28 thg 8, 2019

Nhà thơ Xu Lizhi - Phan Tấn Hải


Image result for xu lizhi poet
Nhà thơ Xu Lizhi (1990-2014) là một hình ảnh bi thảm trong thời đại chúng ta. Anh sống và chết như một bóng mờ rất nhỏ trong lịch sử Trung Quốc. Anh là một người lao động nhập cư, làm việc tới kiệt sức hàng ngày. Những gì anh để lại là hơn 200 bài thơ, ghi lại những đau đớn phận người lao động nhập cư. Tài liệu về Xu nơi đây được dịch sang tiếng Việt từ nhiều bài báo tiếng Anh.

Tên anh là Xu Lizhi (许立志 Hứa Lập Chí)… Anh sinh ngày 18/7/1990 tại một vùng quê có tên Jieyang (揭阳 Yết Dương), và chết ngày 30/9/2014 tại Thâm Quyến. Xu bỏ quê lên thành thị, làm việc cho hãng Foxconn và chỉ sau khi anh tự sát, truyền thông mới để ý tới anh, sau khi các bạn anh phổ biến các bài thơ anh làm khi sinh thời.
Công ty Foxconn chuyên sản xuất linh kiện cho hãng Apple. Xu là một công nhân lắp ráp, và thơ của anh không có gì vui. Có lẽ bài thơ nổi tiếng nhất của anh là bài  我咽下一枚铁做的月亮 Ngã yên hạ nhất mai thiết tố đích nguyệt lương (Tôi Nuốt Một Mặt Trăng Sắt).
Bài thơ này như sau:
TÔI ĐÃ NUỐT TRỘNG MỘT MẶT TRĂNG BẰNG SẮT
Tôi đã nuốt trộng một mặt trăng bằng sắt
họ gọi nó là một đinh ốc
Tôi đã nuốt trộng nước thải công nghiệp và các mẫu đơn xin tiền thất nghiệp
đã còng người trên các máy móc,
tuổi trẻ chúng tôi chết trẻ
Tôi đã nuốt trộng sức lao động,
tôi đã nuốt trộng khó nghèo
đã nuốt trộng các chiếc cầu bộ hành
đã nuốt trộng cuộc đời gỉ sét này
Tôi không thể nuốt gì nữa được
mọi thứ tôi đã nuốt đang trào lên nơi cổ tôi
Tôi trải ra khắp đất nước tôi
một bài thơ của xấu hổ.
         (ngày 19/12/2013)
.
Hình ảnh lao động nhập cư chỉ xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1984, khi kỹ nghệ tăng vọt, thu hút các cư dân miền quê ra thành thị. Vì chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt, các nông dân này bị xem là công dân hạng nhì ở thành phố, xem như chỉ nương náu, chứ không được đầy đủ tứ cách như dân được sinh nơi các thành phố đó. Nhà nước Trung Quốc đưa ra chính sách riêng đối với lao động nhập cư, gọi họ là “Document 1” (Hồ sơ 1), vì hồ sơ này do chính phủ đưa ra ngày 1/1/1984, cho nông dân được hưởng chế độ khẩu phần gạo và được đi nơi khác tìm việc làm.
Người lao động nhập cư là công dân thứ cấp ngay trên quê hương của họ. Hãng xưởng đầy nguy hiểm, vì an toàn lao động là chuyện lỏng lẻo. Tai nạn chết thợ là bình thường. Theo thống kê của nhà nước Trung Quốc, trung bình số chết vì tai nạn lao động nơi sở làm là khoảng 100.000 người/năm. Đó là chưa kể số lượng công nhân bị thương, bị bệnh nghề nghiệp và khủng hoảng tâm lý.
Thống kê của 2014 đưa ước tính rằng khắp Trung Quốc có khoảng hơn 274 triệu người lao động nhập cư. Đời sống công nhân bình thường vốn đã khổ, đời sống lao động nhập cư còn khổ nhiều lần hơn. Đó là chưa thống kê nổi tỷ lệ ly dị, số người bị bệnh trầm cảm, tự tử, số lượng phá thai và số lượng trẻ em vô gia cư nơi các khu vực đông lao động nhập cư.
Xu Lizhi tự sát khi mới 24 tuổi tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Sau đây là một vài bài thơ của anh.
TRÊN GIƯỜNG BỆNH CHỜ CHẾT CỦA TÔI
Tôi muốn có thêm một cái nhìn ra biển
ngắm nước mắt mênh mông từ nửa đời người
tôi muốn trèo lên ngọn núi khác,
tìm cách gọi lại linh hồn tôi đã mất
tôi muốn chạm vào bầu trời,
để cảm nhận rằng màu xanh biển sao quá nhẹ
Nhưng tôi không thể làm bất kỳ thứ nào nữa
do vậy tôi đang lìa đời.
Tất cả những ai từng nghe tới tôi
không nên ngạc nhiên khi tôi ra đi
ngay cả em, cũng nên bớt thở dài hay sầu khổ
Tôi tới đây trong tâm trạng bình an
và cũng bình an khi tôi lìa đời.
      (Xu Lizhi, ngày 30/9/2014)
.
Xu chỉ sống ở Thâm Quyến vài năm, nhưng anh mê tức khắc đời sống thành thị. Xu nói với bằng hữu rằng chung quanh anh, ai cũng muốn bám rễ luôn ở thành phố. Có một lúc Xu hùn với bạn làm một sạp bán thức ăn hè phố, nhưng thất bại. Anh cũng xin chuyển từ công nhân trong dây chuyền lắp ráp sang làm ở môt vị trí logistics (kho hàng, vận chuyển) để thoải mái hơn, tự do hơn.
Vào tháng 2/2014, Xu bỏ việc ở Foxconn và dọn tới Suzhou (Tô Châu), Jiangsu (Giang Tô). Bạn anh nói rằng, bạn gái của Xu làm việc nơi đó, nhưng rồi chuyện không thuận lợi cho Xu tại Giang Tô. Xu nói với các bạn là anh không tìm được việc, nhưng không giải thích rõ gì cả.  Nửa năm sau, Xu về Thâm Quyến, nơi anh nói rằng anh yêu thương thành phố này, nơi anh thường vào xem sách ở Central Book Mall và ước mơ làm một nhân viên trong một thư viện nhà nước.  Xu nói rằng miền quê Yết Dương của anh chỉ có vài tiệm sách nhỏ xíu, và nếu anh đặt mua sách qua Internet, thì cũng chẳng thể nào sách được giao tới địa chỉ nhà anh. Xu từng kể rằng anh từng xin làm nhân viên trong một thư viện nội bộ của Foxconn dành cho công nhân, nhưng bị từ chối.
Xu cạn tiền, về lại Foxconn, xin được việc làm mới, khởi sự làm từ ngày 29/9/2014, cùng cơ xưởng nơi trước đó anh đã làm. Đêm hôm đó, Xu nói với một bạn thân qua mạng chat trực tuyến rằng có ai đã tìm giùm cho Xu việc làm khác, nên Xu dự kiến sẽ rời bỏ Foxconn lần nữa. Hai ngày sau đó, người bạn thân qua mạng WeChat nhận được tin rằng Xu đã tự sát. Người bạn này kinh ngạc, vì mới hai đêm trước còn nói qua mạng với Xu và không thấy gì lạ. Sau này bạn này biết rằng vào buối sáng sau đêm họ nói với nhau, Xu tự sát, chớ không phải hai hôm sau như mạng đưa tin trễ.
Sau đây là thêm vài bài thơ của Xu Lizhi.
XUNG KHẮC
Họ đều nói
tôi là một đứa trẻ ít lời
tôi không chối đâu
nhưng thực sự
dù tôi nói hay không
với xã hội này tôi sẽ vẫn
xung khắc.
        (Ngày 7 tháng 6/2013)
MỘT ĐINH ỐC RƠI XUỐNG ĐẤT
Một đinh ốc rơi xuống đất
trong đêm đen của làm quá giờ
lao thẳng xuống, leng keng nhẹ thôi
không làm ai chú ý
y hệt lần trước
vào một đêm như thế này
khi ai đó lao mình xuống đất.
     (ngày 9 tháng 1/2014)
PHÒNG THUÊ
Một nơi rộng mười mét vuông
chen chúc và ẩm ướt, không ánh mặt trời quanh năm
nơi đây tôi ăn, ngủ, ỉa, và suy nghĩ
ho, nhức đầu, già đi, ngã bệnh nhưng vẫn chưa chết
Dưới tia sáng vàng mờ nhạt lần nữa
mắt tôi ngó vô hồn
tắc lưỡi như một thằng ngu
tôi bước tới và lui, hát nho nhỏ, đọc, viết các bài thơ
Mỗi lần tôi mở cửa sổ hay chiếc cổng gỗ
tôi như một người chết
tôi trông như người chết
từ từ mở nắp quan tài.
        (ngày 2 tháng 12/2013)
Đất nước Trung Quốc, và kể cả đất nước Việt Nam, đã có những thống kê nào về nỗi đau khổ của các lao động nhập cư? Và đã có bao nhiêu nhà thơ như Xu, khi họ rời bàn viết, ngưng làm thơ, và rồi tự sát?
Lời cuối nơi đây, xin góp lời cầu nguyện cho nhà thơ Xu Lizhi sẽ sớm về nơi bình an bên kia thế giới.

Phan Tấn Hải (Văn Việt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét