28 thg 5, 2022

ĐÔI ĐIỀU VỀ DỊCH THUẬT - Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư: Nói chung có hai xu hướng chính về dịch thuật văn học: Hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa cả hai xu hướng.
Tuy thế, tùy vào tác phẩm và thiên tư người dịch, ít nhiều vẫn có khoảnh đất trống cho hắn có thể phô diễn nét tài hoa trong bản dịch của mình. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc.
Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên tác, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Ở bình diện văn học, nó là cái phong cách độc sáng mà mỗi tác giả sở hữu như của báu riêng. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp.
Phong cách văn học của tác phẩm chính là cái linh diệu của ngôn từ được sử dụng, người dịch sẽ không công bằng với tác giả biết bao nếu hắn quyết định lược bỏ những cái mà hắn cho là không thuần khiết trong ngôn ngữ của mình. (Giữ cho thuần khiết chỉ là cách “chạy làng” có hộ chiếu của những kẻ yếu bóng vía.)
Tuy vậy, chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, vẫn có thể nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, thì người dịch chỉ có cách dùng trực giác của mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.
Anh nhắc đến cuốn tiểu thuyết Đời Nhẹ Khôn Kham của nhà văn Czech Milan Kundera. Vâng, cách đây khá lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết ấy. Nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào dịch từ “being” cho chuẩn và hay.
Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh”! (Phần tư thế kỉ trôi qua, bây giờ nghĩ lại tôi cảm thấy buồn cười cho chính mình).
Lúc ấy trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh bạn tôi, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm từ kép Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu.
Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như anh thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Kì thực, ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện tồn”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ.
Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.”
Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong vở bi kịch Hamlet của Shakespeare. Trong mắt nhìn của Kundera, “Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu duy vật đáng sợ của cái thây ma.”

 

 
 
VuiLethi chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét