8 thg 8, 2019

Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm

Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
(Ảnh: startalk)
Sự việc bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh của trường Quốc tế liên cấp Gateway là sự việc đau lòng gây rúng động dư luận 2 ngày nay.

Theo thông tin ban đầu, bé trai tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón của trường từ sáng cho tới chiều. Trên thế giới, có không ít vụ tai nạn thương tâm như vậy xảy ra với trẻ em. Vậy vì sao trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín lại nguy hiểm đến như vậy?
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
Trẻ có thể gặp nguy hiểm chỉ sau thời gian ngắn bị nhốt trong ô tô đóng kín. (Ảnh: Shutterstock)
Các chuyên gia y tế cho biết, sốc nhiệt và ngạt thở là hai nguyên nhân chính khiến một người có thể tử vong khi ở trong ô tô đóng kín cửa không mở máy lạnh, nhất là xe đậu giữa trời nắng. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng bị tổn thương não, chịu di chứng thần kinh suốt đời. 
Khi xe đóng kín cửa, mức oxy (O2) bên trong xe giảm, khí carbon monoxide (CO) do rò rỉ khí thải tăng lên. CO là một khí rất độc. Nồng độ CO trong xe tăng làm giảm lượng O2 đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc hoặc có thể đột ngột tử vong. Thông thường nhiệt độ trong xe cao hơn gần gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời. Khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, một chiếc xe ô tô bị đóng kín sau khi tắt điều hoà, nhiệt độ bên trong có thể tăng thành 50 độ C chỉ trong 20 phút, theo kết quả thử nghiệm của trang The National.ae. Khi nhiệt độ bên ngoài là 27 độ C, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng khủng khiếp lên thành từ 37 độ C chỉ trong 10 phút, thêm 10 phút nữa là 42 độ và 90 phút là 60 độ.
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
(Ảnh: utahchannel3.com)
Sức nóng bên trong một chiếc xe có thể tăng nhanh đến mức lấn át khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể trẻ. Khi một đứa trẻ bị bỏ quên trong xe, trẻ bắt đầu đổ mồ hôi cho đến khi không còn chất lỏng cơ thể nữa, đó là khi huyết áp giảm, oxy đến não từ từ dừng lại và tim ngưng hoạt động. Trẻ có thể hoảng loạn. Ngay cả khi trẻ muốn hét lên báo động hoặc cảnh báo người đi đường thì điều đó cũng không thể xảy ra.
Lý do tại sao trẻ em dễ bị sốc vì nhiệt độ cao và tử vong trong xe ô tô hơn người lớn là bởi cơ thể trẻ em nóng lên nhanh gấp 3 – 5 lần so với người lớn, theo Cơ quan An toàn Giao thông bang Utah (Mỹ).
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
(Ảnh: Kinh tế môi trường)
Cơ thể được làm mát bằng cách đổ mồ hôi nhưng cơ chế này chỉ hoạt động khi có luồng không khí, điều mà hầu như không có trong một chiếc xe bị đóng kín. Điều khiến việc bị nhốt trong xe càng trở thành bi kịch với trẻ nhỏ, là bởi tuyến mồ hôi của trẻ phát triển theo tuổi tác. Vì vậy, trẻ càng nhỏ thì tuyến này càng kém phát triển. Trẻ nhỏ cũng ít có khả năng tự hạ nhiệt như người lớn bởi cơ thể trẻ em nhỏ hơn nhiều so với người lớn, diện tích bề mặt ít hơn.
 
Kỹ năng giúp trẻ thoát hiểm khi bị nhốt trong xe hơi
  • Dạy trẻ cách mở cửa từ trong xe. Gạt chốt và mở cửa xuống xe như khi đi ô tô hàng ngày. 
  • Bấm còi và đèn khẩn cấp. Ngay cả khi xe đã tắt máy, tắt điều hòa, hệ thống đèn và còi khẩn cấp vẫn có nguồn điện để hoạt động, trẻ có thể bấm còi liên tục, kết hợp bấm một lần đèn khẩn cấp hình tam giác để phát tín hiệu cho người bên ngoài biết. Nên giữ còi cho tới khi có người phát hiện ra trẻ.
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
Trên một số dòng xe mới hiện nay, còi xe vẫn hoạt động dù đã tắt máy. Cha mẹ hãy dạy con vị trí của còi phòng khi cần thiết. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
Vị trí đèn khẩn cấp trên ô tô. (Ảnh: Người Đưa Tin)
  • Nếu trẻ lớn, người lớn có thể dạy trẻ dùng vật nhọn để phá kính, nếu những cách trên không hiệu quả. Tuy vậy cách này này nguy hiểm và khó thực hiện hơn. 
Hiểm họa khi trẻ bị nhốt trong ô tô đóng kín và cách dạy trẻ thoát hiểm
Búa thoát hiểm phá kính ô tô. (Ảnh: phukienotoaz.vn)
Kỹ năng giúp cha mẹ tránh bỏ quên trẻ trong xe
  • Luôn luôn kiểm tra ghế sau và đảm bảo tất cả trẻ em ra khỏi xe trước khi khóa xe và bỏ đi.
  • Đặt điện thoại di động, túi xách hoặc ví của bạn ở ghế sau, để bạn kiểm tra luôn ghế sau khi bạn đến đích.
  • Nếu ai đó đang lái xe đưa đón con bạn, hãy luôn kiểm tra để chắc chắn rằng bé đã đến nơi an toàn.
  • Khi đỗ xe, hãy đảm bảo đóng cửa để ngăn trẻ tò mò mở cửa chui vào khi không có ai xung quanh. Nhiều cái chết trên xe hơi nóng đã xảy ra khi một đứa trẻ tự nhốt mình bên trong. 
  • Hãy chắc chắn rằng trẻ em không dễ dàng tiếp cận với chìa khoá xe ô tô của bạn.
  • Dạy trẻ rằng ô tô không phải là nơi an toàn để chơi.
  • Cung cấp cho con điện thoại hoặc thiết bị định vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét