Tổ
tiên người Việt từ ngàn xưa luôn dạy con cháu rằng muốn thành công
thì phải có đức. Ngay cả trong giới phong thủy chân chính, vốn có
thể dựa vào địa lý hay long mạch mà cải mệnh, vẫn luôn lưu
truyền câu nói: “tiên tích đức, hậu tầm long”. Văn hóa cổ truyền
đó ngày nay ít người thật sự tin tưởng, nhưng có không ít câu
chuyện có thật được ghi chép lại là minh chứng cho điều này,
trong đó phải kể đến chuyện hai anh em nhà họ Quách thời Lê sơ.
“Tiên tích đức, hậu tầm long”
Trong thời Lê
Sơ ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có một người họ Quách
tính tình thật thà chất phác, không tranh cãi với ai. Một lần khi cuốc
đất, anh ta tìm thấy một đĩnh vàng. Vốn tin vào đạo lý của trời
đất, nghĩ rằng số vàng này không phải của mình nên không thể lấy được,
nhưng không biết của ai, người họ Quách liền đem cất riêng ở một chỗ.
Mấy tháng sau
có một người từ phương Bắc đến chỗ khu đất ấy kêu khóc, người họ Quách
đến hỏi thì người khách đáp rằng tổ tiên có của để lại ở chỗ này. Người
họ Quách bèn trả lại số vàng đã đào được.
Người khách cảm tạ nói: “Tôi
biết qua địa lý, ở đây có hai ngôi huyệt tốt: một ngôi đời đời kế tiếp
làm công khanh; một ngôi đỗ Tiến sĩ một đời. Ông thích ngôi nào, tôi sẽ
để giúp để báo ơn đức.”
Người họ Quách thật thà nói rằng: “Nhà
tôi nhiều đời nghèo túng, có đâu dám mong quá phận định, chỉ muốn con
cháu một đời đỗ Tiến sĩ, công danh hiển hách, thế là đủ rồi.” Vị khách liền để đất giúp.
Người họ
Quách đó chính là ông nội của Quách Đình Bảo. Quách Đình Bảo
một vị danh thần tài đức của nhà Lê Sơ, thông minh nức tiếng
sánh ngang Lương Thế Vinh thời bấy giờ. Em Quách Đình Bảo là
Quách Hữu Nghiêm cũng là một vị quan tài hoa. Hai anh em ông thật
sự ứng với câu nói: “…chỉ muốn con cháu một đời đỗ Tiến sĩ, công danh hiển hách, thế là đủ rồi.”
Quách Đình Bảo và Lương Thế Vinh
Vua Lê Thánh Tông xem trọng hiền sĩ, chú trọng khoa bảng. Khoa thi năm Quý Mùi 1463, sĩ tử các nơi nô nức dự thi.
Trước kỳ thi
Hội khoảng 3 tháng, Lương Thế Vinh nghe tiếng Quách Đình Bảo từ lâu nên
có ý định ghé thăm, đến hàng nước trước cổng làng dò hỏi thì biết rằng
Đình Bảo đang đọc sách. Lương Thế Vinh nghĩ: “Kỳ thi gần đến nơi, hãy còn cố sức học, chỉ có tiếng hão thôi, chắc là anh này trong bụng chẳng có uẩn súc gì cả”, liền quay trở về, không gặp Đình Bảo.
Lúc Đình Bảo ra
hàng nước thì được nghe nói lại chuyện này, đoán biết người đó là Thế
Vinh liền quyết định đến thăm. Thế nhưng khi đến nơi thì Lương Thế Vinh
không có nhà, khi hỏi thì được biết Thế Vinh đang thả diều ngoài đồng
cùng đám trẻ con. Đình Bảo nghĩ: “Tài học người này, ta không thể theo kịp được”. Trở về nhà, ông cũng không dùi mài khổ sở nữa.
Kỳ thi Hội năm đó Quách Đình Bảo vượt qua Lương Thế Vinh và tất cả các sĩ tử khác, đứng đầu thi Hội tức Hội nguyên.
Đến kỳ thi Đình
thì Lương Thế Vinh lại đỗ đầu tức Trạng nguyên, Quách Đình Bảo đỗ Thám
hoa, người đỗ Bảng nhãn là Nguyễn Đức Trinh. Đây đều là những người hay
chữ từ nhỏ, vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra bài thi văn sách rất vui mừng
vì tìm được những nhân tài xuất chúng, bèn sai làm 3 lá cờ, mỗi người
một lá, trong cờ thêu 4 câu sau:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh,
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ cộng tri danh.
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ cộng tri danh.
Ba năm sau đến khoa thi năm 1466, em trai của Đình Bảo là Quách Hữu Nghiêm dự thi và đỗ Hoàng Giáp.
Điều thú vị là
hai anh em họ Quách đảm nhận những chức vụ tương tự nhau. Quách Đình Bảo
làm đến Lễ, Hình bộ, Thượng thư kiêm Đô ngự sử, thì sau đấy người em là
Hữu Nghiêm cũng nối gót đảm nhận chức vị ấy.
Quách Hữu
Nghiêm giữ chức Tả thị lang bộ lễ, năm 1484 được phong phó Đô ngự sử Ngự
sử đài, năm 1500 được thăng Thái thường tự khanh. Năm 1502, ông được cử
làm Chánh sứ đi sứ nhà Minh, rồi thăng làm Đô ngự sử.
Vua sáng, tôi hiền, Giang Sơn cực thịnh
Vua Lê Thánh
Tông là vị Vua sáng suốt, anh minh, rời xa nịnh thần, quý trọng hiền tài
giúp cho Đại Việt lên đến thời kỳ cực thịnh. Được làm quan trong môi
trường ấy, hai anh em họ Quách cũng thi thố hết được tài năng của mình.
(Xem bài: Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”)
Năm 1484, Lễ bộ
Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu –
Quốc Tử Giám nhằm khuyến học tìm được hiền tài trong nước. Vua chuẩn
tấu cho dựng bia tiến sĩ ghi lại họ tên, thứ bậc những người thi đậu cả
những khoa thi các đời Vua trước.
Năm 1494, vua
Lê Thánh Tông lập ra hội Tao Đàn tập hợp 28 vì sao sáng về thơ văn trong
bầu trời Đại Việt (gọi là nhị thập bát tú) trong đó có cả Quách Đình
Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Lương Thế Vinh.
Sự tài năng của
hai anh em họ Quách khiến nhà Vua tin tưởng, luôn đem các ông theo bên
mình trong các trận chiến lớn. Trong cuộc tiến quân đánh Chiêm Thành,
quân Đại Việt thắng lớn, Quách Hữu Nghiêm làm bài vịnh hào khí ba quân.
Lúc đó ông tình cờ gặp người con gái tên Hồ Thị Thành, vốn là dòng dõi
Hoàng tộc, quốc sắc thi hương thì đem lòng yêu mến. Được Vua và anh của
mình vun vén, hai người đã nên duyên vợ chồng.
Năm 1471 quân
Đại Việt đánh vào kinh thành Chà Bàn bắt được vua Chiêm, khiến nạn Chiêm
Thành quấy nhiễu Đại Việt không còn nữa. Quách Hữu Nghiêm được cho về
quê vợ, không bao lâu sau thì có được con trai đặt tên là Quách Quý
Công, sau trở thành Anh Kiệt tướng quân và thành tổ chi họ Quách Hữu ở
Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh Kiệt tướng quân sau này được cử làm thượng
tướng, coi quân cẩm y vệ, luôn hầu giá bên vua.
Lê Quý Đôn đánh giá Quách Hữu Nghiêm “là người phóng khoáng, có tài bàn luận”.
Cuốn “Đại Việt
lịch triều đăng khoa lục” ghi chép lại rằng khi Quách Hữu Nghiêm đi sứ
sang nhà Minh. Một lần thấy trên sân rồng có ánh nắng chiếu qua do cái
lọng bị thủng một lỗ, Vua Minh ra câu đối rằng:
Ốc lậu nhật xuyên hình như kê noãn tam tam tứ tứ.
Nghĩa là:
Nhà thủng mặt trời xuyên qua, hình như trứng gà ba ba bốn bốn.
Quách Hữu Nghiêm đối rằng:
Giang trường phong lộng thế tự long lân điệp điệp trùng trùng.
(Sông lớn gió thổi giống như vẫy rồng trùng trùng điệp điệp)
Vua Minh thấy ông đối rất chỉnh lại hùng khí lẫm liệt nên hết lời khen ngợi
Thời kỳ vua Lê
Thánh Tông là thời kỳ thịnh trị, nhà Vua trọng người hiền tài, tránh xa
kẻ xấu. Trong Triều đình chỉ có “Vua sáng, tôi hiền”, quả là môi trường
tốt để những bậc hiền thần như anh em họ Quách dốc lòng phục vụ cho
Giang Sơn Xã Tắc. Đại Việt lên đến thời kỳ toàn thịnh.
Trần Hưng
Tham khảo tư liệu từ “Kiến văn tiểu lục”, “Tam khôi bị lục”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét