Ngày 11/9/2001, trong lúc tivi trên toàn nước Mỹ và thế giới vẫn đang chiếu đi chiếu lại cảnh hai chiếc máy bay đâm vào toà tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, một chiếc máy bay khác đã rơi xuống bãi đất trống ở bang Pennsylvania.
Đó là chiếc máy bay của hãng United Airlines, chuyến bay số hiệu 93, khởi hành từ New Jersey và dự định bay đến San Francisco. Thế nhưng, nếu không rơi xuống ở Pennsylvania, chiếc máy bay có thể đã đến được Washington DC để đâm vào tòa nhà quốc hội Mỹ.
Chuyến bay số 93 ngày hôm đó là chiếc máy bay thứ tư bị không tặc khống chế, nhưng chính hành khách mới là người định đoạt số phận chuyến bay (chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc).
Những giây phút hỗn loạn
Tháng 4/2006, hơn 4 năm sau ngày định mệnh đó, đoạn băng ghi âm từ hộp đen những cuộc trò chuyện và tiếng động bên trong chiếc máy bay hôm đó được công bố lần đầu tiên, trong phiên xử Zacarias Moussaoui, nghi phạm tham gia vụ khủng bố 11/9.Đoạn băng bắt đầu lúc 9h31 ngày 11/9/2001, 3 phút sau khi những tên khủng bố bắt đầu ra tay khống chế máy bay. Trong khi đó, tại New York, hai tòa tháp đôi đã bị đâm vào lúc 8h46 và 9h03 giờ địa phương.
Các hành khách lúc này sẽ được nghe thông báo về tình hình của họ.
“Thưa quý vị. Đây là cơ trưởng. Hãy ngồi yên, chỉ ngồi yên thôi. Chúng tôi có một quả bom trên máy bay, nên quý vị hãy ngồi yên đó”, Ziad Jarrah, tên không tặc đang lái máy bay, thông báo.
Kể từ giây phút đó, đoạn băng ghi âm trở nên hỗn loạn. Rõ ràng có ai đó đã kháng cự, một tiếng nói vang lên: “Không được động đậy. Im ngay”. Tiếp đó là những tiếng ẩu đá, tiếng kim loại va vào. Rồi ai đó lại quát lên: “Ở yên đó, ngồi xuống, ngồi xuống…”
Loa trong khoang hành khách lại vang lên, tiếng ồn ào dịu xuống. Là đài kiểm soát không lưu: “Chuyến bay 93 gọi phải không?”. Một tên khủng bố đáp lại: “Nhân danh đấng Allah từ bi và trắc ẩn”.
Một vài phút sau đó là những âm thanh từ buồng lái. Tiếng kêu cứu của một phi công, những lời cuối cùng của một tiếp viên hàng không, và giọng một tên khủng bố nói “hết rồi”. Chỉ mới 9h37.
Chuyển hướng 180 độ
Trong vài phút vừa qua, những tên khủng bố cho máy bay chuyển hướng 180 độ, thay vì đến San Francisco như lịch trình, máy bay bay đến Washington DC. “Mọi thứ đều tốt”, một tên khủng bố nói.Những tiếng hỗn loạn bắt đầu lúc 9h57. Có vẻ các hành khách bắt đầu tấn công từ phía sau khoang hành khách. Có tiếng đập và gãy.
“Cái gì vậy?”, một tên khủng bố hỏi. “Đánh nhau hả?”. “Đi nào tụi bay”.
Tên khủng bố đang cầm lái cho máy bay lượn qua lại để khiến hành khách mất thăng bằng.
“Vào trong buồng lái. Nếu không làm thế chúng ta sẽ chết hết”, một hành khách hét lên.
Khoảnh khắc sau đó, một tiếng nói khác: “Bắt đầu nào”.
Liên tục kế đó là những tiếng rên rỉ, tiếng khóc đau đớn, gào thét kinh hoàng và một tiếng rít lên khi bộ phận lái tự động của máy bay bị tắt. Một tên khủng bố kêu lên “Allah vĩ đại” trong lúc máy bay đâm xuống đất.
Cánh đồng của sự vinh danh mãi mãi
Chiếc máy bay trên được cho sẽ nhắm vào tòa nhà quốc hội Mỹ nếu những tên khủng bố thành công. Rốt cuộc, nó lao xuống một cách đồng ở vùng Shanksville, bang Pennsylvania. Toàn bộ 40 người trên máy bay (33 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn và 4 tên khủng bố) đều thiệt mạng, nhưng không ai dưới mặt đất bị thương.Todd Beamer là một trong những hành khách trên chuyến bay 93. Sau khi máy bay bị khống chế, Todd gọi điện cho vợ mình, nhưng không thành và được nối máy đến tổng đài viên của dịch vụ gọi điện thoại từ máy bay, Lisa Jefferson. Todd nói với Lisa rằng anh cùng các hành khách và tiếp viên sẽ “nhảy vào” bọn không tặc. Những lời cuối cùng của Todd với Lisa là: “Các anh sẵn sàng chưa? Hãy bắt đầu nào”.
Ngày 10/9/2015, Công viên tưởng niệm chuyến bay 93 đã được khánh thành tại bang Pennsylvania, Mỹ, đúng tại nơi chiếc máy bay đã lao xuống theo nguyện vọng của các hành khách.
Lối vào công viên tưởng niệm chuyến bay 93. Ảnh: Reuters |
Đài quan sát nhìn ra cánh đồng nơi chiếc máy bay đã lao xuống. Dòng chữ trên kính: Cánh đồng của sự vinh danh mãi mãi. Ảnh: Reuters |
Phương Thảo (Telegraph)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét