Mấy hôm nay cộng đồng mạng xôn xao vụ anh chàng ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn .....
Câu chuyện làm mình nhớ lại kỷ niệm thưở nào . Tôi kể cho mọi người nghe một câu chuyện có thật 100% của tôi
Vốn là con nhà nông nghèo khó , nên khi lập gia đình tôi đã theo chồng làm đủ nghề để mưu sinh . Và có một khoảng thời gian tôi trải qua nghề buôn động vật gồm Rắn , Ếch , Rùa , Ba Ba , Trăn , Trút ( Tê Tê) , Kỳ đà để bán cho các chủ hàng ở Miền Bắc đóng qua TQ.
Trong tất cả những loài động vật đó , ấn tượng nhất là rắn . Rắn mua gồm có rắn Lãi ( rắn Ráo) , rắn Rồng ( Hổ Ngựa) , rắn Đen Vàng ( Cạp Nong, Mái Gầm) rắn Đen Trắng ( Cạp Nia) , rắn Hổ Mang ( Hổ Phì ) , rắn Hổ Trâu và rắn Hổ Chúa . Rắn Lãi , rắn Rồng , rắn Hổ Trâu là rắn không độc , còn lại đều là các loại rắn độc . Buổi ban đầu khi mua rắn , tôi còn rất sợ : sau khi người bắt rắn đem bán thì tôi cân nguyên cái bao của họ xong trừ bì rồi tính tiền trả , sau đó để nguyên như vậy đem bán lại cho chủ vựa lấy lời. Nhưng chỉ được một hai lần đầu , lần sau thì lỗ hết vốn bởi người bắt rắn bán cả những con rắn bị thương , cũng có số người còn gian manh bỏ độn đất cát , bù lon ốc vít vào chung , mà người chủ vựa thì bắt từng con để kiểm tra và trừ bì . Vậy là nghề dạy nghề , tôi dần dần trở thành tay bắt rắn “chuyên nghiệp “ tự lúc nào . Bạn bè hay hỏi : có thuốc ngừa hay sao mà gan vậy ? Xin thưa là hoàn toàn không có một loại thuốc nào ngoài những đồng tiền lời hấp dẫn . Rắn không độc thì cứ để cho nó cắn vô tư , (cánh tay và cả trên mặt tôi ngày đó đầy vết răng rắn cắn ), còn rắn độc thì mình phải lừa thế nắm chặt cái đầu trước khi lôi ra khỏi bao . Riêng rắn Mái Gầm , tuy là rắn độc nhưng nó phản ứng chậm chạp nên không cần phải nắm lấy phần đầu khi bắt , chỉ cần nhẹ tay nâng phần giữa lưng lên và bỏ qua bao để cân ( thậm chí có người còn chẳng thèm nhìn vào bao , vừa nói chuyện vừa vốc tay hốt rắn Mái Gầm sang qua bao khác tỉnh queo) .
Lần đó , có người đem bán con rắn Hổ chúa nặng 3,8kg . Ông xã mình bắt ra kiểm tra , con rắn quá lớn nên rất khoẻ , khi ông xã nắm chặt phần đầu nó gồng mình và cái đầu trựơt lên phía trên một chút , nghiêng lại kẹp răng khoé vào ngón tay anh ấy . Tôi đứng bên cạnh nghe anh nói : nó cắn anh rồi , nhưng anh vẫn bình tỉnh bỏ lại con rắn vào bao cột kỹ miệng bao lại , xong lấy dây buộc chặt phần cổ tay , lấy lưỡi lam rạch nát phần vết thương cho máu chảy ra , đồng thời uống một hơi hết xị rượu đế . Làm xong mọi thứ anh mới chạy tới bệnh viện huyện TB(gần nhà) .
Khoảng hai giờ sau thấy anh chạy trở về và nói rằng : ở bv họ bảo nằm chờ để chữa biến chứng chứ mọi điều cần thì anh đã làm xong rồi. Nhìn ngón tay anh , chỗ vết thương nó đen tím và phồng rộp lên một khoảng , tôi nóng ruột. Anh sờ tay lên trán và nói với tôi : hình như anh nghe hơi sốt , thôi để anh chạy vô bv Tam Kỳ ( bv lớn hơn cách nhà 25km) .
Tôi ở nhà ôm hai đứa con nhỏ ( một đứa 1 tuổi , 1 đứa 3 tuổi) mà gan ruột bồn chồn . Đêm hôm đó anh không về , sáng hôm sau cô bưu điện qua nhắn là anh nhập viện Tam Kỳ ( ngày đó không có điện thoại riêng, mỗi lẩn muốn liên lạc là đến bưu điện để nhờ giúp đỡ ) . Tôi hớt hãi bồng đứa lớn đi gởi rồi ẳm đứa nhỏ đón xe vào bv Tam kỳ tìm chồng . Đến nơi tôi gặp ai cũng hỏi thăm nhưng tuyệt nhiên không có tăm hơi , một ngày nhịn đói , dang nắng tìm trong nổi lo lắng nhưng vô vọng , đến chiều tối tôi ẳm con đón xe về lại nhà thì thấy anh đã ở nhà . Anh kể là sau khi vô bv TK thì gặp một người quen mách trên Tam Dân có một anh tên là Lành rất giỏi chữa rắn độc cắn , và anh tìm tới được anh ấy đắp thuốc rồi bó lại . Sau vài lần ra vô với anh Lành đó thì vết thương trên tay dần dần khép miệng và cũng “ lành” như cái tên người thầy thuốc
Khi buôn bán đã quen , có những “ bạn hàng “ từ ngoài Bắc đem tiền vào để đặt mua số lượng lớn đóng qua TQ . Rắn sau khi mua xong bỏ vào những chiếc bao lưới cột lại , chất thành từng lớp cả mấy chục bao dưới nền nhà để dồn lại đóng vô sọt cho khách . Có đêm đang ngủ bỗng nữa đêm nghe nhột nhột cái lưng , giật mình tỉnh dậy bật đèn lên thấy ngay sát lưng mình trên giường mấy con rắn trườn qua , phía trên đầu , bên phải , bên trái , dưới gầm giưởng , trên xà nhà .... chỗ nào cũng có rắn . Thì ra do những cái bao dùng nhiều lần đã mòn cũ nên trong đêm rắn đục bao chui ra hết trọi . Vậy là 2 vợ chồng thi nhau bắt lại , thường thì giỏi lắm chỉ được 2/3 , còn 1/3 số rắn bò lên ngọn tre cao hoặc chui nơi khác người ta bắt mất .
Có lẽ sống chung mãi với rắn rồi cũng quen dần mà quên mất rằng sinh mạng của mình có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào . Cho đến ngày được tin chị chủ hàng tên Hoà đã bị rắn hổ chúa cắn chết , rồi anh bạn hàng tên Chức bị Hổ mang cắn , tuy giữ được mạng nhưng phải tháo khớp tay . Và khi gia đình tôi đã chuyển vào nam thì nghe tin chị bạn gần nhà bị rắn Mái gầm cắn chết ( sau đó tôi về quê có ghé thắp nhang ) . “Sinh nghề , tử nghiệp “ thường xảy ra với những người dân lao động như chúng tôi.
Khi tích cóp được ít vốn , vợ chồng tôi chuyển sang buôn đồ cổ nhưng ký ức về loài rắn vẫn mang theo đến khi vào miền nam
Sau khi vào nam , đầu tiên là bán những đồ cổ để sống , hết đồ thật bán đến đồ giả cổ , đến khi không còn có thể bán được thì chúng tôi rơi vào tình trạng ... đói vì thất nghiệp. Gần bên nhà tôi ở có một thanh niên không vợ sáng xỉn chiều say ( nghe nói ly dị vợ) . Một Chí Phèo thời nay thực sự . Cứ rượu vào rồi mượn tiền, mượn gạo , mượn bất cứ thứ gì có thể mượn được. Khi không có cho cậu ta mượn thì cậu ta chửi , chửi lè nhè từ sáng đến tối, đến khuya . Chưa hết , nhiều khi “ Chí Phèo” còn đem dao tới quậy phá . Tôi thật sự kinh sợ nhưng cũng chẳng biết phải làm sao
Một buổi sáng , đang trồng rau ngoài vườn tôi chợt thấy một con rắn Lãi to bò ngang qua , “máu nghề nghiệp “ trỗi dậy , tôi mừng quá nhảy vội ra chụp được, bắt xong hai tay cầm con rắn đưa lên cao , chạy bay vào nhà kiếm bao đựng . Bỗng tôi nghe tiếng la thất thanh của “ Chí Phèo “ : “Chị ơi, đừng , đừng ....” tôi thấy mặt hắn ta xanh lét bỏ chạy thục mạng ra phía ngoài đường . Tôi quá bất ngờ và càng bất ngờ hơn khi từ buổi đó , hắn không còn quậy phá gia đình tôi nữa ./
Tháng 8/2000
Huyền Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét