23 thg 5, 2022

HẬN ĐỒ BÀN VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CHO ÔNG PUTIN - Nguyễn Đình Đại

Lịch sử là sự tái diễn không ngừng nên học lịch sử còn là học... kỹ năng sống!
Đó là lý do thời còn đi học, Bác Bảo Vệ yêu thích nhất môn lịch sử.
 
Nước Nga vài chục năm "sau Putin" sẽ ra sao?
 
Câu chuyện về quốc gia Chiêm Thành cho chúng ta câu trả lời.
Thành Đồ Bàn tại Bình Định là kinh đô của vương quốc Chăm Pa suốt 5 thế kỷ, được xây dựng vào năm 1000 và bị Đại Việt "xóa sổ" năm 1471.
Người "góp phần xóa sổ" Chăm Pa lại chính là vị vua "hùng mạnh" Chế Bồng Nga (? - 1390) của vương quốc này.
Chế Bồng Nga từng "uy hiếp quân giặc thù" đến tận kinh thành Thăng Long của Đại Việt thời nhà Trần đang suy yếu (năm 1369).
Thậm chí năm 1376, vua Đại Việt là Trần Duệ Tông đem quân đi đánh báo thù Chăm Pa còn bị tử trận.
Nhưng Chế Bồng Nga chỉ là ông vua hiếu chiến, giỏi trận mạc chứ không biết làm kinh tế.
Kể từ thời Chế Bồng Nga, vương quốc Chăm Pa không còn có công trình văn hóa nào được xây dựng như trước đó nữa.
Chế Bồng Nga chỉ biết "lấy số má" bằng 15 lần tấn công Đại Việt, lần sau cùng bị Trần Khát Chân bắn (tên) chết năm 1390.
Tiềm lực kinh tế yếu lại chinh chiến liên miên với một nước mạnh hơn khiến Chăm Pa từ đây về sau không sao cất đầu lên nổi.
Để rồi 80 năm sau, đại đa số nhân dân và phần lớn lãnh thổ nước Chăm Pa "cải tổ" đã phải xin sáp nhập vào Đại Việt hùng mạnh dưới thời vua Lê Thánh Tôn.
Năm 1937, nhà thơ Chế Lan Viên thăm di tích thành Đồ Bàn từng cảm tác:
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở,
Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe.
Từ một làng xa xôi, bao tiếng mõ,
Tan dần trong yên lặng của đồng quê...
Nhạc sĩ Xuân Tiên (sanh năm 1921, tác giả của bài hát "Khúc hát ân tình" nổi tiếng) chuyên nghiên cứu về âm nhạc các vùng miền cũng có thời về Bình Định những năm 1960.
Tiếc thương vương quốc Chăm Pa xinh đẹp một thời, Xuân Tiên đã sáng tác nên bài "Hận Đồ Bàn" năm 1968.
"Hận Đồ Bàn" có xuyên tạc lịch sử hay không?
Lời bàn trên của Bác Bảo Vệ xin được trả lời.
Dưới đây là lời của Bài hát:
Rừng hoang vu,
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù.
Ngàn gió ru,
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương,
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương,
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch,
Đèo cao thác sâu,
Đồi hoang suối reo,
Hoang vắng cheo leo.
Ngàn muôn tiếng âm,
Tháng, năm buồn ngân,
Âm thầm hòa bài,
Hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây,
Máu như loang thắm chưa phai dấu,
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm,
Khó tan...
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai,
Nhấp nhô trên sóng xa xa tắp?
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga,
Vượt khơi...
Về kinh đô,
Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù.
Triền sóng xô,
Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ.
Tiệc liên hoan,
Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn.
Dạ yến ban,
Cung nữ dâng lên khúc ca Về Chàm.
Một thời oanh liệt,
Người dân nước Chiêm,
Lừng ghi chiến công,
Vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan,
Cuốn theo thời gian,
Nhưng hồn ngàn đời,
Còn theo nước non.
Người xưa đâu?
Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây,
Máu như loang thắm chưa phai dấu,
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm,
Khó tan...
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai,
Nhấp nhô trên sóng xa xa tắp?
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga,
Người xưa đâu?

Nguyễn Đình Đại


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét