Đăng Phạm
Ngày này đã phần các nhà nghiên cứu lịch
sử, khoa học lẫn khảo cổ đều công nhận rằng người bản địa Trung và Nam
Mỹ đã không hứng chịu một cuộc diệt chủng thật sự từ người Tây Ban Nha
từ thế kỉ 16. Thay vào đó, họ bị suy tàn giống nòi vì dịch bệnh khủng
khiếp, cộng thêm hủ tục hiến tế người sống vô tội vạ,Dẫn chứng: Theo tài liệu của Viện khoa học xã hội Mexico, vào thế kỷ 16, người Tây Ban Nha khi đi thám hiểm di tích Maya cổ đại đã phát hiện 13.600 bộ xương. Quanh khu Kim tự tháp Tikal có 4 tế đàn, cùng với đó là 360.000 nô lệ đã mất đi mạng sống bởi niềm tin thần Mặt trời ăn tim người và máu tươi để duy trì ánh sáng
Dù vậy, trong nhiều thế kỉ sau, các dân tộc bản xứ Trung Mỹ sống yên ổn, không hứng chịu thêm cuộc đổ máu lớn nào. Họ trải qua thế kỉ thực dân dưới tay người Tây Ban Nha một cách bình lặng và độc lập vào thế kỉ 19, trong khi người da đen, da vàng châu Á chịu ách đô hộ của Anh, Pháp,…, bị đưa vượt đại dương sang châu Mỹ làm nô lệ, bị bắt lính cho các cuộc chiến tranh. Họ trải qua hai cuộc đại chiến thế giới không mất một giọt máu nào.
Vậy mà trong trong thế kỉ 20, một thời đại được coi là văn minh, hiện đại, họ lại hứng chịu cuộc tàn sát chưa từng có, để rồi biến thành dân tộc thiểu số ngay trên quê hương mình.
Đó là cuộc diệt chủng người Maya ở Guatemala, kéo dài 36 năm từ 1960-1996 mà ít được biết đến, khiến nó còn có tên ”Silent Holocaust” (dựa theo cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã hồi WW2)
Năm 1992, người hoạt động nhân quyền gốc Maya Rigoberta Menchú được trao giải Nobel hòa bình nhờ nỗ lực kêu gọi quốc tế chú ý đến sự diệt chủng người Maya và đưa các lãnh đạo Guatemala ra tòa án. Từ đây, người ta đã lật lại và tìm thấy tội ác chiến tranh lớn nhất châu Mỹ thời hiện đại
Nguyên nhân của cuộc diệt chủng này bắt nguồn từ cuộc nội chiến ở Guatemala giữa một bên là chính phủ độc tài quân sự do Mỹ chống lưng, với các nhóm du kích cánh tả do Cuba và Nicaragua ủng hộ. Đăc điểm của cuộc nội chiến là chiến tranh du kích nhỏ lẻ, thương vong ít. Cho đến khi cuộc chiến kết thúc, chỉ có vài nghìn lính quân đội và du kích chết trận. Vậy mà khi Liên Hợp quốc điều tra lại, có đến hơn 200.000 người đã bị giết hại.
Họ là ai? 90% số người chết là dân bản địa Maya, bị giết chết trong các hành động diệt chủng có chủ đích do quân đội và cảnh sát Guatemala thực hiện – theo báo cáo của LHQ.
Nguyên cớ của việc này là do chính quyền độc tài nghi ngờ các sắc dân Maya hợp tác với quân Cộng sản. Mặc dù không phải tất cả đều hợp tác, nhưng toàn bộ sắc dân Maya đã bị đưa vào danh sách cần phải loại trừ của quân đội. Từ đây,các vụ giết người bừa bãi một cách cố ý nhắm vào người Maya vô tội bắt đầu và ngày một khốc liệt. Lúc đầu, chính phủ cho thành lập các nhóm bán quân sự riêng để đối phó với phe Cộng sản. Các nhóm này, nổi tiếng tàn bạo là nhóm ”Mano Blanca” (“Bàn tay trắng”), được phép giết bất cứ người Maya nào mà không cần xin phép qua chính quyền. Mano Blanca hoành hành dưới thời Tổng thống Carlos Arana Osorio và Kjell Laugerud García, đến thời tổng thống Fernando Romeo Lucas Garcia thì bị giải tán do lộng quyền và lạm sát quá mức
Chính phủ Hoa Kì trực tiếp dính líu từ năm 1966 với chiến dịch mang tên ”The Zacapa program”. 1000 lính Mũ nồi xanh Hoa Kì đến Guatemala huấn luyện chống du kích cho quân đội Guatemala, đồng thời tài trợ, nâng quân số quân đội Guatemala từ chỉ 5000 người năm 1966 lên đến 35.000 năm 1980. Lực lượng bán quân sự, lực lượng chủ yếu gây các vụ thảm sát lên đến 500.000 người năm 1985. Quân đội Hoa Kì cũng bị cáo buộc trực tiếp gây ra các vụ thảm sát.
Các con số được tổ chức Ân xá quốc tế ước tính có từ 8000-15000 người, chủ yếu là người Maya đã bị giết trong chương trình Zacapa do quân đội Mỹ tài trợ. Đại tá Arana Osorio, tổng thống sau này của Guatemala có được biệt danh “Đồ tể của Zacapa” vì sự tàn bạo của mình. Trong số những người tham gia chương trình Zacapa có bốn tổng thống tương lai của Guatemala là: Đại tá. Arana Osorio (1970–1974), tướng Kjell Eugenio Laugerrud Garcia (1974–1978), tướng Romeo Lucas Garcia (1978–1982) và tướng Oscar Humberto Mejia Victores (1983–1986). Họ được gọi là “Tập đoàn Zacapa”.
Từ năm 1970, đại tá Arana Osorio lên nắm quyền có một tuyên bố nối tiếng: “Nếu cần phải biến đất nước thành nghĩa trang để bình định nó, tôi sẽ không ngần ngại làm như vậy.” Guatemala bị đặt vào tình trạng giới nghiêm từ 9:00 tối đến 5:00 sáng bắt đầu từ ngày 13 tháng 11 năm 1970 đến tháng 1 năm 1972. Trong thời gian đó xe cứu thương, xe cứu hỏa, y tá và các bác sĩ đã bị cấm trên toàn lãnh thổ. Mục đích của việc này chính là để phục vụ cho các cuộc bắt bớ và tàn sát của quân đội và cảnh sát quốc gia vào ban đêm. Đây là khoảng thời gian vùng nông thôn Maya của Guatemala chìm trong không khí khủng bố chết chóc, được miêu tả là nơi có tỷ lệ mất tích cao nhất thế giới thời điểm đó. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đề cập Guatemala là một trong một số quốc gia thuộc tình trạng khẩn cấp về nhân quyền, đồng thời trích dẫn “tỷ lệ mất tích cao của công dân Guatemala” là một vấn đề lớn và đang tiếp diễn trong báo cáo thường niên năm. Năm 1973, các báo cáo nói rằng cố 42.000 người dân ở nông thôn mất tích trong thời gian giới nghiêm, tức trung bình mỗi đêm có 40 người bị bắt cóc, sát hại.
Dù tàn bạo, nhưng các hành động của Osorio đã phát huy hiệu quả. Các căn cứ của du kích gần như bị xóa sổ khỏi khu vực người Maya, phải lùi sâu vào đất Mexico. Các hành động thù địch với người Maya giảm xuống trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Kjell Eugenio Laugerud García và Fernando Romeo Lucas García. Tuy vậy, từ năm 1979, cách mạng ở Nicaragua thành công, Guatemala lại đứng trước nguy cơ trỗi dậy của Cộng sản.
Từ năm 1981, một chiến dịch khác đã được tướng Benedicto Lucas Garcia (anh trai của tổng thống) – Tham mưu trưởng Quân đội Guatemala thực hiện với sự giúp đỡ không chỉ từ Mỹ mà còn từ Israel, Chile, Argentina, Nam Phi. (Lúc này Chile dưới thời Pinochet, Argentina đang trong ”Chiến tranh bẩn thỉu”, Nam Phi dưới chế độ Apartheid – đều là những chế độ độc tài tàn bạo). Quân đội Hoa Kỳ viện trợ cả trực thăng cho quân đội Guatemala để thực thi các ”phi vụ tử thần”- thả người từ trực thăng – một trò sáng tạo bởi chế độ độc tài Argentina.
Dưới sự lãnh đạo của Benedicto Lucas Garcia, những gì đã diễn ra như một chiến dịch đàn áp có chọn lọc nhắm vào các lĩnh vực xã hội Guatemala đã bắt đầu biến chất thành một chính sách tiêu diệt. Các vụ thảm sát nhằm vào cộng đồng Maya đã trở nên phổ biến, được coi là một sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược. Các vụ giết người đã đạt đến mức độ của một vụ thanh lọc sắc tộc chứ không còn giới hạn là chống Cộng sản. Uớc tính số người chết vì sự đàn áp của chính phủ vào năm 1981 là hơn 11.000, với hầu hết các nạn nhân là nông dân bản địa Maya ở vùng cao nguyên Guatemala. Các hành động tàn sát đi kèm với việc lùa dân Maya ra khỏi khu vực của họ để đến vùng do quân đội kiểm soát, với hậu quả là 626 ngôi làng trong tổng số 918 làng của người Maya bị tiêu diệt.
Dưới thời Ríos Montt, các vụ diệt chủng đạt đến mức độ cao nhất, được biết đến với tên ”Operation Sofia” và Rios Montt là tổng thống duy nhất của Guatemala đã phải ra tòa án vì tộc ác của mình. Trong nhiệm kỳ của Ríos Montt, sự lạm sát của quân đội đã đạt đến mức độ chưa từng thấy, ngay cả khi so sánh với hành vi của Quân đội dưới thời Benedicto Lucas. Ít nhất 250.000 trẻ em trên toàn quốc được ước tính đã mất ít nhất một phụ huynh vì bạo lực. Trong nhiều trường hợp, quân đội Guatemala đặc biệt nhắm đến trẻ em và người già. Những người lính được báo cáo đã giết trẻ em trước mặt cha mẹ của họ bằng cách đập đầu vào cây và đá. Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận rằng tỷ lệ hiếp dâm phụ nữ của quân đội đã tăng lên trong thời kỳ này. Những người lính có lúc hãm hiếp phụ nữ mang thai.
Một ví dụ là vụ thảm sát thường dân bởi binh lính chính phủ thuộc tiểu đoàn biệt kích Kaibiles ở làng Las Dos Erres vào ngày 7 tháng 12 năm 1982. Họ hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, và xé toạc thai nhi ra khỏi phụ nữ mang thai. Họ đập đầu những đứa trẻ nhỏ nhất vào tường và cây, và giết những đứa lớn hơn bằng búa đập vào đầu. Sau đó, các biệt kích thẩm vấn từng người đàn ông và phụ nữ, hãm hiếp một số phụ nữ một lần nữa, sau đó bắn hoặc đập họ bằng búa, và ném họ xuống giếng. Vụ thảm sát tiếp diễn suốt ngày 7/12. Vào sáng ngày 8 tháng 12, khi Kaibiles chuẩn bị rời đi, 15 người khác, trong số đó là trẻ em, đã đến làng. Quân đội đưa những người mới đến một địa điểm cách đó nửa giờ, sau đó bắn tất cả trừ hai người trong số họ. Họ giữ hai cô gái trong vài ngày, cưỡng hiếp họ liên tục và cuối cùng bóp cổ họ. Chỉ có một người sống sót sau vụ thảm sát này, một đứa trẻ nhỏ đã trốn thoát.
Đây không phải là một vụ việc riêng lẻ. Thay vào đó là một trong hơn 400 vụ thảm sát được ủy ban sự thật ghi lại – một số trong đó, theo ủy ban điều tra tội ác chiến trang của LHQ, cấu thành ‘hành vi diệt chủng.’ Không ai biết có bao nhiều người đã chết, ước tính khoảng 300 người. Chỉ biết là cả ngôi làng bị xóa sổ.
Theo một báo cáo của tổ chức Giám sát Công lý Quốc tế, chuyên gia pháp y cho biết có 171 thi thể được tìm thấy tại một giếng nước của ngôi làng. 40% các thi thể là trẻ em dưới 12 tuổi. Các công tố viên bổ sung rằng phần lớn các nạn nhân bị giết bằng búa tạ. Ngoài ra, toàn bộ phụ nữ và bé gái người Maya từ 6 đến 80 tuổi đều bị hãm hiếp
Vụ thảm sát Dos Erres đã mang lại 2 bản án kỷ lục cho 2 thủ lĩnh quân đội tham gia năm đó: Santos Lopez Alonzo – 5.160 năm tù cho 171 người y tự tay giết và Pedro Pimentel Rios – 6060 năm tù cho 201 người hắn ra tay sát hại. Cơ sở tính toán rất dễ: hành vi giết hại một người dã man như giết bằng búa ở Guatemala là 30 năm tù/người. Cứ vậy mà nhân lên.
Đã ghi nhận 18.000 vụ giết người của các lực lượng chính phủ trong năm 1982. Chỉ riêng trong tháng 4 năm 1982 quân đội đã thực hiện 3.330 vụ giết người được ghi nhận, tỷ lệ khoảng 111 mỗi ngày. Các nhà sử học và các nhà phân tích ước tính tổng số người chết có thể vượt quá con số này hàng chục ngàn. Một số nguồn tin ước tính số người chết lên tới 75.000 trong thời kỳ Ríos Montt, chủ yếu trong vòng tám tháng đầu từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1982.
Về phần Ríos Montt, năm 2013 y đã phải ra tòa án với cáo buộc gián tiếp sát hại 1.771 người Maya, kết án tổng cộng 80 năm tù, 50 năm tù về tội diệt chủng và 30 năm vì tội ác chiến tranh. Nhiều người phản đối vì cho rằng hắn phải chịu ít nhất về cái chết của ”hàng trăm nghìn người” bằng án tử hình. Ông này đã mất vào ngày 1 tháng 4, 2018, khi đang trong tù.
Ngày 8 tháng 8 năm 1983, chính phủ mới của Tướng Oscar Humberto Mejia thành lập sau khi đảo chính lật đổ Ríos Montt, thay đổi cách thức đàn áp. Mặc dù số vụ giết người giảm đi, số vụ bắt cóc lại tăng vọt. Trong một báo cáo gửi Liên Hợp Quốc, Ủy ban Nhân quyền của Guatemala đã báo cáo 713 vụ giết người phi pháp và 506 vụ mất tích của người Guatemala trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1984. Một báo cáo bí mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1986 đã ghi nhận rằng từ ngày 8 tháng 8 năm 1983 đến ngày 31 tháng 12 năm 1983 Năm 1985, có tổng cộng 2.883 vụ bắt cóc được ghi nhận (3,29 hàng ngày); và các vụ bắt cóc trung bình tổng cộng 137 tháng một năm cho đến năm 1984 (tổng cộng khoảng 1.644 trường hợp).
Trong các hành động bắt cóc đó quân đội Guatemala lỡ bắt cóc cả nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, khiến Hoa Kỳ ngừng ủng hộ chế độ độc tài Guatemala. Năm 1996, chế độ độc tài chấm dứt.
36 năm thảm sát đã để lại hậu quả to lớn với cộng đồng người Maya ở Guatemala, vốn được coi là quê hương của nền văn minh Maya. Hơn 200.000 người chết, 1 triệu người phải tị nạn. 626 ngôi làng Maya bị hủy diệt. Năm 1996, người Maya chỉ còn chiếm 27% dân số Guatemala, con số trước chiến tranh là 40%.
93% tội ác là của quân chính phủ, chỉ có 5% do du kích, số còn lại có yếu tố nước ngoài.
Hậu quả còn để lại với cả nền văn hóa và xã hội Guatemala. Nền văn hóa và nhiều di sản Maya bị hủy hoại dưới thời diệt chủng. Tỷ lệ mù chữ ở người Maya lên đến 90% do bị tách biệt khỏi cộng đồng. Tồn tại một sự bất bình đẳng cao trong xã hội Guatemala. Người Maya dù là chủ nhân ban đầu của vùng đất nhưng giờ bị coi là thấp kém và thường bị ép buộc làm nô lệ hoặc lao động rẻ tiền
Với 200.000 người chết, nội chiến Guatemala là cuộc chiến đẫm máu thứ 2 ở châu Mỹ sau nội chiến Colombia và vụ diệt chủng người Maya là tội ác chiến tranh lớn nhất châu Mỹ hiện đại
——————————————————–
Tài liệu tham khảo
-The Origins and Dynamics of Genocide: Political Violence in Guatemala. (Brett, Roderick Leslie)
-Harvest of Violence: The Maya Indians and the Guatemalan Crisis. (Carmack, Robert)
-Quiet Genocide: Guatemala 1981–1983 (Higonnet, Etelle)
-Silence on the Mountain. (Wilkinson, Daniel.)
-The Guatemalan Genocide of the Maya People (John A. Torres)
-Buried Secrets: Truth and Human Rights in Guatemala
(Victoria Sanford)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét