16 thg 8, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn - Kỳ 15/8/2022- Ngô Không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn


***

XẵngXẵng ; thô, cứng

(xẵng xớm – ăn nói xẵng)           

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

 - Bố già cất cái “lườm (4) vào túi áo hộ cho.

 4. Nhìn      

 (Thế Giang)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 -“sở: xoay sở → không viết: xở”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 Viết “xở” mới đúng. “Xoay” nghĩa là chạy vạy, tìm đủ mọi cách cho được, có được (như xoay tiền); “xở” là làm, sửa soạn, tháo, gỡ (như xở việc; vội không xở kịp).

Người Thanh Hoá nói:Nhà bác xở cơm chưa? = Nhà bác đã làm cơm chưa?  Giỏi xoay xở. Hết đường xoay xở”.

(Hòang Tuấn Công)

Chữ Việt cổ

 Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…

 Bao dêu: bao nhiêu

 (Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 sởisởi lởi. → không viết: xởi”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “xởi” mới đúng. Nếu xem “xởi lởi” là từ láy, thì “xởi” chính là tiếng gốc. Tuy nhiên, “xởi lởi” là từ ghép: “xởi” = rời ra, tơi ra; “lởi” là biến âm của “lơi” = lỏng, không chặt.

Đại Nam quấc âm tự vị: “xởi lởirời rộng”; Tỏ ra cởi mở, quan hệ tiếp xúc với người khác. chuyện trò xởi lởi với nhau.” 

 Hòang Tuấn Công)

 Ca trù 

Ca là hát, trù là cái thẻ (có thể bằng tre, bằng gỗ hoặc bằng các vật liệu quý hơn).

Theo những tài liệu đáng tin cậy thì ca trù (cũng gọi là hát ả đào) là lối hát bỏ thẻ, trong đó, người nghe cảm thấy chỗ nào hát hay thì ném thẻ thưởng cho người hát (gọi là cô đào).

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 quốc: trứng quốc”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 Chỉ có một dạng chính tả duy nhất: “trứng cuốc(chuối trứng cuốc – chuối tiêu mùa đông khi chín vỏ chuyển sang màu vàng sẫm và lốm đốm như trứng chim cuốc).

(Hòang Tuấn Công)

 Tổ tôm

 Bên cạnh tổ tôm thì phụ nữ, trẻ nhỏ đánh bài tam cúc vì chúng dễ chơi. Người bình dân hơn thì đánh chắn, cũng dùng bài tổ tôm nhưng ít phức tạp, biến hóa như tổ tôm. Ðó là những cỗ bài dân gian khá thịnh hành tại miền Bắc, một nét văn hóa dân gian hơn là cờ bạc. Hay hơn nữa, là thú vui tao nhã và khá trí tuệ như tổ tôm.

 Vì không ít từ ngữ trong những cách đánh bài này đã trở thành từ ngữ của đại chúng. Nào là “thất sách”, “gàn bát sách”, “đi đêm”, “đứt chến”… cũng từ những cỗ bài này mà ra.

 (Những quân bài ngày Tết - Đinh Yên Thảo) 


Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

 Dự các phiên họp, tiếp bạn

Tháng 6.1975, cô Cao Thị Quế Hương trong ban trí vận khu Sài Gòn – Gia Định dắt Nguyễn Kim Thản, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội lại thăm tôi. Nói chuyện với nhau khoảng một giờ về vấn đề giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Tôi tuyên bố rằng đã thôi nghiên cứu về Ngữ pháp hơn mười năm rồi, lúc này chỉ đọc Trung triết thôi.
 
Vài tổ chức văn hóa mời tôi dự các buổi diển thuyết, tôi đều không dự được. Tháng bảy, Hội Nhà văn Giải phóng mời tôi dự một cuộc toạ đàm với hai cán bộ văn hoá cao cấp ở Bắc vô: Thứ trưởng Hà Huy Giáp và thứ trưởng Hà Xuân Trường. Chỉ có năm nhà văn ở Sài Gòn được mời:
Vũ Hạnh, bà Phương Đài, Nguyễn Ngọc Linh…mà tôi là nhà văn duy nhất không nằm vùng.
 
Tôi đưa ý kiến trước hết, yêu cầu chính quyền vạch rõ đường lối văn hóa của Bắc, giải toả nỗi thắc mắc và lo ngại của cả ngàn nhà văn trong Nam – như
trường hợp nhà văn Bình Nguyên Lộc – và nên cho họ biết sớm có thể dùng họ được hay không, nếu không thì họ kiếm cách khác mưu sinh. Ông Hà Huy Giáp có vẻ cởi mở, bảo cứ phục vụ nhân dân là đúng đường lối của chính phủ rồi; nhà văn nào cũng được tự do phát biểu ý kiến, tự do sáng tác theo cảm nghỉ của mình, và những nhà văn như Bình Nguyên Lộc – có lần thách đố học giả miền Bắc – nên yên tâm, không thuộc chính quyền Ngụy thì đừng có mặc cảm gì hết.

Chính quyền theo chính sách đoàn kết và khoan hồng mà! Ông nói thêm: “Dĩ nhiên, những tác phẩm nào không hợp với chủ trương của chính phủ thì chính phủ không dùng”. Ông phàn nàn rằng cán bộ văn hóa Sài Gòn đã đốt nhiều sách viết về văn thơ của ta, cả nhiều bộ tự điển nữa. Tôi hỏi ông: “Trong bộ Văn học Trung Quốc hiện đại, tôi chê cuộc cách mạng Văn hóa 1966 của Mao Trạch Đông, ông nghỉ sao?”. Ông đáp: “Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng Trung Hoa có đường lối văn hóa của Trung Hoa, mình có đường lối văn hoá của mình”.
 
Sở dĩ tôi hỏi vậy vì hồi đó, sở Thông tin Văn hoá thành phố đương kiểm duyệt những tác phẩm của tôi. Kết quả là họ không cấm một cuốn nào của tôi cả, như một chương trên tôi đã nói, chỉ bảo bộ Văn học Trung Quốc hiện đại còn phải xét lại (
rồi họ im luôn); còn cuốn Bài học Iraël thì họ chỉ khuyên các sạp sách cũ đừng nên bày bán. Lần đó họ cấm toàn bộ tác phẩm của 56 nhà văn trong Nam mà họ cho là phản động hay đồi truỵ.

(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)

 Thuở mơ làm văn sĩ

Tôi trao lại chìa khoá xe. rồi tôi nghe tiếng tractuer đi về phía bộ tư lệnh. Tiếng động cơ xe máy chạy ngoài đường, tôi biết giờ tan sở đã đến. Bọn tù quân phạm đã vào cải hối thất, mỗi thằng có một ga men cơm với miếng cá mối nấu nát rưới trên cơm. Trung sĩ Dương Hùng Cường cũng vậy, anh nói với tôi:
- Mày tù mới nên chưa có cơm, may ăn chung với tao.
Tôi uể oải ăn từng miếng cơm…
- Tôi có đọc “Buồn vui phi trường” của trung sĩ. Và cũng đọc cả sách của ông Toàn Phong.

- Trái ngược hẳn nhau đấy mày ạ ! Giữa sách tao với sách ông Toàn Phong. Nhưng tại sao mày lại đọc.
- Tôi yêu vă nghệ, trước đây tôi cũng có vài ba bài được đăng báo

Trung sĩ Dương Hùng Cường cười, đưa tay bắt tôi:
- Thì ra mày là thằng “
mơ làm văn sĩ”, không biết giấc mơ của mày có bền không, riêng tao có lẽ suốt đời.
Tôi nắm chặt bàn tay Dương Hùng Cường:
- Tôi cũng muốn như vậy trung sĩ ạ !

Dương Hùng Cường lắc tay tôi:
- Cứ gọi tao là Dương Hùng Cường hay Dê Húc Càn cũng được, dừng gọi tao là trung sĩ, khi nào “ra khỏi tù” tao với mày sẽ gặp nhau, liên lạc với nhau qua
báo Lý Tưởng.

(Nguyễn Thụy Long)

Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Đầu to, óc bằng quả nho

Tô Thùy Yên

Trong số nhiều và rất nhiều những bài viết ngắn, dài tưởng niệm anh trên báo chí trong và ngoài nước, tôi tâm đắc với “Từng có một nơi hoàn cảnh không thể làm hỏng con người” của nhà phê bình văn học ở trong nước là Vương Trí Nhàn.

Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền Nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người. Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống.

Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực. Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới.

Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ “Ta về” chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975. 

 (Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)

 Góp nhặt phố văn ngõ chữ

 Thầy Đào Mộng Nam

 Tôi thích đọc chữ Nho – tên khác là Chữ Hán, Chữ Tầu – nên năm 1967 tôi mua sách dậy Chữ Nho về tự học. Hai lần tôi tự học Chữ Nho, hai lần tôi bỏ cuộc. Chữ Nho khó tự học quá. Đầu năm 1968 tôi đọc trong mục Rao Vặt của một nhật báo lời rao:

“Học trong hai tiếng đồng hồ có thể tự đọc được Chữ Nho.”

Khoảng 3 giờ chiều một ngày thứ Bẩy tôi đến trường Đức Trí, đường Cao Thắng. Trong một lớp học ở trường này lần thứ nhất tôi gập thày Đào Mộng Nam. Ông trạc tuổi tôi. Chờ ông dậy xong tôi gặp ông, tôi tự xưng tên tôi, kể với ông việc tôi tự học Chữ Nho mấy lần mà đều phải bỏ cuộc.

Thầy Đào Mộng Nam cho tôi một tập bài học chữ Nho in ronéo. Ông hỏi địa chỉ của tôi. Khoảng tuần sau ông ghé nhà tôi. Ông chỉ cho tôi cách đếm nét chữ tìm âm và nghĩa của chữ. Những âm và nghĩa này có ghi ở dưới bài chữ Hán..

Sáu mươi năm qua, nay tôi vẫn nhớ những lời ông nói:

– Anh tự học chữ Nho không được là vì anh phải nhớ nhiều quá. Anh phải nhớ mặt chữ, nhớ âm và nghĩa của chữ. Nay học theo phương pháp của tôi mỗi ngày anh học một bài trong sách. Anh mở sách, tìm âm, tìm nghĩa của những chữ trong sách, dịch toàn bài sang tiếng Việt. Xong anh gập sách, anh đi làm việc khác. Anh quên bài học đi. Hôm sau anh mở sách học tiếp. Bài này có mấy chữ bài trước, và mấy chữ mới. Anh quên, anh xét mặt chữ, tìm âm, tìm nghĩa của nó. Bài học tiếp có một số chữ anh đã học. Hai, ba lần như thế, anh sẽ nhớ. Chỉ cần mỗi ngày anh học một bài. Học một bài cả trong ngày chủ nhật. Đừng bỏ học ngày nào.

 (Hoàng Hải Thủy)

 Đừng tưởng


Đừng tưởng cứ thấp là khinh..

Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to

(Bùi Giáng)

Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

 

Chiều Một Mình Qua Phố

Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím…

 

Ông Trịnh này lạ thật, đêm khuya thì làm gì có nắng, nên có 1 số ca sĩ đã đổi lại thành “có khi nắng mưa chưa lên” cho hợp lý, làm cho câu hát nghe rất khiêng cưỡng và buồn cười.

 

Thật ra đó là một sự ẩn dụ tinh tế của nhạc sĩ. Bài hát có bối cảnh buổi chiều, đường phố chưa lên đèn. Nhạc sĩ ví von đèn đường là một loại “nắng khuya”.

 

Ý nghĩa của hai câu này là mới có buổi chiều, trời chưa tối, đường chưa lên đèn, mà loài hoa quỳnh tím ban đêm đã nở sớm rồi. Trịnh Công Sơn có lẽ bị ám ảnh bởi loài hoa đêm này, nên có hẳn hai bài hát dành cho loài hoa quỳnh là bài Quỳnh Hương và Chuyện Đóa Quỳnh Hương.

 (Đông Kha)

 Ngụy

 Theo từ điển Hán Việt “ngụy” nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo.

Theo triều Minh Mạng thì “ngụy” nghĩa là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn.

Theo tự điển nhà nước XHCN thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996).”

Nguyễn Thị Hoàng Bắc đưa ra định nghĩa chữ “ngụy” bằng cung cách của “phe chính” định nghĩa về kẻ thù, về kẻ chống đối lại mình là “phe tà”! Như vậy, chữ “ngụy” có nghĩa là “tà”, là “giả”, là “nói một đằng, làm một nẻo” đúng như tự điển Hán Việt đã ghi ra.

Những thói tật, cá tính, bản chất như “tà”, “giả”, “nói một đằng, làm một nẻo”, đó là những nền tảng căn bản của con người chủ nghĩa! Những thành tích bắt con đấu tố cha mẹ, cải cách ruộng đất, tuần lễ vàng rồi sau đó là nhân vật tiêu biểu uy tín Nguyễn Hữu Đang bị tù đày trên ba mươi năm, những kế hoạch “năm năm” hứa một đằng để sau hơn một phần tư thế kỷ thống nhất đất nước, đất nước càng phân hóa và trì trệ là do chính quyền đã làm một nẻo! Những chuyện vừa “tạm kể” trên, nếu không “tà”, không “giả” thì là gì?

(Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Trần Nghi Hoàng)

Con ve sầu và con kiến


 

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15 tháng 6 năm 1882, tại Hà Nội nhưng quê ở phủ Thường Tín, tỉnh Hà Ðông và qua đời vào ngày 2 tháng 5, năm 1936 nghe đâu trên một con thuyền độc mộc ở dòng sông Tchépone bên Lào vì bệnh sốt rét ác tính.

 Ông mất để lại 2500 tác phẩm đủ lọai (trước tác, biên khảo, ký sự, tiểu thuyết, hài kịch, thơ, v…v…) đăng rải rác trên báo chí. Riêng về dịch thơ, không ai không biết ông dịch “thần sầu” bài Con ve sầu và con kiến La Fontaine



Ve sầu kêu ve ve,

Suốt mùa hè.

Ðến kỳ gió bấc thổi,

Nguồn cơn thật bối rối.

Một miếng cơm chẳng còn,

Ruồi bọ không một con.

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị Kiến hàng xóm,

Xin cùng chị cho vay,

Dăm ba hạt qua ngày.

“Từ nay sang tháng hạ,

Em lại xin đem trả.

Trước thu, thề Ðất Giời!

Xin đủ cả vốn lời.”

(Viên Linh)

 Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Hãy cứ chơi cho hết đời trai trẻ,

Để về già lặng lẽ đạp xích lô.

 Thơ say

 Nguyễn Tuân nổi tiếng là ở mấy tập tùy bút, bút ký chứ không thấy ông làm thơ. Đôi khi trong các bài viết của ông cũng thấy có xen vào một vài câu thơ như: 

 

Những ngày Thanh Hóa

Đến đây là đỉnh đèo Ba Dội
Cạn chén đưa anh một chén đầy
Trước mắt bây giờ là bỏ cả
Chung quanh chỉ một con tàu say

 Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

 Yêu nhau vì sinh lý, quý nhau vì đồng tiền.

 177 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 rần Dần



(tập Thơ Trần Dần)

 

Cũng đúng vào thời gian này Trần Dần tự tiện lấy vợ, bất chấp sự can thiệp của đảng. Mặc dù là đảng viên nhưng bản chất nghệ sĩ đã khiến cho ông không chịu nổi luyến ái quan Mác-xít, nên thẳng tay từ chối nhiều lần đảng xây dựng cho ông với các nữ đồng chí khác. Sau cùng ông đã xin ra khỏi đảng để lấy cho kỳ được người thiếu nữ mà ông yêu. Việc dại dột nhất của ông là viết bài phê bình và đả kích tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, nhân vật cầm trịch và đứng ở hàng chót vót của giới văn nghệ miền Bắc.

Thế là ông đã đụng đến cái vẩy ngược của thú dữ, nên bị bắt giam ở một nhà giam trên Việt Bắc, trong khi bà vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa, mà toàn bộ gia đình bên vợ đã di cư vào Nam.

Có thể nói Trần Dần mới chính là linh hồn của nhóm Nhân văn, ông đóng góp bài cho tất cả các số báo Nhân văn, với khá nhiều bút hiệu mà trong đó bài thơ quan trọng nhất là "Nhất định thắng" ký bằng tên thật của ông, khiến cho người đọc cảm nhận như đây không hẳn là thơ, mà là lời tuyên chiến của ông đối với bọn giả hình đang chễm trệ trên đầu quần chúng.

Vốn là kiện tướng của cả nhóm, trong cuốn Ghi của ông, người đọc thấy đủ những đắng cay nghiệt ngã ập đến với ông trong thời gian bị kỷ luật. Từ hành xác, cho tới uy hiếp về tinh thần, ly gián ông với các bạn trong nhóm, khiến người nọ ngờ vực người kia. Đã có lần ông phẫn chí tự tử, nhưng sau khi được cứu sống ông đã cho biết ông phải sống để làm thơ ca tụng con người.

Và quả là trong cuốn Ghi, người đọc đã nhận biết được ông đã sống như thế nào. Trần Dần không phải là loại người thúc thủ chịu đòn, ông nghiến răng chịu đựng những trận đòn thù, nhưng thỉnh thoảng cũng có những đòn phản công ngoạn mục. Ông không hề mất tinh thần vì bị vây đánh từ tứ phương tám hướng. Khi người ta muốn ông phải cúi gằm xuống để sống, ông ngước mặt lên chịu đựng, nhìn đời và sống như thể một con người.

 Câu chuyện Nhân Văn – Hoàng Khởi Phong)

 Nói lái trong văn học với bà chúa thơ Nôm

Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo
.

(Quán khách)

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Ả đào


Nhân nói đến xóm chị em, chúng tôi nhớ đến bạn Hoàng Tích Chu, chủ báo
Đông Tây, vốn không biết nghe hát và đánh trống nhưng hay lui tới nơi đây, chỉ vì quen thân với bà Đốc là chủ nhà hát ả đào xóm Khâm Thiên, cũng là người không từng biết xử dụng đến sênh phách. Giai thoại rằng:

Họ Hoàng giơ roi chầu vừa đánh bốn tiếng trống dạo ý nói :

Đông Tây! Đông Tây!
Bà Đốc gõ dịp phách như đối lại:

Vắng Khách! Vắng Khách!

Câu đối dí dỏm ở chỗ dùng
khách là khách hàng hay chú khách đối với tây là phương tây mà cũng là người Pháp;

Đông là phương đông, dùng nghĩa đông là trạng từ (đông đúc đông đảo) để đối lại bằng chữ vắng, thật là đột ngột .

 

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)

Xanh om

 Hồ Xuân Hương có câu thơ:
"Xanh om cổ thụ tròn xoe tán".

Xanh om là xanh thế nào? Xanh om có phải là xanh um không? Xanh om có liên hệ gì với tối om chăng?

 Từ, muốn biết nghĩa chính xác, thì tra từ điển.

Tra xong Ðại từ điển tiếng Việt: không thấy xanh om.(1) Lật tìm xem các loại màu xanh được định nghĩa trong sách ấy. Lạ, sách dày gần 2000 trang khổ to, chứa hơn 120000 mục từ, mà xanh bệch, xanh bợt, xanh chành, xanh lướt, xanh mái, xanh mịt, xanh nghít, xanh mởn, xanh muốt, xanh mướt, xanh mượt v.v. ở đâu?

Bỏ xanh, tìm đỏ. Thêm lạ: đỏ bầm, đỏ choét, đỏ dòi dọi, đỏ hau, đỏ hắt, đỏ hây, đỏ hực, đỏ ké, đỏ mọng, đỏ ngòm, đỏ ngòn, đỏ phừng, đỏ rợ, đỏ sọng, đỏ tấy, đỏ thén, đỏ xuộm v.v., nào thấy. Ô hay, đỏ xanh quen thuộc hóa "vết chim bay" (2) bao giờ vậy?

 Tiếng nói là một biểu hiện cơ bản của văn hóa. Tiếng nói nào có từ vựng phong phú, người nói thứ tiếng ấy hẳn lấy làm hãnh diện. Việt ngữ, gần một thế kỷ từ ngày Hội Khai Trí Tiến Ðức sơ thảo Việt Nam tự điển, vẫn chưa thấy có một công trình đích đáng ngôn ngữ dân tộc...

 (1) Ðại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên.

(2) Thơ Phạm Thiên Thư.

(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Chữ là nghĩa

 

cho dù số phận có long đong

anh vẫn yêu em trọn một lòng

ít nhiều thể hiện mình em biết

tiền tài, danh vọng cũng bằng không

Tống quân Nam-phố


Vùng Nam-hạ (Nam Định), xưa có một ông buôn đồ cổ, sưu tầm được nhiều bộ ấm chén rất quý. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên, song học đã sôi kinh nhưng chửa chín ... May gặp lúc Cognac tuy chỉ là giám đốc y tế nhưng có quyền to lại sành đồ cổ, ông mượn người đánh tiếng, rồi khi cái bát Khang Hy, khi đôi bình Ung Chính, chẳng bao lâu ông được vào chốn quyền môn. Ông được ân sủng đến nỗi một ngày kia có nghị định bổ đi tri huyệ miền trung dụ. Tuy ông đã được đi làm quan, nhưng vì không đổ đạt gì, nên đám sĩ phu có người gọi mỉa ông là "huyện chén", do đó thành tên gọi thường ngày.

Làm quan vài năm, ông bị chứng sốt rét ngã nước mà bỏ mình. Khi đưa linh cửu về an táng ở thành Nam, một ông bạn nhà nho viếng bốn chữ : Tống quân Nam-phố (tiễn đưa ông ở Nam-phố)
Ai đọc cũng phải chịu là hay, vì lấy chữ sẵn trong Sở-từ nói lên được lòng tha thiết tiễn bạn, lại màu được chữ Nam-phố với thành Nam. Mãi sau mới có người vạch ra cái ẩn ý của người viếng. Bốn chữ này không hàm một ý gì tiễn đưa mến tiếc, chỉ là móc cái chỗ xuất thân của ông huyện : thì trong bộ đồ chè nào chẳng có một chén tống và bốn chén quân, mà ông huyện nhà ta vốn lại có tên huyện chén ở khắp phố thành Nam !

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

To... nhỏ

 

Trên một con đường rất to có một ngôi nhà rất nhỏ.

Trong ngôi nhà rất nhỏ có một cái giường rất to.

Trên một cái giường rất to có một người đàn ông rất nhỏ.

Trên người đàn ông rất nhỏ có một cái quần rất to.

Trong cái quần rất to có một cái gì nho nhỏ.

 

Cái nho nhỏ đó là...cái bật lửa

 Chợ cứt

 Chợ cứt làng Kẻ Noi có từ năm 1986 trên bãi đất hoang. Để có cứt mang về chợ, những chàng trai làng Cổ Nhuế với chiếc xe đạp thồ cùng hai chiếc sọt được lót lá chuối đã miệt mài đi tìm cứt khắp nơi đem về bán phiên chợ đêm.

 Trên những con đường Hà Nội, ngay từ xa bắt gặp những chàng trai quần xắn móng lợn, đầu đội nón cối, áo bộ đội bạc màu. Chàng cắm cúi đạp xe với 2 thùng 2 bên, cây sào chọc cứt dài 2 thước với một đầu là chiếc gáo hình nón bằng tôn, chàng đi đến đâu, người dân bịt mũi dạt ra đến đấy. Đó chính là chàng trai Cổ Nhuế đã lừng lững đi vào văn học: Thanh niên Cổ Nhuế xin thề - Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương.

Chợ cứt không đông, chỉ có ba bốn chục người vừa mua vừa bán. Họ vốn đã quen biết nhau, đều bán mua, mua bán âm thầm. Không có ai nói to tiếng hoặc mặc cả như ở các chợ khác. Hoàn toàn im lặng và câm nín. Họ họp chợ từ hai ba giờ sáng, khi trời đất còn tối tăm. Dù có đốt đèn đốt đuốc họp chợ cũng chỉ mờ nhân ảnh, người người âm thầm, lầm lũi đi lại trong bóng đêm như những bóng ma.

 Văn hoá nhậu: Gặm xương

Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án.

Ta nên bắt đầu từ chỗ nào?


Phải
gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi.

Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo.

(Ngã thuật nhi bất tác - KT)

Thân gái mười hai bến nước

Mười hai bến nước thường được cho là mười hai con giáp, tức là thập nhị địa chi, hoặc là: công, hầu, khanh, tướng, sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục (hoặc nho, y, lý, số, bốc). Đây thực ra chỉ là suy diễn để tìm đủ thành phần sao cho khớp với con số 12 mà thôi.

Lời giảng của Huỳnh-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, theo chúng tôi, có nhiều phần hợp lý hơn:

“Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Tiếng nói mười hai bến là nói cho vần”.

Sự phát sinh của con số 12 ở đây, theo chúng tôi, là do khó khăn ngôn ngữ mà ra.

Sự thể có thể đã là như sau: Hai danh từ “bến” và “thuyền” vẫn được dùng để chỉ người con gái và người con trai trong quan hệ đính ước, hẹn hò (Thuyền về có nhớ bến chăng; Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền). Từ cách dùng này, “bến” lại được dùng để chỉ số phận của người phụ nữ trong nhân duyên. Nhưng trong kinh điển Phật giáo cũng có một từ đồng âm là “nhân duyên” dùng để chỉ cái nhân tạo ra những cái quả cho kiếp sau và theo kinh điển thì có “thập nhị nhân duyên”.

Do cách hiểu theo từ dân gian nên người ta mới đánh tráo thứ nhân duyên của đời thường vào chỗ thứ nhân duyên của nhà Phật mà diễn nôm thập nhị nhân duyên thành “mười hai bến nước”. Chính vì vậy mà không thể nào tìm ra được đến mười hai bến nước cho phụ nữ. Bất quá chỉ có hai bến (bến đục, bến trong) như Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã viết.

 (Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)

 

Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

 

Muốn giàu nuôi cá,

Muốn khá nuôi heo,

Muốn nghèo… nuôi gái

“Ba Tàu” huyễn sử

Rồi bẵng đi một thời gian, không biết từ bao giờ, người Việt thôi gọi họ là người Ngô. Khi người Mãn Châu xâm lược chiếm được Tàu, xóa bỏ triều đại nhà Minh để dựng lên nhà Thanh, nhiều quan lại, tướng lãnh, binh sĩ và dân chúng của nhà Minh bỏ nước chạy đi tỵ nạn. Các nhóm dân tỵ nạn này vào nước Việt ta được gọi là người Hoa (tức người Tàu).

Các chúa Nguyễn chỉ định cư trú cho họ. Những nơi họ sống quy tụ thành làng mạc được gọi là Minh hương (làng của người nhà Minh). Nếu người Việt có nói từ “người Minh hương” là chỉ người dân trong các làng ấy, nhưng gọi chung họ là người Tàu hay người Hoa.

Trước năm 1975, người Hoa ở Việt Nam thường được gọi bằng hai từ “Ba Tàu” và “Các chú”. Đã có người thắc mắc về cách gọi này, và cũng đã có nhiều người tìm lời giải đáp nhưng xem chừng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho từ Ba Tàu.

(Thiếu Khanh)

 Qua với bậu

 

Nguồn gốc qua, bậu là Nam kỳ, là từ tiếng Triều Châu, tiếng Nùng, Thái… ?

Nói 2 tiếng qua và bậu là tiếng của địa phương xứ Nam kỳ hay do bắt chước theo cách phát âm của tiếng Triều Châu vì người Triều Châu sanh sống ở vùng đất mới này khá đông đảo, lẩn lộn với người Việt nên ảnh hưởng qua lại là bình thường.

 

Nhưng người ta bắt gặp rất phổ biến 2 tiếng qua và bậu trong nói chuyện, trong câu hát của người dân miền Trung, từ Quảng Nam trở ra tới Quảng Bình và từ thời chúa Nguyễn (1602), nghĩa là trước khi người Triều Châu từ bên Tàu qua và xuống Bạc liêu lập nghiệp, làm rẩy, “dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu

Câu ca dao sau đây mang rất đậm nét địa phương và thời điểm :

Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng 

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...  

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng

 

Hòn Kẽm, đá Dừng là hai địa danh đèo heo, hút gió tận thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam. Ngày trước, để ngược dòng lên đây, từ Hội An là nơi đô thị trên bến, dưới thuyền, nếu đi thuyền, người ta phải mất cả tháng trời chèo chống. Và người Quảng Nam có lẽ ít có ai mà không biết vùng đất hẻo lánh kia cùng câu ca dao buồn tênh này (theo Lê Minh Quốc) .


(Nguyễn thị Cỏ May)

 Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ

Cách khoảng mười căn nhà, bên trái có một con hẻm lớn, nổi tiếng nhất vùng Tân Định – Đa Kao.

Đó là hẻm xóm Vạn Chài.

Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ. Mỗi lần có hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng kết quả chẳng đi đến đâu, vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia Định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, chằng chịt..

Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm hiệu trưởng.

Ra khỏi hẻm, quẹo trái là ngay rạp hát Văn Hoa.

Rạp hát này đã từng một thời là một rạp hát sang trọng của Sài Gòn vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngõ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi.

(Trần Đình Phước)

Thành ngữ tục ngữ

Chân ướt chân ráo

Thành ngữ này do phong tục rước dâu ngày trước tạo nên. Khi cô dâu bước chân về nhà chồng, mẹ chồng ra đỡ nón cho cô dâu, nhúng chân cô dâu vào một chậu nước để rửa (trong chậu có bỏ mấy đồng tiền ngầm chúc tiền của sẽ vào như nước).

Sau đó, cô dâu phải bước qua một chậu than hồng (để trừ ma quỷ) trước khi vào buồng.

Thành ngữ này có nghĩa là : thời gian chưa lâu

(cô ấy mới chân ướt chân ráo về nhà chồng).

Thành ngữ tục ngữ sai

Chuồn chuồn đạp nước 

Chuồn chuồn bị rơi xuống nước đạp mãi cũng không bay lên được, cũng như con người yếu đuối làm mãi việc gì cũng chẳng xong, dân gian có câu: “làm như chuồn chuồn đạp nước bao giờ mới xong”.

 

Dân gian gọi “Chuồn chuồn đạp nước” để chỉ hành động việc làm lớt phớt, qua loa, đại khái của ai đó. Tuy nhiên, nghĩa đen không phải như Nguyễn Cừ giải thích.

 

Gọi là chuồn chuồn đạp nước nhưng thực chất là nó chấm cái đuôi vào cánh bèo, hoặc chiếc lá trên mặt nước (nên còn có dị bản: Chuồn chuồn chấm nước; Chuồn chuồn lẹo nước) mục đích để đẻ trứng trên đó, chứ không phải “chuồn chuồn bị rơi xuống nước”. Ấu trùng chuồn chuồn sống trong bèo, rong rêu, trưởng thành sẽ lột xác hóa thành chuồn chuồn.

 (Hoàng Tuấn Công)

 ***

 Phụ đính I

 Chân dung hay chân tướng nhà văn


Phải chăng vì những oan hồn đó, sau này trên giường bệnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường làm những câu thơ đậm chất “tâm linh”:
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.


Hoặc:
“Nợ người một khối u sầu
Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi …”


Cũng trên giường bệnh, trả lời nhà báo, ông thành thực:
“Nhà văn phải nói lên sự thật…”. Qúa đúng, với ông , trước hết là sự thật về cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân ở Huế.

 

Nhà thơ Xuân Sách có lẽ hiểu khá thấu đáo Hoàng Phủ Ngọc Tường nên đã hạ bút:
“Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi
Cái nợ lên xanh giũ sạch rồi
Cửa Việt tung hoành con sóng vỗ
Sông Hương lặng lẽ chiếc thuyền trôi
Sử thi thành cổ buồn nao dạ
Chuyện mới Đông Hà tái nhợt môi
Từ biệt chốn xưa nhiều ánh lửa
Trăm năm ông phủ... Ngọc Tường ơi

 

(Nhật Tuấn)


***

 Phụ đính II

 Chữ nghĩa làng văn

 Hồ Dzếnh - 1

 Cuộc gặp gỡ nhiều ngày với Hồ Dzếnh ở Sài Gòn cho tôi hiểu anh thêm. Chúng tôi có đủ thời gian cho những chuyện tâm tình.

Cũng trong cuộc gặp gỡ này tôi mới biết trong sâu thẳm tâm hồn, Hồ Dzếnh có một vết thương khó lành và không đáng có. Dù anh đã có một chỗ đứng trong văn đàn Việt Nam, anh vẫn luôn cảm thấy có sự phân biệt: anh là nhà văn, nhưng là nhà văn người Tàu, hoặc tử tế hơn: nhà văn gốc Hoa.

 (Vũ Thư Hiên)


Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933) ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông Hồ (sau đó cha ông bị tù). Trong thời gian dài, sau làm vụ trưởng vụ lễ tân bộ Ngoại giao, vụ trưởng trong ban kiểm tra trung ương đảng.

 

Ông là một trong những nhân vật của Vụ án xét lại chốngng đảng. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày được xuất bản, tiết lộ một số bí mật của vụ án này. Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ án xét lại chống đảng, ông bị chính quyền bí mật bắt và giam cầm sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó.

Chữ nghĩa làng văn

Hồ Dzếnh - 2

 Theo thống kê không mấy chính xác, năm 1978 và đầu năm 1979 đã có hai vạn rưởi người Hoa vượt biên giới phía bắc để trở về Trung Quốc. Nhà nước Trung Hoa đỏ đặt tên cho nó là “nạn kiều”.

 Tất cả bắt đầu bằng một tờ truyền đơn giả mạo tựa hồ của chính quyền Trung Quốc kêu gọi người Hoa mau mau trở về tổ quốc để tránh một cuộc “tắm máu” sắp xảy tới. Tờ truyền đơn do một tên vô danh tiểu tốt trong đảng cộng sản VN ở Quảng Ninh học tiếng Trung ở Nam Ninh (Trung Quốc) thảo ra, dưới sự khuyến khích của tên quan thầy nắm công tác tổ chức ở trung ương.

Tác giả tờ truyền đơn về sau leo lên một trong những chức vị cao nhất trong hệ thống nhà nước. Công lao được ghi nhận của y là đã xua đuổi được hàng vạn người Hoa ra khỏi Việt Nam mà không tốn một viên đạn.

(Vũ Thư Hiên)

Phụ chú: Ở miền Nam sau 75 cũng có kế họach tương tự

“Đi bán chính thức” với người Hoa.

(Vũ Thư Hiên)

 (xem tiếp kỳ tới)


 Mời Xem :

 

Chữ nghiã làng văn (Kỳ 1/8/2022 ) - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét