Tôi bỗng dưng trở thành nơi xả stress của những người bạn già về mẹ họ. Stress buồn có, stress vui có. Stress buồn nhiều hơn stress vui. Stress vui, hàm ý khoe mình còn mẹ, lăng xăng lo cho mẹ thế này, thế nọ. Còn stress buồn, tôi lặng lẽ nghe.
Vũ Thế Thành
Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, để ru mẹ ngủ (Lời mẹ ru – TCS)
Vợ chồng người bạn tôi ở Đức, mới đây “thỉnh” mẹ từ Mỹ sang Đức chơi vài tháng. Lại thu xếp nghỉ phép đưa bà về Việt Nam chơi vài tuần. Quê họ ở Huế. Huế buồn ra rít mấy tháng mưa. Bà cụ muốn đi miền Tây, ngắm vùng sông nước, sông Tiền sông Hậu. Tôi hứng cái “stress vui”của bạn để làm tour guide.
Tôi dẫn họ đi cồn Phụng, thăm chợ nổi Cái Răng, ăn bông điên điển xào tỏi, tép nhảy chiên bột, cháo cá Mỹ Tho… Mẹ bạn cao hứng nâng ly với hai thằng già (non). Vui quá, ngon quá. Bà cụ chín mươi hẹn sang năm đi nữa. “Stress vui” hiếm hoi. Nhà đó có phúc, phúc từ mẹ đến con.
Tôi hứng phải stress buồn nhiều hơn stress vui. Năm kia, tôi đến chùa viếng đám tang mẹ người bạn. Thấy tôi, cô bạn bước vội đến nắm chặt tay, nức nở khóc. Họ tìm thấy ở tôi, người đồng cảnh ngộ, một sự chia sẻ, hiểu (thấu) nỗi đau của họ. Từ khi mẹ mất, tôi chưa bao giờ nói lời chia buồn với những ai mất mẹ. Chia gì nổi mà chia. Hồn ai nấy giữ, đau ai nấy chịu.
Mà đúng là chia không nổi. Khoảng hai tuần sau tôi nhận được tin nhắn của bạn: Thật sự tôi sợ nghe lời chia buồn của bạn bè. Tôi không muốn ở nhà, cũng không có tinh thần đến công ty làm việc. Tôi cứ lang thang đến chùa, ngồi ghế đá, chẳng nghĩ gì được hết. Tôi cũng chẳng muốn gặp người quen.
Bạn tôi là một doanh nhân thành đạt, bận bịu suốt ngày với công việc. Mẹ mất, bỏ hết, lang thang vào chùa tìm mẹ. Mẹ cô ấy bị alzheimer. Dẫn mẹ đi Âu Úc nghỉ hè, biết bao cảnh đẹp, sông thác hùng vĩ, lầu đài tráng lệ, bà chỉ ngồi trầm ngâm với khoảng không của ký ức, nụ cười ngây ngô… Con cái năm sáu đứa, còn không nhận ra, huống gì cảnh đẹp của thế gian. Vậy mà trong ngóc ngách hẹp hòi của ký ức đó, lại gọi tên, lại nhận ra được đứa con đang chăm sóc mình, biết bấu chặt tay nó khi cảm giác bất an vô cớ của tuổi già chợt đến.
Mùa Vu Lan năm đó tôi viết bài Trẻ không chịu nhớ, già mới nhớ, post lên mạng. Cô ấy comment bên dưới …Vẫn giọng văn ấy, anh đã giúp cho tôi thực tình. Tôi vẫn còn diễm phúc được ôm ấp mẹ hàng ngày! Con thật sự sợ đến một ngày… Gió lay. Mẹ rụng… Vài tháng sau, mẹ rụng. Lá đổ ngoài sân rồi!
Chuyện khác gần hơn, chưa quá trăm ngày. Nửa đêm tôi nhận được tin nhắn cộc lốc từ người bạn: Mất rồi! Tuần sau, ngồi quán cà phê, bạn kể, Mệt quá, tôi thiếp đi. Chợt tỉnh, nhớ đến giờ cho bà uống thuốc. Mở mắt, thấy đèn sáng trưng. Tôi nhận ra mình đang nằm dưới sàn nhà, cạnh quan tài. Giọng nói đều đều, vô cảm. Có những nỗi đau thà òa khóc, hay than thở liên hồi bất tận có khi lại dễ chịu hơn cái vô cảm như thế.
Hai người bạn mất mẹ trên đều hy sinh đời sống riêng tư để ở bên mẹ. Đầu tư tình cảm càng nhiều, cảm giác mất mát càng lớn. Vài ba năm chưa chắc đã nguôi, chưa chắc đã tin mẹ mình đã mất thật rồi. Cái lẽ tử sinh sờ sờ ra đấy, ngoài sáu “bó” cả rồi còn gì. Nhưng cái lẽ tử sinh cho chính mình có khi còn dễ chấp nhận hơn cái lẽ tử sinh cho mẹ.
Sau này tôi hỏi họ, có gì ân hận sau khi mất mẹ không. Cả hai đều thở dài hối tiếc, còn nhiều thứ định làm cho mẹ, chưa kịp thì bà mất.
Thực ra, họ đã làm nhiều, rất nhiều cho mẹ họ rồi. Hối tiếc chỉ vì họ nhận thức được, bù đắp biết mấy cũng chẳng vừa với những lúc họ được bế ẵm nằm nôi. Chứ còn tôi, thằng láo lếu, thấy mẹ còn thở, còn ăn, còn nói được là biến ngút ngàn, ham chuyện đời, nhác việc nhà. Tuổi già lá rụng mong manh, chỉ khi bà đau nặng mới biết sợ, đi đâu cũng sợ tiếng chuông điện thoại từ nhà gọi đến. Đâu phải cứ học cao biết rộng là có thể nhận biết được những giá trị mà mình đang có trong tay.
Lá vàng cảm nhận lá vàng, cảm được sự mong manh của đời người. Chỉ khi như chiếc lá vàng, tôi mới ngộ ra điều đó, mới biết hối tiếc. Tuổi già nhớ mẹ như tiếng thở dài nén lại, nhìn nén nhang đang tàn dần như người tri kỷ…
Những đứa con may mắn còn mẹ, về thăm mẹ đi. Con chim già, dẫu ở trong lồng vàng lồng bạc vẫn thấy cô đơn, vẫn mang cảm giác bị bỏ rơi, thừa thãi.
Về đi! Chẳng cần quà cáp, chẳng cần kể lể, chẳng cần phải nói theo công thức Mẹ ơi, mẹ có biết con thương mẹ hay không?. Chỉ cần nắm chặt tay bà thôi. Cái dây nhau cuống rốn ấy vẫn cảm nhận được nguồn sống mà mình đã từng chắt chiu, ôm ấp.
Cảm nhận đến từ trái tim, không đến từ khối óc, từ ngôn từ hoa mỹ, hay từ những con số.
Đừng tính toán thời gian với mẹ mình nữa. Còn nơi chốn để về, về đi!
Vũ Thế Thành, Mùa Vu Lan 2017
(Trích sách “Những thằng già nhớ Mẹ”, tái bản 2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét