25 thg 8, 2022

THỜI GIAN MÀU GÌ? - Lương Duy Can

 
Đầu năm 1955, ngẫu nhiên đưa đẩy, tôi được học Văn với một người thầy bất ngờ: nhà văn Đoàn Phú Tứ. Chỉ có vài tháng. Tôi còn nhớ: thầy khá gầy gò nên số giờ thầy vắng cũng khá nhiều.
Cứ như một thứ nhân duyên trong đời. Nếu không có chuyện Hà Nội được giải phóng thời đó thì tôi làm gì có dịp ra Hà Nội và làm học trò nhà văn Đoàn Phú Tứ kia chứ!
Thật ra thì lúc học ở Huế, tôi đã được biết nhà văn Đoàn Phú Tứ qua bộ sách của nhà văn Vũ Ngọc Phan và quyển Thi nhân Việt Nam của nhà văn Hoài Thanh..
Đoàn Phú Tứ chủ yếu là một nhà viết kịch, đồng thời là một diễn viên kịch nói tài hoa, ở cái thời mà kịch nói là một thể loại rất mới của văn học Việt Nam.
Bỗng nhiên ông lạc vào thơ bằng một bài thơ, trước sau chỉ một bài thơ ấy: “Màu thời gian”.
Vậy mà bài thơ “đi lạc” ấy bỗng trở thành một hiện tượng. Ông được Hoài Thanh giới thiệu và bình luận bằng một thái độ trân trọng đặc biệt. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát còn đem phổ nhạc !
Rồi “Màu thời gian” được in vào một tuyển tập có một tên chung khá lạ kỳ: Xuân Thu nhã tập! Để rồi cái nhóm này sẽ được gọi chung và chê bai là nhóm Xuân thu nhã tập!
(Trong nhóm này có một người đồng hương của tôi: nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, một người sau này là thầy tôi ở đại học : giáo sư Nguyễn Lương Ngọc)
Các nhà văn nhà thơ hiện thực và cách mạng thời ấy cũng như sau này thì cho họ một tên gọi ngộ nghĩnh: nhóm thơ “hũ nút”, bởi văn chương của họ giống như cái hũ đậy kín nút !
Tất nhiên thời tôi được học với thầy, không ai dám nhắc nhở đến “bài thơ hũ nút” của thầy. Nhắc đến mà chết à?
Của đáng tội, hồi ở Huế, đọc quyển Thi nhân Việt Nam, tôi đọc rất kỹ những lời bình, cả những lời chú giải của Hoài Thanh, nhưng càng đọc thì càng không hiểu gì cả. Đúng là hũ nút mà, hiểu làm sao được!
Vậy mà số phận xô đẩy , tác giả bài thơ ấy lại trở thành thầy giáo của tôi.
Ngày nay thì tôi hiểu được, thấm được giá trị của bài thơ, nhưng muộn quá rồi chăng ?
Bài thơ của thầy như sau
MÀU THỜI GIAN
Sáng nay
Tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn năm không lạnh nữa Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Sau thời gian ngắn ngủi, tôi không hề gặp lại thầy Đoàn Phú Tứ.
Vậy mà, thật bất ngờ, hè năm ấy, đang chiến tranh, tôi có dịp đạp xe ra Hà Nội. Tranh thủ một lần rảnh việc, tôi đi xả hơi ở cái quầy bia hơi xế cửa Hội Văn Nghệ trên phố Trần Hưng Đạo. Ngày ấy, bia hơi là một thứ ơn trời, ai cũng ao ước.
Tôi đứng xếp hàng và may mắn nhận được những hai vại bia, hí hửng bước tìm chỗ ngồi bên vỉa hè!
Thế rồi bất ngờ nhìn lên: trước mặt đúng là thầy Đoàn Phú Tứ bên cái ly vại đã cạn sạch bia. Chờ gì nữa, đưa ngay một vại bia đến trước mặt thầy, kèm theo lời tự giới thiệu mình là học trò cũ của thầy. Có lẽ thầy không nhớ chút nào cái anh chàng đen nhẻm bụi đường này từng là học trò cũ. Nhưng quan trọng gì chuyện đó . Thầy có vẻ rất khoái khi uống hết vại bia.
Tuy thế, thật may cho tôi đã có lúc gặp lại thầy, vì sau đó một thời gian, ở Quảng Bình toé lửa, tôi đọc trên một góc nhỏ một tờ báo: nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã rời xa thế giới.
Càng may mắn hơn cho tôi, sau đó, đọc được một bài viết của một nhà văn, một học giả thì đúng hơn, nhà văn Thanh Nghị, tác giả một công trình đồ sộ: Từ điển Pháp-Việt.
Ông Thanh Nghị kể một câu chuyện có thể nói là rất kỳ lạ. Chuyện rằng:
Ngày ấy, Đoàn Phú Tứ còn trẻ măng, viết và có chân trong toà soạn một tờ báo khá lớn ở Hà Nội, trong đó có Thanh Nghị.
Không biết vì sao mà ông Đoàn bỗng mê say một cô học trò trường Nữ học Hà Nội.
Thời ấy, học trò trường Nữ học hiếm hoi lắm, toàn là con cưng nhà giàu. Cách đi đến trường của các cô ấy cũng hiếm. Mỗi ngày, ngồi trên một chiếc xe kéo, gọi là xe nhà, do một người nhà là phu xe, kéo đến tận cổng trường . Hết buổi, chiếc xe nhà đến tận cổng rồi kéo một mạch về tận nhà. Đố ai mà tiếp cận để tỏ tình! Ngày đó, màu áo của nữ sinh trường ấy là một màu đặc biệt: màu tím !
Vậy mà chàng trai Đoàn có cách của minh. Mỗi buổi chiều, trước khi có tiếng trống báo hết giờ, chàng từ toà soạn đạp xe đến đứng chờ trên hè phố, phía bên kia cổng trường. Cô gái bước lên xe nhà. Xe được kéo chạy, về phía Tây xa xa, phía các biệt thự phố Thuỵ Khuê.
Chàng trai cứ thế mà từ từ đạp xe theo sau.
Rồi xe vào cổng nhà. Cổng đóng lại. Chàng trai dựng xe bên cạnh hàng rào và chờ. Chờ mãi cho đến lúc phía cửa sổ trên gác có ánh đèn. Có lẽ cô gái đã cơm nước xong, đến lúc học bài. Cuối cùng thì ánh đèn đã tắt. Chắc cô ấy đi ngủ.
Vậy là xong, chàng trai có thể yên lòng, lên xe, đạp trở về.
Không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng vậy.
Nhưng rồi có một lần, chờ mãi không thấy anh xe nhà đến đón, cũng không thấy cái màu tím từ sân trường bước ra. Lại cứ chờ, lại cứ đứng im bên cổng chờ một ánh đèn.
Cuối cùng, dò hỏi thì biết tin: mỹ nhân đang ốm, mà chắc là ốm nặng.
Theo lời khuyên của bạn, trong đó Thanh Nghị, mấy người cùng đến, lấy danh nghĩa bạn bè, xin được vào thăm người ốm.
Nhìn thấy toàn những khuôn mặt trí thức, tử tế, gia đình vui lòng mời vào, rồi cho người vào phòng trong báo cho con gái biết. Chờ một lúc thì người nhà ra , xin cám ơn lòng tốt của bạn bè nhưng xin được cáo lỗi: đang ốm mệt, không thể tiếp được.
Có lẽ đúng vậy: thà nép mày hoa thiếp phụ chàng!
(Để chàng thấy ta lúc tiều tụy xấu xí thế này thì có khác chi: yêu nhau thì cũng bằng mười phụ nhau!)
Rồi không lâu sau, cô gái đẹp vĩnh viễn xa rời thế gian!
Còn đưa lời tỏ tình với ai đây nữa?
Chỉ có bài thơ này thôi.
Không biết bài thơ này thuộc trường phái nào? Tôi chịu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét