12 thg 8, 2022

ẢNH HƯỞNG TỐT HAY LỢI ÍCH CỦA GIÁO DỤC KẾ TỤC ĐẾN NHIỀU ĐỜI CỦA CON CHÁU (Truyện số 72,POTT )


FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

**

Để làm tốt nông nghiệp của ngũ cốc và cây trái việc quan trọng nhất là tuyển chọn hạt giống và nỗ lực bồi dưỡng, cải tạo chúng. Trước hết gieo hạt giống tốt, nuôi dưỡng chăm sóc cẩn thận sẽ được hạt giống tốt hơn năm trước. Nếu mỗi năm đều siêng năng nỗ lực, kết quả tiến bộ sẽ nhiều. Trái lại, dù ban đầu có được hạt giống tốt nhưng chỉ biết gieo hạt mà không chú ý siêng năng chăm sóc, bồi dưỡng, giống tốt cũng dần dần giảm chất lượng xuống, và một khi đã giảm xuống thì rất khó làm hồi phục tốt trở lại.

Con cái của chúng ta cũng tương tự như vậy. Mặc dù là con cái của cha mẹ tài giỏi sinh ra, được bẩm sinh tốt nhưng nếu chúng ta không chú ý dạy dỗ, giáo dục hay sai lầm trong phương cách giáo dục hay do gia phong, nền nếp gia đình mục nát, hư đốn tạo nên các thói quen xấu, phẩm hạnh của con cái sẽ giảm thấp. Đời thứ hai, thứ ba sẽ giảm cùng mức độ, đến đời thứ tư, thứ năm di truyền của đời đầu tiên sẽ hoàn toàn mất đi, chỉ sinh ra những cháu chắt (hậu duệ) yếu đuối và ngu muội. Chứng cớ này có thể thấy được qua sự việc sau. Ở các thế hệ sau của các lãnh chúa, các dòng họ có tiếng (danh gia) và giàu có của thời đại phong kiến có nhiều người bạc nhược, ngu muội của tầng lớp thấp nhất trong xã hội.

Các thế hệ sau của các danh gia có thể như nói trên, ngược lại con cái của các gia đình rất nghèo khó có thân phận thấp hèn, không biết đọc, không biết viết chắc chắn cũng có khả năng thăng tiến lên.

Dạy học cho con cái của các gia đình cực kỳ nghèo khó trong nhiều đời là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, mặc dù thế hệ đầu tiên không thể thành tựu việc học nhưng có thể thoát được tình trạng ngu dốt ban đầu. Nếu các thế hệ tiếp theo được tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng thì đến đời thứ tư khả năng kiệt xuất được học giả tài giỏi không phải là quá khó khăn, tương tự như việc cải thiện phẩm chất loại giống trong nông nghiệp.

Lấy kiến thức y học để đối chiếu sự việc trên. Các chứng bệnh như bệnh trúng phong, bệnh điên, bệnh lao, bệnh cùi được y học cho là do di truyền. Nhưng nếu con cái của những người mắc bệnh chịu khó giữ gìn, phòng bệnh để không mắc bệnh cho đến thế hệ thứ tư, thì có thể nói ảnh hưởng của di truyền không còn nữa.

 Do đó, con cháu (hậu duệ) của người trí tuệ thành ngu đần, con cái của người ngu đần thành người trí tuệ thường phải trải qua 3 hay 4 thế hệ, trừ những trường hợp bị bệnh hay có thương tổn, tật nguyền.

Tiến bộ cũng rất chậm mà thoái hóa cũng rất chậm, nhưng đó là sự thật không sai. Tiến bộ hay thoái hóa đều do ảnh hưởng, thành quả của giáo dục. Do đó, ảnh hưởng tốt và lợi ích của giáo dục không ngừng lại ở đời của người được giáo dục mà còn kế tục, kéo dài đến nhiều thế hệ sau của người đó. Từ đó, chúng ta phải hiểu rằng xã hội của một đất nước tiến bộ hay thoái hóa rõ ràng do quốc gia đó cố gắng hay chểnh mảng nghiên cứu và đầu tư trong vấn đề giáo dục quốc dân.

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

 (*) Nguồn: Truyện số 72 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.


 Mời Xem :

KHẢ NĂNG CỦA GIÁO DỤC KHÔNG NGOÀI PHÁT TRIỂN BẨM CHẤT ĐÃ CÓ SẴN( POTT số 71 )


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét