27 thg 8, 2022

CHỢ LỚN XƯA CÓ BÁC ÁI HỌC VIỆN, CÓ BỊNH VIỆN SÙNG CHÍNH- Nguyễn Gia Việt

 

Năm 1908 xì thẩu lúa gạo TJa Ma Yeng (Tạ Mã Điền) tục gọi Má Chín Dảnh đã bỏ tiền và quyên góp xây một ngôi trường ở Chợ Lớn.
Trường Lycée Franco Chinois (Trung học Pháp Hoa) hay còn gọi là College Fraternité, sau là Bác Ái Học Viện Sài Gòn, sau 1975 là cao đẳng sư phạm Tp HCM,nay là ĐH Sài Gòn.
Suốt thời Pháp, Lycée Franco Chinois chỉ dành cho người Hoa học.
Tới năm 1955 chánh quyền VNCH đổi tên Lycée Franco-Chinois thành Trường trung học tư thục Bác Ái Học viện (Collège Fraternité), dạy từ lớp đệ thất đến đệ nhứt, dạy cả học sinh Hoa và Việt.
Má Chín Dảnh là bang trưởng bang Phước Kiến, hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn.
Lịch sử Nam Kỳ ghi nhận sự ảnh hưởng của người Hoa sâu nặng.
Một đặc điểm rất kỳ cục tồn tại trong lịch sử Miền Nam, người Việt thích làm ruộng, vườn và người Tàu lại thích và gần như độc quyền lập chợ, bán buôn, xuất nhập cảng hàng hóa.
Chúng ta cũng nhận thấy có vô số đại điền chủ gốc Hoa, thí dụ như nhà Trần Trinh Trạch, đại điền chủ giàu có nhứt Nam Kỳ.
Người Hoa ở Nam Kỳ từ thời nhà Nguyễn tới thời Pháp thuộc, sang VNCH là một thế lực đáng kể, họ như một vùng tự trị trong lòng Sài Gòn, trong lòng Miền Nam.
Quan chức mà làm việc với người Hoa sẽ "hư" gần hết vì họ cực kỳ giỏi trong đút lót, tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch.
Sài Gòn có một thành phố gần như là khu tô giới, tự trị của người Hoa, đó là Chợ Lớn.
Trước 1975 Chợ Lớn là khu đặc biệt, người Việt không có cửa chen chân vào sống trong khu đó dù có tiền.
Đến năm 1955, tổng số Hoa kiều từ vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 800.000 người, trong đó riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn có 570.000.
Người Hoa nắm kinh tế Miền Nam gần như độc quyền.
Trước tiên là độc quyền vận tải khống chế thị trường. Người Tàu không bao giờ chở hàng hóa của người Việt nếu công ty Việt đó kinh doanh mặt hàng cùng loại với hàng hóa do người Hoa sản xuất, bán buôn, nhập cảng.
Tại Sài Gòn có 36 rạp chiếu bóng thì người Hoa nắm 17 rạp, nắm 25 trong tổng số 30 nhà nhập khẩu phim truyện của nước ngoài, kiểm soát 80% ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu.
Hoa Kiều nắm ngân hàng ở Miền Nam trước năm 1975 không dưới 150 tỷ đồng, trong đó khoảng 100 tỷ được dùng vào việc gần như độc quyền thu mua lúa gạo, bằng 1/3 tổng số tiền lưu hành ở Miền Nam thời đó, chiếm khoảng 80% tổng số tín dụng dành cho thương mại.
Sài Gòn trước có nhiều ông "Vua" Hoa kiều.
Lâm Huê Hồ, Đào Mậu là vua ve chai, tài phiệt ngân hàng. Lý Long Thân là vua sắt, thép, là chủ 11 ngành sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: Hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, Ngân Hàng Nam Việt, Ngân Hàng Trung Nam, khách sạn Arc en Ciel, hãng tàu Rạng Đông.
Lý Hoa vua xăng dầu, Trương Vỹ Nhiên là vua cine, vua bột ngọt Trần Thành, Lai Kim Dung là nữ hoàng gạo...
Hoa kiều kiểm soát 3 lĩnh vực quan trọng: Sản xuất, phân phối, và tín dụng. Trong bất động sản, khách sạn, nhà cho thuê cũng y chang như vậy.
Người Tàu nắm từ tiệm chạp phô trong xóm tới đại công ty thương mại.
Trước 1975, người Hoa nắm 11 tờ báo, 166 trường học và 6 bịnh viện lớn.
Bịnh viện Sùng Chính của người Khách Gia phục vụ tất cả cộng đồng Hoa kiều.
Bịnh viện Nguyễn Tri Phương của người Quảng Đông.
An Bình của người Tiều.
Bịnh viện Nguyễn Trãi của người Hải Nam.
Quân Y 7A của người Phước Kiến.
Trong chánh trị Miền Nam người Hoa không có dính nhiều, tướng lãnh Miền Nam không nhiều người gốc Hoa. Quốc hội VNCH có 5 nghị sĩ người gốc Hoa.
Nhưng người Hoa là một thế lực đáng sợ khi có thói quen dùng tiền làm đạn bắn banh chành mọi thứ trên đời.
Người ta tính rằng có khoảng 95% hàng hóa mua bán giữa người Hoa diễn ra trên cơ sở trao tay, đồng nghĩa với việc không trả một đồng xu thuế cho chánh quyền.
Chợ Lớn là khu người Hoa "độc quyền."
Chợ Lớn xuất hiện sau cuộc nổi dậy của Tây Sơn năm 1772, năm 1774 chúa Nguyễn Ánh cùng thân quyến chạy vào Gia Định lánh nạn.
Chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn trở nên tàn khốc, Tây Sơn tàn sát cướp bóc, tàn phá Cù lao Phố ở Biên Hòa, người Tàu ở đó phải tản cư, di dời xuống Sài Gòn và tạo ra Chợ Lớn năm 1778.
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.”
Chợ Lớn tập trung phần lớn là người Tàu mà người Việt mình kêu là “khách trú”, ”cắc chú.”
Cái tên Chợ Lớn khỏi cần giải thích chi cho mắc công, ai cũng hiểu, đó là cái chợ bự bành ky, cái chợ nó lớn thất kinh.
Tiếng Hán Việt ghi Chợ Lớn đúng nghĩa phải là 大市 Đại Thị. Tuy nhiên người Tàu lại ghi tên Chợ Lớn là Đề Ngạn 堤岸.
Chợ Lớn là trung tâm thương mại lớn nhứt Nam Kỳ lục tỉnh, đất này tạo ra những người Tàu giàu nức vách đổ thường nhờ bán buôn, áp phe, mánh mung.
“Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa.”
Cái nhà lồng Chợ Lớn ban đầu nằm kế rạch Chợ Lớn và kinh Tàu Hủ, nay ở vị trí nhà bưu điện chổ tượng Phan Đình Phùng.
Chợ Bình Tây xây dựng năm 1928 bởi ông Thông Hiệp Quách Đàm để thế chợ cũ, từ đó có tục danh Chợ Lớn mới.
Lịch sử Chợ Lớn có từ ngày 20-10-1879, khi Thống đốc Nam Kỳ LeMyre de Vilers ra Nghị định thành lập TP Chợ Lớn. (Municipalité de Chợ Lớn)
Ðứng đầu thành phố là viên Ðốc lý Maire do Thống đốc Nam Kỳ đề cử và được toàn quyền Ðông Dương bổ nhiệm.
TP Chợ Lớn lúc đó cách Sài Gòn 11 km, TP Chợ Lớn riêng nằm trong tỉnh Chợ Lớn và cũng là tỉnh lỵ Chợ Lớn.
Theo thiết kế ban đầu, Sài Gòn bao gồm cả khu vực Chợ Lớn. Nhưng đến 1864, nhận thấy diện tích của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, Pháp quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn.
Sài Gòn cách Chợ Lớn 11 cây số, ở giữa là vùng rừng chồi và đồng nước minh mông.
“Đường Sài Gòn ổ gà đi xóc
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.”
Vào 1940 dân số Chợ Lớn vào khoảng 200.000 người, đông hơn Hà Nội và chỉ sau Sài Gòn.
Dần dà dân đông, khu dân cư lan ra từ từ, hai thành phố nối vào nhau.
Trung tâm Chợ Lớn là Quảng Đông lộ, tên chánh thức là “Rue de Canton“ tức đường Triệu Quang Phục ngày nay.
Rue de Canton là trung tâm Chợ Lớn, nơi có nhiều quán xá, thương điếm, trụ sở công ty, có hội quán Quảng Đông, kế bên là dinh Xã Tây (Hotel de Ville) của tỉnh Chợ Lớn.
Vùng này xưa là Minh Hương xã.
Tại Rue de Canton có ngôi nhà bề thế của xì thẩu gốc Quảng Đông Wang-Tai (Vương Đại). Đọc thư tịch Sài Gòn cũ, bạn sẽ biết ông xì thẩu này có mọt cái nhà lầu đồ sộ tên là Maison Wang Tai ở mé bến Bạch Đằng, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, đó là tòa nhà quan thuế sau này.
Wang-Tai là bang trưởng bang Quảng Đông tại Sài Gòn Chợ Lớn.
Chợ Lớn thời Nguyễn đã phồn vinh rồi.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết như sau:
“Phố chợ Sài Gòn
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông.
Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: Gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có.
Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn.
Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán.”
Sang thời Pháp thì Chợ Lớn là thủ đô lúa gạo, là xứ của những nhà máy xay lúa, chành lúa gạo và ghe lúa gạo.
Trung tâm Chợ Lớn giới hạn trong hai con lộ sầm uất là Phùng Hưng (rue de Paris) và Triệu Quang Phục (rue de Canton)
Người Tàu ở Chợ Lớn thuộc về bốn sắc tộc, bang hội.
-Quảng Đông (Việt)
-Phước Kiến (Mân)
-Triều Châu (Tiều)
-Khách Gia (Hẹ)
Quảng Đông là nhóm đông nhứt và giàu nhứt vì bán buôn.
Nghe tên Quảng Đông lộ (Rue de Canton) thì biết chắc khúc này phần đông là Quảng. Hội quán Quảng Đông (Congregation de Canton) chính là chùa Bà ờ số 30 rue de Cay-Mai (số 710 Nguyễn Trãi)
Người Quảng Đông gọi Sài Gòn là Xấy Cung (Tây Cống) và Chợ Lớn là Thày Ngòn (Đề Ngạn)
Kể ra vài cái lộ ở Chợ Lớn xưa nè: Rue d' Annam (Mạc Thiên Tích), Rue de Marins tức đường Thủy binh (Đồng Khánh - Trần Hưng Đạo B)
Rạch Chợ Lớn chảy từ kinh Tàu Hủ đi lên trung tâm Chợ Lớn.
Hai bên rạch là lộ Quai de Gaudot.
Quai là bến, lộ này có trụ sở nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm. Gaudot là tên của một trung úy hải quân Pháp, chỉ huy một nhóm thủy binh đánh đồn Kỳ Hòa ngày 25/2/1861, sau làm phó quản trị thành phố Chợ Lớn.
Quai de Gaudot sau đó lấp kinh, sau 1955 thành đường Khổng Tử, sau 75 là Hải Thượng Lãn Ông.
Cái lộ sát bên Chợ Lớn cũ, ngay cầu Chà Và xưa tới cầu Ba Cẳng có tên là Rue de Gia Long, nay là đường Trịnh Hoài Đức.
Rồi xề gần cầu Chà Và là hai cái lộ sầm uất, toàn nhà giàu, là trung tâm thương mãi là Rue de Paris (Phùng Hưng), Rue Canton, Quảng Đông Lộ (Triệu Quang Phục)
Cái cầu Ba Cẳng bắt qua rạch Bãi Sậy có một cẳng đi xuống đường Quai de Yunnan, tức Bến Vân Nam (đường Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường, bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Rue de Cambodge (Lộ Miên)
Rue de Cambodge, sau đổi thành đường Kim Biên, chợ Kim Biên vì xưa chuyên chở đồ qua Miên bán.
Kim Biên tiếng Hán Việt là tên gọi của thủ đô Phnom Penh.
Ngẫm ngộ, xưa Việt và Tàu đều coi đất Miên như đất nhà.
Phnom Penh nghĩa sát là Đồi Núi của bà Pênh, Tàu phiên âm thành Bách Nang Bôn 百囊奔, âm Bắc Kinh là Băi Náng Bèn, âm Quảng Đông là Pạc Noòng Pắn.
Rồi từ từ Phnom Penh thành Kim Bôn 金奔, đọc trại ra thành Kim Biên 金邊.
Nên nhớ Nam Kỳ ta còn kêu Phnom Penh là Nam Vang.
“Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước.
Ngó về Sông Trước thấy sóng bủa lao xao.
Anh thương em ruột thắt gan bào.
Biết em có thương lại chút nào hay không.”
Chợ Lớn thời Pháp đã có những tên đường Việt rồi, thí dụ Rue de An Điềm, Rue de Gia Phú, Rue de Gò Công, Rue de Ký Hòa, Rue de Phú Định...
Rue de Gò Công là cái lộ có xe chạy từ Chợ Lớn đi Gò Công.
Rue de Ký Hòa là viết sai của Chí Hòa. Đại đồn Chí Hòa nằm trên đất làng Chí Hòa, Pháp viết sai thành Kỳ Hòa, Chợ Lớn sai hơn khi lập đường Ký Hòa.
Nói Chợ Lớn mà không nhắc tới hai cái đường này là thiếu sót, ngày nay vẫn nghe nói tới khu Nancy, khu Lacai. Đó là đường Rue de Nancy (Nguyễn Văn Cừ) và Rue de Lacaze (Nguyễn Tri Phương)
Rue de Nancy chạy ngang thành Ô Ma, cũng có thể nói là ranh giới Sài Gòn và Chợ Lớn, có thời gian một đoạn là đường Khải Định, đến năm 1955 ông Diệm nhập hai con đường Khải Định và Nancy làm một và đặt tên thành đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ)
Quai de Foukien (Bến Phước Kiến) ở đâu ha?
Lộ này nằm cặp mé kinh Chợ Lớn. Quai de Foukien là đường Trang Tử bến xe Chợ Lớn chứ đâu xa.
À nói luôn nè, khu vực Rue de Paris (Phùng Hưng) là khu bán buôn của bang Phước Kiến, gần đó có miếu Nhị Phủ, có trường Ecole de Foukien (Trần Bội Cơ) của bang này.
Miệt Chợ Rẩy xưa có đường Rue de Tong Kéou nay là Thuận Kiều. Xưa vùng Chợ Rẩy này có chùa bà Dội của gia tộc họ Đỗ mà sau năm 1835 khi vua Minh Mạng trả thù Tả Quân Lê Văn Duyệt thì Tả quân phu nhơn Đỗ Thị Phận về ngụ nơi xóm Chợ Rẩy trong ngôi chùa Bà Dội.
Tức là khúc Chợ Rẩy là đất của bên ngoại nhà bà Đỗ Thị Phận, chùa Bà Dội là chùa của má bà lập ra.
Vào năm 1900, bịnh viện Chợ Rẩy được xây dựng và lúc đó còn mả họ Đỗ, còn chùa Bà Dội là chùa nào tới nay chưa xác định được.
Tong-Kéou dịch sát ra là 东口 Đông Khẩu.
Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam thì Tong Kéou được người Pháp mặc nhiên ghi cho tên làng Thuận Kiều.
Trong cuốn ”Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, năm 1861” Leópold Pallu có chép về vùng Thuận Kiều mà ông này ghi phiên âm ra là Tong Kéou
(Trích)
”Giữa Tong-kéou và thành Kỳ Hòa là 1 vùng đồng ruộng minh mông, thỉnh thoảng mới thấy vài khu vườn trồng thuốc lá.”
Thuận Kiều xưa nằm ở khúc đường Lê Văn Duyệt, tức CMT 8 ngày nay.
Người Pháp phiên âm sai rất nhều địa danh Việt, thí dụ Đất Hộ thành Đa Kao, rồi Thủ Dầu Một thành Fuo Yen Mot, Chí Hòa thành Ky Hoa.
Đọc cuốn ”Nợ đời” của Hồ Biểu Chánh bạn sẽ thấy ông có một chương nói về nhơn vật Mái Chín Ngánh, thí dụ:
“Chú Mái Chín, tuy là chệc khách, mà chú xài đúng hơn mấy ông lớn, mấy ông giàu của mình lắm. Chú gặp em coi bộ chú mết riết. Mai mốt chú lại đây nữa cho mà coi. Thầy kệ, em để đó cho qua lo. Nếu chú mở hơi muốn em, thì qua buộc chú phải sắm hột xoàn, phải mua xe hơi cho em thì em mới ưng. Như em không có mạng làm “Bà lớn”, thì em làm “Bà nhà giàu” cũng được vậy.”
Mái Chín là từ dân lục tỉnh kêu mấy ông Tàu từng học trường trung học Pháp-Hoa Lycée Franco-Chinois biết nói và viết rành Việt-Pháp-Hoa nên họ thường bán buôn, làm môi giới và rất giàu có.
Ông Bình-nguyên Lộc giải thích chữ "Mái Chín” trong một hồi ký như sau:
“Mái Chín là vua của xứ Nam Kỳ mặc dầu họ không có đồng xu vốn nào. Đó là cựu học sinh của trường Lycée Franco Chinois, giờ là trường Bác Ái.
Họ là người Tàu mà biết tiếng Tây cỡ Brevet thì họ là trung gian lý tưởng giữa Tây, Tàu.
Tây nhập cảng hàng hóa nhưng không làm sao bán được tới tay nông dân, chẳng hạn như cây đinh sắt.
Các Mái Chín khoán hết hàng hóa, giao cho các tay phát hành Trung Hoa ở Chợ Lớn, vài tháng sau mới trả tiền.
Vậy Mái Chín, ngoài khả năng nói tiếng Tây, phải được Tây biết mặt và tín nhiệm. Một người Mái Chín có đến hơn 20 ông Mái Chín lon con đi theo học việc, nhứt là đi theo cho ông Tây biết mặt.
Thành thử Mái Chín Sài Gòn ấy chỉ có vài mươi ông, mà hóa có đến mấy trăm ông, bao nhiêu trăm ông đó đủ nuôi sống vài chiếc xe buýt đờ luýt hiếm hoi rồi, không cần khách khác nữa.”
Người Chợ Lớn có một đặc điểm rất Tàu là nhà ở bừa bộn, mất vệ sinh, cũ kĩ.
Họ sống tứ đại đồng đường, trọng cháu trai và con dâu, siêng đi chùa Tàu, thích phong thủy và rất tin vào tâm linh, nhứt là những vị thần phò hộ cho mua may bán đắt.
Đám cưới, đám ma rườm rà, rình rang và tốn kém.
Người Việt có câu:
“Sống phá rối thị trường
Chết chật đường chật xá.”
Nói vui vậy thôi chứ người Hoa Chợ Lớn đã thành người Việt ráo trọi rồi, thành Việt từ lâu vì quyền lợi và vợ con họ gắn bó ở đất Miền Nam này, sống chết và gian khổ, cùng bước qua bao biến cố lịch sử đầy nước mắt của đất Miền Nam này.
Người Miền Nam có ít nhiều dòng máu Hoa trong người, công lao gầy dựng Miền Nam này cũng có người Hoa trong đó.
 
Tác giả: Nguyễn Gia Việt

Xem Thêm ảnh của Bác Ái Hoc Viện :(ST trên mang )

Bác Ái HV ngày nay.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét