24 thg 8, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 33 : CAM (Đỗ Chiêu Đức )



 CAM 甘, chữ Nho có nghĩa là Ngọt. Cam là chữ vừa Tượng Hình vừa Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

                 GIÁP CỐT VĂN       ĐẠI TRIỆN       TIỂU TRIỆN           LỆ THƯ
                 Inline image   Inline image   Inline image    Inline image
Ta thấy :
       GIÁP CỐT VĂN là Tượng Hình của cái miệng há ra, trong miệng có một gạch ngang tượng trưng cho một thức ăn nào đó được ngậm trong miệng, với Hội Ý : Vật nào đó được ngậm trong miệng tức là thức ăn ngon ngọt (nếu không ngon ngọt thì đã nhả ra rồi); nên CAM có nghĩa NGỌT là thế. Ta có từ TRÂN 珍 là Qúy, ghép với CAM là Ngọt, thành TRÂN CAM 珍甘 là Món ăn ngon ngọt qúy hiếm để con cháu hiếu kính dâng lên cho cha mẹ như lời cô Kiều nhớ đến cha mẹ khi ở lầu xanh :

                                Sân Hòe đôi chút thơ ngây,
                          TRÂN CAM ai kẻ đỡ thay việc mình ?!
     
     CAM là ngọt, nên CAM ĐƯỜNG 甘棠 là một loại lê có vị ngon ngọt, ta gọi là cây Đường Lê. CAM ĐƯỜNG còn là tên một bài thơ trong thiên Thiệu Nam 詩經,召南 của Kinh Thi, kể lại tích của Thiệu Bá (Thiệu Công Thích) đời nhà Chu. Ông làm quan thanh liêm, tính tình giản dị, khi đi kinh lý các đất ở phương nam, ông thường hay ngồi dưới gốc cây cam đường để nghỉ ngơi, làm việc và xử án. Dân chúng cảm mến nên bảo vệ cây cam đường và làm thơ ca ngợi như sau :


                蔽芾甘棠,   Tế phế Cam đường,
                勿翦勿伐,   Vật tiễn vật phạt,
                召伯所茇。   Thiệu Bá sở bạt.
    
                蔽芾甘棠,   Tế phế cam đường,
                勿翦勿敗,   Vật tiễn vật bị (bại),
                召伯所憩。   Thiệu Bá sở khí.

                蔽芾甘棠,   Tế phế cam đường,
                勿翦勿拜,   Vật tiễn vật bế (bái),
                召伯所說。   Thiệu Bá sở thuế (thuyết).
Có nghĩa :

               Inline image

                    Cây cam đường um tùm, 
                    Chớ cắt xén chớ chặt đốn, 
                    Vì là nơi Thiệu Bá (từng ngồi) ở đấy.

                    Cây cam đường um tùm,
                    Chớ cắt xén chớ hũy hoại,
                    Vì là nơi Thiệu Bá từng nghỉ ngơi.

                    Cây cam đường um tùm,
                    Chớ cắt xén chớ vin cành,
                    Vì là nơi Thiệu Bá từng dừng chân.
Diễn Nôm :
                    Cam đường cành lá xanh xanh,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng đốn cây,
                    Thiếu Bá đã từng ngồi đây.

                    Cam đường cành lá xanh um,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng phá cây,
                    Thiếu Bá từng nghỉ nơi đây.

                    Cam đường cành lá um tùm,
                    Xin đừng cắt xén xin đừng bẻ cong,
                    Thiếu Bá đã từng dừng chân.
                                                              ĐCĐ

       Cụ Nguyễn Trãi của ta cũng có bài thơ CAM ĐƯỜNG trong Quốc Âm Thi Tập như sau :

                  Thấy bóng CAM ĐƯỜNG nhớ Thiệu Công
                  Ðất dư dời được bạn cùng thông.
                  Bút thơ đã chép hương còn bén
                  Ngâm ngợi nào ai chẳng động lòng.

       Trong truyện Nôm NHỊ ĐỘ MAI của ta cũng có câu :

                             Tấc lòng xem tựa mẹ cha,
                    Đọc ca mạch tuệ ngâm thơ CAM ĐƯỜNG.
    
       CAM là Ngọt, nên CAM LỘ 甘露 là Sương Ngọt. Theo sách "LÃO TỬ" : Thiên địa tương hợp, dĩ giáng CAM LỘ 天地相合,以降甘露。Có nghĩa : Khi trời và đất hợp với nhau thì sẽ cho rơi những giọt sương ngọt. Ý nói khi thái bình thịnh thế, quốc thái dân an thì giọt sương rơi xuống người ta cũng cảm thấy là nó rất ngọt ngào. Theo Phật Giáo thì CAM LỘ là ví những lời giáo pháp chân lý của đức Nhu Lai là "CAM LỘ CHÂN NGÔN 甘露真言", như đang lúc trời nóng nực mà uống được những giọt nước mát mẽ làm cho tâm thần được sảng khoái vậy. CAM LỘ còn chỉ nước ở trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát, có thể cứu khổ cứu nạn, cải tử hồi sinh. Ông bà xưa của ta có để lại câu nói :

         Inline image Inline image

                Khát thời nhất trích như CAM LỘ,   渴時一滴如甘露,
                Túy hậu thiêm bôi bất như vô.           醉后添杯不如無.
Có nghĩa :
          Khi khát thì chỉ mọt giọt nước thôi cũng có tác dụng như là nước Cam Lộ trong tịnh bình của Phật Bà Quan Âm vậy. Còn...
          Khi đã uống đến say mèm rồi thì có uống thêm một ly nữa cũng như không mà thôi, không có tác dụng gì nữa cả !

      Xin giới thiệu đoạn tả cảnh chùa Kim Sơn là đoạn thơ đẹp nhất trong SƠ KÍNH TÂN TRANG của Phạm Thái sau đây : 

                   Đầu non vượn hót khỉ treo,
                Cây kê cửa động, hoa leo mái già. 
                   Chim rừng dóng dả tiếng ca,
               Nước tuôn khe biếc, khói pha lá vàng. 
                   Kinh Thủy Sám, kệ Kim Cương,
               Rẩy cành CAM LỘ, thét gươm Đại Hùng ...      
            Inline image  Inline image  Inline image

      Đọc truyện Bát Tiên Qúa Hải, khi Bát Tiên đại náo Đông Hải thì lâu đài lầu các của Thủy Tinh Cung đều bị sập đổ tan hoang, cũng nhờ sự hòa giải của Quan Âm Bồ Tát mà đôi bên mới hòa nhau và nhờ nước CAM LỘ trong tịnh bình do Quam Âm Đại Sĩ bay lên trên cao, rồi dùng nhành dương liễu rãi xuống khôi phục lại tất cả lâu đài của Thủy Tinh Cung trở về nguyên trạng như cũ.

      Ngoài CAM LỘ, ta còn có CAM TUYỀN 甘泉 là Suối nước Ngọt. Thật ra thì nước suối nào mà chả ngọt, nhưng đây là tên của một ngọn núi và một cung điện nổi tiếng đời Tần Hán nằm ở phía bắc đất Quan Trung, gần địa đầu biên tái, trên Cam Tuyền Sơn của tỉnh Thiểm Tây. Hán Vũ Đế đã cải tạo Lâm Quang Cung của Tần Nhị Thế thành Cam Tuyền Cung. Đây là một ly cung nổi tiếng vì thường diễn ra các hoạt động chính trị quân sự quan trọng và là nơi tiếp đãi các sứ thần ngoại bang, nơi họp bàn các cơ mật của quân cơ ... Trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của ta diễn tả chiến sự nổi lên với các câu thơ mở đầu tác phẩm của Đặng Trần Côn  là :
                     
                     鼓鼙聲動長城月,  Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt,
                     烽火影照甘泉雲.  Phong hỏa ảnh chiếu CAM TUYỀN vân.

       Đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm thật hay như sau :

                      Trống trường thành lung lay bóng nguyệt,
                      Khói CAM TUYỀN mờ mịt thức mây.

                 Inline image

      Như ta đã biết, trước khi có chữ viết thì đã có tiếng nói; nên chữ CAM 柑 chỉ Cây Cam, Trái Cam được ghép bởi bộ CAM 甘 là Ngọt với bộ MỘC 木 là Cây lại với nhau mà thành. Trong văn học cổ của ta thì CAM và QUÍT thường đi liền nhau để chỉ Tôi Tớ, người giúp việc trong nhà, theo tích sau đây :

     Theo Tương Dương Ký của Tam Quốc Chí chép lại truyện Đơn Dương Thái Thú Lý Hành, vì vợ hay tranh cải trong việc trị gia, cho nên ông cho người cất nhà riêng ở đất Long Dương Võ lăng, trong vườn trồng một ngàn cây quít ngọt. Lúc ông gần chết mới nói với các con rằng : " Mẹ con hay cản trở ta trong việc trị gia, nên nhà ta mới sa sút thế nầy. Trước đây ta đã cho cất nhà riêng và có một ngàn gia nô bằng cây (Ý chỉ một ngàn cây quít), mỗi năm mỗi cây có thể cho hoa lợi bằng một sấp lụa, đủ cho các con sinh sống, không sợ đói nghèo.

     Vì tích trên, nên trong văn học cổ có từ QUẤT NÔ 橘奴 (gia nô là cây quít), như trong bài thơ 行天長行宮 Hành Thiên Trường Hành Cung là "Dạo Chơi Hành Cung Thiên Trường" của vua Trần Nhân Tông trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên có câu :

                    百步笙歌禽百舌,   Bách bộ sanh ca cầm bách thiệt, 
                    千行奴僕橘千頭.   Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Có nghĩa :
            Trong vòng trăm bước tiếng sanh ca vang vang như có trăm cái lưỡi của chim muông kêu hót.
            Nô bộc đứng xếp cả ngàn hàng như có hàng ngàn cây quít.

     Trong TỰ THÁN bài 13 của cụ Nguyễn Trãi cũng có câu :

                   Ngoài cửa mận đào là khách đỗ,
                   Trong nhà CAM QUÍT ấy tôi mình.

     Trong ngôn ngữ hàng ngày, ta cũng thường hay nghe câu QUÍT LÀM CAM CHỊU để chỉ việc gì đó, người nầy làm mà người kia phải chịu trách nhiệm hay hậu qủa theo như truyện cổ dân gian kể về Trạng Lợn; và cũng cho ta thấy rằng CAM QUÍT là hai loại trái cây bình dân được trồng rộng rãi trong dân gian và thường được dùng để đặt tên cho con cháu.

            Inline image  Inline image  Inline image

     Trở lại với từ CAM 甘 là Ngọt. Vì Ngọt nên mọi người thường ưa thích, vui vẻ chấp nhận, nên ta lại có thành ngữ CAM LÒNG, CAM TÂM TÌNH NGUYỆN ... để chỉ việc gì đó mà ta chấp nhận đi làm, không bị ai cưởng bức bắt buộc, làm mà trong lòng ... ngọt ngào vui vẻ !

     Trong đời sống hằng ngày, ta cũng hay thường gặp thành ngữ ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ 同甘共苦. ĐỒNG là Cùng Nhau, CAM là Ngọt, CỘNG là Cùng Chung, KHỔ là Đắng. Nên nghĩa đen thui của thành ngữ nầy là : "Cùng nhau ngọt và cùng chung đắng"; hiểu rộng ra là Sướng thì cùng sướng; Khổ thì cùng khổ; Giàu sang thì cùng hường, Hoạn nạn thì cùng chịu ... Nhưng ông bà dạy thì dạy thế, chớ con cháu diễn câu thành ngữ đó chỉ có một chìu mà thôi : Ta hay nghe câu " CHIA NGỌT XẺ BÙI ", nghĩa là chỉ chia xẻ khi có NGỌT có BÙI mà thôi, và cũng có nghĩa là chỉ ĐỒNG CAM mà không thấy nhắc tới CỘNG KHỔ, là " Chia Đắng Xẻ Cay " gì cả !
     
     Ở đời, hễ cục MUỐI thì cắn đôi (mặn qúa, nuốt nguyên cục không nổi !), còn cục ĐƯỜNG thì ... lủm hết ! Âu đó cũng là Nhân Tình Thế Thái mà thôi !

                 Hẹn bài viết tới !

                                                                                                Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem: Thành ngữ Diển Tích 32 : CÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét