20 thg 4, 2024

SỐNG

 

Mẹ tôi có bốn người con, ba gái và một trai, tôi là con gái út trong nhà và cũng là người mà bà cưng chiều nhất. Cách đây 10 năm, bố tôi ra đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Ngày đưa tiễn ông, mẹ tôi khóc hết nước mắt. Sau này, tôi phải mất rất nhiều công sức mới thuyết phục được mẹ chuyển đến sống với tôi. Lúc ấy, tôi 40 tuổi và mẹ đã 70 tuổi rồi…
Ngày mẹ chuyển đến ở với tôi, mẹ khăng khăng đòi mang theo hai túi bột mới xay. Tôi hỏi lý do, mẹ chỉ lấp liếm: “Vì mẹ thích ăn loại bột này”. Sau này tôi mới biết, hóa ra bà đã giấu 5 triệu đồng trong túi bột đó. Bà bảo bà dành dụm số tiền đó để mua cho con trai chúng tôi một chiếc ô tô… Tôi rưng rưng nhìn bà và không thể hiểu được bằng cách nào bà tiết kiệm được số tiền ấy. Nhưng tôi biết rằng tình yêu thương vô điều kiện của bà dành cho chúng tôi chưa bao giờ thay đổi.
Từ khi mẹ về, ngôi nhà của chúng tôi như được thổi một luồng sinh khí mới bởi những vật dụng bà tự tay làm và cả không khí ấm cúng mà bà tạo ra. Một ngày, mẹ bảo chồng tôi mời bạn bè đồng nghiệp của anh tới nhà, mặc dù vào thời gian đó, mọi người thường tổ chức tụ tập tại nhà hàng do cuộc sống bận rộn khiến việc chuẩn bị một bữa ăn ở nhà trở nên “xa xỉ”. Chồng tôi chiều theo ý mẹ, và thế là, mẹ tôi tất bật cả hai ngày trời để chuẩn bị đồ ăn, bánh trái và những món ăn khác cho buổi tụ tập.
Tất cả khách đến nhà đều yêu thích đồ ăn mẹ tôi nấu, nhiều người nói rằng đã rất lâu rồi họ không được thưởng thức đồ ăn có hương vị thân thuộc mà thơm ngon như thế. Tối hôm đó, chúng tôi chỉ uống rất ít và đã có cơ hội để thảo luận về rất nhiều vấn đề vốn thường không được bàn luận nơi công cộng hoặc tại nhà hàng. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc và thoải mái. Mẹ tôi cũng mời tất cả mọi người lần sau lại ghé chơi.
Từ đó trở đi, căn nhà của chúng tôi trở thành nơi tụ họp nhộn nhịp. Mẹ tôi đã rất hài lòng và nói rằng: “Đây mới là cuộc sống đích thực, ai cũng cần xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với người khác”. Nghe những lời ấy, tôi mới hiểu điều mẹ muốn tôi học được qua việc mẹ đã làm.
 
Những người hàng xóm xa lạ
Một ngày, tôi nghe có tiếng chuông cửa khi đang nấu nướng. Sau khi mở cửa tôi có chút ngạc nhiên khi thấy người hàng xóm sống ở bên kia đường đang ôm trong tay một đĩa quả cherry tươi. Tôi sống ở nơi này vài năm rồi nhưng chưa bao giờ nói chuyện với cô ấy.
Rồi cô ấy ngập ngừng bảo: “Tôi đã mua một ít trái cây cho mẹ cô, hy vọng bà sẽ thích”. Trong khi tôi vẫn chưa hết cảm thấy kỳ lạ thì cô ấy nói tiếp rằng: “Lũ trẻ nhà tôi rất thích những món ăn mà mẹ cô nấu”. Hóa ra, mẹ tôi vẫn thường sang nhà cô ấy chơi trong khi vợ chồng tôi mải miết với công việc trên cơ quan, vậy mà tôi không hề biết gì. Sau đó, tôi hỏi mẹ tôi có phải bà cảm thấy cô đơn quá nên muốn có người bầu bạn không. Bà chỉ mỉm cười: “Mẹ thấy đó là việc nên làm để chia sẻ cuộc sống của chúng ta với người xung quanh.”
Từ buổi gặp gỡ hôm đó, tôi và cô hàng xóm đã trở thành bạn bè thân thiết. Bọn trẻ của cô ấy cũng thường xuyên qua nhà tôi chơi và coi mẹ tôi giống như bà của chúng vậy.
Không chỉ riêng hàng xóm bên kia đường, mẹ tôi còn quan tâm đến những người khác trong khu phố. Bà còn trở nên thân thiết với cả bố mẹ của bạn tôi, và giúp họ trông coi đứa cháu nhỏ khi họ bận việc. Tôi chợt nhận ra rằng mẹ của tôi đang làm những điều dường như rất nhỏ nhưng đã giúp chúng tôi tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, đó là điều mà chúng tôi dường như không còn thời gian để mà nghĩ đến.
Khi mẹ tôi biết con trai của một đồng nghiệp cùng làm với chồng tôi mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết, bà nài nỉ chúng tôi mang tiền giúp đỡ họ. Mặc dù anh ta không thân với chồng tôi, nhưng mẹ tôi rất cương quyết về việc tặng số tiền đó.
Bà nói rằng: “Khi người khác gặp khó khăn, chúng ta nên làm gì đó để giúp họ. Chúng ta cần phải học cách cho đi trước khi chúng ta có thể nhận lại”.
Vài tháng sau, chồng tôi được thăng chức. Các bạn đồng nghiệp đã đề cử và bỏ phiếu bầu công khai cho anh ấy không chỉ bởi năng lực của anh mà còn vì tấm lòng gia đình tôi dành cho họ. Chồng tôi vô cùng biết ơn mà nói rằng: “Chính mẹ của tôi đã đem về những lá phiếu bầu đó cho tôi”. Lúc ấy, chúng tôi vô cùng cảm kích trước những mối quan hệ thân thiết với người xung quanh mà mẹ tôi lặng lẽ giúp chúng tôi gây dựng nên.
Mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ không biết chữ từ làng quê ra, nhưng tấm lòng rộng mở, sẵng sàng cho đi của bà đã chiếm trọn tình cảm của mọi người. Đó là điều mà bao năm qua chúng tôi không để tâm tới.
Sau này, tôi luôn ghi nhớ câu mà bà thường nói:
“Con phải tốt với người khác trước khi con mong muốn họ đối xử tốt với mình”.
Đạo lý mẹ nói là điều rất đơn giản nhưng cuộc sống bề bộn đã cuốn chúng tôi đi mất, khiến chúng tôi lãng quên sự chân thành và tin tưởng vào sự chia sẻ, đồng cảm. Mẹ đã giúp chúng tôi tìm lại những giá trị tốt đẹp bên trong mình…
 
Những phút giây cuối đời của mẹ
Sau khi sống với chúng tôi được ba năm, bà bị phát hiện mắc bệnh ung thư phổi. Những người bạn làm bác sỹ của chúng tôi khuyên rằng ở cái tuổi vốn đã gần đất xa trời của mẹ tôi, bà nên tránh sự can thiệp của phẫu thuật, để khối u tiến triển theo tự nhiên, điều quan trọng nhất là có một tâm lý thoải mái và sống vui vẻ nốt quãng đời còn lại.
Chồng tôi và tôi đã nói chuyện với nhau rất lâu, nhưng cuối cùng cũng thấy rằng đó là phương án tốt nhất cho bà. Chúng tôi đã rất khó khăn để nói với bà sự thật, tôi sợ bà sẽ không chịu nổi. Nhưng ngược với suy đoán của tôi, bà chấp nhận điều này một cách rất bình thản và bảo rằng: “Các con đã làm đúng. Đó là phương án tốt nhất rồi”.
Rồi bà nói rằng bà có nguyện vọng được trở về làng quê.
Tôi đã ở cùng chăm sóc mẹ trong suốt khoảng thời gian cuối đời của bà. Khi tỉnh táo, bà luôn luôn cười nói vui vẻ và không nhắc đến bệnh tật, chỉ những lúc bị hành hạ bởi những cơn đau, bà mới dùng đến thuốc rồi chìm vào những giấc ngủ mê mệt.
Tôi thường đưa bà ra ngoài vài lần mỗi ngày để bà tận hưởng không khí trong lành mỗi khi mặt trời mọc, để nhớ hương thơm của những cánh đồng lúa xanh rì rào vào những buổi chiều mát rượi và để ghi lại những khuôn mặt hàng xóm thân quen mà khi đôi mắt mờ đi bà không có cơ hội nhìn thấy nữa. Rồi một ngày bỗng nhiên bà nói với tôi rằng bà nhớ nhất là tiếng ve kêu mùa hè. Ngày xưa, bà ghét cái âm thanh ồn ào này lắm, nhưng nếu không có nó, có lẽ bà đã không cưới cha tôi…
Khi gặp nhau lần đầu tiên, ông đã nói với mẹ tôi: “Cái tiếng kêu râm ran này nhiều khi khiến người ta khó chịu, nhưng nếu không có nó, những ngày hè sẽ thật tẻ nhạt và không có gì đáng nhớ. Giống như cuộc đời, nếu không có những phút giây khó khăn, gục ngã, chúng ta sẽ không bao giờ biết quý trọng hạnh phúc và những ngày yên bình.”
Chính những lời chân thành sâu sắc đấy đã khiến bà chọn bố tôi làm người san sẻ buồn vui trong suốt quãng đời còn lại…
Đêm hôm đó mưa rơi nặng hạt, mẹ nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của tôi bảo rằng bố tôi đang chờ bà…và bà phải đi thôi. Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ nức nở nói rằng tôi không thể sống nếu thiếu bà. Nhưng bà nhìn tôi mỉm cười hiền hậu: “Con phải để mẹ đi… Đã đến lúc rồi…”
Trái tim tôi vỡ òa khi bàn tay mẹ rơi khỏi tay tôi…
 
Đám tang của mẹ
Ngày tiễn mẹ tôi trở về với cát bụi, những người trong làng, bạn bè và hàng xóm khu phố tôi sống xếp thành một hàng dài, lặng lẽ theo sau chiếc xe tang chở mẹ tôi đi…
Chứng kiến cảnh tượng ấy, rất nhiều người qua đường vô cùng tò mò và thắc mắc liệu đây có phải là lễ tang của một cán bộ cấp cao hay là bố mẹ của một quan chức không?
Không… mẹ tôi không phải là một người được học hành đầy đủ hay người có địa vị cao sang. Bà chỉ là người nông dân đơn thuần, chân chất với trái tim bao dung, quảng đại và một lối sống đẹp… nhưng ai cũng muốn dành một chút thời gian quý báu của họ để tưởng nhớ và tiễn bà sang thế giới bên kia… Tôi cảm phục bà vì điều đó!
Khi chiếc quan tài từ từ hạ xuống, tôi hình dung ra nụ cười thanh thản của bà trước lúc nhắm mắt. Trong cuộc đời này, bà không giữ lại gì cả, tất cả những gì bà làm là cho đi với một trái tim nhân hậu, nhưng những điều bà để lại trong lòng mọi người là mãi mãi, không của cải nào sánh bằng… Tôi nhận thấy trong khóe mắt của đoàn người tiễn đưa đều rưng rưng những giọt nước mắt… Họ đều thấy tiếc nuối cho một tấm lòng cao đẹp đã từ giã cõi đời.
Đôi khi, chúng ta không cần phải sống một cuộc đời oanh liệt để chiếm một vị trí trong trái tim mọi người. Chính những điều giản dị, sự quan tâm chân thành mà chúng ta trao tặng mới để lại dấu ấn trong lòng họ. Tôi chợt nhớ có ai đó từng nói rằng: “Hãy sống một cuộc đời để khi chúng ta chết đi mọi người khóc còn ta mỉm cười.” Mẹ tôi đã dạy tôi những bài học vô giá về tình yêu, sự sẻ chia và thái độ sống tích cực mà mãi cho đến năm 43 tuổi tôi mới hiểu được hết… Tôi cảm thấy tự hào và biết ơn vì một người mẹ vĩ đại như thế. Những bài học sâu sắc mẹ dạy tôi sẽ luôn khắc ghi trong lòng…
Ở một nơi nào đó, mẹ tôi chắc chắn sẽ rất an vui…
 
Theo Visiontimes
Diệu Linh
Nguồn : fb Thiện Trí
....


 Xem Thêm : 

1./9 điều cha mẹ cần "khắc cốt ghi tâm" để rèn con (vietnamnet)

2./Bí quyết nuôi dạy những trẻ em hạnh phúc nhất thế giới của người Hà Lan  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét