20 thg 9, 2018

Thảm kịch án oan đẫm máu của gia tộc Kim Dung dưới thời Ung Chính

Một vụ án thảm kịch đẫm máu liên quan tới chữ nghĩa, và còn liên đới tới cả gia tộc họ Tra. Theo đó, con cái thuộc dòng Tra Tự Đình, người trên 16 tuổi sẽ bị xử tử hình, dưới 16 tuổi bị đi lưu đày, khiến vụ án oan này lấy đi của gia tộc Kim Dung hàng loạt nhân tài mà còn suýt chút nữa đẩy dòng họ của ông vào cảnh tuyệt hậu dưới thời Ung Chính.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, nguyên quán tại Đồng Thành, An Huy. Nhà văn kiếm hiệp nổi tiếng Trung Quốc này sinh năm 1924 tại Chiết Giang, Trung Quốc.

Không ít người hâm mộ vị tiểu thuyết gia ấy đều biết Kim Dung xuất thân trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Dòng họ của ông có một nhà để sách được biết tới với tên "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây với vô số sách cổ, sách quý.

Dòng họ của Kim Dung từng sản sinh ra rất nhiều văn nhân, tài tử nổi tiếng, thời nhà Minh có Tra Ước, Tra Bỉnh Di, Tra Kế Tá, thời nhà Thanh có thể kể tới Tra Thận, Tra Thăng, Tra Quỹ…

Thế nhưng ít ai biết tới, gia tộc họ Tra đầy danh tiếng đã từng gặp phải một biến cố thảm khốc, thậm chí suýt chút nữa phải chịu cảnh tru di.

Đó chính là vụ án liên quan tới chữ nghĩa nổi tiếng thời nhà Thanh, sử cũ ghi lại với tên "Án Tra Tự Đình".


Kim Dung là con cháu đời thứ 22 của gia tộc họ Tra.

Vị tiến sĩ họ Tra - quân tốt thí vô tội trên bàn cờ chính trị của Ung Chính

Nói về vụ án văn tự của gia tộc họ Tra vào đầu thời nhà Thanh, đối với dòng họ này mà nói thì đây chính là một bản án vô cùng oan khốc.

Nạn nhân trực tiếp của án oan này là Tra Tự Đình. Ông là em trai của danh sĩ nổi tiếng thời bấy giờ - Tra Thận.

Năm Khang Hi thứ 45, Tra Tự Đình thi đỗ Tiến sĩ, rạng rỡ bước lên con đường quan lộ. Nhưng võ đài chính trị vốn là nơi đầy rẫy hiểm họa, ngay tới bản thân vị Tiến sĩ họ Tra này cũng không biết rằng thứ đang chờ mình phía trước lại chính là cửa tử.

Khi mới bước vào chốn quan trường, Tra Tự Đình hết lần này đến lần khác nhận được sự tán thưởng của một vị trọng thần khét tiếng lúc đó – Long Khoa Đa.

Đối với Tra Tự Đình mà nói, đây vừa là một cơ hội thăng tiến hiếm có, nhưng cũng lại là một mối nguy cơ tiềm ẩn họa sát thân.


Vị Tiến sĩ Thanh triều tài hoa này không hề biết rằng con đường quan lộ tưởng như sáng lạn của mình lại tiềm ẩn vô số hiểm họa. Ảnh minh họa.

Nhắc tới án oan của Tra Tự Đình, không thể không phân tích kỹ càng tình hình nội bộ của triều đình nhà Thanh khi đó.

Vào thời điểm Ung Chính mới lên ngôi, vị Hoàng đế này phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải.

Một mặt, ông phải ứng phó với thủ đoạn hiểm độc từ các huynh đệ tranh ngôi. Mặt khác, ông cũng cần phải phòng bị với chính những công thần từng giúp mình lên ngôi.

Vì thế, vị trọng thần từng "một bước lên tiên" nhờ có công giúp Ung Chính kế vị như Long Khoa Đa dần trở thành cái gai trong mắt tân đế.

Xét về vai vế, Long Khoa Đa vốn là em trai của Hiếu Nhân Hoàng hậu, em rể vua Khang Hi và là cậu của Ung Chính.

Trước khi Khang Hi qua đời, bởi vì mối quan hệ đặc thù với hoàng tộc nên vị quan họ Long này từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu như Thượng thư, Thống lĩnh bộ binh… và đặc biệt là được nhà vua coi như một người thân tín kề cận bên mình.

Chính bởi nguyên nhân này, Long Khoa Đa trở thành nhân vật duy nhất trong lịch sử khẳng định về "tính hợp pháp" trong việc Ung Chính kế vị. Bởi ông là người biết rõ lai lịch cũng như quá trình kế vị của cháu mình.

Điều này đối với vị đại thần này mà nói vừa là phúc, nhưng cũng là họa.


Đối với Ung Chính, Long Khoa Đa từ sớm đã trở thành cái gai trong mắt. Và sự xuất hiện của Tra Tự Đình vừa hay trở thành một cái cớ để nhà vua trừ bỏ cái gai này. Tranh minh họa.

Sau khi Ung Chính thuận lợi lên ngôi, tâm lý cảm kích của ông dần biến thành sự đề phòng và nghi kỵ đối với một người biết quá nhiều như Long Khoa Đa.

Vào thời gian đầu khi mới kế vị, Ung Chính ngoài mặt đã nhiều lần phá lệ trọng dụng đại thần họ Long, thậm chí nhiều khi còn "không ngừng gọi cậu chứ không gọi tên". Nhìn lại lịch sử Thanh triều, có lẽ chỉ duy nhất Long Khoa Đa là người được hưởng ân sủng tới vậy.

Thế nhưng những ngày tháng đắc ý của vị đại thần này cũng chẳng được bao lâu.

Mùa thu năm Ung Chính thứ 4 (năm 1726), triều đình nhà Thanh phát hiện một đại án chấn động toàn quốc. Đó chính là thảm án oan khốc xảy ra với nhà họ Tra – "Án Tra Tự Đình".\


Bản án của Tra Tự Đình thực chất là một mắt xích trong âm mưu trừ khử Long Khoa Đa của Ung Chính đế. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Bản án chữ nghĩa chấn động và bi kịch thảm khốc của gia tộc họ Tra

Vụ án liên quan tới Tra Tư Đình thực chất được Ung Chính dùng làm tiền đề để trở thành một trong những lý do đả kích Long Khoa Đa.

Bởi Tra Tự Đình là người được Long Khoa Đa trọng dụng, cũng được coi là nhân vật thuộc phe cánh của vị đại thần này.

Nếu Tra Tự Đình quả thực có mắc tội, thì tội lỗi duy nhất của ông cũng chỉ là đứng sai đội ngũ, lựa chọn sai người để nương nhờ mà thôi.

Năm Ung Chính thứ nhất, dưới sự tiến cử của Long Khoa Đa, Tra Tự Đình bắt đầu được tham gia vào công việc quản lý các kỳ thi thời bấy giờ.

Mùa thu năm Ung Chính thứ 4 (năm 1726), Tra Tự Đình vâng mệnh đảm nhiệm tổ chức kỳ thi Hương.

Dựa theo thông lệ, ông đã ra một vài đề thi. Thi Hương thời bấy giờ có 2 lượt đề, mỗi lượt đề bao gồm hai câu.

Lượt đề đầu tiên Tra Tự Đình có ra hai câu như sau:

Câu thứ nhất trích từ "Luận Ngữ": "Quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn". (Đại ý là: Người quân tử không vì lời nói khéo léo hay khoe khoang mà đề cử người không tốt, cũng không vì người có phẩm hạnh xấu mà chê bỏ lời hay lẽ phải).

Câu thứ hai trích từ "Mạnh Tử": "Giới nhiên dung chi, nhi thành lộ, vi gian bất dụng, tắc mao chi hí". (Đại ý là: Nếu người ta vạch một lối đi trong núi mà thường đi thì lối đó hình thành một con đường. Nhưng trong một thời gian dài, con đường đấy nếu không được dùng tới thì sẽ bị cỏ lau che khuất).

Lượt đề thứ hai cũng bao gồm hai câu.

Câu thứ nhất xuất từ "Kinh dịch": "Chính đại nhi thiên địa chi tình khả kiến hĩ". (Đại ý là: Có chính thì mới có lớn, chính đại là cái "tình" của trời đất, tức cái công dụng hiện ra ngoài của trời đất).

Câu thứ hai xuất từ "Kinh thi": "Bách thất doanh chỉ, phụ tử ninh chỉ". (Đại ý là: Trăm nhà đều đầy lúa vậy thì đàn bà, con trẻ sống yên ổn).

Những đề này đối với người bình thường xem qua sẽ thấy không có vấn đề gì. Nhưng Ung Chính lại "đi sâu" quá nhiều, thậm chí tìm cách "bới lông tìm vết".


Những điểm được cho là "phản nghịch" trong các đề thi Tra Tự Đình đưa ra phần lớn đều do Ung Chính tự suy diễn hoặc cố tình "bới lông tìm vết". (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Đối với câu thứ nhất trong đề đầu tiên (quân tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn), Ung Chính cho rằng câu này ám chỉ thái độ bất mãn của Tra Đình Tự đối với chế độ tiến cử nhân tài của triều đình lúc đó.

Đối với câu thứ hai trong đề này (giới nhiên chi dụng chi, nhi thành lộ, vi gian bất dụng, tắc mao chi hí), Hoàng đế lại nghĩ rằng câu này ám chỉ mưu mô khó dò của Tra Đình Tự.

Khi xét tới hai câu trong đề thứ hai, Ung Chính cho rằng Tra Tự Đình có ý ám chỉ mọi người nhớ tới hình tượng "chính"(正) và "chỉ"(止).

Hai chữ này không may lại ăn khớp với câu văn khi quân của Uông Cảnh Kỳ trong "Lịch đại niên hiệu luận".

Trong đó, Uông Cảnh Kỳ viết rằng chữ "Chính" 正 (trong niên hiệu Ung Chính) chiết tự sẽ ra thành chữ "Nhất" (一) và chữ "Chỉ"(止), ám chỉ điềm chẳng lành rằng Ung Chính sẽ gặp họa mất đầu.

Uông Cảnh Kỳ năm xưa cũng vì câu chữ này mà vong mạng. Nay đề thi của Tra Tự Đình lại một lần nữa đi vào vết xe đổ của tiền nhân.

Trải qua một loạt những xuyên tạc như trên, ngay sau kỳ thi Hương, Tra Tự Đình đã lập tức bị Ung Chính hạ lệnh khám xét nơi ở và chỗ làm việc trong kinh thành.

Tương truyền rằng, trong nhà Tra Tự Đình, quan binh có tìm thấy một số trang nhật ký quả thực có "nhiều từ ngữ phản nghịch" (phê bình nhiều chính sách dưới thời vua Khang Hi).

Cuối cùng, Tra Tự Đình bị khép vào tội "thầm oán triều đình, phỉ báng quân thượng", phải chịu án lăng trì. Tháng 5 năm Ung Chính thứ 5, ông qua đời trong ngục.


Bản án chữ nghĩa oan uổng này không chỉ lấy mạng Tra Tự Đình mà còn khiến gia tộc họ Tra chịu liên lụy nặng nề. Tranh minh họa.

Vụ án này còn liên đới tới cả gia tộc họ Tra. Theo đó, con cái thuộc dòng Tra Tự Đình, người trên 16 tuổi sẽ bị xử tử hình, dưới 16 tuổi bị đi lưu đày. Người nhà của anh trai thứ hai của Tra Tự Đình cũng phải chịu án lưu đày 3000 dặm.

Người duy nhất may mắn thoát tội chính là anh cả Tra Thận. Vì lúc Tra Tự Đình bị khép án, ông đã bị gia đình đuổi khỏi nhà từ trước đó.

Liên quan tới vụ án thảm khốc này, tất cả các quan viên Giang Tây đều bị cách chức. Không chỉ vậy, bởi Uông Cảnh Kỳ và Tra Tự Đình đều là người Chiết Giang, Ung Chính còn đặc biệt hạ chiếu cấm người Chiết Giang tham gia kỳ thi Hương trong vòng 3 năm.

Đến đời vua Càn Long, những người được hậu xá trong gia tộc họ Tra chỉ còn lại con trai và các cháu của Tra Tự Đình là may mắn còn sống.

Nếu năm xưa Ung Chính cố ý "đuổi cùng giết tận", tìm cách tiêu diệt cả gia tộc họ Tra, e rằng hậu thế không có cơ hội được thưởng thức những tuyệt phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét