31 thg 8, 2019

Bài viết về Giáo Sư Nguyễn Quý Bổng của Thầy Nguyễn Tử Quý ( Đăng trên Báo Người Việt Online - California)

Nhân dịp các thày cô giáo kỷ niệm và thực hiện Kỷ Yếu 50 Năm Sư Phạm Sài Gòn, tôi muốn viết ít hàng về một người thày tôi rất quý mến và ngưỡng mộ. Thày đã đóng góp nhiều cải tiến quan trọng cho ngành sư phạm bậc tiểu học VNCH từ 1954 đến 1975.

Một trong những người thày mà tôi rất quý mến, đã dạy tôi và các bạn đồng môn của tôi trong Trường Quốc Gia Sư Phạm ( từ 1961 đổi thành Trường Sư Phạm Sài Gòn và hoạt động cho đến Tháng Tư 1975 ) trong thời gian 1956-1959 là thày Nguyễn Quý Bổng. Thày Bổng tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội năm 1953 và được bổ nhiệm vào dạy học tại Trường Sư Phạm Nam Việt tại Sài Gòn năm 1953 rồi tại Trường Quốc Gia Sư Phạm từ 1955.

Vào dạy học tại Sài Gòn, thày Bổng đồng thời ghi danh theo học Trường Đại Học Văn Khoa thuộc Viện Đại Học Sài Gòn và đậu Bằng Cử Nhân Văn Khoa năm 1955.

Năm 1959 thày sang Hoa Kỳ học chương trình cao học chuyên về ngành sư phạm tại một đại học danh tiếng về ngành đào tạo giáo chức là Peabody College. Năm 1960 thày Bổng hoàn tất văn bằng Cao Học về Giáo Dục (Master in Education) tại đây và về nước phục vụ tại Trường Sư Phạm Sài Gòn với chức vụ Giám Học. Năm 1965 thày Bổng được cấp học bổng đi du học tại Hoa Kỳ để học chương trình tiến sĩ (Ph.D. – Doctor in Philosophy) cũng tại Peabody College và năm 1967 thì đậu Bằng Tiến Sĩ Giáo Dục tại đại học này.

Từ 1969 Giáo sư Bổng được bổ nhiệm làm Giám Đốc Trung Tâm Tu Nghiệp Giáo Chức Tiểu học . Ít năm sau Giáo sư Bổng được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm giữ chức vụ Giám Đốc Nha Sư Phạm trông coi ngành sư phạm cho toàn quốc. 1974 Giáo sư Bổng được bổ nhiệm phục vụ cho Ủy Ban Sông Mê Kong. Thuộc United Nations tại Bangkok, Thái Lan.

Sau năm 1975 Thầy Bổng dạy học tại Đại Học Quebec , Canada. Trong thời gian từ đây đến 2005 Thầy Bổng lập một mạng lưới thân tình gồm học trò và đồng nghiệp sư phạm tại hải ngoại để duy trì tình đoàn kết trong ngành sư phạm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, và cùng nhau gom góp tài chánh để giúp đỡ vật chất và tinh thần cho các đồng nghiệp và học trò gặp khó khăn tại VN.

Khi Trường Quốc Gia Sư Phạm mở vào năm 1955 , thày Bổng được bổ nhiệm về dạy tại trường này. Trường Quốc Gia Sư Phạm có 2 chương trình đào tạo giáo chức cho bậc tiểu học: Chương trình huấn luyện 3 năm và chương trình huấn luyện một năm nhằm đào tạo cấp tốc giáo viên tiểu học vì nhu cầu cấp bách..

Chương trình ba năm huấn luyện các giáo sinh là những học sinh đã đậu tối thiểu bằng Trung Học Phổ Thông về các môn tương tự như lớp đệ tam và đệ nhị trung học phổ thông, tuy chương chương trình học toán, khoa học nhẹ hơn nhiều; nhưng lại học thêm các môn như Tâm Lý Giáo Dục Nhi Đồng, môn Lương Tâm Chức Nghệp, môn Thể Dục với bài tập cho cả lớp trong sân trường 3 lần mỗi tuần. Năm thứ hai, các giáo sinh học thêm môn Phương Pháp Dạy Trẻ và mỗi tuần có vài giờ quan sát các thày cô dây mẫu trong Trường Sư Phạm Thực Hành kế bên. Năm thứ ba các giáo sinh học thêm các môn như Các Vấn Đề Giáo Dục, Quản Trị Học Đường, và Thực Tập Dạy Học trong Trường Sư Phạm Thực Hành dưới sự hướng dẫn của giáo sư trách nhiệm và được các bạn cùng lớp quan sát để học hỏi và nhận xét.



Chương trình đào tạo cấp tốc nhận các giáo sinh có bằng Trung Học Phổ Thông và huấn luyện chuyên về tâm lý trẻ em, sư phạm lý thuyết, và sư phạm thực hành, lương tâm chức nghiệp .

Trong trường Quốc Gia Sư Phạm, thày Bổng dạy giáo sinh 3 năm các môn Quốc Văn.
Năm 1959 thày Bổng được cấp học bổng của Cơ Quan Viện Trợ Mỹ để du học về ngành sư phạm tại Peaboly College, một trong những trường đại học chuyên ngành sư phạm và giáo dục danh tiêng tại Hoa Kỳ. Sau hai năm học, thày tốt nghiệp Cao Học về Giáo Dục (Master of Arts in Education). Khi trở vế quê hương, thày Bổng được bổ nhiệm làm giám học Trường Quốc Gia Sư Phạm sau đổi thành Trường Sư Phạm Sài Gòn cùng lúc với sự thiết lập các trường sư phạm mới như Trường Sư Phạm Qui Nhơn, Trường Sư Phạm Vĩnh Long, Trường Sư Phạm Ban Mê Thuột. Với nhiệm vụ giám học, giáo sư Bổng đề nghị và thực hiện những cải tiến về chương trình nâng cao trình độ giáo sinh: lấy tú tài 1 rồi tú tài 2 làm điều kiện thi tuyển vào trường sư phạm học trong 2 năm thêm các môn học: giáo dục cộng đồng, văn chương thiếu nhi, các học cụ thính thị.
Những cải tiến khác về sư phạm và giáo dục thày Bổng đề nghị và thực hiện thuộc lãnh vực tuyển mộ các giáo sư sư phạm trong số các đồng nghiệp tiểu học tốt nghiệp đại học, và các đồng nghiệp tu nghiệp ngoại quốc về.
Từ năm 1965 giáo sư Bổng được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm ( hoặc kiêm nhiệm) chức vụ Giám Đốc Trung Tâm Tu Nghiệp Giáo Chức Toàn Quốc, một nhiệm vụ quan trọng trong nổ lực cải tiến ngành giáo dục tiểu học và sư phạm VNCH. Trong thời gian từ 1965 đến 1966 , trong nhiệm vụ này thày Bổng đã thực hiện :
Được 12 khóa tu nghiệp
Mỗi khóa tu nghiệp dài từ 1 đến 4 tuần
Tổ Chức tại khuôn viên nội trú trường Sư Phạm Sài Gòn
Cho các ty trưởng, thanh tra, hiệu trưởng tiểu học
Số tham dự viên mỗi khóa tu nghiệp là 50
Họ được tu nghiệp về những môn: Quản trị học đường, tham khảo tài liệu giáo khoa.
Một trong những dụng cụ mới để biết kết quả của khóa tu nghiệp là bảng lượng giá (evaluation sheet) các tham dự viên trả lời ngay trước khi kết thúc khóa học.
Với thành tích tốt đẹp thể hiện trong những năm từ 1961 đến 1965, thày Bổng được cấp học bổng du học tại Hoa Kỳ để lấy bằng tiến sĩ về giáo dục (Ph.D. in Education) cũng tại Peabody College vào năm 1966. Sau 3 năm học, nghiên cứu, và hoàn thành luận án, thày Bổng lãnh bằng tiến sĩ giáo dục và hồi hương. Luận án tiến sĩ của thày có chủ đề là Primary Teacher Training for The Republic of Vietnam.
Về VN, giáo sư Nguyễn Quý Bổng được thăng chức làm Giám Đốc Nha Sư Phạm trong Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH và cũng được mời giảng dạy tại các Trường Đại Học Vạn Hạnh, Trường Đại Học Đà Lạt, trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Saigon.
và dạy các môn học mới như Giáo Dục Nhập Môn, Tư Tưởng Giáo Dục.

Năm 1974 giáo sư Bổng được bổ nhiệm một nhiệm vụ có tính cách vùng và quốc tế : làm việc cho cơ quan Ủy Ban Sông Mekong tại Bangkok, Thái Lan. Ủy Ban Sông Mê Kong gồm những quốc gia VNCH, Thái Lan, Lào, và Cam Bốt. Ủy Ban này trực thuộc United Nations và được cơ quan Liên Hiệp Quốc này tài trợ. Ủy Ban này đươc thành lập nhằm đạt những mục đích là khai thác năng lượng sông Mekong và cải tiến đời sống dân chúng trong vùng
Nhiệm vụ của giáo sư Bổng (Staff Development Officer) là điều hành chương trình học bổng huấn luyện chuyên viên cho kế hoạch phát triển sông Mekong. Tiếc là thời gian phục vụ của thày Bổng tại đây ngắn quá, chỉ có 1 năm.
Cơn dâu bể Tháng Tư, 1975 khiến thày Bổng lưu lạc tại Canada.
Tại Canada thày Bổng quay trở lại với nghiệp dạy học, do Trường Đại Học Québec (Université du Québec à Hull) tuyển dụng . Thày Bổng dạy học cho đến năm 1995 thì nghỉ hưu.
Trong thời gian sống xa quê hương, thày Bổng luôn nghĩ đến các đồng nghiệp, nhất là những giáo chức trong ngành sư phạm. Thày Bổng muốn liên lạc để nâng đỡ họ và giúp đỡ những bạn đồng nghiệp và những học trò đồng nghiệp tại VN. Thời gian này chưa có internet và email. Điện thoại nhiều năm không thể liên lạc với VN; khi liên lạc được thì giá rất đắt. Thày Bổng bỏ rất nhiều giờ viết thư cho rất nhiều đồng nghiệp tại VN và rải rác khắp thế giới. Trong khi dạy học toàn thì cho đại học, thày bỏ rất nhiều giờ và nhiều công liên lạc với bạn, và học trò đồng nghiệp. Nhiều trường hơp thiếu thốn quá hoặc gặp bệnh nặng, thày Bổng cũng chia sẻ đồng lương của mình mà giúp đỡ họ. Chỉ có lòng yêu thương đồng nghiệp cao độ mới thúc đẩy thày làm như vậy. Chính từ những hoạt động yêu thương và nâng đỡ này mà Thày Nguyễn Quý Bổng đã hình thành và lập nên Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại (Gia Đình Sư Phạm). Việc tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp của Gíáo Sư Nguyễn Quý Bổng bắt đầu từ năm 1978 và được 30 đồng nghiệp tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm kết hợp để “chúng tôi góp sức với nhau gửi quà về VN giúp những bạn hữu đông con, đau yếu, hay “đi học tập” chưa về, hoặc những anh em may dạt đến các trại tị-nạn Đông Nam Á.” như thày đã viết trong thư đề ngày 14 Tháng 4 năm 1981, “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 Tháng 3 năm Tân Dậu” mời gọi bạn và học trò đồng nghiệp Sư Phạm Sài Gòn chung nhau góp bàn tay nhân ái.
Rồi từ đó cho đến năm 1999, suốt 20 năm, năm nào thày Bổng cũng liên lạc đồng nghiệp sư phạm bằng thư từ và thân chinh gặp gỡ trong dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ và một lá thư đầu năm thông tin chung với những tin tức thân thương của Gia Đình Sư Phạm, các đóng góp tài chánh, những sự giúp đỡ. . . và gửi theo danh sách đầu tiên là 55 người vào năm 1981. Thày Bổng bỏ rất nhiều giờ thư từ liên lạc . . .mặc dầu có những năm thày cô phải giúp thành phần trong gia đình, trong họ hàng, bắt đầu đời sống mới của người di tản trong nhà của mình. Tấm lòng yêu thương bền bỉ và rất kiên nhẫn của thày Bổng trong suốt 20 năm sau biến cố dâu bể thật là bao la và sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi.
Bước sang thiên niên kỷ mới, từ năm 2000, tuổi đã cao và sức khỏe không còn như trước, thày Bổng nhờ đồng nghiệp học trò Bùi Văn Giần tiếp nối công việc của Gia Đình Sư Phạm. Thày Bùi Văn Giần tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm khóa 3 năm vào năm 1959, dạy trung học nhiều năm, rồi dạy tại Trường Sư Phạm Sài Gòn, sau làm việc trong Nha Du Học, Bộ Giáo Dục, và vào năm 1999 định cư tại vùng Little Sài Gòn, Nam California. Tuy nhiên thày Giần không may bị tai nạn cuối năm đó, xương sống trật một vài đốt và phải nằm liệt giường cho đến khi tạ thế đầu năm 2011. Lúc đó thày Giần cùng với thày Nguyễn Tử Quý và thày Dương Ngọc Sum bàn nhau và năm 2000 cử thày Dương Ngọc Sum làm trưởng, Nguyễn Tử Quý làm phó, và mời một số đồng nghiệp học trò như các Cô giáo Lê Minh Phú, Nguyễn Thị Am, Triệu Thị Thuận, Trương Kim Lan, Trần Mai Minh, Phan Bích Thủy, Đỗ Huê Mỹ .... là những đồng nghiệp tốt nghiệp Trường Sư Phạm Sài Gòn làm thành nhóm điều hành Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại. Cho đến năm 2011 danh sách Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn được 212 người , vẫn tiếp tục các hoạt động như của thày Bổng và mỗi năm, họp mặt tại Little Sài Gòn, Nam California vào cuối Tháng 7.


*T.Bổng SN1930 tại Lạng Sơn
Mất 23/4/2014 tại Canada

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét