Tạ Linh Vận và Cao Bá Quát
Dã khoáng sa ngạn tịnh, 野旷沙岸净,
Thiên cao thu nguyệt minh. 天高秋月明.
Có nghĩa :
Đồng không bãi cát mênh mông,
Trời thu cao vút trăng lồng bóng gương.
Đó là một trong những câu thơ tả cảnh nổi tiếng của Tạ Linh Vận 謝靈運 (385-433), người đời Đông Tấn ở đất Cối Kê, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay. Ông nguyên là cháu nội của danh tướng Tạ Huyền 謝玄, tiểu tự là Khách, nên người đời gọi là Tạ Khách, lại được hưởng tước Khang Lạc Công, nên còn được gọi là Tạ Khang Lạc. Ông là nhà thơ khai sáng ra phái Sơn Thủy Thi 山水詩, chủ yếu sáng tác thơ tả về núi non sông nước của đời Lưu Tống vào thời Nam Bắc Triều. Sơn Thủy Thi là một trường phái lớn của văn học sử thi ca Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn đến đời Đường sau nầy với các thi nhân lớn như Lý Bạch, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên... Chúa nhà Tống lúc bấy giờ là Lưu Dụ, nên gọi thời nầy là Lưu Tống, bề ngoài thì như xem trọng nhà họ Tạ, nhưng thực tế thì dần dần cắt bớt quyền hành đi, nên Tạ Linh Vận không còn được trọng vọng như trước. Thất ý trên trường chính trị, nên Tạ gởi gắm tâm sự vào tư tưởng Lão Trang qua thơ sông núi. Do bất đắc chí vì tài hoa xuất chúng, nên Tạ luôn tỏ ra khinh thế ngạo vật, cho mình là tài giỏi hơn cả thiên hạ. Tạ đã từng nói là : "Nếu như tất cả tài hoa trong thiên hạ là một thạch (gồm có 10 đấu), thì Tào Tử Kiện (tức Tào Thực, con trai thứ của Tào Tháo, rất giỏi về văn thơ) giữ hết 8 đấu rồi, ta giữ một đấu, còn một đấu là của tất cả những người trong thiên hạ". Câu nói nầy nghe ra có vẻ như là tôn sùng Tào Thực, thực ra là đang xem thường thiên hạ, vì cho là cả thiên hạ cộng lại mới bằng được mình ! Do tánh khí và thái độ cao ngạo, nên Tạ Linh Vận làm mất lòng hết các đồng liêu và quyền thần lúc bấy giờ. Cuối cùng, bị biếm đến Quảng châu và chết ở nơi đó khi mới có 49 tuổi mà thôi.
Vì câu nói của Tạ Linh Vận, nên hình thành một thành ngữ thông dụng trong tiếng Hoa là : TÀI CAO BÁT ĐẤU 才高八斗 hay BÁT ĐẤU CHI TÀI 八斗之才 để chỉ những người tài hoa xuất chúng, vượt trôi hơn hẵn những người khác. Thi Tiên Lý Bạch trong bài tự Đào Lý Viên cũng phải hạ câu :
Ngô nhân vịnh ca, độc tàm Khang Lạc. 吾人詠歌,獨慚康樂.
Có nghĩa :
Chúng ta ngâm vịnh ngày hôm nay, chỉ thẹn riêng với ông Khang Lạc mà thôi. (Khang Lạc tức Khang Lạc Công chỉ Tạ Linh Vận đó).
Tào Thực 8 đấu, Tạ Linh Vận 1 đấu, Thiên hạ 1 đấu.
Trong văn học sử của ta cũng có một người Tài Cao Bát Đấu nhưng không gặp thời giống như là Tạ Linh Vận vậy, đó chính là ...
CAO BÁ QUÁT 高伯适 (1809 – 1855) : Tự là Chu Thần (周臣), hiệu là Mẫn Hiên (敏軒), lại có hiệu là Cúc Đường (菊堂), là quân sư trong cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Tỵ (1821), ông thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh lúc đó mới 13 tuổi, nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi Hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, bị Bộ Lễ kiếm cớ xếp xuống cuối bảng xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ cử nhân. Năm Nhâm Thìn (1832), Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông vào kinh dự thi mấy lần nữa, nhưng lần nào cũng hỏng.
Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ (ngày 7 tháng 9 âm lịch), rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên (21 tháng 1 âm lịch năm Nhâm Dần, 1842). Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội "trảm quyết" xuống tội "giảo giam hậu", tức được giam lại đợi lệnh.
Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào Huế (1847) làm ở Viện Hàm Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Do không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát đã bị đầy đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ).Khoảng cuối năm Canh Tuất (1850) đời vua Tự Đức, Cao Bá Quát lấy cớ về quê chịu tang cha và sau đó xin ở lại nuôi mẹ già rồi xin thôi chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai.
Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ chống lại nhà Nguyễn. Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.
Chính sử là thế, cuộc đời lắm gian truân chìm nổi, bất đắc chí như Cao Bá Quát đã than vản trong bài Tài Tử Đa Cùng Phú rằng :
Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướt thướt, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con ron chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung vầng trăng tỏ.
Áo Trọng Do bạc phếch, giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.
Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy;
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ. ...
Vì tài giỏi, nên theo truyền thuyết dân gian Cao Bá Quát rất cao ngạo, ông từng nói :
Trong thiên hạ có 4 bồ chữ.
Một mình tôi giữ hết 2 bồ.
Anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn văn Siêu giữ một bồ.
Còn một bồ phân phát cho thiên hạ !
Tương truyền, vì tánh khí cao ngạo nên mọi người đều xa lánh. Một hôm Vua Tự Đức- Ông vua rất giỏi về văn chương - làm được môt đôi câu thơ vừa Hán vừa Nôm rất ngộ nghĩnh đặc biệt, mới đọc khoe với quần thần là :
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
Quần thần đều trầm trồ khen là độc đáo khác lạ, chỉ có Cao Bá Quát thản nhiên tâu: "Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
Vua Tự Đức đang hí hửng về hai câu thơ dở Hán dở Nôm độc đáo của mình, không dè lại bị Quát dội một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông ta đã nghĩ ra. Tuy nhiên, nhà vua vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân cho hả giận.
Cao Bá Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:
Bảo mã tây phương "huếch hoác" lai,
"Huênh hoang" nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ,
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai.
Xuân nhật bất văn sương "lộp bộp",
Thu thiên chỉ kiến vũ "bài nhài".
"Khù khờ" thi tứ đa nhân thức,
"Khệnh khạng" tương lai vấn tú tài.
Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn vua Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục về tài thi tứ rất nhanh nhẹn và sắc sảo của Quát, nhưng trong bụng cũng không vui...
Ta thấy, Tạ Linh Vận và Cao Bá Quát đều là những nhân tài hiếm thấy và rất có tài đặc biệt trên đời, nhưng vì hoàn cảnh khốn cùng bức bách, sinh bất phùng thời hình thành tính cách cao ngạo với cuộc đời, thậm chí đến nước làm phản để đến nổi thân bại danh liệt, bị tru di tam tộc như Cao Bá Quát thì thật cũng đáng thông cảm lắm thay !
Đỗ Chiêu Đức
sưu tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét