Em ơi, năm tháng rồi sẽ trôi qua nhưng những kỷ niệm của thời tuổi trẻ rộn ràng , lãng mạn luôn đọng lại trong lòng anh mỗi khi có ngọn gió vô tình thổi đến. Anh vẫn nhớ một đêm cuối tháng 12 năm 1988 , tình cờ trên đường đi công tác, em đã đến biệt thự Bích Lan Phương vào mùa hoa anh đào nở rộ, loại hoa mà người Pháp đem trồng từ khi Alexandre Yersin tìm ra Long Hải để xây dựng khu nghỉ dưỡng cuối thế kỷ XIX (cùng thời với cao nguyên Langbiang -Dalat). Đêm đó, một góc sườn đồi Long Hải với những cánh hoa anh đào trắng,hồng mảnh mai , mờ ảo dưới ánh trăng vàng chào đón em …Đường lên dốc biệt thự, anh vẫn cho là đường vế đất Thục. Không biết người xưa đã về đất Thục bằng ngựa , xe vất vả thế nào mà anh và em thì phải đi bằng đôi chân của chính mình. Lâu rồi cũng quen, mỗi ngày anh lên xuống bao lượt , bao nỗi khó khăn đã trở nên bình thường trên con đường trước mặt. Còn em, cô gái Biên Hoà xinh đẹp, dịu dàng sẽ bước đi như thế nào khi cuộc sống còn bao khốn khó trong những năm tháng chiến tranh vừa kết thúc ?
Đêm ấy , trăng sáng treo lung linh đầu núi. Đi bên em, anh nghe lòng mình lắng lại những thanh âm sâu thẳm. Anh nhớ những tứ thơ Đường ngày xưa. Những bài thơ mà một thời đi học tại Văn khoa Saigon vô tư nên anh không hiểu hết tâm hồn của người nghệ sĩ trước sự vĩnh hằng của tạo vật. Lý Bạch đã từng cảm khái:
“Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủ
Cộng khán minh nguyệt giai như thử.”
(Tạm dịch: Xưa nay người tựa nước trôi xuôi
Cùng ngắm bao đêm ánh nguyệt rồi!)
Vâng, đời người dẫu trải qua bao dâu bể nhưng vầng trăng không bao giờ đổi thay . Đêm đó, chủ nhân của ngôi biệt thự này đã lưu lạc ở trời Tây, chỉ còn có anh cùng em ngắm trăng xưa …và chỉ còn sóng biển như thì thầm kể về một câu chuyện dài. Đó là chuyện của chúng mình về tình bạn hay tình yêu ? Và nó bắt đầu từ đâu ? Anh cũng không biết nữa…
Không biết em sẽ nghĩ gì trong đêm ấy ? Riêng anh, khi nghĩ về đời mình, anh sẽ mải nhớ đến em, người bạn nhỏ xinh đẹp của mình. Có lẽ vì em cũng có gương mặt thánh thiện, mắt to tròn và mái tóc demie – garçonne ngổ ngáo giống Kim Liên, cô nữ sinh Trưng Vương Saigon , mối tình đầu của anh ngày nào. Chiến tranh đã kết thúc hơn mười năm, thời đại mới, cuộc sống mới chắc rằng em sẽ hạnh phúc hơn Kim Liên ngày trước . Anh vẫn nhớ về Kim Liên , dù biết đó là mối tình mong manh, sương khói nhưng lòng anh luôn da diết , nhất là những lúc tâm hồn mình trống trải, quạnh hiu ! Những trang tùy bút của đời mình anh đã từng viết về Kim Liên: “ Bé ơi, năm tháng rồi sẽ trôi qua , chiến tranh rồi sẽ im ắng dần, cách mạng rồi cũng sẽ thôi gào thét . Cuối cùng sẽ còn lại tấm lòng của bé, cô bé Saigon, nhẫn nại, dịu dàng, chan chứa yêu thương với tình yêu trong sáng đầu đời…”Thế nhưng, Kim Liên đã bỏ đất nước này ra đi mãi mãi vì những năm tháng khốn khó . Thôi thì mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống riêng… Anh ít khi phân tích tình cảm của mình nhưng lòng anh lắng đọng những suy tư và bồi hồi khi nhớ về một quãng đời đã qua.…
Chúng mình ngồi trên bờ kè cạnh ngôi biệt thự nhìn ra biển. Xa xa thấp thoáng bóng thuyền với những ngọn đèn mờ ảo . Bầu trời đầy những vì sao khi vầng trăng bị mây đen che phủ . Anh chợt nhớ truyện ngắn “Les Étoiles” của nhà văn Pháp Alphonse Daudet mà ngày nào , trên tuyến đê biên giới Bến Cầu (Tây Ninh), một cô bạn thời sinh viên đã kể anh liền kể lại cho em . Câu chuyện về chàng chăn cừu nghèo khổ và cô chủ nhỏ là nàng Stéphanette xinh đẹp, họ đã ở bên nhau trong một đêm đầy sao trên núi. Chàng đã kể cho cô nghe về đám cưới của những vì sao, và rồi cô đã ngủ thiếp, say giấc nồng trên bờ vai chàng . Anh không biết chuyện tình của họ kết thúc ra sao nhưng anh tin rằng những vì sao sẽ chúc phúc cho mối tình của họ.
Em ơi, ai cũng có một thời tuổi trẻ lãng mạn đáng yêu. Anh đã đi tìm mùa xuân từ đầu tháng hạ để bước chân gập ghềnh làm vụn vỡ cả bình yên. Công danh, sự nghiệp để làm gì khi con người cần có nhu cầu đích thực về hạnh phúc ? Nói theo Boris Pasternak :” Con người sinh ra để sống chứ không phải để chuẩn bị sống”(Bác sĩ Zhivago). Do đó, lý tưởng, ước mơ, hoài bão sẽ trở nên xa xăm khi con người phải sống thực tế giữa đời thường ? Cuộc sống của anh đã có những gì sau mấy năm ra trường ? Anh chợt giật mình ! Có chăng là những giờ miệt mài lên lớp, những buổi nói chuyện về tình yêu, lý tưởng cho bao thế hệ học viên để rồi khi đêm về đôi lúc lại thấy lòng mình băn khoăn…
Đêm đó, trong phòng khách rộng lớn của Bích Lan Phương , biệt thự mang tên ghép ba người con gái bác sĩ Tạo, chỉ có hai chúng mình . Anh nằm trên bàn họp, gối đầu lên xắc-cốt ; còn em nằm trên giường xếp Liên-xô bên cạnh. Anh đã nhường em phòng nghỉ của mình.Căn phòng hướng biển đẹp nhất ngôi biệt thự , nếu lạ chỗ không ngủ được thì em ra ngồi ngoài hàng hiên nhìn biển, mùi thơm thoảng nhẹ của hoa sứ sẽ làm cho em có cảm giác thư thái, yên bình, nhưng em sợ ma không dám ngủ một mình .
Mười giờ đêm điện máy phát tắt. Phòng tối đen, chỉ có ánh trăng le lói len vào khung cửa sổ lá sách. Thi thoảng gió thổi rít qua khe cửa. Có lẽ em đi vào giấc ngủ chập chờn , còn anh vẫn thao thức suy nghĩ mênh mang! Người xưa đã từng ở trong ngôi biệt thự xinh đẹp này khi nó được xây cất trên đỉnh đồi cao nhất tại Long Hải từ năm 1953; trải qua bao năm chiến tranh khốc liệt mà nó vẫn còn đứng nguyên. Nếu chủ cũ là gia đình bác sĩ Tạo từ Pháp về thấy cảnh chúng mình ngủ trong ngôi nhà của họ chắc buồn cười lắm ! Anh cứ nghĩ mãi về câu chuyện “Những vì sao” vừa kể cho em , nghĩ về nàng Stéphanette xinh đẹp dựa ngủ trên bờ vai chàng chăn cừu nghèo khó trên núi ngày xưa, liệu có giống như chuyện chúng mình hiện giờ và bao năm sau ?
Anh lại nhớ sinh nhật em năm nào, lúc anh còn ở Biên Hòa, bầy khỉ Nhà Thiếu nhi hôm ấy đã phải nhịn đói khi anh bảo bác làm vườn cắt cho hơn hai mươi đóa hoa hồng để tặng em . Hoa này là tiền mua trái cây cho khỉ ăn nhưng bác đã cắt cho anh mất rồi ! Ở đời có những kỷ niệm nên nhớ, nên quên nhưng có những việc ta không thể quên. Có những thời khốn khó của đời mình mà mỗi khi nghĩ lại anh luôn thấy phân vân và buồn cười !
Rồi chuyện không vui lại đến, sáng dậy, cái túi xách của em đã không cánh mà bay. Tuy không có gì đáng giá ngoài vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân và vài tấm hình chụp các nhà sư ở chùa Khỉ , nhưng lòng anh luôn áy náy vì em bị mất đồ khi đến thăm anh, do anh không chu đáo, cẩn thận…
Buổi chiều em trở lại Biên Hòa, anh thấy lòng mình trống trải, chơ vơ ! Em đã đến và đã đi. Anh nhìn biển, sóng vẫn vỗ lao xao; anh nhìn trời, mây vẫn bay bay; anh nhớ em, em đã về chốn cũ ! Những đêm sau đó, anh luôn thao thức để tự hỏi : Tình bạn , tình yêu hay chỉ là sự ngộ nhận ? Anh cũng không biết nữa…
Thời gian cứ mải trôi, anh ít có dịp gặp em vì xa xôi cách trở và vì nghề nghiệp, cuộc sống mưu sinh …
Anh đã cưới vợ . Và em cũng lấy chồng!
Anh cũng từ giã ngôi biệt thự Bích Lan Phương vài năm sau đó. Anh chỉ còn biết tin em qua bạn bè. Khi nghe tin em buồn, vui , hạnh phúc hay đau khổ anh đều thấy lòng mình chông chênh! Ngày anh trở lại Biên Hòa ghé thăm mẹ em, anh đã gọi bà là “Má” , bằng tình cảm gia đình thân thương của người con xa nhà về thăm mẹ ; ngày con trai anh lớn lên , cháu cũng gọi em là “Má” thì chúng mình đã qua bên kia sườn dốc cuộc đời… Anh đã từng hẹn sẽ có ngày trở lại Biên Hòa , cùng em ngồi uống café bên dòng sông Đồng Nai thương nhớ , chúng mình ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ rộn ràng với bao mơ ước… nhưng lời hứa cứ như mây trời thoáng bay. Mười năm ! Hai mươi năm ! Ba mươi năm… anh vẫn chưa thực hiện được.
Và hôm nay, sau gần ba mươi năm anh mới có dịp trở lại chốn này, nơi đầy ắp những kỷ niệm của chúng mình. Khu biệt thự Bích Lan Phương ngày trước được sửa sang lại thành Anoasis Resort (Khu Du lịch Kỳ Vân) tráng lệ. Cột cổng đá hoa cương khắc tên Bích Lan Phương ngày nào sát tỉnh lộ 44 không còn nữa. Anh không biết các nhà makerting du lịch vô tình hay cố ý đã khoác cho biệt thự Bích Lan Phương của bác sĩ Tạo ngày xưa thành biệt thự Bảo Đại. Thôi thì họ gọi tên gì cũng được, để quảng bá du lịch cho có thêm doanh thu ấy mà; có điều đáng mừng là ngôi biệt thự ấy vẫn còn nguyên hình dáng ngày xưa .
Anh đứng lặng yên bên ngôi biệt thự cũ mà anh thấy mình bé nhỏ một cách tội nghiệp với bao cảm xúc vui , buồn lẫn lộn ! Ôi , đời người như bóng câu qua cửa sổ !Những kỷ niệm ngày nào xôn xao trở về. Có buồn như năm nào các em thiếu nhi xã Quang Trung (Thống Nhất-Đồng Nai) tắm biển bị sóng thần cuốn đi ; có vui như những ngày hè học sinh cắm trại, hội diễn văn nghệ tiếng hát vang cả sườn đồi; có những đêm lang thang trên bãi biển khi triều rút, triều dâng… Lúc nào cũng có em bên cạnh cùng sẻ chia !
Chiều nay, hoa anh đào quanh biệt thự Bích Lan Phương nở rộ. Những cánh hoa phơn phớt hồng đua nhau khoe sắc thắm nhưng không còn có em ! Anh nhớ hai câu thơ trong bài “Đề đô thành Nam Trang “của Thôi Hộ :
“Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”
mà Nguyễn Du đã dịch trong Truyện Kiều :
“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”
Ngày xưa khi còn đi học, lúc đọc bài thơ này, anh vẫn luôn tự hỏi : Thôi Hộ yêu người con gái xinh đẹp tình cờ gặp gỡ ở vườn đào sao không nói, để rồi ngày trở lại, vắng bóng người xưa nhà thơ phải hối tiếc, ngẩn ngơ ! ? Còn anh giờ đây tự hỏi lòng mình : bao năm qua anh có nói được điều gì với em chăng ?…
Chiều nay trở lại chốn xưa, anh nhìn biển, sóng vẫn vỗ lao xao như nhắn nhủ điều gì. Anh nhìn trời, mây vẫn bay bay như gợi nhớ chuyện chúng mình ngày ấy . Anh nhớ em, người bạn nhỏ của thời công tác xứ Đồng Nai mà một thoáng chông chênh, xao lòng !
ĐÀO TỪ : Nhị 15 -Khóa 11-SPSG
(Từ Kỷ Yếu 60 năm SPSG )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét