19 thg 8, 2022

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Chuyện Con Đố Ngư

 

                                 Cõi người ta (1) – Tranh: Thanh Châu

       Trôi nổi đầu ghềnh cuối bãi bấy lâu, tôi về hưu cũng đến cả mấy năm, vậy mà chẳng có dăm ba chữ lơ mơ lỗ mỗ để vấn an bạn già, nghĩ cũng tệ. Nay dọn về cái tỉnh lỵ vắng gió đìu hiu với mười lăm ngàn dân này, đầu đường cuối ngõ chỉ có mươi gia đình người đồng hương, với gần hai chục người như cá trong ao, mắt trắng dã như phường mù dở, nên chẳng bù khú được với ai. Một ngày như mọi ngày, đi ra đi vào đụng đống sách báo, trơ mắt chẫu gặp mấy bài viết như: “Làng mạc Việt Nam”, “Nghề in đời Lý”, “Tranh Hàng Trống”…Tôi cũng chả hiểu sao họ rị mọ những thể tài cổ quái ấy để viết, khô khan đến nhức đầu chóng mặt, phiền một nỗi là nào ai đọc? Rồi một sớm một chiều lại xếp xó trên kệ sách chỉ tổ cho lũ mối, lũ mọt nó gậm, nó nhấm.

       Buồn tình, tôi đi tản bộ và bước từng bước thật chậm để thời gian đừng qua mau. Đang ở cái tuổi vào thu nên ngậm ngùi với “Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ cộng tri thu” để nay tôi mới ngộ ra là chỉ một chiếc lá rơi cũng đủ báo cho người ta biết mùa thu đã đến. Rồi lân la ra cái thùng thư thì nhận được thư bác, bèn pha một bình trà, lững thững ra vườn ngồi thu lu bối rối nhìn trời nhìn đất với giấy ngắn tình dài, thư bất tận ngôn. Khỉ gió gì đâu chẳng biết nữa, bạn già viết…dài chỉ có bốn năm hàng và hỏi tôi về…con đố ngư. Ngán ngẩm vì chẳng có gì để tiêu pha thì giờ, được thể tôi mò mẫm vào tàng kinh các, tức cái kệ sách trong tủ quần áo tra cứu thư kinh xem cái con của nợ này là giống gì? Ắt hẳn là một loại cá hồi vượt vũ môn về thăm quê cha đất tổ…ở bên Tầu thì bắt gặp một sấp giấy mỏng cũ sỉn đã vàng ố có mươi lỗ rách bằng hạt gạo.

        ****

        Bỗng khi không cả một chuỗi thời gian của quá vãng hiện về…

        Thoáng như gần bốn chục năm trước, cái ngày mà tôi chân ướt chân ráo qua đây ở một thành phố lớn cũng như cái tỉnh lỵ này, vắng như chùa Bà Đanh với mươi ngàn người tỵ nạn, quán xá chợ búa đếm trên đầu ngón tay không ngoài vài tiệm “chạp phô” của người Tầu có mặt từ thưở nào, không chừng từ thời họ sang đây đi tìm vàng, làm đường xe lửa còn rơi rớt lại cũng nên. Tiệm bán đồ khô, gạo và…sì dầu bé bằng mắt muỗi, nói cho ngay mãi mấy năm sau người Việt mình mới có tiệm phở…tại gia, và chỉ mở hai ngày thứ bẩy chủ nhật loe ngoe vài cái bàn cái ghế, thưa bác.

       Một ngày cuối tuần xuống phố ghé một tiệm chạp phô quen thuộc. Tôi thấy trên quầy bầy dăm cái băng nhạc thâu lại, mươi sách truyện cũ trước kia được “phô tô cóp py”, bọc giấy dầu cho thuê, cho mướn. Hiểu theo nghĩa là chưa có báo chợ, báo chùa gì sất. Lóng ngóng thế nào mắt tôi va vào một sấp giấy mỏng đánh máy bằng máy chữ cổ lỗ sĩ Remington thì phải của ai đấy mang qua đây trước hay sau cái ngày đổi đời, thực tình tôi không biết. Chỉ biết rằng nó hơi cũ, có vài ba đốm chấm nâu đen li ti…

       Thế là nhìn trước nhìn sau không có ai, tôi thủ vào túi áo lạnh mang về đọc cho đỡ buồn với cái sầu lữ thứ cho qua ngày đoạn tháng. Sấp giấy ấy, nay vẫn còn đây…Nhờ đi tìm con đố ngư cho bạn già một sớm hai sương tôi đã gặp lại nó. Thế đấy…

       Ngày trời tháng bụt, tôi lại lẩn thẩn đến con cháu mình sống ở đây chỉ biết cái điện thoại, cái TV, cái máy vi tính, chẳng biết đánh khăng đánh đáo là gì. Nay tuổi già bóng xế, bác cũng như như tôi cứ ru rú trong nhà như con gián ngày, nếu không dính chặt mắt vào cái máy móc hiện thực, hiện đại thì cũng vất vưởng đằng góc vườn với “hà tất thành sầu với cỏ cây”. Thế nên dán mắt vào với mấy trang giấy, vẫn chưa đọc được chữ nào, lại loay hoay đến bác nay đã cáo lão về hưu. Bác thì một bụng đầy chữ, mà với chữ “hưu” thì trong chữ Hán hình thành ở chữ “nhân” và chữ “mộc” mà ra. Cây với cỏ, già cả rồi cũng nên, trong đầu tôi cứ vật lộn với cái màn ảnh TV hôm nào và…cây cổ thụ. Mà rõ ra cây cổ thụ có thật đấy bác ạ, chẳng phải “hư cấu” đâu, thưa bác.

       Mới đây, một buổi chiều không nắng cũng chẳng mưa, bật cái máy truyền hình lên, tôi vô tình được xem một khúc phim tài liệu về “Cây cổ thụ 5.000 năm”…:

       Khởi đầu, trên màn ảnh hiện lên một bài thơ thật dài, dài lắm, cùng ý từ cao siêu, khó hiểu về…một cây cổ thụ. Dường như họ muốn gửi gấm một “thông điệp”, một ẩn dụ nào đó khác nữa, chữ Tây chữ u tôi mít đặc nên không hiểu nổi. Nếu không như vậy thì chẳng ai rỗi hơi bòn mót chữ nghĩa, lao tâm khổ sức về một cái cây không tên, già khú đế, chẳng biết sống chết lúc nào.

      Xong, màn ảnh chiếu từ xa bóng dáng cây cổ thụ, trong một buổi sáng có nắng vàng trời xanh mây cao. Cảnh thật đẹp và hùng vĩ, vừa bao la vừa cô quạnh của một thân cây chơ vơ, lạc lõng trên một ngọn đồi hoang vu. Chiếu gần hơn chút nữa, thật rõ nét, những khúc rễ chằng chịt, mốc meo, sần sùi bám vào mảnh đất khô cằn. Có một nhánh cây gẫy khúc bị sét đánh tự hồi nào, gần như cháy đen, nhưng vẫn còn đang đâm chồi cùng những nhúm lá tươi non, mảnh mai trước gió. Sau đó, họ từ từ giải thích tuổi thọ qua những lớp lõi cây, chồng chất cùng những năm tháng.

       Trở lại cuốn phim tài liệu, lúc đầu, họ dàn dựng cây cổ thụ trong một buổi rạng đông rực rỡ, huy hòang của thời cổ sử. Gần hết phim, nắng quái chiều hôm, dưới gốc cây, người nhạc sĩ mù da đen với chiếc dương cầm, âm hưởng của dòng nhạc cũng chìm dần trong hư không…Một hàng chữ chạy chầm chậm từ dưới lên trên, họ cho biết:

      Vì cây cổ thụ là một sử kiện, một chứng tích, nên cần được lưu giữ và bảo tồn vì vậy họ cáo lỗi không cho biết thêm về cội nguồn như tên gì và ở đâu…

       Không nói bác cũng biết, cuốn phim chấm dứt bằng một chữ: “Hết”.

       ***

       Bác cho là “hết” chuyện, riêng tôi thì không vì tôi hay suy nghĩ lăng quăng, tôi chỉ nghĩ cây khô chết thì có mọt, có mối vậy thôi. Bằng chứng là anh em họ hàng đi cải tạo, ăn mối chúa như ăn ngóe là thế đấy. Ngồi bên cạnh tảng đá thô nhìn trời nhìn đất, như con cá nằm trong rọ, con cua cái ốc nơi xó đồng, cũng như bác, tôi đang phong kiếm quy ẩn nên càng cảm thấy trống vắng hơn. Bác như nhăn mặt, lắc đầu: “Lại tính nhồi nhét gì nữa đây?”. Thực tình cũng có đấy, đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật của tôi lúc này là đeo theo nhà Phật với nhân và quả. Số là tôi vừa mới chỉ gieo hạt trồng cây năm nào dọn về đây, năm rồi tàn lá đã sum suê, cũng có chút bóng mát. Năm nay tôi trông ngóng những búp hoa vào mùa xuân tới ở cái cành khẳng khiu lấm tấm những hạt sương mai ngay đây…Ấy đấy, trái gió trở trời với hoán chuyển giao mùa, cũng lắm khi có những nụ hàm tiếu muộn màng, ai biết đó là đâu. Thôi thì bác hãy cùng tôi thong dong với ngày trời tháng bụt, đợi tôi bắc thêm cái ấm nước pha bình trà cái đã nha, thưa bạn già.

       Nói cho ngay, tôi đang lây lất qua chuyện người chuyện ta với quyển “Con đường thiên lý”, lược truyện cuộc hành trình vạn dặm nơi đất khách quê người của cụ học giả họ Nguyễn. Được gọi là lược truyện, ấy vậy mà để hình thành quyển sách không thôi cũng đã kéo dài 40 năm. Xin thưa với bạn già một lần nữa: 40 năm rõ mười đấy. Bằng gần khoảng thời gian cùng một lứa bên trời lận đận của bác và tôi có mặt ở nơi chốn này. Hay là hãy mời bác sơi chén trà đầu ngày trong sương sớm, rồi tôi sẽ hầu chuyện với bác ngay đây. Loanh quanh thì cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện ấy thôi…

       ***

       Tất cả một chuỗi hoài cổ, hoài cố nhân được nhốt vào cũi ký ức, nhấm nháp từng mẩu một được cụ Nguyễn gom góp vào thành một thiên ký sự để trình làng. Nhưng bởi nhẽ cụ biết người đọc thờ ơ với sử liệu, sử kiện, nên không có những chú thích, trích dẫn hay thư mục tài liệu tham khảo, vì vậy nếu có ai đó tìm đọc được thì cứ mò mẫm như “lạc đường vào lịch sử”. Phải đợi đến ông Trần Đ. Phong, ông là ai tôi chẳng hề hay biết. Tôi nhẩm chừng ông viết tiểu luận này để lấy cao học từ bên nhà thì phải. Cũng có thể ông là chuyên gia về bang giao quốc tế đã có mặt ở đây từ thập niên 50 hay 60, sưu khảo tài liệu này kia để viết tiểu luận “Liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam giữa thế kỷ 19” gần ba chục trang nặng về tiểu sử và quá trình của sứ thần Bùi Viện.

       Riêng phần phụ đính thiên ký sự “Con đường thiên lý” của cụ Nguyễn thì tất cả bằng vào sự tình cờ, trong một ngày gío hanh mưa phùn trên đất Bắc xưa cũ và tôi quơ cào chữ nghĩa để lọt sàng xuống nia như thế này đây, thưa bác:

       “ Vào khỏang đầu thập niên năm 1930, lúc học trường Bưởi tại Hà Nội, đồng môn với cụ Nguyễn là cụ Trần Văn Bảng. Trong một lúc vui bạn vui bè, kể cho cụ Nguyễn nghe về ông em ruột tổ phụ của cụ Bảng, ông Trần Trọng Khiêm, quê ở làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, sinh năm Tân Tỵ 1821, tức năm Minh Mạng thứ hai, đã đặt chân đến Hoa Kỳ năm 1849 và ở đấy bốn năm.

       Năm ông 23 tuổi, vợ của ông Khiêm bị viên chánh tổng cưỡng hiếp rồi bức tử trong khi ông vắng nhà. Chôn cất vợ, lo việc hương khói, đúng một năm sau viên chánh tổng bị giết chết và ông cũng rời làng biệt tích. Đồng thời cụ Bảng đưa cho cụ Nguyễn xem bức thư gửi cho con cháu họ hàng, thư đề ngày rằm tháng Hai năm 1860. Trong đó ông Khiêm cho biết sau khi trả thù được cho vợ. Ông tới Phố Hiến-Hưng Yên, đổi tên là Lê Văn Kim, theo tầu buôn sang Hương Cảng, cư ngụ ở đấy một thời gian, rồi qua Anh Cát Lợi. Cuối cùng sang tận Hoa Kỳ theo một đòan tìm vàng và ở thành phố “Sanh-Phát-Lan-Xích-Cô”. Về đến quê nhà, lập nghiệp ở làng Hòa An, phủ Tân Thành tỉnh Định Tường và cũng đã lập gia đình mới, có hai con là Xuân Lãm và Xuân Lương.

       Năm 1935, cụ Nguyễn vào Nam Kỳ làm việc, nhớ đến cụ Trần văn Bảng, nghĩ đến câu chuyện cụ tổ phụ của bạn, nay có tên Lê Văn Kim. Cụ Nguyễn là người thích nghiên cứu, tìm tòi, lại quen biết giới hành chánh nhiều nên lần mò về Định Tường hỏi han thì được biết trong sổ bạ của làng Hòa An, có người Minh Hương tên Lê Văn Kim, đến đây lập nghiệp từ năm 1855, đời vua Tự Đức…”.

       Bạn già nghe thủng chuyện trên, tôi hình dung ra bác đang quá mù sa mưa với câu chuyện chổi cùn rế rách của cụ Nguyễn…À mà trà móc câu Thái Nguyên uống cũng có “hậu” đấy bác nhỉ, như chuyện tôi đang ủ ê với bạn già, cũng không ra ngòai cái khuôn mẫu cổ điển ấy. Mặc dù tôi thấy cũng có đôi chút lấn cấn, mới đọc thấy chán phèo, lê thê tòan tên họ với năm tháng. Nhưng càng về sau càng lôi cuốn cứ y như là truyện “Miền Viễn Tây” đấy bác ạ. Có thể nói ông Lê Văn Kim là người Việt Nam đầu tiên, quăng giây cưỡi ngựa rong ruổi về một thị trấn hoang vu và không ít thì nhiều, đã góp tay một phần tạo dựng nên thành phố đầy gió cát này trong cái buổi hoang sơ.

       “…Năm 1946, cụ Nguyễn trở ra Bắc thì cũng vừa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nên mất liên lạc với cụ bạn. Và ngẫu nhiên đọc được cuốn “La Rúee Vers l’Or” của René Lefèbre, được nhà Dumas ở Lyon xuất bản năm 1937: Viết về một nhóm giang hồ tứ chiến, gặp gỡ nhau rồi cùng đi về hướng tây để tìm vàng. Và trang đầu có đóng con mộc dấu đỏ đã phai mầu “Tủ sách gia đình Lê Xuân Liêm”, dưới ký tên, Rạch Giá ngày… tháng…năm…Riêng phần này thì nhòe nhoẹt nên cụ Nguyễn đọc không rõ.

       Câu chuyện khởi đầu từ năm 1849 tại thành phố New Orleans, qua thành phố St Louis, lúc bấy giờ được xem là cửa ngõ để đi về miền Viễn Tây. Chuyến săn vàng của nhóm giang hồ tứ chiến đầy đói khát, vượt qua bao nhiêu núi non, sa mạc, cùng hiểm nguy gian khổ, đánh nhau với mọi da đỏ, vượt thóat tụi cướp đường. Cuối cùng thì nhân vật chính là “Mac” và cánh tay mặt của y là một người Trung Hoa tên Kim Lee, cũng dẫn nhóm người này tới San Francisco.

        Với Kim Lee theo phần đối thọai trong truyện không phải là người Trung Hoa, thỉnh thỏang gã lầu bầu nói một tiếng khác, nhưng không rõ ngôn ngữ nào. Đến thị trấn mới, “Mac” nổi tiếng nhờ giết được một tên buôn nô lệ có biệt danh là “Jack ba ngón”. Còn Kim Lee làm việc cho tờ Daily Evening và cả hai gặp đại úy Sutter ở thành phố này, sau đại úy Sutter được quốc hội Hoa Kỳ phong tướng. Ông chính là Johann August Sutter, một trong những người đã tạo dựng nên thành phố San Francisco, hiện một con đường lớn vẫn còn mang tên ông…”.

       Cứ theo giáo sư Trần Đ. Phong, quyển “Con đường tìm vàng” của René Lefèbre với tờ còn tờ mất, nên cụ Nguyễn vẫn còn đang hòai nghi…Tôi cũng hình tượng đến khuôn mặt buồn ra cửa biển của bác cũng hồ nghi trông thấy với chuyện ông Kim Lee đến Châu Mỹ có…xa vời, xa vắng quá chăng…Châu Úc thì may ra và bạn già cho là như vậy…

        Vậy thì mời bác theo một phóng viên đài BBC người Anh có vợ người Việt trong một dịp nghỉ hè, họ ghé Cape Town của South Africa ở tức Nam Phi, một thuộc địa xưa cũ của người Anh thuộc nam đại lục Phi Châu. Ông ta sẽ dẫn bác đi dọc bờ biển tới mũi Hảo Vọng, ở đấy có một hòn đảo nhỏ, bác đừng…lội bộ mà hãy cùng ông ta lấy phà qua bên ấy để vào thăm Bảo Tàng Viện Quốc Gia. Ngay trên cái bàn ở tiền sảnh bên tay trái, bác sẽ thấy có trưng bầy một chiếc thuyền thúng và một cái chèo. Bác thóang nhìn qua chẳng thấy có gi hay ho cho lắm, ắt hẳn là thuyền thiếc của một thổ dân nào đó đi săn…cá sấu đó thôi. Và bạn già lầu bầu vậy mà cũng dệt chuyện…

       Nhưng nhìn tấm bảng đồng ở phía dưới, bác sẽ thấy ghi chú rõ rành rành:

        – Thế kỷ 17, người An Nam tên Phan, từ Hoi An lạc tới đây bằng cái…này.

       Bác đang thả hồn theo mây nước mãi tận bên Châu Phi thì nghe thấy tiếng giấy sột soạt. Ấy là tôi đang dở trang kế tiếp đấy, thưa bác:

       “…Năm 1960, nhân có người cháu du học ở California, cụ Nguyễn nhờ đến thư viện San Francisco, lục tìm những tờ báo cũ khỏang năm 1850, xem có bài báo nào nói về hai nhân vật “Mac” và Kim Lee hay không. Đến năm 1962, cụ Nguyễn có hai bài báo được người cháu gửi về:

       Bài báo đề ngày 18 tháng Hai năm 1850, có đăng bài với cái tựa đề “Jack ba ngón đã bị hạ” với đầy đủ chi tiết của “Mac” và tên buôn nô lệ ỏ vùng này.

       Bài báo đề ngày 8 tháng 11 năm 1853, tựa đề ”Kim Lee và tướng Sutter” và viết: Sáng nay, một người Trung Hoa tên Kim Lee, trước làm việc cho báo Daily Evening đã tặng hai trăm Mỳ kim vào quỹ gây dựng thành phố San Francisco của tướng Sutter…”   

       Nước ao mà vỗ lên bờ, tôi nhẩm chừng bác đang bèo dạt nổi trôi với người Việt mình đến Châu Mỹ, Châu Phi! Thế còn Châu Úc của bác hiện đang…tạm cư thì sao? Ừ thì chuyện cũng giây mơ rễ má cả đấy, chuyện là ông cụ tôi có ông người cùng làng vào Sài Gòn từ thập niên 30 làm phu cạo mủ cao su. Năm 54 ông cụ tôi vào Nam…tìm ra ông ta đang ở Tân Thế Giới và làm tới hiệu trưởng một trường tiểu học ở bên ấy. Năm 56 ông về Sài Gòn thăm họ hàng mới vào Nam. Ông mũ áo xênh xang với áo quần “com-lê” trắng, giầy trắng, mũ cối thuộc địa cũng trắng luôn và kể chuyện thủ phủ Noumea của Nouvelle Caledonie y trang Sài Gòn, hải đảo tìm trên bản đồ thế giới hồi ấy không có. Hải đảo ấy quanh năm mùa hè, có hoa phượng vĩ, có ve sầu kêu rỉ rả nằm ở giữa Tahiti và Úc Châu thuộc chủ quyền của Pháp.

       Một lần qua Úc, ông ta gặp một nấm mộ của một người Việt Nam nằm chơ vơ bên bãi biển. Trên mộ bia có ghi khắc đầy đủ tên họ, ngày sinh năm mất và thổ ngơi. Nhờ vậy, tha hương ngộ cố tri mới gặp người đồng hương đã sinh ly tử biệt từ hồi nào này là…ông tiến sĩ thời nhà Nguyễn cùng họ hàng hang hốc với ông. Sau đấy, trong những ngày giỗ tết, các cụ bên họ tôi nhắc đến cổ sự một người làm quan cả họ được nhờ thì cứ láo ngáo ngó nhau vì làng mình nào có ông tiến sĩ quái nào đâu.

       Lúc ấy tôi mười hai tuổi, nghe xằng xịt vậy thôi, qua đây đọc “Hành trình về nguồn xưa gốc cũ họ-tộc người Việt” của tác giả Cự Vũ, hóa ra làng tôi có một ông tiến sĩ thật, vậy mà chuyện làng trên xóm dưới với địa linh nhân kiệt các cụ cũng lơ mơ. Mò mẫm tới…dã sử thời vua Gia Long lập quốc rong thuyền đến đảo Côn Sơn tỵ nạn lấy hai vợ nên mới có hai hòn Bà Lớn, Bà Nhỏ. Vì vậy có thể thuyền chở ông tiến sĩ làng tôi theo phò vua…luân lạc qua Úc xin nhận nơi này làm quê hương như ông họ Phan với cái thuyền thúng nổi trôi qua Châu Phi! Tôi đồ là vậy, chả hay có hợp ý với bạn già chăng.

       Ấy đấy, gần như một sự trùng hợp là ông tiến sĩ làng tôi tới Úc Châu thời nhà Nguyễn vua Gia Long. Thời gian đâu đó cũng gần gũi với ông Lê Văn Kim, tức ông em ruột tổ phụ của cụ Bảng là ông Trần Trọng Khiêm, vào năm Tân Tỵ 1821 năm Minh Mạng thứ hai, đã đặt chân đến Mỹ Châu. Nhưng vẫn còn mấy hạt trấu trong chiếc ấm đất. Gớm chết, bạn già cứ như cụ Nguyễn Tuân không bằng, tôi biết bác đang hỏa mù sa mưa về tăm hơi, gốc gác của ông Lê Văn Kim chứ gì. Ấy, bác đợi tôi châm thêm cữ trà nữa, bọt sủi tăm bằng cái mắt cua là rõ mười mươi ngay ấy mà, thưa bác:

       “…Cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi, mãi cho đến khỏang năm 1970, một hôm cụ Nguyễn nhận được một cái thư, dấu bưu điện từ tỉnh Rạch Giá của một độc giả tên Lê Xuân Lưu, hỏi cụ về một khúc mắc của sử nước nhà và cụ chợt nhớ ngay đến “Tủ sách gia đình Lê Xuân Liêm”. Sau  đó cụ đến tận nơi thăm gia đình này và được anh ta cho xem cuốn gia phả do ông nội anh chép từ năm 1928, trong đó có đọan:

       “ Giòng họ ta, nhớ mà ghi chép được, mới từ cụ tổ năm đời triều Tự Đức. Tương truyền cụ là người họ Trần, gốc gác làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ ngòai Bắc. Họ Trần lập nghiệp ở Xuân Lũng từ đời nào, thì nay chưa thể biết được vậy.

       Cụ là con trai thứ một thế gia vọng tộc. Văn võ tòan tài mà tinh thần bạt tục, không chịu theo con đường khoa cử, những mong thỏa chí tang bồng. Ngòai hai mươi tuổi, cụ cải danh họ Lê, húy Kim, khẳng khái rời quê cha đất tổ, xuống một tầu buôn ngọai nhân, lênh đênh năm châu bốn bể, không đâu không lưu túc tích (dấu chân). Tới xứ nào cụ cũng tìm hiểu phong tục, cái hay cái dở, ý hẳn muốn thâu thái để sau này kinh bang tế thế. Cụ là người có nhãn quan thiên lý, nhìn suốt cổ kim, có chí kế vãng khai lai, đáng làm gương cho con cháu vậy. Đáng phục lắm thay! Mà họ Lê ta cũng đáng lấy làm vinh dự lắm thay. Năm Giáp Dần triều Tự Đức, cụ về cố quốc lập nghiệp ở làng Hòa An, tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Sa Đéc). Nơi đó còn hoang dã tòan lau sậy, tràm với lác, cụ quy tụ được một nhóm người khai phá thành ruộng nương tươi tốt. Cụ thành hôn với cụ bà họ Phan, tính tình hiền hậu, tư cách đoan trang và sanh được hai người con tên Xuân Lãm, Xuân Lương, để đời đời đừng quên gốc gác là làng Xuân Lũng vậy! Tới nay đến thằng Xuân Liêm là sáu đời, họ ta vẫn theo mỹ tục đó. Con cháu phải giữ chớ không được bỏ, giữ được thanh bạch, chính là giữ được cái nề nếp vậy ”.

        Luộm thuộm thế đấy, nhưng ông họ Trần với tác phẩm “Liên hệ Hoa Kỳ-Việt Nam giữa thế kỷ 19”, không ngòai ẩn ý với “Con đường thiên lý” của cụ Nguyễn:

       – Bùi Viện (*) không phải là người đầu tiên tới Hoa Kỳ.

       ***

       Bạn già đờ đẫn cười và thở ra đánh sượt một cái ra cái ý là chuyện có cóc khô gì đâu, nghe sốt cả ruột vì con đố ngư đâu không thấy, chỉ thấy lẵng nhẵng đến ông Bùi Viện nào đó. Rồi miệng bác mấp máy…Dạ hiểu rồi! Chuyện bác đang rập ràng thì bác đã kể cho tôi nghe nhiều lần và tôi còn nhớ như in, như thế này đây:

        “…Xưa có một vị vua sau những năm tháng vó câu dập dồn, sống trên mình ngựa, nằm sương gối tuyết trên bãi chiến trường. Một hôm vua cho triệu sử quan già tới phán:

       – Đời Cô chỉ  mong ước đọc được bộ lịch sử lòai người trước khi nhắm mắt theo các tiên vương. Bộ sử thì lại quá nhiều, khanh thu gọn trong vòng một quyển được không?

       Sử quan nghĩ đến bộ sử bằng da ngựa, da bò chất đầy trong viện tàng cổ và trả lời:

       – Dạ được, hạ thần xin bệ hạ mười năm.

       Bộ sử viết bằng da mốc meo bỗng chốc được tháo tung từng mảnh, từng chương, lục sọan, tra cứu, bụi xốc lên mù mịt như cát sa mạc trong cơn lốc. Sử quan làm việc bất kể ngày đêm, lưng còm mắt mờ, tóm lược khắc trên thớt gỗ. Nhưng sau mười năm rồi cũng xong, bộ sử một quyển dầy cộm được chất lên lưng lạc đà, rồi khệ nệ khiêng vào triều. Vừa lúc vua đang hấp hối, thấy vậy, lắc đầu phều phào:

–  Hiền khanh hãy tóm tắt bộ sử bằng…một câu…Một câu thôi.

       Lão thần lập bập, thì thào bên tai nhà vua…Vua gật gật đầu, đôi môi khô héo, bỗng nở một nụ cười mãn nguyện rồi băng hà. Lão sử quan lắc đầu, thở ra..”.

       Bạn già khẽ đánh mắt một cái ra cái điều: Lịch sử lòai người chỉ là mảnh gỗ dầy như cái thớt rồi cũng bị hủy họai như ông vua già. Thì cũng đúng thôi, mò mẫm lại với vị sử gia của bác như con lạc đà chui qua lỗ kim, sau mười năm góp nhặt sử kiện qua những mảnh da, ghi chép lại trên một mảng gỗ. Để rồi nước lã ra sông, nhưng theo tôi thì miếng gỗ sần sùi ấy có thể vẫn còn đấy, nằm ở một góc xó xỉnh nào đó như sấp bản thảo của cụ Nguyễn khởi đầu từ đầu thập niên 1930, đến năm 1970 tức đúng 40 năm với việc tìm tòi gốc gác của con cháu cụ Lê Văn Kim. Mười mấy năm sau mới ló mặt ở một góc kệ, như tấm gỗ vô tri vô giác mà tôi thửa được nhét vào túi áo với…giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu. Thế đấy, thưa bác.

       Thế thì cứ cho là tôi chỉ nói nhăng lấy được đi…Thôi thì cũng hết chuyện thật, bác để tôi đi vào nhà cất sấp giấy này vào chỗ cũ. Mà này bác ạ, nhân nhắc đến…mảnh gỗ rồi ra cũng bị hủy hoại theo thời gian, lần mò ra thì cây trên rừng trên núi nằm xuống, nổi trôi theo suối, theo sông tìm về đến phố thị. Từ xưởng cưa xẻ gỗ làm nhà, làm giấy in sách để có nhân quả, để có con gián, con mối. Gần hơn nữa, hay con mọt sách…như bạn già còm cõi trong thư phòng, ngòai cửa sổ trồng cỏ vân, hoa lý, hoa nhài đong đưa với ngày là gió tháng là mây và rồi ra cũng xong một quãng đời.

        Tôi vừa bước những bước chân thật chậm để níu kéo thời gian, bỗng dạ quan hoài đến một kiếp nhân sinh như bạn già. Hóa ra bác nào có khác con bươm bướm lụy chữ nghĩa hơn hoa nhài, hoa lý, rồi nằm chết khô trong sách mà các cụ ta xưa gọi là “Điệp tử thư trung” mang mang cùng một kiếp phù sinh: “Bách niên cùng tử văn chương lýLục xích phù thân thiên địa trung”. Thôi thì cũng đành mượn chữ nghĩa của một nhà văn nào đó: “Trăm năm, một đời, cùng một cõi văn chương – Sáu thước, tấm thân, lênh đênh giữa trời đất”. Nghĩ mà chán, tôi đâm ra u uất, chẳng buồn nhúc nhích tay chân, mạng nhện giăng đầy người ngợm, rêu mốc cỏ dại bò khắp lục phủ ngũ tạng và thở hắt ra…

       Vừa lúc vào đến tủ quần áo, định nhét sấp bản thảo giữa khe hở của chồng sách. Chợt nhìn mặt giấy cũ kỹ có mươi lỗ bằng hạt gạo làm nhem nhuốc cả một công trình, một tác phẩm…thì…thì khi không bắt gặp xác mấy con đen đen bé tí có cái đuôi…

       Đang lõ mắt săm soi, vừa lúc vợ nhà đi về, buông thõng một câu:

       – Con ba đuôi.

       Tôi ngẫn ra chả hiểu mình là…con gì nữa. Cái mũi trước mắt nhiều khi nhìn không ra, chả bịa tạc tí nào chứ giống này tôi biết dư. Nhân có cái thư ruồi bu của bác, cứ ngỡ bác hỏi về con cá hồi, cá vũ môn. Sách vở bề bộn một đống đầy ra đấy, bèn mần mò đi tìm thì gặp con bươm bướm “Điệp tử  thư trung – Bách niên cùng tử…” đang ngay đây. Bác đang lẫn ngẫn vì cái giống bươm bướm lạ đời gì mà chui vào giấy má, nằm chèo queo…chết dí một chỗ. Dạ thưa, nó không phải là bướm, mà là một lọai gián nhỏ, không có cánh, thường sống trong tủ quần áo, tủ sách, đuôi có ba cái lông cứng như đuôi tôm, vì vậy còn được nôm na gọi là con ba đuôi, ông tằng bà tổ của con mọt, con mối. Văn vẻ với một bồ chữ Hán như bác thì nó chính là…con đố ngư ở bên Tầu.

       Tôi mường tượng bác đang trầm mặt lại như đất cày và lẩm nhẩm thôi quên con đố ngư hay con mối con mọt đi…Như ông Lê Văn Kim hay ông Bùi Viện ấy, chết là hết chuyện như ông vua già ấy mà. Rồi bác ra điều muốn râm ran rằng lúc này là tôi và bác đều khọm rồi, già rồi mà chưa chót đời, mai này chẳng biết đi về đâu! Hay nói chuyện bây giờ thì hợp nhẽ trời hơn. Và bạn già húng hắng kho khan vào chuyện:

       “…Chuyện là mỗi ngày trong cõi người ta mỗi khám phá những điều mới lạ để phục vụ con người. Đại thể như có thể kéo dài đời sống của tôi đây và ông đây quá cái tuổi thọ vượt quá cái định mệnh trăm năm. Trong khi đó những ý niệm hoài nghi sự hiến hữu con người trong cõi nhân gian này từ bao giờ vẫn là đề tài được các nhà khảo cổ, nhân chủng học bỏ ra nhiều công sức và thời gian tìm tòi trong cổ sử.

        Như mới đây nhà nhân chủng học Colin Groves cho thấy con người đầu tiên tới Phi Châu từ 85.000 năm trước. Sự có mặt của hành tinh chúng ta đang sống thì đã quá già, đã hơn 4.5 triệu năm nhưng mỗi giây, mỗi phút mỗi đổi thay. Như giòng nước chảy hôm qua không phải là hôm nay. Với cỏ cây thì hoa nở để rồi tàn. Cứ thế trong từng sát na mà tôi và ông đâu có hay biết. Để có những tìm tòi, khám phá của triết học, khoa học, thiên văn, vật lý, y học hiện đại mà chúng ta cứ ngỡ là mới mẻ thì nhà Phật thực sự đã cho chúng biết từ hơn 2500 năm nay, ông cứ ngẫm mà xem…”

        Ra thế đấy, mà còn ngẫm quái gì nữa thưa bác, thì như bác vừa nhắc ở trên với “triết học”, tôi lại quấy quả đến ông Socrate, ông ta nói: “Tôi chỉ biết chắc một điều là tôi không biết gì cả”. Nào tôi có hơn gì ông ta, qua sách vở tôi chỉ biết một nhẽ là người ghi chép lại những gì của những người đi trước trong buổi chợ chiều vắng khách. Ngẫm cho cùng bác luận vậy mà hay, cũng từ những suy nghĩ bèo bọt của bạn già, sáng hôm nay tôi ngồi ngẩn ngơ ngoài vườn nhìn những cành cây khô. Trời cuối thu sang đông lành lạnh, trong tôi dạt dào những giao hòa với đất trời như tri âm tri kỷ…Chỉ có ta với trời đất và mây gió chia xẻ những buồn vui của thế sự. Trong ta chợt yêu cùng hoa lá từ cái thủy chung trầm mặc của tảng đá thô, đến cái thay đổi vô thường những hạt sương trên những cành cây đang trụi lá…

       Loay hoay thế nào với tập giấy mỏng đánh máy bằng máy chữ cổ lỗ sĩ mà ai đấy đã mang qua đây, mang cả họ hàng hang hốc con đố ngư, con ba đuôi vào tủ sách, tủ quần áo. Rồi lan man đến ông Lê Văn Kim và Bùi Viện (*) với ai là người tới Mỹ trước, để tôi ra ngẩn vào ngơ: Dám, con mối con mọt này qua đây trước bạn già và tôi lắm ạ…

Thạch Trúc Gia Trang     

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng                                                                                 

                                                                                                                                                                                                                                                

        Nguồn: Hoàng Hải Thủy, Thái Tú Hạp…

(*) Phụ đính:

Hạ bán thế kỷ XX, xuất hiện ở Nam Việt Nam “một huyền thoại” là dưới triều Tự Đức, vào năm 1873 Bùi Viện đã 2 lần đến Mỹ được tổng thống Ulysses S. Grant tiếp đón.

Khởi đầu thực ra chẳng mấy người hay biết hoặc mất công tìm hiểu Bùi Viện là ai? Nhưng có hai tài liệu chép sự việc này, tuy nhiên chi tiết khác nhau đáng kể:

1 – Theo nhóm tác giả Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ ghi Bùi Viện được phái qua Quảng Đông tìm cách thông thương với ngoại quốc. Tại đây ông kết giao với con lãnh sự Mỹ và được người này hứa đem qua Mỹ xin viện trợ chiến tranh để đánh Pháp.

Bùi Viện về Huế xin phép vua. Vua chưa tin, phái ông qua Hồng Kông hỏi cho chắc chắn mới ban quốc thư. Sợ mất thời gian tính, Bùi Viện mạo quốc thư, tự chế áo mão tam phẩm qua Hồng Kông. Chính phủ Mỹ đồng ý, Tự Đức không bắt tội, ban cho ông danh nghĩa chính thức qua Mỹ xin viện trợ. Dù đồng ý giúp, Mỹ đòi phải ứng trước hai triệu quan để làm quân phí. Ông về tâu vua, vua cho phép kinh doanh để kiếm ra số tiền đó. Đình thần hay được, khép ông vào tội khi quân, giam ông đến chết.

2 – Theo Thái Văn Kiểm, Bùi Viện nhận lệnh Tự Đức qua Hồng Kông tiếp xúc với lãnh sự Mỹ hy vọng dùng áp lực quốc tế chống lại âm mưu thôn tính của Pháp. Qua sự giới thiệu của lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, ông sang Nhật gặp lãnh sự Mỹ ở Yokohama. Từ đây, mùa đông 1873, Bùi Viện qua San Francisco được tổng thống “Simpson Grant” tiếp kiến. Nhưng vì Bùi Viện không có quốc thư, nên Grant không hứa hẹn điều gì.

***

Lịch sử hay huyền thoại…

Cho tới đầu thế kỷ XXI, chưa một tài liệu nào chứng minh được…”giai thoại” này:

Văn khố Mỹ:

Tại văn khố bộ ngoại giao Mỹ không có tài liệu nào về Bùi Viện qua Mỹ. Bởi vậy, sự “giữ kín” của bộ ngoại giao Mỹ thật ra chẳng phải là bí mật an ninh quốc gia nếu quả thực Bùi Viện đã đến Mỹ. Và hầu như bất khả, nếu như được Grant tiếp kiến 2 lần sao không tại Washinton mà lại ở San Francisco. Điều này không thuận lý vì muốn được “tham kiến” một tổng thống Mỹ chẳng phải là dễ dàng và không thể không có những dấu tích ngay từ hàng lãnh sự địa phương như Hồng Kông hay Yokohama .

Văn khố Việt:

“Nguyễn triều châu bản”“Đại Nam thực lục chính biên” với bút phê và ấn dấu của Tự Đức. Có tất cả 10 tài liệu về Bùi Viện nắm cơ quan đặc trách chuyên chở đường thủy là Chánh quản đốc Nha Tuần Tải hay sự nghiệp quan trường Bùi Viện bị khiển trách, hay thăng thưởng. Ngoài Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ không có chứng từ nào khác liên quan đến Bùi Viện xuất ngoại qua Hồng Kông, Nhật hay tiếp xúc với người Mỹ.

***

Thêm một huyền thoại được hoang tưởng do một mục tiêu chính trị nào đó với chuyện người Việt có mặt trên đất Mỹ trong buổi sơ khai: Ấy là ông Hồ…

Cứ như theo lời tự thuật của ông Hồ, khi còn làm việc trên tầu Pháp, dưới bí danh “Paul Thành”, trong khoảng thời gian 1913-1919 ông đã tới New York, Boston, Philadelphia tức nhằm vào Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

Điều này được xác nhận bằng một nhân chứng người Mỹ gốc Triền Tiên, Kim Tchong Wen, đại diện chính phủ lưu vong Triều Tiên tại Paris năm 1919. Ông Kim cho biết đã gặp ông Hồ ở Philadelphia. Theo tình báo Pháp, tại sao Kim Tchong Wen không phỏng vấn ông Hồ tại Philadelphia mà là ở Paris và thông dịch viên cho hai người với bút đàm bằng “chữ Nho” là…Phan Chu Trinh?! Trong khi Phan Chu Trinh bị nhốt ở ngục Santé.

Đồng thời theo báo Yshi của người Trung Hoa của hội truyền giáo Tin Lành Mỹ thi ngày 19 và 20 năm 1919: Ông Hồ đang ở Thiên Tân.

Năm 1943, ông Hồ được móc nối với cơ quan tình báo chiến lược OSS qua một trung úy tên Kent nhẩy dù xuống Cao Bằng. Vì vậy ông Hồ lấy bí danh tiếng Việt là “ông Ké” và tiếng Mỹ là “Lucius”. Năm 1945 cướp chính quyền ở Hà Nội, năm1948, một sân bay nhỏ được lập ở xã Lũng Cò, Tuyên Quang dưới sự cố vấn của một thiếu tá Mỹ và nhận súng đạn, điện đài và y dược của phái bộ quân đội Mỹ. (…trích Vũ Ngự Chiêu)

Mặc dù ông Hồ ở Mỹ 6 năm, nhưng theo Pierre Brocheux ghi nhận trong Du révoutionnaire à l’icône năm 2003 thì không tìm thấy dấu tích gì của ông Hồ ở Mỹ.

***

Theo thứ tự thời gian: Thập niên 40 ông Hồ tiếp xúc với người Mỹ ở chiến khu Việt Bắc. Tiếp đến theo như lời tự thuật của ông Hồ, ông tới Mỹ vào đệ nhất thế chiến. Sau đấy ở miền Nam có giai thoại Bùi Viện là người đầu tiên tới Mỹ.

Vì vậy truyện ngắn “Chuyện Con Đố Ngư” trên không hẳn là hư cấu hay hoang tưởng.

Vào một ngày ít nắng nhiều mưa, 100 năm sau, biết đâu truyện chẳng đi vào…chính sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét