10 thg 5, 2022

Ngang qua cổng các ngôi trường cũ _ Hoàng Khởi Phong

Ngang qua cổng các ngôi trường cũ


Thân tặng các bạn bô lão cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi niên khóa 1955-1959.
Riêng tặng các bạn:Chu Quang Trung, Nguyễn Tuấn (B1), Ngô Quang Nghiêm, Trịnh Như Toàn (B2) và Nguyễn Võ Bảo, Nguyễn Đức Bằng, Trần Ngọc Côn, Tô Doãn Địch,Đặng Trọng Đính, Nguyễn Hà, Nguyễn Hân, Đặng Phùng Hậu, Từ Nghiêm Hội, Phạm Tuấn Kiệt, Nguyễn Trung Lâu, Nguyễn Sĩ Nhất, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Đinh Sơn,Đoàn Trọng Thê… cùng tất cả các bạn lớp B3 trong nước cũng như hải ngoại.
*
 

Sang năm mới 2014 có lẽ toàn thể chúng ta, các học sinh năm đầu của bậc Trung Học khi mới di cư vào Nam năm 54, ai nấy đều bước vào lứa tuổi bẩy chục. Cho dù năm đó,có nhiều bạn dự thi tuyển lớp Đệ Thất, phải xin miễn 1 tuổi nghĩa là chỉ 10 tuổi khi nộp đơn thì bây giờ họ cũng đã bẩy chục tuổi ta. Bài viết này có thể được coi là một bản tường trình với các bạn về 2 ngôi trường chúng ta theo học trong suốt 4 năm trung học đệ nhất cấp dưới danh hiệu Hiệu Đoàn Nguyễn Trãi.
Tôi còn nhớ năm đó ngôi trường Nguyễn Trãi thân yêu của chúng ta vừa mới di cư từ Bắc vào Nam. Ở đây, xin phép các bạn để nhắc qua thời điểm lịch sử này… Năm 1954,khi trận Điện Biên Phủ kết thúc mở màn cho việc ký kết hiệp ước Genève. 

Bản hiệp ước  này chính là lưỡi dao cắt đôi hình thể nước ta thành hai miền tổ quốc, để từ đó trong lòng đất nước khai sinh 2 quốc gia với 2 quyền lực quốc tế đứng đằng sau mỗi miền.
Chuyện nội chiến Nam Bắc thật sự chính là trận chiến ủy nhiệm của hai khối quyền lực nên tất nhiên phải xẩy ra sau này nhưng lúc đó, điều quan trọng là miền Nam phải tái ổn định cho một triệu người Bắc đã lìa bỏ quê cha đất tổ để đi tìm một chút tự do ở miền Nam. Trong việc ổn định này, không thể quên việc học hành của những cô cậu bé con như anh em chúng ta. Giờ đây nghĩ lại, tôi vô cùng biết ơn những người lãnh đạo ngành giáo dục thời đó. Trước khi chia đôi đất nước, Bộ Quốc Gia Giáo Dục có ba Nha Học Chính: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt giống như Bộ Thông Tin có ba Nha Thông Tin: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt… Mỗi Nha đôn đốc và thực thi việc học trong khu vực của mình rồi đùng một cái, hàng triệu người di cư vào Nam, ắt hẳn có vài trăm ngàn học sinh trung, tiểu học cần phải có trường lớp. Tôi nhắc tới điều này với lòng cảm phục các bậc thầy ở miền Nam đã mở rộng nghĩa cử đón nhận những ngôi trường miền Bắc. Tôi nhắc lại “đón nhận những ngôi trường” nghĩa là cả thầy và trò, toàn bộ ban giáo sư, chứ không phải chỉ những học trò mà thôi!
Có tới năm ngôi trường di cư từ Bắc vào Nam, mà chưa hề có trường sở gồm các
trường trung học Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục và trường nữ trung học Trưng Vương. Tôi nghĩ rằng các vị lãnh đạo hai nha học chính Bắc và Nam Việt phải mất nhiều thời gian, cũng như tim óc để giải quyết trường sở cho những ngôi
trường di cư này. Về phía trường Trưng Vương đã được trường nữ Gia Long cho mượn tạm một số ký túc xá để kê bàn ghế làm các phòng học tạm thời một năm đầu, năm sau được Bộ Giáo Dục cấp cho ngôi trường khang trang gần Sở Thú Sài Gòn. Trung học Chu Văn An lớn nhất ở miền Bắc đã được trường Pétrus Ký lớn nhất ở miền Nam nhường cho một phần trường sở và ở đây gần mười năm cho tới khi có trường mới.
Trong khi đó trung học Nguyễn Trãi và Trần Lục đã được hai trường tiểu học ở miền
Nam, thu xếp lại giờ học để có thể sử dụng khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ
chiều. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chưa bao giờ có các lớp học buổi trưa như vậy.
Riêng trường Hồ Ngọc Cẩn thì mượn được một phần của trường tiểu học Gia Định
dùng làm trường sở cố định cho tới ngày ngôi trường này bị xóa tên trong sổ bộ đời
Ngày nay tất cả các ngôi trường vừa kể trên cả Nam cũng như Bắc gồm: Gia Long,
Trưng Vương, Chu Văn An, Petrus Ký, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn đều đã biến mất ở miền Nam. Biến mất vì bị đóng cửa, đổi tên hay thay hình đổi dạng, các giáo sư chỉ một số nhỏ được lưu dung (lưu dung là lưu lại và dung thứ, chứ không phải lưu dụng là lưu lại để sử dụng) sản xuất ra những lứa học trò lạ lùng của một nền giáo dục kỳ quặc.
Bây giờ chúng ta trở lại ngôi trường Nguyễn Trãi thân yêu. Niên khóa 1955 thầy Trần Văn Việt làm hiệu trưởng, được trường tiểu học Trương Minh Ký (kế cận rạp cinema Đại Nam) cho mượn buổi trưa, học từ 10 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Để có thể học giờ giấc đó, các lớp của trường tiểu học đã phải thu gọn giờ học thay vì từ 8 giờ đến 12 giờ
thì phải học lúc 7 giờ ra về 10 giờ. Kế đó trường Nguyễn Trãi sử dụng toàn bộ trường sở từ 10 giờ đến 2 giờ chiều, sau lại trả trường cho các em tiểu học, học buổi chiều từ 2 giờ tới 5 giờ. Năm đó tôi học lớp Đệ Thất B3, lớp của tôi ngay cạnh cổng ra vào trên đường Nguyễn Thái Học ngày nay. Trường có một sân chơi rộng giữa bốn dẫy lớp học, tạo thành một hình vuông vức. Nơi góc sân gần lớp tôi có một số dụng cụ thể dục như parafixe, parallel nằm dưới bóng mát của mấy cội me già. Những buổi trưa hè, trong giờ nhạc của thầy Chung Quân, tiếng hát học trò các lớp hầu như lay động tới những hàng me già này khiến cho đàn chim thành phố đang mơ màng giấc trưa vùng bay tứ tán và hình như đám lá me cũng bị tiếng hát vẳng ra lay động nên rơi lả tả dù trời không gió.
Bây giờ trường này có tên là trường cấp 1 (tiểu học) Nguyễn Thái Học, bảng tên Trương Minh Ký là tên của một nhà nho miền Nam có cái nhìn viễn kiến từ cuối thế kỷ 19 cũng đã bị xóa đi. Cũng may ngôi trường này vẫn còn mang tên một nhà cách mạng chân chính đã thành lập một đảng cách mạng tranh đấu cho nền tự chủ của nước nhà.
Để viết bản tường trình này cho các bạn, tôi đã trở lại đây để thấy rằng ngôi trường thân yêu của chúng ta không còn một chút dấu tích. Trường đã xây thêm một tầng, sân chơi bị thu nhỏ lại rồi tráng xi măng thành sân giữ xe, chứ không phải sân chơi cho học trò.
Những cội me già và cái parafixe, parallel đã biến mất! Bạn nào còn nhớ mấy cô bé
chen chúc dưới tàng me, mỗi cô một chỗ bầy cái mẹt bán trái cây như ổi, cóc, mận, me,ô môi, bánh me, khoai mì… Thời xưa mỗi lần nhìn thấy mấy trái ổi dầm, mấy cái bánh me là tôi thèm nhỏ dãi.
Chắc mấy ông bạn già còn nhớ, trường Trương Minh Ký ngày chúng ta học nhờ là một tòa nhà trệt, mái ngói đỏ au dưới các tàn me xanh. Các bạn hãy giữ ngôi trường đó thật sâu trong trái tim của mình bởi vì giờ đây sau khi bị đổi tên, ngôi trường đó cũng bị đổi hình, người ta đã xây thêm một tầng, với mái bằng, nên trông nó giống như một khu chung cư hai tầng cũ kỹ nằm ngang ngược giữa đường Trần Hưng Đạo. Cũng may con đường này chưa bị đổi tên thành Lê Văn Tám là một người vô hình không có thật được bịa ra do nhu cầu tuyên truyền. Sử gia Trần Huy Liệu tác giả của trò đùa này, trước khi chết đã tiết lộ cũng như ủy thác cho sử gia Phan Huy Lê phải công bố sự thật về việc “sáng chế” anh hùng Lê Văn Tám như thế nào? Thế nhưng hiện nay ở bất cứ thành phố nào cũng có một cái gì đó mang tên Lê Văn Tám. Không phải chỉ có một cái tên Lê Văn Tám, mà còn rất nhiều tên lạ hoắc như Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Văn Đậu, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Văn Đường… Tất cả những cái tên này gói ghém niềm mơ ước của những người bị đói ăn kinh niên. Không lẽ những anh hùng xa xưa nhiều lần đã ngăn ngừa giặc dữ của các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Thanh, đã giữ vững giang sơn bờ cõi chống trả hàng chục cuộc xâm lăng từ phương Bắc và đã từng đoạt: Sáo Chương Dương độ – Cầm Hồ Hàm Tử quan – Thái bình tu nỗ lực – Vạn cổ thử giang sơn lại không có công trạng bằng những cái tên Bơ, Bánh, Đường, Đậu… hay sao?
Cách đây vài ngày, tôi đi mua một món đồ điện tử tại siêu thị điện toán Nguyễn Kim (rạp cinema Đại Nam ngày trước), vì không đủ chỗ đậu xe nên thương xá đã liên lạc với trường Nguyễn Thái Học (ngôi trường cũ chúng ta học nhờ) để lấy cái sân chơi ở đây làm chỗ để xe tạm trong những ngày đông khách mà học sinh nghỉ học. Tôi chạy xe vào giữa sân trường và sau khi nhận thẻ gửi xe, tôi bỏ nửa giờ để đi vòng quanh các lớp…
Các bạn già ơi! Có lẽ không nên vào thì hơn, vào thì lòng quặn lại, không phải vì trường
lớp tiêu điều mà vì những khẩu hiệu la liệt ở các lớp. Đọc nó lên, ta sẽ hiểu tại sao nền giáo dục ở đây xuống cấp quá nhiều và đa số các thầy cũ của chúng ta phải giã từ phấn trắng với bảng đen.
Tôi nhớ đã tới bãi đậu xe hồi 11 giờ sáng, có nghĩa là ngày xưa chúng ta đã vào học được một giờ… Lắng nghe nhưng không có tiếng ríu rít của bầy chim sẻ trong các tàng me già, không có tiếng hát của lớp nhạc thầy Chung Quân mà chỉ có tiếng động cơ gầm rú và tiếng động ì ầm của thành phố vọng lại. Tôi vẫn hay đi qua Phan Đình Phùng ngày xưa, giờ đây là đường Nguyễn Đình Chiểu một chiều; mỗi lần tạt ngang tôi thường nhớn nhác nhìn quanh xem có thấy bảng tên trường tiểu học Lê Văn Duyệt không? Chắc hẳn
các bạn già biết tôi định nhắc tới cái gì: Sau một năm học nhờ buổi trưa ở trường Trương Minh Ký, từ niên học 1956 trở đi trường Nguyễn Trãi được sắp xếp học nhờ nguyên buổi chiều tại trường Lê Văn Duyết này. Trọn niên học trước chúng ta không được chào cờ bởi vì giờ học oái ăm vào giữa trưa. Bắt đầu từ niên học 1956 thầy Vũ Đức Thận làm hiệu trưởng, mỗi tuần chúng ta chào cờ một lần đúng vào giờ tan trường của ngày thứ hai (thuở đó chúng ta học một tuần 6 ngày, chỉ nghỉ ngày Chủ Nhật mà thôi). Có nguyên một buổi chiều, lại có văn phòng rộng rãi nên sinh hoạt của Hiệu Đoàn Nguyễn Trãi cũng ngăn nắp hơn vì vậy mà các ông bạn lười, trốn học có chỗ để đi
“công xi”. Tôi tin rằng các ông bạn già còn nhớ hồi đó lứa chúng ta chỉ có 3 lớp trong khi trước và sau chúng ta họ có 4 lớp. Tôi muốn nhắc tới một lớp nữ sinh (B4) của trường Trưng Vương gửi qua học nhờ như thế thì hiệu đoàn Nguyễn Trãi của chúng ta cũng oai chán, dù đi học nhờ trường mà vẫn nhường nguyên một lớp cho các bạn Trưng Vương. Lớp nữ sinh này mãi hết năm Đệ Ngũ mới trở lại trường mẹ. Không biết có ông bạn già nào đã nên duyên với một cô bạn gái của lớp B4 này không?
Tôi nhớ cái sân của trường Lê Văn Duyệt rộng mông mênh, mỗi giờ ra chơi hầu như  học sinh các lớp nhỏ chỗ thì đánh đáo, chỗ thì ném banh. Ngoài cổng trường, học sinh các lớp lớn xúm quanh mấy xe thịt bò khô, thịt bò viên, xe nước mía, đá nhận… Các bạn ơi hãy giữ những hình ảnh thời thơ ấu đó trong tâm khảm vì giờ đây, ngôi trường tiểu học Lê Văn Duyệt không còn một chút hình ảnh cũ nào! Cái tên đã không còn, cái hồn cũng mất theo luôn. Sau khi vào tận phía trong trường Trương Minh Ký, tôi đứng tần ngần trước ngôi trường Lê Văn Duyệt xưa, giờ đây tên của nó là: Trường Mầm Non
Thành Phố 19 – 5. Tôi đã thất vọng và hiểu rằng bảng tên này có hai ý. Một… đây là trường Mầm Non, còn tên của nó là 19-5, cái vẻ ngoài của ngôi trường mầm non đã khiến tôi khựng lại. Các bạn già nhớ bức tường bao quanh trường ngày xưa không?
Giờ đây bức tường này không còn, mà thay vào đó là các bức tường của ngôi trường mới như thế có nghĩa là ngôi trường xưa của chúng ta đã bị phá đi và thay vào đó là những kiến trúc xa lạ! Thế thì nó chẳng liên quan gì tới tôi, và như vậy cũng chẳng cần phải vào làm chi cho thêm một lần đau bụng.
Thôi thì không vào thì cũng nên đi loanh quanh gần đó cho biết. Tôi nhớ tới xe nước cam bột ở góc Phan Đình Phùng và Mạc Đĩnh Chi (con đường thẳng góc với Phan Đình Phùng này may thay vẫn còn giữ được cái tên), kế đó đường Phùng Khắc Khoan cũng vẫn giữ tên cũ. Nói tới đường Mạc Đĩnh Chi, tôi nhớ tới bãi cỏ xanh bên ngoài tòa đại sứ Nhật. Chính tại bãi cỏ nơi này, một anh bạn lớp B3 của tôi đã đánh nhau với một bạn lớp B1 suốt một tuần lễ liền. Cứ tan học là hai đối thủ được hàng chục bạn cùng lớp hộ tống ra bãi cỏ và xoắn vào nhau quần thảo… Sau cả tuần bất phân thắng bại, cả hai bắt
tay hòa. Giờ đây không hiểu anh bạn lớp B1 còn không? Anh bạn lớp B3 của tôi thì đang bị bạo bệnh, một bệnh mà chính y khoa Mỹ cũng đang mầy mò tìm cách chữa trị nhưng anh bạn đó vẫn cứ kiên cường “chiến đấu với bộ mạt chược” một tuần ba ngày.
Khi nào phải đi khám bệnh thì đi, hết khám lại ngồi xoa. Hệt như ngày xưa tuy nhỏ con hơn đối thủ nhưng vẫn lăn xả vào chiến đấu suốt một tuần cho đến khi đối phương phải xin hòa mới thôi.
Sau ba năm học nhờ trường Lê Văn Duyệt, đa số chúng ta dù đậu hay rớt trung học vẫn được chuyển qua Chu Văn An. Trường Chu Văn An là một câu chuyện hoàn toàn khác,đau lòng hơn cả hai trường Trương Minh Ký và Lê Văn Duyệt cộng lại nhưng không nằm trong phạm vi của bài viết này, xin hẹn các ông bạn già ở một bài khác cho giai phẩm của Chu Văn An. Năm 1967, trường Nguyễn Trãi của chúng ta được Bộ Giáo Dục cấp kinh phí xây trường mới bên Khánh Hội. Ngôi trường đó giờ đây vẫn còn, nhưng tôi e nó chỉ có phần xác vì phần hồn thì lũ anh em chúng ta đã mang đi, trải rộng ra chín
phương trời mười phương đất. Dầu sao thì khi nằm xuống, hồn của chúng ta cũng còn một cái bảng hiệu làm chốn quay về. Trong khi đó các trường khác như Chu Văn An, Pétrus Ký, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Gia Long thì hoàn toàn biến mất cả hồn lẫn xác.
Các trường này không may đến độ không còn cả một tấm bảng hiệu để quay về…
 

Sau cùng xin chúc các ông bạn già bẩy bó, các cựu học sinh Nguyễn Trãi niên khóa 1955-1959 dù sinh sống ở bất kỳ xó xỉnh nào trên trái đất này cũng tìm được an tĩnh trong tuổi già


 Mời Xem    Hoàng Khởi Phong viết về T. Doãn Quốc Sỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét