Người
dân ở nhiều vùng trong cả nước trong thời gian qua rất hoang mang vì
kiến ba khoang xuất hiện nhiều và đốt người. Vì vậy, mọi người dân cần
biết cách phòng tránh.
Tìm hiểu về kiến ba khoang
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis,
thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có
thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu
sắc khác nhau, nhìn giống con kiến.
Trả lời trên VTC, TS Nguyễn Xuân Quang,
trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn cho
biết, trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N),
có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và
chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có
trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc
tính vẫn tồn tại.
Kiến ba khoang.
TS Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ) con cái có độc tố pederin
trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các
loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm
mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác
cháy da, đau đớn.
Kiến ba khoang thường sống ở đâu?
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng
lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng
xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và ưa thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau
những cơn mưa, nước ngập chúng không còn nơi cư trú, nên bay vào trong
nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da người
nếu tiếp xúc với dịch này.
Loài này xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa.
Chúng thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng đèn
nên thường vào đèn chung với rầy nâu ở những nơi có nhiều ruộng lúa bao
quanh.
Chất độc của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da tạo nên bỏng da, viêm da, gây bỏng rát
như bị tạt axit. Nhiều người không biết dùng tay diệt kiến xong vô tình
dùng tay đó tiếp xúc với vùng da khác khiến cho những chỗ này không bị
kiến đốt vẫn tổn thương.
Tổn thương do kiến ba khoang tạo ra thường có dạng ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, lở loét giống hình cái miệng nên được gọi là “thương tổn hôn nhau” (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.
Biểu hiện lâm sàng khi bị kiến ba khoang cắn:
- Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
- Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
- Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
- Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Tiến triển của bệnh sau khi bị kiến ba khoang cắn:
- Sau khi bị kiến ba khoang cắn, người bệnh cảm giác râm ran.
- 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ.
- 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.
- Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy.
- Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm lâu mất.
Viêm da tiếp xúc khi bị dính chất độc của kiến ba khoang. (Ảnh minh họa).
Xử lý tại nhà khi bị kiến ba khoang đốt
- Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da.
- Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.
- Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.
- Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
- Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.
- Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
Cách phòng ngừa kiến ba khoang đốt
Thay vì tiêu diệt, bạn hãy tìm cách xua đuổi chúng ra khỏi môi trường sống của mình.
Kiến ba khoang không phải loài côn trùng
chủ động đốt người và cũng không phải loài côn trùng truyền bệnh, vì
thế thực chất nó không đáng ghét như người ta vẫn thành kiến về nó.
Hơn nữa, kiến ba khoang thuộc loại côn trùng có lợi,
vẫn được coi là bạn của nhà nông. Vì thế không nên tìm cách tiêu diệt
kiến ba khoang mà hãy tìm cách xua đuổi chúng ra khỏi môi trường sống
của mình.
Những cách phòng ngừa kiến ba khoang nên làm là:
- Đóng kín cửa để kiến không chui vào nhà được.
- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.
- Làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ, lỗ thông khí.
- Buổi tối không nên bật đèn neon, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn.
- Nếu có thể thì bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ở ngoài, không chui vào nhà nữa.
- Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp.
Xem Thêm :Cách xử lý vết thương do kiến ba khoang gây ra đơn giản mà không cần đến viện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét