Yasunari Kawabata (1899-1972)
Ngàn Cánh Hạc là một trong ba tác phẩm của Kawabata được giải thưởng Văn
Chương Nobel năm 1968. Xứ Tuyết (Yukigun – Snow Country, 1937), Ngàn
Cánh Hạc (Sembazuru – Thousand Cranes, 1949). Cố Đô (Kyoto – The Old
Capital, 1962).
Viện Hàn Lâm Thụy Điển tuyên dương nhà văn Kawabata Yasunari khi công bố quyết định trao giải Nobel Văn Chương năm 1968:
“…
Kawabata được đặc biệt ca ngợi như một nhà tâm lý phụ nữ thật tinh tế.
Ông đã chứng tỏ sự điêu luyện bậc thầy của mình ở lĩnh vực này trong hai
tiểu thuyết ngắn là Xứ Tuyết và Ngàn Cánh Hạc…
… Tác phẩm gần
đây nhất của Kawabata cũng là tiểu thuyết đặc sắc nhất của ông, Cố Đô,
được hoàn tất cách đây sáu năm (1962-1968) và đã được dịch ra tiếng Thụy
Điển…
… Với tư cách nhà văn, ông truyền đạt một sự am hiểu văn
hóa, đạo đức, mỹ học bằng một nghệ thuật độc nhất vô nhị, qua đó góp
phần vào việc xây dựng cây cầu nối tinh thần giữa phương Đông với phương
Tây…”
Nửa thế kỷ đã qua, với tác phẩm Ngàn Cánh Hạc với
giải Văn Chương Nobel, chúng ta nhìn lại tác phẩm nầy trên khía cạnh Trà
Đạo & Tính Dục.
*
Từ ngày còn đi học, hình ảnh chim hạc
đã xuất hiện trong hội họa và thi ca. Cũng như phượng hoàng, chim hạc là
hình ảnh biểu tượng cao quý và được coi là hình ảnh của điềm lành, bất
tử, thanh thoát với nhiều truyền thuyết và giai thoại trong những câu
chuyện cổ tích. Hình ảnh chim hạc trên trống đồng Lạc Việt, Ngọc Lữ,
Đông Sơn…
Với loài hạc, những con tương cận như sếu, diệc, cò…
nhưng tự ngàn xưa, chim hạc qua nghệ thuật điêu khắc với huyền thoại
chim của bậc thần tiên nên trở thành cao quý.
Thi hào Nguyễn Du
đã mô tả hình ảnh chim hạc “Trong như tiếng hạc bay qua” (Kiều, Nguyễn
Du) tiếng đàn của Kiều với cung bậc khi lướt cao, bay bổng, nhẹ nhàng,
trong vắt như tiếng kêu của con chim hạc bay ngang bầu trời.
Bài
thơ thất ngôn bát cú Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (704-754) đã từng được
biết đến qua nhiều bản dịch của văn nhân thi sĩ VN từ Tản Đà, Ngô Tất
Tố, Trần Trọng Kim, Nguyễn Quảng Tuân, Khương Hữu Dụng, Vũ Hoàng Chương,
Thanh Tâm Tuyền, Trần Trọng San…
Với văn hóa Nhật Bản, xứ sở Phù
Tang, chim hạc được coi là linh điểu, là biểu tượng của sự linh thiêng
cao quý. Với phái nữ, chim hạc là biểu tượng sự thủy chung, hòa hợp với
đạo nghĩa vợ chồng. Trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác, với họa
tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và rất được ưa chuộng. Từ những
mẩu chuyện theo truyền thuyết, với ý nghĩa tâm linh hạc giấy trong nghệ
thuật xếp hình ori-gami, người Nhật tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con
hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự may mắn, an lành và hạnh
phúc. Với biểu tượng cao đẹp đó, chim hạc được đề cập rất nhiều trong
thơ văn, điêu khắc, hội họa, công trình kiến trúc, trên đồng Yen, hãng
hàng không…
Trà là thức uống thông dụng nhất trên thế giới. Với
người Nhật, nghệ thuật uống trà trở thành trà đạo (chadou, sadou,
chanoyu) được hình thành từ thế kỷ 12, theo truyền thuyết vị cao tăng
Eisai (1141-1215) khi luận giải thú thanh tao cao quý đó với tâm hồn
thoát tục khi thưởng thức được đề cao trong văn hóa đất nước Phù Tang.
Với
nghệ thuật uống trà phải từng bước theo tiến trình cầu kỳ từ nước pha
trà, hũ đựng nước, ấm trà, pha trà, cách rót trà, cách uống trà. Với
không gian thưởng thức trà, còn có trà thất. Và, kết hợp với nghi thức
uống trà với phong cách truyền thống trong giao thiệp của người Nhật.
Bốn
nguyên tắc cơ bản trong trà đạo: Hòa – Kính – Thanh – Tịch. Hòa: hài
hòa giữa con người và thiên nhiên, sự hòa hợp giữa trà nhân với các dụng
cụ pha trà. Kính: lòng kính trọng, sự tôn kính đối với người khác, thể
hiện sự tri ân cuộc sống. Thanh: tấm lòng thanh thản, yên tĩnh, thanh
tịnh. Tịch: vắng lặng, tĩnh lặng, không vướng bụi trần xôn xao, ồn ào.
Vì
vậy, trà đạo là con đường, phép tắc ứng xử với nhau khi đàm đạo, lịch
sự, thanh tao làm trong sạch tâm hồn, hòa mình với khung cảnh tĩnh lặng
để thoát tục.
Trong tác phẩm Ngàn Cánh Hạc, Kawabata đã kết hợp
giữa biểu tượng hình ảnh chim hạc cao quý đó với trà đạo mà tác giả đã
diễn đạt rất tinh tế từ thanh dục lẫn trọc dục. Vào thời điểm đó, văn
chương truyền thống của Nhật chưa bị ảnh hưởng chủ thuyết hiện sinh ở
Tây phương mà Kawabata đã phá lệ, can đảm mô tả những mối tình, theo
truyền thống Nhật Bản trái với luân thường đạo lý từ ngàn xưa.
Tác
phẩm gồm 5 chương: Ngàn Cánh Hạc, Vòm Cây Trong Nắng Chiều, Chiếc Bình
Shino, Thỏi Sáp Môi Của Mẹ Nàng, Ngôi Sao Kép. Đây là truyện vừa vì chưa
tới hai trăm trang sách.
Mở đầu câu chuyện: “Ngay cả khi đã tới
đường Kamakura và đền Engakuji, chàng (Kikuji) cũng không biết là có nên
hay không nên đến dự buổi trà đạo. Dầu sao cũng đã trễ giờ hẹn rồi.
Mỗi
lần Kurimoto Chikako tổ chức trà đạo tại túp lều dùng cho các buổi trà
đạo ở phía trong ngôi đền Engakuji, chàng đều được nhận lời mời. Dù vậy,
chưa một lần nào chàng đến dự kể từ ngày cha chàng mất. Đối với chàng,
những lần được mời như vậy chỉ có ý nghĩa của sự tưởng nhớ đến cha chàng
mà người ta dành cho chàng vậy thôi…”.
Và kết thúc: “Liệu nàng (Fumiko), giống như mẹ nàng, do bản chất trong sạch, nên đã tỏ ra khiếp sợ sự sỗ sàng?
“Rút
cục chỉ còn lại có Kurimoto”. Như để nhổ vào người đàn bà mà chàng coi
như kẻ thù tất cả cái nọc độc tích tụ lại, Kikuji bước hối hả vào trong
bóng mát của công viên”. (Bản dịch của Trùng Dương).
Nội dung tác
phẩm với nhân vật chàng trai Kikuji hai mươi lăm tuổi, khôi ngô, được
thừa hưởng căn nhà cổ của thân phụ lúc mất như trà thất cùng những cổ
vật dùng trà đã mấy trăm năm. Kikuji đã nhiều lấn chứng kiến thân phụ và
người tình Ota thưởng thức trà với nhau. Cả hai đều tâm đầu ý hợp qua
trà đạo. Bà Ota khoảng bốn mươi, đẹp, lịch lãm và thanh thoát. Bà
Chikako, coi như trà sư vì rất rành về nghệ thuật uống trà. Bà Chikako
và thân phụ Kikuji thân nhau trong những lúc thưởng trà trở thành người
tình trong thời gian ngắn ngủi và bà cũng biết mối tình của bà Ota. Với
mẫu người như vậy phải là con người có tâm hồn cao thượng, trong sáng
nhưng ngược lại, bản chất ích kỷ, tị hiềm.
Bà Chikako mời Kikuji
tới dự một buổi trà đạo đền Engakuji. Mục đích của bà Chikako khi mời
Kikuji đến dự buổi trà đạo là để làm mai cho thiếu nữ tên Yukiko. Khi
đến nhà Chikako, Kikuji gặp bà Ota và cô con gái của bà là Fumiko.
Chiếc
khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc phủ trên áo Fumiko đã thu hút Kikyji,
trang nhã và đẹp mắt, luôn ám ảnh khi nghĩ đến nàng. Sau buổi trà đạo,
khi mọi người ra về, bà Ota đứng chờ Kikuji ngoài cửa để trò chuyện với
nhau rồi bà mời Kikuji vào qúan trọ ven đồi, đối diện ngôi đền, đêm đó
hai người ái ân với nhau. Kikuji lúc đầu còn ái ngại nhưng trước sự hấp
dẫn của người đàn bà xinh đẹp, lôi cuốn chàng và bà Ota cũng bị cuốn hút
bởi chàng trai đầy sức sống.
Bà Chikako tìm mọi cách làm mai Yukiko
cho Kikuji, đã cố gắng ngăn cản Kikuji gặp mẹ con bà Ota, nhưng bà Ota
không cưỡng lại nổi đam mê mãnh liệt, đã tìm cách gặp Kikuji một lần
nữa. Bà Ota và Kikuji trải qua một đêm nữa với nhau, nhưng sau đó vì bị
giày vò bởi mặc cảm tội lỗi và nỗi xấu hổ, bà đã tự kết liễu đời mình.
Đau
buồn trước cái chết của bà Ota, Kikuji tìm gặp Fumiko để an ủi. Fumiko
van xin Kikuji hãy tha thứ cho mẹ nàng và Kikuji nghe lời khuyên của
nàng, gặp bà Chikako để xem mắt cô Yukiko. Nhưng cuối cùng, anh không
muốn tiến đến hôn nhân với cô Yukiko, bà Chikako giận dữ, đến nhà Kikuji
gây chuyện. Fumiko cảm thấy sự vô cớ của người mẹ, đến ở một nơi không
ai biết, nhưng Kikuji cũng tìm được chỗ ở của nàng. Kikuji đến thăm nàng
và cùng nhau dự một buổi trà đạo.
Thế rồi, bà Chikako đến nhà
Kikuji cho anh hay cả cô Yukiko và Fumiko đều đã kết hôn với những người
đàn ông khác. Kikuji bị sốc, tuy nhiên cũng gọi điện chúc mừng nhưng
vài ngày sau nhận được cuộc gọi của Fumiko báo cho biết chờ nhận bức thư
của nàng.
Fumiko kinh ngạc vô cùng khi thấy Kikuji tin lời của
bà Chikako là nàng đã đi lấy chồng. Nàng nhận lời đến nhà thăm Kikuji,
khi gặp nhau, nàng xé nát bức thư nàng mang theo và yêu cầu Kikuji vứt
bỏ chiếc chén uống trà nàng đã tặng trước đây. Kikuji không chịu đập vỡ
chiếc chén uống trà, và khi tìm được thêm một chiếc chén nữa, Kikuji và
Fumiko chợt nhận ra đó hai chiếc chén uống trà ngày trước thân phụ chàng
và bà Ota đã dùng trong những buổi trà đạo.
Fumiko đã ném chiếc
chén xuống đất vỡ tan và đêm ấy nàng và Kikuji đã ngủ với nhau. Ngày hôm
sau, Kikuji gọi điện đến sở làm của Fumiko, nhưng nàng không có ở đó và
cũng không có ở nhà. Kikuji có mặc cảm tội lỗi và hoảng sợ khi tưởng
tượng Fumiko sẽ đi theo vết chân của mẹ nàng.
Mô tả chàng trai đã
chăn gối với người tình của thân phụ rồi đến con gái của bà. Phải chăng
dục vọng đã xô đẩy mối tình nhục dục giữa chàng trai với mẹ (nhân tình
của cha) và con gái của bà là trái luân thường đạo lý, loạn luân?.
Vì
sao tác phẩm nầy đã đăng nhiều kỳ trên báo vào thời điểm đó mà những
cây bút thủ cựu không đả kích và Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho giải Văn
Chương Nobel. Chim hạc tượng trưng cho sự thanh khiết mà cô gái khoác
trên người nhưng lại lại chấp nhận hành động trái khoáy trong tình dục.
Trong
khi đó cuốn Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng cùng thời điểm đó với
mối tình cô giáo với học trò nhưng cũng bị búa rìu dư luận.
Tác
phẩm Sembazuru chuyển qua Anh ngữ Thousand Cranes. Ngàn Cánh Hạc, Trùng
Dương dịch, Trình Bày xuất bản, Sài Gòn, 1969. Rập Rờn Cánh Hạc, Nguyễn
Tường Minh dịch, Sông Thao, Sài Gòn, 1970, 1974.
Sau nầy có vài bản dịch trong nước và ở Hoa Kỳ với bản dịch của Võ Công Liêm. Nhưng bản dịch của Trùng Dương thoát ý và hay hơn.
Tạp chí Văn, số 140, số đặc biệt về Kawabata, Sài Gòn, ngày 15 tháng 10 năm 1969. Với các bài viết của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, Chu Sỹ Hạnh viết từ Melbourne… cùng các bản dịch trong truyện của Kawabata.
Ngọn bút tài tình của Kawabata trong Ngàn Cánh Hạc nói về tình yêu nhưng không diễn đạt bằng lời mà qua ánh mắt, cử chỉ, hình ảnh liên tưởng. Nói về tính dục, ân ái mà không thấy sỗ sàng, tục tĩu, chỉ thoáng qua trong giây phút bên nhau. Tác giả cũng rành về trà đạo, cổ vật và nghệ thuật cắm hoa để lồng câu chuyện cho nhẹ đi hành động dục tính.
Tuy phá vở truyền thống văn chương cổ để khai phóng quan niệm hiện sinh trong xã hội mới nhưng Kawabata cũng cho thấy mặc cảm tội lỗi tình yêu khi lý trí nhu nhược không kìm hãm con tim. Mặc cảm tội lỗi của bà Ota và con gái của bà, Fumiko, cũng cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn cho người mẹ và cả bản thân.
Với cái đẹp của trà đạo dĩ nhiên ở con người có tâm hồn trong sáng, thánh thiện nhưng bà những người trong cuộc thì ngược lại làm hoen ố cái “đạo” của tiền nhân ca ngợi. Bánh vẽ, lớp sơn tô điểm chỉ là vỏ bọc bên ngoài của con người, tận cùng khác với bản chất khi con tim trổi dậy với sóng tình.
Tính dục (sexuality) là một hiện tượng văn hóa, nó có từ xa xưa, từ những mẩu chuyện thần thoại để làm thăng hoa tình cảm với nhau trong cuộc sống.
Nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 – 1939) trong cuốn Ba Tiểu Luận Về Lý Thuyết Tính Dục cho rằng rất khó có thể hiểu được những biến dạng phong phú của tính dục, mặc dù nó khác khái niệm thông thường về bản năng tính dục.
Cội nguồn khác nhau của bản năng tính dục ở thân xác, hành động, khoái cảm và đối tượng là chuổi liên kết với nhau giữa con người. Đề cập đến lãnh vực như nầy điển hình như Foucault với The History of Sexuality, nói về tiến trình phát triển của tình dục. During Simon với Life, Sexuality and Ethics (Đời Sống, Tính Dục và Đạo Đức), về phạm trù con người liên quan đến từng khía cạnh liên kết với nhau để nhận chân giá trị.
Khai thác tính dục để viết thành tác phẩm như Ngàn Cánh Hạc của Kawabata khác hẳn với các quyển sách sex, nhục dục, tục tĩu, hạ cấp… Kawabata chỉ phớt qua ái ân vụng trộm đó cùng với mặc cảm tội lỗi để làm nhẹ bản năng tính dục khi rơi vào sóng tình. Kawabata theo trường phái Tân Duy Cảm (New Sensationalist) và ảnh hưởng văn chương Âu châu nên có cái nhìn thoáng, sinh động từ thực trạng cuộc sống trong xã hội mà các nhà văn trước đó không viết.
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét