12 thg 4, 2019

Điều ít biết về nữ quyền trong xã hội Việt Nam dưới thời quân chủ (Tri Thức VN )

Một số người nhìn nhận rằng, dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo, nữ quyền dưới thời quân chủ là cả một sự hẩm hiu và bi thương. Tuy nhiên, các bộ luật nổi tiếng của Việt Nam, như Quốc triều hình luật (còn gọi là Bộ luật Hồng Đức vào thời Lê sơ 1428-1527) và Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Bộ luật Gia Long ban hành năm 1815), cùng một số tài liệu khác, lại cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử…
Người phụ nữ Việt Nam có thiếu nữ quyền dưới thời quân chủ?
Trong xã hội quân chủ Việt Nam, nữ quyền thể hiện rõ nhất ở hai phương diện: luật sở hữu và thừa kế tài sản; cùng luật hôn nhân. Một cách tổng quát, người phụ nữ Việt từ thế kỷ 15 đã có quyền tư hữu ngang hàng với chồng, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và ngoài xã hội, được bảo vệ trong hôn nhân.

Nữ quyền trong vấn đề sở hữu và thừa kế tài sản

Luật thời quân chủ đối xử rất công bằng đối với việc sở hữu tài sản, không phân biệt nam nữ. Mặc dù không có thống kê đầy đủ, song những ghi chép trong địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng để lại đã phản ánh rõ và củng cố thêm những quy định mà trước đó, trong luật pháp Lê triều đã ban hành.
Ví dụ như các tác giả Nguyễn Cảnh Minh và Đào Tố Uyên khi nghiên cứu về tình hình ruộng đất ở ấp Thủ Trung (Kim Sơn, Ninh Bình) trong thế kỷ 19 đã cho biết, địa phương này có 2 chủ sở hữu nữ đó là: Phạm Thị Kiêu sở hữu 1 mẫu đất ở và 5 sào ruộng, còn Phạm Thị Lưỡng sở hữu 5 sào đất ở và 8 mẫu, 5 sào ruộng.
Trong một nghiên cứu khác của tác giả Kim Jong Ouk về tình hình sở hữu ruộng đất ở làng Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) trước năm 1945 cho thấy: Chủ sở hữu là phụ nữ ở làng Mễ Trì có 198 người, chiếm 85 mẫu, 9 sào (60,5%), trong đó số phụ nữ ở nơi khác đến Mễ Trì xâm canh và cũng được thừa nhận quyền sở hữu là 14 người, chiếm 48 mẫu (33,8%).
Pháp luật cũng phân xử công minh tài sản của vợ hoặc chồng, khi một trong hai người không còn sống với nhau (có thể đã mất hoặc chia tay nhau). Điều 1 và 2 của luật nhà Lê có ghi: “Chồng cùng vợ trước có con, vợ sau không có con, hay vợ cùng chồng trước có con, chồng sau không có con, mà chồng chết trước, không có chúc thư, thì điền sản thuộc về con vợ trước, hay con chồng trước; Nếu vợ sau, chồng sau không chia đúng phép thì bị xử phạt 50 roi, biếm một tư” (Điều 1). “Vợ chồng không có con, hoặc ai chết trước, không có chúc thư, mà điền sản chia về chồng hay vợ, cùng là để về việc tế tự không đúng phép, thì xử phạt 50 roi, biếm một tư. Người trong họ không được giữ phần điền sản về việc tế tự ấy nữa” (Điều 2).


Điều ít biết về nữ quyền trong xã hội Việt Nam dưới thời quân chủ
Xử án. (Tranh qua ambn.vn)
Về việc thờ tự và giữ hương hỏa, luật pháp Việt Nam thời quân chủ cũng quy định rõ: “Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một phần hai mươi” (Điều 4, bổ sung luật hương hỏa), và: “Cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng chỉ sinh con gái, con thứ lại có con trai, thì phần hương hỏa giao cho con trai của người con thứ; Nhưng con trai người con thứ chỉ sinh cháu gái, thì phần hương hỏa trước kia lại phải trao trả cho con gái người con trưởng” (Điều 4, châm trước bổ sung về luật hương hỏa).
Có thể nói rằng, trước pháp luật thời quân chủ, phụ nữ Việt thời xưa không hề thua kém gì thời nay.

Nữ quyền trong vấn đề hôn nhân

Khi nhìn nhận về vấn đề hôn nhân thời quân chủ, thường có một số ý kiến cho rằng nữ quyền bị chà đạp với những khái niệm như “trọng nam khinh nữ” hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tuy nhiên, nhìn lại luật pháp Việt Nam thời bấy giờ, điều này có thật sự chuẩn xác?
Điều đầu tiên trong hôn nhân là sự tự nguyện tự do của hai bên, không bị lừa gạt trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ như luật nhà Nguyễn có ghi: “Trường hợp đôi trai gái bị chủ hôn dùng uy quyền bức bách, sự việc không do mình làm chủ, nếu con trai từ 20 tuổi trở xuống, con gái còn ở nhà với cha mẹ (tuy không phải là dùng uy quyền bức bách), thì cũng chỉ bắt tội một mình chủ hôn, đôi trai gái đều không bị bắt tội”.
Thậm chí đối với trường hợp lừa gạt trong hôn nhân thì luật cũng quy định rõ: “Nếu trong việc cưới gả bên họ nhà gái lừa gạt, thì người chủ hôn bị xử phạt 80 trượng (chẳng hạn như người con gái bị tàn tật mà lại đưa chị em gái ra thay mạo nhận là cô dâu để gặp mặt, đến khi làm lễ thành hôn mới đưa người con gái bị tàn tật ra). Bắt truy hồi tiền của lễ lạt. Nếu bên nhà trai mạo nhận thì xử nặng thêm một bậc (chẳng hạn như định hôn cho con trai nhưng lại làm lễ thành hôn cho con nuôi. Lại như người con trai bị tàn tật, lại đưa anh em trai ra thay, mạo nhận là chú rể để gặp mặt, đến khi làm lễ thành hôn lại đưa người con trai bị tàn tật ra)”.


Bao Thanh Thiên của đất Việt: Dùng đức cảm hóa nhân tâm, xử án thần kỳ
Xử án thời xưa. (Ảnh minh họa qua hinhanhvietnam.com)
Đối với việc chồng mua bán vợ hay thê thiếp, cha mẹ cầm con gái, thì cũng bị luật nhà Nguyễn xử nghiêm: “Người chồng đem thê thiếp cầm cố cho người khác làm thê thiếp, bản thân thực vô liêm sỉ, lại đẩy thê thiếp vào hoàn cảnh thất tiết, thực là bại hoại luân thường đạo lý nhiều lắm, cho nên xử phạt 80 trượng. Cha mẹ cầm cố con gái cho người khác làm thê thiếp, xử phạt 60 trượng”.
Những kẻ tiếp tay cho việc cầm cố, mua bán phụ nữ cũng bị trừng phạt: “Kẻ cầm cố thê thiếp và con gái của người khác cùng với kẻ biết người khác giả mạo thê thiếp là chị em gái mà vẫn lấy làm thê thiếp thì đều bị xử tội giống như thế. Kẻ cầm cố thê thiếp của người khác cùng với người chồng của họ bị xử phạt 80 trượng. Kẻ cầm cố con gái của người khác cùng với cha mẹ người con gái đó đều bị xử phạt 60 trượng”.
Còn nếu cưỡng bức phụ nữ thì sẽ phải bị treo cổ làm gương: “Phàm kẻ cường hào ỷ thế cưỡng đoạt vợ và con gái gia đình lương thiện, gian chiếm làm thê thiếp thì bị xử tội giảo (giam hậu) […]. Kẻ cường hào ỷ thế hành hung tàn bạo, không cần sính lễ, công nhiên cưỡng đoạt tại nhà vợ và con gái gia đình lương thiện đem về gian chiếm làm vợ tì thiếp của mình, thì bị xử tội giảo”.
Kẻ tòng phạm tham gia cưỡng đoạt phụ nữ cũng không thoát tội: “Kẻ tòng phạm trong việc cưỡng đoạt vợ con nhà lương thiện rồi gian chiếm thì chiểu theo tội kẻ thủ phạm xử giảo mà giảm đi một mức xử phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Nếu như bị bức bách dụ dỗ đi theo chỉ là giúp đỡ khênh vác thì chiểu theo trường hợp chưa thành hôn xử tội giảo, mà giảm đi năm mức, xử phạt 70 trượng, đồ 1 năm rưỡi. Trường hợp giữa đường cướp lấy mang về và chưa gian ô, nếu là tòng phạm thì thẩm xét thấy là giúp sức cho kẻ làm ác thì xử nhẹ hơn kẻ thủ phạm bị tội lưu đày một mức, tức là xử phạt 100 trượng, đồ 3 năm. Nếu bị bức bách dụ dỗ đi theo chỉ là giúp đỡ khênh vác thì chiểu theo luật không nên xử nặng mà phạt 80 trượng”.

Nhìn nhận lại nữ quyền dưới thời quân chủ

Quốc triều hình luật (thời Lê sơ) có 6 quyển, 13 chương và 722 điều. Trong đó có 200 điều phỏng theo luật nhà Đường, 17 điều phỏng theo luật nhà Minh, 178 điều chung đề tài nhưng khác cách xử lý, và 328 điều không tương ứng với điều luật nào của Trung Hoa cả.
Còn Hoàng Việt luật lệ (thời Nguyễn) có 22 quyển, 34 chương và 398 điều. Trong 398 điều thì 397 điều là giống với nhà Thanh, nhưng cũng đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Dù chưa có nghiên cứu tham chiếu cụ thể tới các bộ luật của Trung Hoa, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ dưới thời quân chủ phương Đông, dưới tư tưởng Nho giáo, không chỉ ở riêng Việt Nam, không hề bị xem nhẹ.
Tất nhiên, xã hội xưa rất khắt khe trong một số vấn đề khác như gian dâm và phá thai. Trong đó, đặc biệt là tội gian dâm là bị thả trôi sông, hoặc bị voi giày. Nhưng ví dụ như trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam”, Henri Oger đã vẽ minh họa rằng nam tăng mà không biết giữ giới luật, nữ giới mà lăng loàn, nếu phạm tội bại hoại nhân luân thì đều bị thả trôi sông như nhau cả. Như vậy đây là vấn đề quan niệm gìn giữ đạo đức của người xưa, chứ không phải vấn đề nữ quyền.


Điều ít biết về nữ quyền trong xã hội Việt Nam dưới thời quân chủ
Nam tăng không giữ giới, nữ nhân dâm loạn sẽ bị thả trôi sông. (Tranh trong cuốn sách Kỹ thuật người An Nam)
Mặt khác, quan niệm về “trọng nam khinh nữ” hay “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” cũng cần được xem xét lại. Ví dụ như “trọng nam khinh nữ” thực chất là câu nói “nam tôn nữ ti” xuất phát từ Kinh Dịch, là tư tưởng của Đạo gia. “Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ”, quan hệ nam nữ như trời và đất, như âm và dương, như cương và nhu, chính là quan niệm âm dương hòa hợp, phân rõ thiên tính, đã có sẵn trong càn khôn. Trong đó Kinh Dịch cũng khen rằng: “Đất có tính nhu hoà, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”. Tương tự như vậy, tìm khắp Tứ thư Ngũ kinh cũng không thấy câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Việc luật pháp bảo vệ phụ nữ như ở Việt Nam từ thế kỷ 15 có lẽ còn vượt trước cả xã hội phương Tây vì cái gọi là làn sóng “nữ quyền” (feminism) mới chỉ thực sự bắt đầu ở xã hội phương Tây vào cuối thế kỷ 19, mang theo nhiều hệ lụy về việc phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống, tự do ly hôn, quan hệ ngoài hôn nhân, và phá thai.
Những điều trên khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ rằng: điều gì mới thực sự là nguyên nhân khiến người phụ nữ Việt “khổ”? Có phải chăng việc người phụ nữ phải gồng mình gánh lấy công việc của đàn ông đã khiến họ khổ? Phải chăng vì “bình quyền” mà nam giới không còn tôn trọng và nâng niu nữ giới, không còn hiểu được trách nhiệm của người đàn ông nữa? Việc thôi thúc người phụ nữ phải tranh giành với người bạn đời của mình đã phá hoại mối quan hệ trong gia đình, khiến một núi có hai hổ, khiến tranh cãi và ly hôn xảy ra… Cái đẹp của nữ quyền truyền thống phải chăng vì thế mà trở nên phai nhạt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét