25 thg 5, 2019

TQ là thủ phạm chính đang thải chất CFC làm thủng tầng ozone


Giới nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra Trung Quốc chính là thủ phạm chính gây ra sự gia tăng bí ẩn gần đây của loại hóa chất CFC vốn đang phá hủy tầng ozone.
"Tôi nghĩ với nghiên cứu này, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng bất ngờ của khí thải này và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ truy quét sạch toàn bộ hoạt động sản xuất CFC-11," Clare Perry từ Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) nói.
Tầng ozone, hay còn gọi là tầng bình lưu giúp che chắn bảo vệ Trái đất và con người khỏi phóng xạ cực tím từ mặt trời. Việc sử dụng CFC đã tạo lỗ thủng trong tầng ozone, gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư da và bệnh về mắt.
Khí CFC cón góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Một tấn khí CFC tương đương 5000 tấn CO2.
Vào 1987, cộng đồng quốc tế đã đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng hóa chất này và dự kiến các chất CFC gồm CFC-11 sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào 2010.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của EIA cho thấy khoảng 40-60% sự gia tăng lượng khí CFC-11 đang thải ra đến từ các công ty ở tỉnh Đông Bắc Trung Quốc

Sử dụng trong vật liệu ốp tường nhà

Nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty xây dựng ở Trung Quốc đã sử dụng CFC-11 trong vật liệu ốp tường nhà. CFC-11 rất hiệu quả để làm bọt polyurethane, giúp giãn nở thành vật liệu cách nhiệt cứng để cắt giảm hóa đơn tiền điện và giảm lượng khí thải carbon.
Các nhà nghiên cứu đã liên hệ với các nhà máy sản xuất bọt ốp tường ở 10 tỉnh khắp Trung Quốc, và kết luận rằng CFC-11 được sử dụng phần lớn trong vật liệu ốp tường các nhà máy này sản xuất.
Một công ty ước tính khoảng 70% doanh số bán hàng nội địa của họ sử dụng hóa chất cấm này. Lý do là vì CFC-11 chất lượng hơn và rẻ hơn các hóa chất khác.
Sử dụng các trạm giám sát không khí ở Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà nghiên cứu thấy lượng CFC-11 tăng lên kể từ 2012. Thêm vào đó, lượng khí thải CFC-11 ở Trung Quốc giai đoạn 2014-2017 đã tăng lên 110% so với giai đoạn 2008-2012.
"Nghiên cứu mới này dựa trên những đột biến trong dữ liệu về không khí đến từ Trung Quốc", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Matt Rigby tại Đại học Bristol, nói với BBC Inside Science.
 Image caption Thùng hóa chất chứa CFC-11 ở một nhà máy ở Trung Quốc mà các nhà điều tra phát hiện
Họ phát hiện ra so với 2012, ở Trung Quốc xuất hiện thêm 7000 tấn khí CFC-11.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các lượng khí CFC-11 này được thải ra ở nhiều khu vực khác của Trung Quốc. Hoặc có thể đến từ Ấn Độ, Châu Phi, Nam Mỹ vì có rất ít trạm giám sát tại những khu vực này.
Trung Quốc nói đã bắt đầu kiểm soát các công ty "giả mạo" sản xuất CFC-11. Tháng 11 năm ngoái, một số nghi phạm sở hữu 30 tấn CFC-11 đã bị bắt tại tỉnh Hà Nam.

CFC-11 là chất gì?

CFC-11 là một trong số các hóa chất CFC. Ban đầu được dùng để làm chất làm lạnh trong những năm 1930. Nhưng đến 1980, các nhà khoa học phát hiện ra khí CFC khi phân hủy trong khí quyển, sẽ giải phóng nguyên tử Clo, làm phá hủy tầng ozone vốn giúp bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím độc hại.
Cộng đồng quốc tế đã thống nhất trong Nghị định thư Montreal vào 1987, đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng chất này. Nghiên cứu gần đây cho thấy lỗ hổng tầng ozone ở Bắc bán cầu có thể được vá lại hoàn toàn vào những năm 2030 và lỗ hổng ỡ trên Nam Cực có thể vá lành vào những năm 2060.
Các nhà khoa học nói thêm rằng việc gia tăng lượng khí CFC-11 sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu. "Toàn bộ lượng khí CFC được thải ra từ phía đông Trung Quốc tương đương với khoảng 35 triệu tấn CO2 được thải vào khí quyển mỗi năm, tương đương với khoảng 10% lượng khí thải của Anh, hay của cả toàn bộ London,
Lượng khí thải gia tăng bất ngờ đến từ Trung Quốc đã khiến quy trình vá lỗ hổng ozone bị chậm lại. 

(tuoitre.online )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét