10 thg 5, 2022

Như cầu vồng sáng chói Tây Kinh – Ara Phat

https://araphatblog.com/2022/04/14/nhu-cau-vong-sang-choi-tay-kinh-ara-phat/ 

Ara lại tiếp tục câu chuyện mặt trời đỏ rực sau khi rời Hakoné di chuyển về hướng tây, đây là chương trình soạn ra cho cuộc đi bụi này, đi về hướng mặt trời đỏ lặn, và chúng tôi chọn điểm đển là Tây Kinh hay Kyoto, sau đó tìm hiểu thêm về Đông kinh hay ToKyo

Cái khổ là lúc còn đi học, vào cái thời đại muốn tìm hiểu thứ gì phải nhờ đến Encyclopédie Universalis; mà đâu phải nhà nào cũng có, bộ bách khoa tự điển tiếng Pháp này ngày trước chỉ có hiệu sách Lê Phan hay Xuân Thu nhận đặt hàng, sớm nhất là 3 tháng mới có mà giá cũng là cả một tài sản . Còn muốn xem, phải vào thư viện quốc gia ghi danh để mượn .

Bộ Encyclopédie Universalis này Ara mua ở Bỉ, gần nhà hàng hắn làm ở Bruxelles có tiệm sách lớn, ròng rã trong 2 năm, hắn tậu xong toàn bộ 22 cuốn từ mẫu tự A đến Z, lúc mấy đứa con còn học trung học cũng hay dùng đến, cũng may để ở phần trên của tủ sách nên thoát nạn trong cơn lũ lụt năm 2021, vẫn còn để ở Liege, chưa đem về vì không có chỗ để.

Hắn không chọn ban Sử địa khi vào đại học nên kiến thức này ngày càng lụn bại, mà lúc học trung học trình độ sử địa chỉ xoay quanh những sách giáo khoa theo chương trình bộ quốc gia giáo dục VNCH, làm gì biết đến Atlas, loại xa xỉ của học sinh trường Tây . Chương trình tràng giang đại hải, chỉ cần giảng về hai trận thế chiến, cụ gs. Lê ngọc Huỳnh rất uyên bác, nói chuyện hết cả năm học, cụ còn lồng địa lý các cường quốc có trong chương trình học hay địa lý của Hoa kỳ với các tiểu bang… giảng xong hai thế chiến xem như toàn bộ môn sử địa được hoàn tất và học sinh tự tìm tài liệu mà đọc thêm . Hắn học ban toán, mỗi tuần mất 10 tiếng toán, gồm 5 môn toán (hình, cơ, đại, lượng, số), cộng thêm 6 tiếng Lý Hóa thì cái môn phụ sử địa cho trôi theo dòng đời, đó cũng là một thiếu sót cho kiến thức phổ thông.
Ngày nay, tuy có Wikipédia l’encyclopédie libre, cuộc đời khá nhiều điều được hanh thông, tuy chưa thể hoàn toàn thay thế bộ bách khoa tự điển một cách hoàn chỉnh, vì do nhiều nguồn khác nhau viết đưa lên . Khi cần tra cứu lại, bộ bách khoa tự điển vẫn phải dùng đến, chứ không phải chỉ để trang trí cho tủ sách thêm phần « xôm tụ ». Tuy nhiên với tài liệu trên mạng muốn tìm hiểu điều gì chỉ vài ba mươi giây là tha hồ bơi vào thư viện mạng xem « tới bến ».
Cũng nhờ những tài liệu này mà biết được thêm phần nào lịch sử qua các triều đại của con cháu Thái Dương thần nữ, biết được những địa danh, những văn hóa để khi có dịp bước chân lãng du đến đó có chút hiểu biết dù chỉ như hạt cát cũng đỡ ngỡ ngàng, biết cần đến những nơi nào mình muốn vì chưa chắc có dịp đi thêm lần thứ hai, bỏ qua có phần tiếc nuối .

Rời khỏi Hakoné, chỉ 3 tiếng sau chúng tôi đến một thành phố ban đầu được kiến trúc dựa vào phong thủy truyền thống của Trung Hoa mà mô hình đậm nét nhất là của kinh đô Trường An, có nghĩa là cổng chính cung điện hoàng gia quay mặt về hướng nam, hướng chính tây là cung Ukyō, phần bên trái là cung Sakyōquay về hướng đông.

Cung diện hoàng gia ngày trước, chỉ cho những đoàn khách có ghi danh trước vào thăm viếng, cha con hắn chỉ đứng ngoài nhìn nên không biết nhiều về chi tiết trong hoàng cung.(photo Ara)
Hình ảnh ngôi chùa To-ji hay chính thức là Kyo-o Gokoku-ji vào ban đêm, xây dựng vào năm 794. được công nhận là di sản văn hóa thế giới, là ngôi chùa đứng đầu của phái Shingon, một giáo phái của Phật giáo

Kinh đô của Nhật đặt tại Kyoto (Tây Kinh) từ thế kỷ thứ 8(794) cho đến thế kỷ thứ 19(1889) và được dời sang hướng đông tức Tokyo hay Đông Kinh. Thành phố cũng có lúc bị tàn phá vì chiến tranh, hỏa hoạn và động đất từ thế kỷ 15 đã làm suy tàn lụn bại dần cho đến thời đại Mạc Phủ Tokugawa (1600-1868) mới khôi phục lại. Vì là thành phố lịch sử được UNESCO liệt kê vào di sản thế giới nên tránh khỏi tàn phá trong thế chiến thứ 2 , hai quả bqm nguyên tử được chuyển hướng sang Hirhoshima và Nagasaki và vì thế di sản văn hóa trước chiến tranh của nó được bảo tồn khá nhiều.
Lợi dụng lúc còn nắng , chúng tôi loanh quanh phố xá đến gần 9.PM , sau đó dùng xe bus đến khách sạn . Khách sạn ở Kyoto có phấn đắt hơn những chỗ tôi vừa đi qua, lại thiếu điểm tâm sáng , thôi kệ sáng đi ra ngoài ăn vui hơn.
Nhận phòng xong, tắm táp cho sạch bụi đường, chúng tôi ra phố ăn tối. Chỉ 3 trạm xe bus là đã tới trung tâm sinh hoạt về đêm của kyoto, tối đó trời mưa lất phất nhưng không lạnh , đi tìm được một quán bán đồ nướng, chọn menu và nhập tiệc ngay vì ai cũng đã đói, quán phục vụ lịch sự chu đáo , thức ăn ngon , nhiều , cha con tôi cũng không uống bia nhiều, chỉ vừa đủ và món tráng miệng là kem trà xanh, món kem này ăn có mùi trà màu xanh ngọc thạch cũng khá hấp dẫn,

Ăn uống xong cha con hắn làm một vòng Kyoto by night , đi ngang các phòng trà , club , những người mời chào ăn mặc lịch sự , veston 3 mảnh cầm dù trắng đứng ngoài của mời chào khách hàng , thấy ghi giá tiền là khoảng 20$ US cho một ly rượu trong vòng 60 phút, không lẽ vào đây ngòi uống một mình như kẻ thất tình, đang vui cũng cà kê vài ba tiếng với một người đẹp phục vụ hay ít ra cũng mời người đẹp rót rượu 1 ly cho phải phép và tới luôn đi bác tài. À há, đây chỉ là phần ở các club ,còn muốn hưởng phong lưu tiêu sái giang hồ thì đến khu dành cho các Ghésha , hắn cũng đánh một vòng qua khu phố này, đúng là khu bán phấn buôn hương nơi đây là thủ phủ của Ghesha hay tôi còn gọi là con đường thơm , mùi nước hoa , son phấn lan tỏa ra cả ngoài đường , giá cả ly rượu nơi dây cũng có khác , được ghi ngoài của quán là Saké tròm trèm 70 $ US thôi !
Những con đường thơm này được gọi là hanamachi(phố hoa), hắn chỉ đi một vòng phố Gion, bốn phố còn lại hắn không còn sức rảo bước nữa

Kyoto còn được mệnh danh là thành phố của kymono , của các kiều nữ Ghesha .

Những cô làm việc tại phòng trà ở khu phố cổ Gion được gọi là Geico hay Maiko, cũng được huấn luyện đúng bài bản của Ghesha nhưng chưa đuọc gọi là Ghesha, hàng ngày từ khu nhà của Ghesha họ đến các phòng trà của khu phố. maiko sẽ phải dành 5 năm tiếp theo cho khóa huấn luyện . Lý thuyết là như vậy nhưng theo hắn để trở thành một Ghesha chân chính như lý thuyết chắc chỉ vài ba phần trăm, Lý thuyết này để dành bóng văn hóa và để dành bóng người phụ nữ Nhật sau đệ nhị thế chiến, ngày nay chỉ có gã khờ mới tin vào câu « ở nhà Tây, ăn cơm Tàu,lấy vợ Nhật ». Còn hắn lang thang để giao tiếp và tin vào sự thật đang bày ra trước mắt, bảo hắn dung tục hắn cũng chỉ cười khì.
Các nàng sau giấc ngủ trưa, khoan thai thả gót ngọc, thọc gót ngà đến các phòng trà làm việc, yểu điệu là thế; vậy mà bảo rằng không tiếp khách du lịch… chỉ tiếp người quyền quý cao sang, Ara không ngu ngơ mà tin .
Có nghệ thuật tiếp khách; biết ăn, biết nói, biết chiều chuộng là một nghệ thuật được Ghésha học một cách bài bản để khách hàng hài lòng khi đến, ra về vẫn còn lưu luyến.
Buổi tối là khoảng thời gian kì diệu nhất ở đây. Những đèn lồng được thắp lên làm khu phố rực ánh đỏ, những chiếc xe người kéo đang miệt mài chở khách du lịch đi thăm viếng (photo Ara)
Một phòng trà tiếp khách của Geico

Ra khỏi hàng ăn, cha con hắn đi một vòng ban đêm, cũng đi tìm khu phố cổ còn thấp thoáng bóng các ghésha, cũng lần mò đến khu phố cổ Gion một nơi đặc biệt của Kyoto. Loáng thoáng trong đầu còn vương vấn những hình ảnh các kiều nữ KImono hay những nàng Ghesha qua những phim của Nhật mà hắn có dịp theo người chị cả dắt đi xem lúc 10 tuổi vào lúc khai truong rạp Kinh Đô gần nhà, xem phim « Sayonnara » được dịch ra tiếng Việt là « Tình không biên giới » nói về câu chuyện tình sướt mướt của một người lính Mỹ và cô gái Nhật sau thế chiến thứ 2, hắn nhớ có những hình ảnh khu phố cổ Gion này. Sau này hắn còn xem thêm những phim Nhật khác, như « Con hạc trắng » hay « Người phu xe » những loại tình cảm này hắn nào có thích, cứ bám theo người lớn là xét vé cho vào, gọi là xem « cọp », gặp phim không thích ngồi chút xíu bỏ về, thích nhất là được xem Les 7 Samurais vung kiếm đánh thuê hay xem các đô vật Samo vật nhau, ngày đó tên tuổi đô vật Nhật vang danh thế giới như Lịch đạo Sơn đã đánh bại đô vật King Kông; lại còn Đông Phú Sỹ, Bản Điền…những chuyện hắn nhớ đã hơn 60 năm rồi, lúc đó theo anh Hồng nhà đối diện dắt đi xem.
Đi một vòng khu phố cổ nhằm lúc mưa lất phất, các quán « trà đạo » hay các nàng Geiko chuyên đưa người cửa trước rước người của sau, hôm nay cũng chỉ thấp thoáng bên mành.
Cờ Nhật nền trắng, vòng tròn đỏ, có dịp nhìn các kiều nữ mói nhận ra một điều, họ trang điểm như lá cờ đất nước Phù tang . Những búp bê Nhật trong thùng kính 30x60cm ngày trước bày bán nơi thương xá Tax cùng lối trang diểm; mặt trắng phau, đôi môi tô đỏ đậm nổi bật giữa khuôn mặt, những chiếc áo đều có thấp thoáng hoa văn màu mặt trời. Ngày trước loại này dùng làm quà « kính biếu » chứ ít ai chịu bỏ ra một đống tiền vác về cặp búp bê chưng trong tủ kính này. Quà giá trị hơn nữa khi chiếc thắt lưng lụa to bản của 2 kiều nữ được thay thế bằng hai lá váng 24K quấn quanh bụng.

« Con người của nghệ thuật » là ý nghĩa của Ghesha, họ tài hoa duyên dáng, ăn nói thu hút người đói diện vì thế để được gọi là Ghesha cũng dày công học tập, họ sống trong thế giới riêng của họ, chỉ tiếp xúc với những người giàu có và quyền lực. không dành cho người ngoài đừng nói là du khách như hắn . Người ta thường nói phim ảnh thể hiện một phần của đời sống xã hội. Ngày nay kỹ nghệ phim sex của Nhật đứng đầu thế giới có tên là JAV(Japon adulte video), các bác vào mạng xem hắn có nói quá không., kể cả những sách hoạt hình về lãnh vực này, đủ cả thể loại, đủ mọi ngành nghề, dĩ nhiên cũng có hàng ngàn phim có mặt Ghésha.


Về khuya lúc tạnh mưa, hắn lại khám phá thêm khu các quán rượu, gần như những quán bia ôm bên nhà. Những của hàng cũng không có gì là sáng sủa, bên trong ba bốn cô son phấn nhạt nhòa bên cạnh những gã bụi bặm lè nhè say, có thượng vàng thì khu hạ cám cũng là đây. Ngoài cửa ghi Saké 400 yen, các tay bảo kê qua lại bảo vệ khu vực, muốn ghi vội lại vài búc ảnh quán « rượu ôm » ban đêm làm ảnh sống nhưng thôi, « vuốt mặt cũng nên nể mũi ». Nước sông không chạm nước giếng cho an toàn khi họ mời chào hắn bằng tiếng Nhật, không trả lời được, họ biết là du khách, thôi thì cũng Sayonnara cho êm chuyện…cũng đã nửa đêm về ngủ lấy sức mai còn đi thăm viếng các đền đài của Thần giáo

Với 2000 ngôi đền đạo Phật và đền Thần đạo, cũng như các cung điện, vườn thượng uyển và các công trình kiến trúc còn nguyên vẹn, Kyoto là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất của Nhật Bản. Trong số các ngôi đền nổi tiếng của Kyoto phải kể đến Kiyomizu-dera, một ngôi đền bằng gỗ nằm trên loạt móng cọc gỗ cắm trên sườn núi dốc; Kinkaku-ji, chùa được dát vàng, dát bạc . Hắn có chương trình nguyên một ngày đi thăm viếng đền, chùa này không biết đầu óc có lắng dịu chút nào không hay vẫn còn tơ tưởng đến con đường thơm, mà tội lỗi như hắn cũng cần có giây phút sám hối, thanh tịnh đừng để lỏn vởn bóng dáng các Maiko yểu điệu .

Thần giáo hay Thần Đạo với hắn được hiểu một cách sơ đẳng là thờ các vị thần, như ở nước ta, tảng đá, bình vôi, cây đa, cây đề đều có những vị thần, có câu « thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây để ».
Thần đạo của Nhật cũng tương tự, theo nhiều tài liệu có đến 8 triệu các vị thần, tiếng Nhật gọi là Kami, cũng đại loại là khi được nhân cách hóa thì con vật, đồ vật tức thì được khoác áo thần, được mọi người tôn kính, thường trú ngụ nơi cao nhất được gọi là thiên đường và chỉ thiên đô khi được bá tánh rước về một ngôi đền trong một nghi thức trang trọng, nơi đây được gọi là thần xã.
Phía ngoài thần xã là cổng Torii bằng gỗ sơn đỏ, trong lúc đi bụi hắn nhìn thấy rất nhiều các cổng này chứng tỏ có rất nhiều thần xã nơi hắn đi qua và hắn cũng chỉ men theo vòng ngoài thấy bày bán đủ loại bùa đem lại may mắn. Hắn cũng thỉnh một lá bùa, được xin tại một ngôi đền Inari nơi có cặp chó đeo khăn quàng đỏ.
Để chứng tỏ lòng thành kính, khách thập phương thường chọn ngôi đền cao chót vót, leo bở hơi tai, như vậy mới chứng tỏ được lòng thành !!!
Không vào trong chánh điện vì không có mục đích, cũng không có nhiều thì giờ nên rẽ bước nơi khác.

Chỗ xin lá bùa cũng gần chỗ xin xâm(xăm) của đền, xin để làm kỷ niệm một chuyến đi, đâu mong gì được tài, được lộc, công việc hanh thông, tình yêu rực rỡ như người phát bùa phán. Ở tuổi hưu trí đâu còn cần đến những hư danh này nữa, có chai whisky bên cạnh làm nồng cuộc sống có lẽ thiết thực hơn(photo Ara)
Ara có nói là tất cả những đồ vật, con vật khi được nhân cách hóa lên bỗng dưng khoác áo thần được ăn trên ngồi trước, được mọi người xì xà xì xụp lên gối xuống gối. Nơi Ara đưa vào tầm ngắm là chỗ thờ vợ chồng nhà « tí », còn hình phía dưới hắn cũng không biết là thờ món gì nữa, cứ thấp hương lên là thấy có một vị thần về đây(photo Ara).
Dọc đương thấy không biêt bao nhiêu là am thần đạo, cái Ara chụp không biết thờ gì nữa, cũng được các Miko quét tước hàng ngày. (photo Ara)
Xin nước thánh chảy từ nóc đền xuống qua 3 ống thoát. Để hứng nước, sân đển có đặt những chiếc gáo cán dài khoảng 80cm, đứng trong sân đền thò gáo ra múc nước thánh mà uống để được tăng cường sinh lực. Nhìn cảnh này nhớ đến Xuân tóc đỏ được Vũ trọng Phụng đạo diễn trong « số đỏ », xin nước thánh cho cụ cố Hồng uống, thánh đãi di đến đâu, mọi việc đều tốt lành (photo Ara)
Việc chăm sóc các ngôi đền Thần đạo là các Miko. Các cô gái này thường mặc lễ phục với kimono trắng với quần đỏ có tên là hakama, kèm bít tất tabi. Ngoài việc múa các nghi lễ công việc còn lại là quét dọn sân đền và bán các loại bùa, làm thẻ xin xâm
Phóng ảnh mô hình khu vực chùa vàng, ngôi chùa mà ai bước chân đến Kyoto cũng đều ghé qua,hãy theo phóng đồ hướng dẫn này để không thiếu sót. Mỗi thứ có vẻ đẹp riêng. (photo Ara)
Kinkaku-ji được phiên âm là Kim các tự hay gọn gàng hơn là chùa Gác vàng, vàng dát chùa từ trong ra ngoài nên lúc nào cũng lấp lánh trên nền trời. Nằm trên nóc của Kim Các Tự là bức tượng chim phượng hoàng bằng đồng cao gần 4 mét phủ đầy lá vàng.
Bên cạnh chùa kiến trúc thêm một chiếc ao như tạo dựng một nét phong thủy hài hòa giữa người và thiên nhiên, cũng là một vẻ đẹp khi nhìn thấy phản chiếu ánh vàng trên mặt nước, khen ai đã khéo tạo dựng được ngỏi chùa này . Chùa được xây dựng từ năm 1397, ngôi chùa đã trải qua chiến tranh, hỏa hoạn, bị tàn phá nhiều lần nhưng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu . Chùa được cất 3 tầng, mỗi tầng một lối kiến trúc riêng . Chùa vàng xứng đáng được xem như là quốc bảo của đất nước Phù Tang được
mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 17 giờ phí vào cửa ngôi chùa cho người lớn là 400 yen, tương đương 10 Euro (photo Ara)
Một kiến trúc thiền tông khác ở Kyoto là ngôi chùa Bạc, gọi là chùa Bạc nhưng không có dính dáng tí xíu bạc nào nơi ngôi chùa như chùa Vàng. những ghi chú trên họa đồ bằng Hán tự nhưng có phụ chú Anh ngữ nên dễ dàng cho nhiều người khi xem bản đồ khu vực chùa Bạc(photo Ara)
Tên chính thức ngôi chùa là Higashiyama Jisho-ji, là một trong những phật đường của Shokoku-ji. Tên Ginkaku-ji được bắt nguồn từ thời Edo đã có ngôi chùa Kinkaku-ji mà nhiều người biết tên là chùa vàng, để đối lại người ta cũng dùng tên Ginkaku-ji là chùa bạc để đối lại với Kinkaku-ji. Phần khác là sự tôn kính đối với ông nội ông đã tạo dựng ngôi chùa Vàng, vì thế chùa dát bạc nhưng chưa hoàn chỉnh và nhỏ hơn ngôi chùa dát vàng, nên không bao giờ thấy được bạc ở ngôi chùa này (photo Ara)
Đường vào thiền viện của ngôi chùa bạc; lắng đọng, yên tĩnh dễ đưa lòng người đến thế giới thiền. Không đông đảo, tấp nập, ồn ào như khu chùa Vàng, có phải vì tên là vàng nên lòng người dễ bị chinh phục, lôi cuốn hơn chăng!!! (Photo Ara)
Việc thiết kế với khu vườn dường như ý tưởng đã có sự tính toán tỉ mỉ tỷ lệ sáng tối màn đêm và ánh trăng, tạo nên điều tuyệt vời trong nghệ thuật đen trắng và cả trong kiến trúc ngôi chùa. Khi ánh trăng rọi rọi vào, những uốn lượn những vạch đen trắng như những dòng thủy triều. (photo Ara)
Có những lời đồn là khi ánh trăng chiếu vào đụn cát lớn này, còn được gọi là « hướng nguyệt đài » ánh trăng được phản chiếu vào ngôi chùa bạc, điều này chắc chưa được kiểm chứng vì cửa chùa đóng từ chập tối. Nhiều người còn cho là đụn cát tượng trưng cho ngọn núi Phú Sĩ nằm bên biển, cát bạc (ngân sa than) là biểu tượng của nước Nhật, cũng có lẽ với hắn đây là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc du hành này.
Cũng chính từ ngôi chùa này là nơi chùa này khai sinh ra những bộ môn văn hóa nghệ thuật dân gian biểu tượng của người Nhật như: Trà đạo, thiết kế sân vườn, cắm hoa, thi ca, kịch nghệ, kiến trúc…Lung tung như hắn mà cũng chịu khó bỏ khá nhiều thì giờ khi vào thăm viếng không gian ngôi chùa Bạc thăm những phòng cho khách thiền, những gian phòng ghi lại triết lý nhà Phật
(photo Ara)
Cuối thời kỳ Nara, năm 778 nhà sư Enchintao dựng ngôi chùa mang tên Kiyozumi-dera , chùa này bị cháy nhiều lần nên những kiến trúc chùa ngày hôm nay được xây dựng lại vào năm 1663. Đền Kiyozumi- dera nằm ở vị trí có thể nhìn ra được cả thành phố Kyoto . Đến đây vào khoảng trung tuần tháng 6, ngôi đền như được nằm trên một thảm lá xanh mơn mởn, nghe nói vào mùa thu, lá chuyển màu đỏ rực .
Điểm độc đáo là trong kiến tạo
, không có bất kỳ một chiếc đinh nào được xử dụng . Đây cũng là di sản văn hóa được Unesco công nhận; một diểm son của Kyoto.(photo Ara)

Nhật bản mang sắc thái của Đông tà Hoàng dược Sư, đảo chủ đảo Đào Hoa, bá chủ của phương đông, tính chất đầy tà khí, võ thuật bao trùm thiên hạ, điều này nằm trong bài viết « Những ẩn số chính trị trong tiểu thuyết kiếm hiệp KIm Dung » của giáo sư Nguyễn ngọc Huy.(Tìm trong Việt Nam thư quán có bài viết này)
Chính vì vậy mà con cháu, đệ tử của Đào hoa đảo toàn những tay cự phách, văn võ song toàn…chỉ một Ghésa với chiêu thức điêu luyện « lan hoa phất huyệt thủ » cho đo ván không biết bao nhiêu cao thủ phương tây, lại còn có chiêu thức khác như « nhất lạng đẩy ngàn cân » thì dù to xác như trâu chương bắc Mỹ cũng là chuyện nhỏ chỉ cần một cú hẩy mông của Judo là giẫy tê tê từ chết đến chết.
Nơi xứ hoa đào rất nhiều môn võ thuật đặc sắc gồm võ thuật cổ truyền Sumo cho đến các môn võ thuật hiện đại như Judo, Aikido, Iaido( môn nghệ thuật đấu dùng song kiếm độc quyền của Nhật Bản), Karate, còn có môn Kyudo ( cung đạo) học về việc bắn cung.
Hắn dang đi lang thang nơi thành phố cổ Kyoto, nơi thịnh hành môn Sumo, cũng có tìm đến võ đường mong được xem một cuộc tranh tài, nhưng không có vào ngày hôm đó.
Sumo là môn võ thử sức mạnh trong chiến đấu nên một trận đấu kết thúc chỉ trong một, hai phút, môn võ kết hợp với lễ nghi Thần đạo.
Thi đấu được tổ chức trong một vòng tròn, trang phục của các đô vật là những đai đấu vật cứng, chắc. Người chiến thắng trong trận là người đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn hoặc ép đối thủ chạm đất với bất kỳ phần nào của cơ thể ngoài lòng bàn chân.
Để có môt thân hình đồ sộ, khẩu phần ăn bằng 10 người bình thường để có một cân lượng tối thiểu là 120 kg.
Chính chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe trong cuộc sống sau này, tuổi thọ 60 đến 65 ngắn hơn 10 năm so với người bình thường. Những bịnh tật họ thường mắc phải là bệnh tiểu đường type 2 hoặc huyết áp cao, dễ bị đau tim do khối lượng cơ thể tích tụ chất béo khổng lồ . Uống quá nhiều rượu dẫn đến các vấn đề về gan và do trọng lượng dư thừa của cơ thể có thể gây ra viêm khớp.

Những đô vật doạt giải vô địch hàng năm hay trong các giải lớn được in bàn tay lưu niệm đặt tại bảo tàng viện Sumo ở Kyoto. Hắn áp bàn tay vào đo thử xem nếu lên đài đấu thì chịu được mấy giây, không những ra khỏi vòng mà có khi bị quăng tới ngạch cửa đấu trường(photo Ara)
Một giải đấu tổ chức ngày hôm sau, hắn đã lấy vé xe lửa tối nay rời Kyoto rồi nên cũng bye bye các đô vật (photo Ara)
Hình ảnh hai đô vật tranh tài, quy định đô vật phải để tóc dài để tạo thành một búi tóc tương tự như kiểu tóc samurai thời Edo đang lừa thế đẩy đôi1 thủ ra khỏi « sới vật »
Truóc khi giã từ thành phố Kyoto hắn cũng có ghé thăm viện bảo tàng Sumo nhưng không trở lại khu phố hoa đào của các Ghesha, không dám thử món « lan hoa phất huyệt thủ » sợ giãy tê tê.(photo Ara)

Hai ngày nơi cố đô Kyoto, lê gót không biết bao nhiêu đoạn đường, cũng còn nhiều ngôi đền hắn đã đặt chân đến, những ngôi đền mang tính hoang đường hoặc có tính cách mê tín, dị đoan hắn chưa bỏ vào đây, có dịp dùng làm câu chuyện tiếu lâm với bạn bè, hắn còn an bình, cái miệng vẫn bép xép chẳng lột da non như miệng…định nói giống miệng đàn bà nhưng stop kịp, xin bỏ qua những lấp liếm của hắn để hắn được an bình « đía » nốt phía bên đông.

Viết xong ngày 14/04/2022

Bruxelles, Auderghem
Ara Phát

 Mời Xem P.1 :Đi về phía mặt trời đỏ – Ara Phat .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét