Bọn trẻ đang chơi đùa ầm ĩ bỗng bỏ chạy khi có một đứa kêu lên: Kìa, bà chúa Hời, bây ơi!
Từ xa, một người đàn bà cao, gầy và thẳng như một
cây gậy đang gõ những bước như đếm trên con đường dẫn vào làng. Không
cần nhìn cách ăn mặc gần như trùm kín từ đầu đến chân giống như tẩn
liệm, người ta cũng dễ nhận ra đây không phải là người trong làng và
dưới mắt bọn trẻ, bà có vẻ như một mụ phù thủy, nửa bí mật nham hiểm,
nửa dại dại khờ khờ.
Khi bà đi ngang qua, đứa lớn nhất trong bọn bỗng
túm áo một một đứa đẩy về phía bà, bảo: Con của bà đây, bà ơi! Đứa bé
vừa sợ vừa mắc cỡ liền quay lại đấm thùm thụp vào lưng đứa lớn khiến cả
bọn lăn ra cười.
Bà cứ thản nhiên bước đi, lưng vẫn thẳng, hông
vẫn đong đưa và hai tay đánh đàng xa như múa, trong khi chiếc nừng đặt
trên đỉnh đầu không vì thế mà nghiêng ngả hay xê xích một ly nào.
Bọn trẻ bắt chước đi theo một cách vụng về, hài
hước. Chúng vung tay, múa chân, lắc mông loạn xạ; nhưng chỉ được một lúc
lại đâm ra chán, bỏ mặc bà đi một mình.
Trời về chiều, càng lúc cái bóng bà lại càng dài ra trông như một cây sào.
Bà chúa Hời, là tên gọi của lũ trẻ đặt cho bà,
chứ thật ra chẳng ai biết bà tên gì và cũng chẳng ai muốn biết. Trong
những câu chuyện xa xưa về xứ Đồ Bàn của lưu dân Bình Định, cái tiếng Hời luôn gắn liền với thư.
Bụng bỗng đau như dao cắt hay phình to ra như cái trống, thế là ai cũng
bảo: “Thôi, bị Hời nó thư rồi”, và sau đó thường kể vanh vách dù không
thấy, rằng thầy Hời đã lấy từ trong bụng ra cả một con dao sắc hay cục
đá to bằng cái bát!
Tuy vậy, cái tiếng Hời cũng không khiến ai
kinh sợ chi mấy. Người ta nhắc tới cứ như một lời dỗ dành kiểu mẹ xin
lỗi đã lỡ làm đau con. Trong những câu hát ru bao giờ người ta cũng mở
đầu và kết thúc bằng hai tiếng hời hời chứ không phải à ơi.
Người đàn bà Chăm ấy, thôi thì cũng bắt chước bọn
trẻ mà gọi là bà chúa Hời, chẳng ai biết là bao nhiêu tuổi. Có thể là
một trăm, mà cũng có thể là một ngàn, bởi vì trông bà cứ như bước ra từ
một thời cổ lai xa lắc xa lơ nào đó. Cái khuôn mặt không bao giờ che
chắn suốt ngần ấy năm bị thời gian và mưa nắng quất những ngọn roi ngang
dọc để lại những vết nhăn sâu hoắm như khắc chạm trên đá. Lại thêm cái
màu da cổ đồng, trông cứ như một cái mặt nạ bằng đất nung, nung quá lửa
đã biến thành sành. Đố ai biết được che giấu dưới lớp đất nung ấy là
niềm vui, nỗi buồn hay là một nỗi hờn giận khôn nguôi.
Dưới mắt của những lưu dân mà ông cha họ trước
kia là những kẻ bị vua chúa lưu đày, người dân Hời nào cũng là cả một bí
mật. Họ rụt rè, ngần ngại, rất ít khi tiếp xúc chuyện trò. Có vẻ như
một nỗi sợ mơ hồ vẫn còn âm ỉ chảy trong máu mỗi người. Trước kia là sợ
bị dân Hời đòi lại đất đai ruộng vườn, giờ là sợ chạm đến nỗi đau mất cả
quê hương của họ. Cho nên, bà chúa Hời dẫu có đi từ sáng đến chiều, từ
làng này sang làng nọ, cũng chẳng một ai lên tiếng hạch hỏi kể cả tráng
đinh hay hào lý.
Bà cứ đi như trong vườn nhà mình, phum sóc của
chính mình. Cứ đi như năm trăm hay một ngàn năm trước. Cứ đi như thủơ
Chế Mân chưa dại gái mà dâng nộp hai châu Ô Rí, như Chế Bồng Nga thủơ
còn dong thuyền ra tận thành Thăng Long. Cứ đi như một con sông dài bất
tận.
Cái dáng bà đi thanh mảnh lẻ loi nhưng vững chắc
và không cô độc. Như những ngọn tháp của dân tộc bà. Những ngọn tháp,
một ngàn hay mười ngàn năm nữa rồi cũng sẽ lại trở về với đất. Nhưng cái
vết khắc của nó lên tấm gương thời gian vô tận là bất diệt, cho dù dân
tộc Hời còn hay mất.
Lúc này là đêm, bà đang ở trên đất Đồ Bàn. Cái
kinh thành tráng lệ với những ngựa những voi mà ngay cả móng chân cũng
được bịt bằng vàng, giờ hoang liêu cô tịch. Trên nền đất đỏ như máu, chỉ
có thể sống nổi những cây bàn chải mà mỗi chiếc lá đều biến thành gai
nhọn để làm vũ khí tự vệ, bà ngồi lặng yên, lắng nghe những âm thanh rộn
rã của ngàn xưa vọng về. Tiếng kêu lanh canh của những lục lạc nhỏ bằng
vàng đeo trên tay và chân, trên hông và háng của các vũ nữ. Không phải
họ mua vui cho các ông hoàng như người ta lầm tưởng mà họ đóng vai nữ
thần Apsara múa lại những điệu múa huyền bí. Cả thân mình họ: những tay
óng đẹp như chuốt, những chân mềm như đúc bằng sáp, những rốn sâu ngực
cao, lúc thì mạnh mẽ như hạt mầm bật ra khỏi lòng đất, lúc lai láng thơm
tho như đồng lúa trổ, lúc quấn quít như rắn đực rắn cái huê tình, những
điệu múa tưởng phơi mở thực ra là kín đáo trang nghiêm. Bởi vì, đó là
cách thức Mẹ dạy cho con cách làm nhà, cách trồng trọt, chế biến thức ăn
và những cách thế yêu nhau để biết thế nào là lạc thú của trần gian và
để sinh con đẻ cái.
Rất lâu sau đó, bà úp hai bàn tay lên mặt rồi phủ
phục trên nền đất đã thấm ướt sương đêm. Trong khi các vì sao chuyển
động lặng lẽ trên cao, bà nghe như đâu đây vọng lại tiếng đập cánh của
một loài chim đêm. Tiếng đập mỗi lúc một nôn nao, mạnh mẽ, không phải
tiếng đập của chim cú hay chim vạc mà là của một con chim thần, bay từ
cõi hồng hoang xa thẳm, đưa các vị chúa Hời đang ngự trị trên đôi cánh
rộng như hai cánh buồm, về thăm lại cái vương quốc xa xưa. Bà ngẩng mặt
trông lên, tưởng chừng như thấy cả một áng mây che ngang trời: Đồ Bàn
rực rỡ của bà bay vút qua như một giấc mộng.
Giữa trái tim của cố đô tưởng chừng đã khô hết
máu, bà đã nghe ra những gì muốn nghe, đã thấy những gì muốn thấy. Bà
yên lòng khép mắt, ngủ một giấc dài cho đến khi những đứa trẻ chăn dê
lùa bầy dê luôn miệng kêu be be đi ngang qua đánh thức bà dậy. Vẫn giống
như những đứa trẻ hôm qua, chúng lại hét lên, “Kìa, bà chúa Hời”, lần
này lại có thêm một tiếng: Điên!
Giờ, đang là lúc mặt trời sắp lặn. Ánh sáng dữ
dội hắt lên sau lưng những ngọn tháp khiến những đường nét trở nên sắc
cạnh, tưởng chừng không phải do người mà do thần linh tạc vào nền trời.
Người ta lại trông thấy bà chúa Hời một mình, nhưng không phải trên
những con đường đất mà trên sông. Bà đứng trên một chiếc bè kết bằng
thân chuối và tre, chắc do bà tự làm lấy, cùng với một cây sào dài thỉnh
thoảng rạp mình đẩy nó xuôi theo dòng nước. Con sông mùa hạ, phẳng lặng
và hiền như một cô con gái nhà lành, chỉ để lại đôi nét nhăn mơ hồ trên
vầng trán đẹp.
Đây là con sông chảy qua kinh thành Đồ Bàn, xuôi
về đầm Thị Nại. Con sông đã đưa Huyền Trân trốn thoát ra biển để về cố
quốc và cũng tưng bừng đón đoàn thuyền bách chiến của Chế Bồng Nga trở
về.
Thọc sâu cây sào xuống nước, có lúc bà tưởng
chừng đây là dòng nước mắt của cả dân tộc. Cũng có lúc bà rùng mình
tưởng là máu khi ánh hoàng hôn đỏ áy trên mặt sông. Nhưng trong gió
chiều, bà nghe như muôn ngàn tiếng trống paranưng bập bùng, tiếng cồng
chiêng chen lẫn với tiếng voi gầm ngựa hí.
Chiếc bè sau một lúc lướt qua những nương bắp
ruộng dâu, dừng lại dưới chân một ngọn đồi, trên đó sừng sững một ngọn
tháp cô quạnh mà cái bóng của nó như một khối ngọc khổng lồ đang ngâm
mình trong nước.
Rất gọn và nhanh, bà đưa bè vào sát chân đồi, cắm
sào để nó khỏi trôi theo dòng nước rồi đặt chiếc nừng lên đầu, cổ và
lưng vẫn thẳng, thong thả bước lên cao. Vượt qua những đám cây thấp nhỏ,
chẳng mấy chốc bà đã đứng dưới chân tháp cao vòi vọi.
Ngôi tháp đồ sộ giống như một trái tim dựng
ngược. Mặt trước đã bị đục phá nham nhở, không phải do thời gian mà do
người. Không ngạc nhiên về điều đó, bà bình thản bước qua đống gạch đổ
nát đi vào bên trong. Lũ dơi nghe động bay ra đen kịt. Bà đứng yên, nhắm
nghiền mắt đợi cho chúng bay đi hết.
Giờ là lúc bà ngửa cổ trông lên. Trong lòng tháp
sẫm màu, vút lên cao, cái miệng tháp hình vuông sáng ngời như tráng bạc.
Đây là nơi ánh sáng giữa ngọ cắm thẳng giữa lòng tháp như một cây cột
cao, là nơi ánh trăng rằm nửa đêm rót xuống như thác. Và đây cũng chính
là nơi các thần linh sớm tối đi về.
Đêm nay là đêm rằm, bà phủ phục giữa lòng tháp
đợi chờ giây phút hiển linh. Sự chờ đợi lâu dài đến nỗi chiếc bè dưới
bến sông tự rời ra từng mảnh, trôi đi.
Chẳng biết bà còn sống hay đã chết, nhưng chắc là
đã được gặp các vị thần, đã được khóc than cho nguôi nỗi niềm của những
đứa con lạc loài đã tự đánh mất và bị cướp mất gần như tất cả.
09/3/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét