18 thg 8, 2019

HẾT SỨC GIẢN DỊ VÀ KHIÊM TỐN - Nguyễn Huy Vũ


Nhắc đến Thuỵ Điển, nhiều người có thể không biết vua, hoàng hậu hay thủ tướng là ai, nhưng phần nhiều có lẽ sẽ biết Nobel với 5 giải thưởng danh giá được trao tặng hàng năm nhằm vinh danh các nhà khoa học ở ba lĩnh vực vật lý, hoá học và y sinh học, nhà văn, cùng những nhà hoạt động nhằm kiến tạo hoà bình cho nhân loại.
Giải thưởng lần đầu tiên được trao vào năm 1901. Về sau, vào năm 1968, để cổ vũ cho những nghiên cứu kinh tế học đã đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển (Riksbank) đã tạo ra thêm một giải thưởng với cùng quy cách xét duyệt và giá trị nhằm trao tặng cho những nhà nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của kinh tế với tên gọi là giải thưởng kinh tế học nhằm tưởng nhớ Nobel, nhưng người thường gọi tắt thành giải Nobel kinh tế học, đơn giản bởi vì quy trình xét duyệt là như nhau ở các giải thưởng. Và vì vậy mà có đến 6 giải thưởng Nobel.
Đến Stockholm, bảo tàng Nobel là một địa điểm được gợi ý cần phải đến của du khách. Nó nằm ngay giữa khu phố cổ của Stockholm mà tiếng Thuỵ Điển gọi là Gamla Stan. Bên trong, ngoại trừ một góc nhỏ trình bày về cuộc đời cùng bản di chúc của Alfred Nobel, bảo tàng là một nơi lưu giữ và trưng bày những thành tựu của các nhà khoa học gắn liền với các giải thưởng Nobel được trao tặng. Nó là một nơi để khuếch trương và tri ân những đóng góp của những nhà khoa học cho nhân loại hơn là để tưởng nhớ một người đã hiến dâng hầu hết tài sản của mình cho sự phát triển của khoa học và, như được trình bày nguyên văn trong di chúc, là vì lợi ích lớn nhất của loài người.
Trong bức di thư cuối cùng được ký tại Swedish-Norwegian Club ở Paris vào ngày 27/11/1895, Alfred Nobel để lại 94% tổng tài sản của mình, trị giá 31 triệu Krona Thuỵ Điển thời bấy giờ, tương đương với 186 triệu đô-la Mỹ vào năm 2008, để thiết lập nên 5 giải thưởng mà ngày nay ta gọi là giải thưởng Nobel. Số tài sản này có được do những phát minh về chất nổ và lợi nhuận từ việc kinh doanh vũ khí mang lại. Hàng năm, số tiền dành để trao cho các giải thưởng được trích từ phần tài sản để lại của Alfred Nobel, giờ đây được quản lý bởi quỹ Nobel. Riêng số tiền dành để tặng giải Nobel kinh tế học được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển đóng góp.
Giàu có và nổi tiếng vậy, đóng góp cho Thuỵ Điển và nhân loại nhiều như vậy, nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng mộ của Alfred Nobel hẳn sẽ lớn, hoành tráng, nổi bật, hay ít nhất cũng là đặc trưng so với những người còn lại, ít nhất là cùng thời với mình. Những ngày cuối cùng trước khi rời Stockholm sau khi hoàn tất khoá học, mình và bạn cùng đạp xe để đi thăm mộ ông ta. Trước là để hiểu hơn về một con người, và sau là hiểu hơn về văn hoá của một đất nước. Người Việt mình có câu “ăn cho mình, mặc cho người”. Ăn để giúp mình có sức khoẻ và ăn để thưởng thức. Nhưng mặc để cho người xem, cũng tức là thể hiện mình ra cho người khác biết. Xây mộ cũng vậy, mộ xây ra để người khác biết về người đã khuất và do đó là tư tưởng, quan điểm của người nằm trong mộ, hoặc ít nhất là gia đình.
Dù biết rằng mộ của Alfred Nobel nằm trong khu nghĩa trang phía Bắc Stockholm nhưng phải mất gần 30 phút để tìm được mộ ông. Hai chúng tôi đạp xe qua lại quanh địa chỉ ngôi mộ trong nghĩa trang mà trước đó chúng tôi đã tra. Trong hình dung của chúng tôi, ngôi mộ hẳn sẽ có gì khác biệt lắm. Những niềm tin ngây ngô đó cuối cùng bị vỡ tan, đến mức ngạc nhiên, không thể tin được, rằng mộ của một người giàu có, nổi tiếng, và danh giá lại hết sức giản dị và khiêm tốn đến vậy. Mộ hình tháp bút, bằng đá, cao khoảng 4 mét, trên khắc chữ sơn vàng Nobel, dưới đề tên đầy đủ Alfred Nobel, * 21/10/1833 - 10/12/1896. Tất cả chỉ có vậy. Có lẽ đã lâu rồi không ai tới thăm nên mộ cũng không có hoa hay bất cứ vật gì để trang trí. Chúng tôi đặt xuống hai chậu hoa, mượn bình tưới nước, và chụp ảnh lưu niệm. Bên mộ ông, cảm giác gần gũi và yên bình. Chia tay ông mà lòng bâng khuâng, nghĩ về một kiếp người, sống ngắn ngủi với 63 mùa xuân, như một ngôi sao vụt sáng trên cõi đời, để lại danh tiếng và niềm ngưỡng vọng cho nhân loại, rồi lặng lẽ khiêm nhường trở về với cát bụi.
Nguyễn Huy Vũ  
#hetsucgiandivakhiemton, #TuanBuiAnh
***Dưới đây có nhiều câu chuyện thú vị! Hãy để lại biểu cảm để tôi biết bạn đã đọc. Bạn có thể Share nếu muốn!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét