in năm 1838 tại Ấn Độ, có tên “ Huế “.

Hồi ký " Souvenirs de Huế " xuất bản năm 1867 tại Paris của Michel Đức Chaingeau -con trai của Jean Baptiste Chaigneuau, tức Đức Thắng Hầu Nguyễn Văn Thắng, một trong những người Pháp theo giúp vua Gia Long, làm quan tại triều đình Huế...

Bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên “Huế” xuất hiện.

(Nguyễn Gia Kiểm – báo Làng Văn)

Hát xẩm

Các cụ kể rằng, tục truyền ngày xưa, lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng cuối đời Trần, vua sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Vua thương yêu hai con như nhau, không biết nhường ngôi cho ai, nhà vua liền truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được nối ngôi vua. Trải qua nghìn trùng gian lao vất vả, cuối cùng hoàng tử Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Nhưng rồi với lòng gian tham đố kỵ, Toán bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về.

Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn và cất lên những khúc nhạc lòng ai oán. Những người sơn tràng nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng. Từ đó, hàng ngày hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, và tới tai nhà vua... Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán.

 Nghệ thuật hát xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy. 

 (Bùi Trọng Hiền)

Lòng lợn, tiết canh

 Một cách chi tiết, nhà người viết nằm trong Hẻm số 6, cách Cổng xe lửa số 6 khoảng độ 50m, gần ngã tư Trương Minh Giảng & Nguyễn Huỳnh Đức. Đây là một con hẻm khá rộng rãi, sạch sẽ, có một cái chợ chiều nho nhỏ, một dãy nhà mái ngói tường gạch 10 căn mới xây, cư dân đa số là công tư chức, sĩ quan, giới cầm bút, nghệ sĩ… Đường Trương Minh Giảng, qua tiệm thuốc lào 888 Tiến Phát trở thành đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận, quận Tân Bình, phía bên phải có tấm biển màu trắng ghi: “Ranh đô thị Sài Gòn”; đường vào giáo xứ Bùi Phát phía bên trái.

Ngày ấy người viết không thấy tiệm tiết canh lòng lợn nào nên không khám phá ra những tinh túy ngon tuyệt vời của lòng lợn.

(Thiên Lôi miệt dưới)

 Ca trù, hát nói

 Ca trù, hát nói thịnh hành ở thế kỷ 19 theo sự phát triển của chữ Nôm, các nhà thơ Việt cổ muốn thoát khỏi thơ luật và chữ Hán.

Từ ca trù, hát nói bắt qua hát “Ả Đào”.

Đời Lý có một ca nương có tài, có sắc hát rất hay được vua Lý trọng dụng họ Đào nên được gọi là hát “Ả Đào”.

Ca nương khởi nghè đi hát ở đình. Nếu được “ty” (một chức vụ thời xưa”) mời hát thì gọi là hát “Nhà tơ” vì chữ “ty” có nghĩa là “tơ”. Sau đó hát cho thân hữu gọi là “hát chơi”, từ “trò chơi” nên được gọi là hát “nhà trò”.

 Petrus Ký trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 viết:

“Có đám tiệc thì người ta gọi “Nhà trò” tới nhà hát, thường hát theo ca trù. Ả đào hát khi ngồi khi đứng, tay nhịp canh, miệng hát giọng thấp, giọng cao, ngân nga êm tal lắm, có chú kép ngồi gẩy đàn đáy (đàn vuông), lại có người đánh trống cầm chầu”.

Thời kỳ Pháp thuộc, nhiều nguời đọc trại chữ “đào” thành chữ “đầu” nên hát ả đào còn gọi là hát “cô đầu”.

Thời niên thiếu cụ Nguyễn Công Trứ mê cô đầu đến nỗi phải đi theo cô đầu gánh hòm đồ nghề cho các cô. Sau này
cụ là Dinh điền sứ, mở mang huyện Tiền Hải. Vì vậy đất Thái Bình nẩy sinh ra phố cô đầu huyện Vũ Tiên, chắc là do thừa hưởng cái di sản vui thú ả đào, ca trù của cụ.

Sang đầu thế kỷ 20, cụ Tản Đà sáng tác nhiều bài hát nói. Nhưng thể tài này tàn lụi dần sau năm 1945. Hát ả đào Ở miền Bắc có khu Khâm Thiên, Vạn Thái, Ngã Tư Sở. Ở Thái Bình có huyện Vũ TiênTrong Nam một thời có hát cô đầu ở vùng Phú Nhuận.

(Một thể thi ca bị lãng quên - Hoàng Yến Lưu)

Phụ đính: Khâm Thiên : xóm cô đầu Ngã Tư Sở.

Thái Hà : ở Hàng Giấy có xóm Đào nương, còn gọi là xóm Bình

Khang, có trước xóm Khâm Thiên.

 (Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

 Học lại chữ Hán

 Nghe các sử gia Pháp phụ họa theo các sử gia Tàu nói rằng thuở ấy ta còn theo chế độ mẫu hệ, các nhà học giả ta giãy nảy lên và phủ nhận, viện bằng chứng rằng ta đã có vua đàn ông là Hùng Vương. Nhưng Hùng Vương không chắc lắm là đàn ông, hơn thế một dân tộc theo chế độ mẫu hệ vẫn có vua đàn ông như thường, bằng chứng là dân tộc Chàm. Nếu vua họ là đàn bà thì ai cưới Huyền Trân Công chúa của ta?

 Chứng tích "Vua đàn ông" xem ra nặng cân không bằng danh từ Cha. Ta có thể nào tân tạo danh từ Cha, sau khi tiếp xúc với nhà Hán hay chăng? Có thể, nhưng lại không. Thường thì khi một dân tộc vay mượn một món đồ, một ý niệm, họ vay mượn luôn danh từ trong ngôn ngữ của dân tộc cho vay.

Thí dụ ta vay mượn cái xà rông của dân Mã Lai thì vay luôn danh từ xà rông; người miền Nam vay mượn một thứ bánh của người Chàm thì họ vay mượn luôn tên bánh. Người Chàm gọi bánh đó là bánh Gan con Tây (con Tê ngưu), ta dịch y nguyên là bánh Gan con Tây.

Sau này, vì lười biếng, người miền Nam nói tắt là Bánh Gan.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)

 Tục hát và đánh chen

Nga Hoàng, huyện Võ Giàng có lệ nhập tịch tế thần…Tế xong, ăn uống ở đình. Đến chiều tối, ca kỹ đến hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Con trai thân áp sát vào giữa đám con gái, thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai ôm ngực người con gái.

Đêm ấy từ lúc ca kỹ bắt đầu đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở ngoài đình, hai người giao dâm với nhau.

(Nguyễn Xuân Diện)

 Phạm Duy và 10 bài tục ca

 Trong Tục ca số 2, Phạm Duy “nhại” bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của T. T. KH: “người ấy thường hay vuốt tóc tôi…” để sáng tác thành Tình hôi. Đây là chuyện tình của một cô gái có người yêu bị hôi nách. Bài hát kết thúc bằng đoạn kết gây sốc cho người nghe ở câu cuối cùng:

Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi

Nhưng chót yêu anh, em ráng chịu cho rồi

Vả chăng em vẫn thường hay nói:

L… mình đôi lúc cũng... hôi hôi...

Có những bài lại tục về ý. Chẳng hạn như bài số 3, Gái lội qua khe, mà Phạm Duy cho biết ông lấy từ ý thơ của Bùi Giáng. Nhạc sĩ giải thích về chiếc khăn vấn trên đầu, tượng trưng cho tổ tiên, đem cho cô gái mượn để lau mình sau khi bị ướt dầm vì lội qua suối. Tôi nghĩ đó là “ý tục” trong tục ca của Phạm Duy. Bài Gái lội qua khe có những lời ca như sau trong đoạn kết:

Tôi nghe tổ tiên dưới mồ thức dậy

Tổ tiên cũng nói rằng: gái cứ tự nhiên

Tùy nghi sử dụng

Lau bất cứ chỗ nào… cũng được.

(Nguyễn Ngọc Chính)

      Tục ca số 2: Tình hôi

Tục ca số 3: Gái lội qua khe

 Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke

Chân dung các nhân vật trong Lucky Luke

  Các nhân vật chính trong Lucky Luke

  Những khuôn mặt... phản diện

 Truyện tranh Lucky Luck luôn kết thúc với bài hát Cowboy

 Nguyễn Ngọc Chính)

TRẦN ĐỈNH

 


Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với những tác phẩm:

Linh Sơn của Cao Hành Kiện

Ngầm của Murakami Haruki.

Trần Đĩnh mất ngày 12-5-2022 tại Sài Gòn, thọ 93 tuổi

Những chiếc xe mì của quá khứ

Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực… tắc, sực… tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định. Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.

 (Đỗ Duy Ngọc)

 Tác giả: Nhà văn, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc thổ quán ở Huế, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, hiện đang sống Sài Gòn.

Tác phẩm: Thầy tôi: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Vĩnh biệt Họa sĩ Bé Ký, Họa sĩ Đinh Cường, Bước không qua số phận, Những chiếc xe mì của quá khứ, v…v…

***

Phụ đính I

Duyên Anh 

(1935-1997)


Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Nã Cẩu, v…v...Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tỉnh Thái Bình.

 Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ.

Năm 1960, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt.

Năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

***

Phụ đính II


 Về Đào Trinh Nhất - 1

Anh em đều ngán Đào Trinh Nhất vì ông nói khoan thai, chậm chạp, yếu ớt; đã thế có khi đến mươi, mười lăm phút mới nói một câu; xong, ngồi xì ra đấy. Trong suốt thời kỳ tôi ở Nam, nằm hút ở đường Lefèbvre, Nhất vẫn cứ xì ra như thế; mặt ông lúc nào cũng bệch bạc, lạnh lẽo... nhưng, anh em thân đều nhận ông người chung thủy, trước sau như một và đối xử rất tận tình với bạn.

Độc giả Trung Bắc Chủ Nhật mê Đào Trinh Nhất là vào hồi ông viết tiểu thuyết dài như "Cô Tư Hồng"... khả dĩ đối địch được lại với những truyện dài của Lê Văn Trương lúc ấy đang làm mưa làm gió trong làng tiểu thuyết...

 (Nhà văn Vũ Bằng)

 Đào Trinh Nhất sinh năm 1900. Nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Ngày ông nằm xuống, ở trong Nam (Sài Gòn) thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác có câu đối viếng: “Đàn Tân Văn nổi tiếng tài danh, ra Bắc vào Nam, giọt máu còn nơi dòng Nghĩa thục. Làng hãn mặc nhiều duyên tri kỷ, vàng rơi ngọc xót, nửa đời giờ tỉnh giấc Liêu trai.”

Về Đào Trinh Nhất - 2

Khuynh hướng trong tác phẩm của ông là tiểu thuyết lịch sử, nhằm vun đắp cho "tòa nhà quốc học" mà các nhà văn hóa tiền bối đã cống hiến suốt đời...Bằng ngòi bút pha chất ký sự lịch sử, ông muốn khôi phục lại truyền thống vẻ vang, quật cường của nhân dân Việt nói riêng và tinh thần thâm thúy phương Đông nói chung...Về phương pháp, Đào Trinh Nhất có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, cho nên dù không rõ xuất xứ, ta vẫn có được một sự tin cậy.

 

Nhìn ở cả hai phương diện: sáng tác và biên khảo, ông đều có những đóng góp nhất định. Cũng như Trúc Khê Ngô Văn Triện và Phan Trần Chúc, ông đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại. Đọc những sách ký sự của Đào Trinh Nhất, người ta thấy ông là một nhà văn thận trọng: những việc ông thuật lại đều là những việc có căn cứ, không vu vơ, không tưởng tượng. Đó chính là những điều cốt yếu cho một quyển lịch sử ký sự

 

(Nhà văn Vũ Ngọc Phan)


 

 Ảnh phuc chế :3 con gái của Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu

 

 Mời Xem :

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 1/4/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét