Hôm qua thấy tin ở Châu Đốc có người "cúng Bà" cặp bánh tét "siêu to khổng lồ" nặng 3 tấn 6 nấu "3 ngày" ,ràng bằng cà tăng và cẩu bằng xe
Bà nào ăn kiểu kỳ cục đó, bà nào chứng kiểu không giống ai
Nhớ bữa Sa Đéc có tô hủ tíu "siêu to khổng lồ" khi xài tới 100kg bánh hủ tíu, 100kg tôm, thịt, 60 lít nước lèo và vô số các loại rau, gia vị khác . Nhưng rốt cuộc tô hủ tíu "to nhứt VN" không dám cho dân ăn vì đồ "chưng" coi cho đã mắt để lâu nó quá date ,lạnh ngắt ,ai ăn vô thì có thể đi cấp cứu
Mà cái gì quá lớn thì không khác gì cái nồi cháo heo
Hai đòn bánh tét "cúng Bà" chắc cũng chẳng ngon gì khi nó bị béo phì.Một đòn bánh bình thường ăn phải có nếp có nhưn mới ngon.Với đòn 3,6 tấn này ăn kiểu nào?Ẩm thực không thể là kiểu này
Phàm cái gì "diễn" thì không ăn được,có ăn cũng không ra đám ôn gì?
Thay vì gói nhiều đòn bánh bình thường rồi phát mỗi người một đơn ăn lấy thảo thì người ta làm đòn khổng lồ,bự tổ chảng
Người ta làm scandal,event để đánh tiếng thôi,còn ăn được hay không thì khỏi cần biết
Phí của Trời,chạm vào sự tự trọng của người làm ra lúa gạo và các sản vật Miền Tây ,nhứt là sau đợt dịch này dân Miền Nam rất khổ
Có thấy người ta khổ mà nhảy sông tự tử không?
Người Việt và người Miền Nam tổ tiên ta sống nhờ nông nên rất quý trọng hột gạo, coi cơm là “hột ngọc” của Trời
Thành ra ông bà không cho rớt một hột gạo nào ra đất,dặn con cháu ăn cơm không giỡn hớt làm lọt hột cơm nào ra ngoài,ăn phải vén khéo . Con cái ăn cơm mà đổ tháo có khi bị xáng một bộp tai vô mặt
Người xưa quan niệm sống trên đời đâu biết vui hay buồn ,nay giàu mai khổ,thành ra phải quý từng hột cơm trắng
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng nói rõ về cái sanh kế bền chắc của người Nam Kỳ xưa là “tấc đất, ngọn rau, chén cơm, manh áo”
“Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó?”
Nam Kỳ là đất mới,kiếm được hột cơm không có dễ đâu,phải khai hoang,chống chọi tùm lum với thiên nhiên khắc nghiệt,thú dữ chực chờ
Điền chủ Nam Kỳ giàu có nức vách đổ tường thì hồi ban sơ cũng áo rách kiếm cơm từng hột mà thôi . Thành ra “hột cơm” Nam Kỳ cũng là thứ quý giá lắm
Đừng ai nói Nam Kỳ không có người đói nha,có nhiều
Trong “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh có anh Lê Văn Đó
“Nhà tôi nghèo quá, tôi đi làm mướn mà không ai chịu mướn tôi làm. Bây giờ nào là mẹ, nào là chị, nào là sắp cháu nhỏ của tôi chết đói hết thảy, tôi đi đến đây, thấy nhà nầy giàu có nên tôi ghé lại mượn một ít giạ lúa về ăn đỡ“
Tất nhiên là nhà bá hộ đuổi thẳng cổ,còn xích chó cho cắn
Anh Đó đói làm liều lén bưng trộm trã cháo heo nhà bá hộ về ăn, bị người ta bắt, xông vào đánh đập. Lê Văn Đó chống cự. Rút cuộc bị đánh đòn 100 trượng, bị đồ 5 năm về tội cướp của và hành hung. Nhiều lần vượt ngục, mỗi lần tăng án, tổng cộng 20 năm mới được thả
Anh Đó vượt ngục,vô chùa gặp sư Chánh Tâm ,anh hỗn hào,cục súc,tay cầm hèo, miệng nẹt lớn ,hăm dọa ông hoà thượng già :
“Tao đây là Lê Văn Đó, ở Giồng Tre, người ta nói tao ăn trộm nên đầy tao hai mươi năm. Nay tao mãn tù về xứ. Ba ngày rày tao không có cơm ăn. Tới đâu xin họ cũng đuổi không cho ăn nên tao đói bụng lung lắm. Mầy chịu cho tao một vài chén cơm ăn đỡ đói hay không thì mày nói phứt đi, tao không thèm nài nỉ nữa đâu”
Còn trong”Chút phận linh đinh ” thì có một cô bé năn nỉ xin ở đợ ăn cơm dư cơm thừa nhà điền chủ
Cô than:
"Mẹ con tôi nghèo khổ không có chỗ làm ăn, nghe nói ông Hội đồng giàu có mà lại nhơn đức, nên đến đây xin làm công việc cho ông mà nhờ hột cơm dư. Không biết có ông Hội đồng ở nhà hôn chú?
(...) Chú làm ơn cho tôi vô, tôi lạy ông, tôi ở ông bắt làm việc chi cũng được miễn là mẹ con tôi có cơm ăn một ngày hai bữa thì thôi
(...) Chú làm phước cho mẹ con tôi vô ở dưới nhà bếp, chừng nào tôi giáp mặt ông tôi bẩm, nếu ông không chịu mướn thì tôi sẽ đi”
Chẳng cần chi xa xôi,chỉ mơ đặng nhờ hột cơm manh áo độ nhựt qua ngày thôi
“Ăn cơm sao đặng mà mời
Nước mắt linh láng rã rời hột cơm”
Dân Nam Kỳ có người nghèo không có cái áo lành lặn,không có cục đất chọi chim
“Nghèo tanh, nghèo hôi
Nghèo lồi mắt cá
Nghèo sạt xương hông
Nghèo không gạo nấu
Nghèo thấu Ngọc Hoàng
Nghèo tàn, nghèo mạt
Nghèo khạc ra tro
Nghèo ho ra máu
Nghèo lủi vô bờ
Nghèo lờ con mắt
Nghèo thắt ống chân
Nghèo sưng cần cổ
Nghèo lỗ máu đầu
Nghèo cực như trâu”
Nghèo và đói là có thiệt ở Nam Kỳ,sách báo sau 1975 cứ mặc định”Phương Nam giàu có,trù phú,hai sảng” là nói bậy,nói kiểu mặc định chánh trị vùng miền . Bao nhiêu người Miền Tây tha hương kiếm cơm
Người Nam Kỳ trọng cơm đến độ thành thói quen trong cuộc sống,ông bà cha mẹ nói với con “Ráng ăn ba hột cơm cho chắc bụng đi con” . Ta có thuật ngữ”ăn qua loa ba hột cơm” là vậy
Gạo trắng nước trong là một niềm vui của người Nam Kỳ
“Đồng Nai gạo trắng nước trong
Quảng Nam đá cục đừng mong anh về”
Ờ! Nhắc cái này không biết có dính líu,liên quan gì hông?
Người Tiều tức người Triều Châu ở Nam Kỳ có thói quen khi găp nhau lại hòi "食飯未?" (chẹ bừng quề) có nghĩa là "Ăn cơm chưa?" thay cho câu “Nị hão ma”(Anh khỏe không?) của người Tàu gốc khác
Đó là thói quen của những di dân nghèo đói lúc ban sơ
Người Nam Kỳ có 3 đặc tánh là :
-Chất phác
- Đơn giản
-Thành thực
Và cái nữa mà ai cũng giữ là sống thực tế,không màu mè,se sua và hình thức
Người Miền Nam nói là nói thẳng,nói ít hiểu nhiều,thẳng vấn đề không lòng vòng
Những cái hình thức kiểu siêu to khổng lồ là thứ không có trong văn hóa Miền Nam chúng ta từ thuở lập xứ rồi
Người Miền Nam còn nghèo lắm
Chúng ta thấy người Bửu Sơn Kỳ Hương và PG Hòa Hảo chú trọng đơn giản cúng kiếng để dành mà "giúp người sống" .Họ chết làm đơn giản,cái mả cào bằng cái núm mục đích cũng là vì người sống
Văn hóa đám đông với đình chùa,ẩm thực "siêu to khổng lồ" là của Miền Bắc gần đây .Xin đừng bắt chước áp vào văn hóa Miền Nam của chúng ta
Xin hãy sống thực với cuộc đời để còn nhìn nhau là người Miền Nam cởi mở
Nhớ lâu lắm,chừng hơn 15 năm,trên báo Tuổi Trẻ ,ông cựu Chủ tịch An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị nói về tình hình Nam Kỳ sau 1975 chuyện lấy ruộng chia cho dân nghèo
Ông Nhị sau này có nói một câu giờ lên google còn thấy,ông nói:
"Tôi sợ sự giả dối truyền đến đời con cháu"
- Dạ ! Thấy nhiều rồi đó ông.
* Nguyễn Gia Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét