Nếu không phải dân
sành công nghệ, hẳn nhiều người khi lần đầu nghe đến cụm từ "lưu trữ đám
mây", hoặc "điện toán đám mây" sẽ nghĩ rằng, phải chăng các chuyên gia
đã phát triển được một số công nghệ nào đó có khả năng tận dụng tiềm
năng to lớn của các đám mây - những thứ đang bay lơ lửng trên bầu trời -
để đáp ứng nhu cầu không bao giờ ngừng nghỉ về các thiết bị lưu trữ giá
rẻ của con người?
Thế nhưng "đám mây" ở đây lại không có nghĩa như vậy. Bên cạnh sự
thật là đại đa số người dùng Internet ngày nay đều kết nối tới "đám mây"
theo một cách nào đó, nhiều người vẫn không hiểu được ý nghĩa thực sự
của "điện toán đám mây" hoặc "lưu trữ đám mây". "Đám mây" có nghĩa là
gì, xét trong bối cảnh công nghệ thông tin? Tại sao chúng ta lại sử dụng
cái tên kỳ lạ như vậy? Nó có gắn kết gì với đám mây thực ngoài đời hay
không?
Câu trả lời ngắn gọn: "Đám mây" trong điện toán đám
mây hay lưu trữ đám mây là một thuật ngữ được dùng để biểu hiện một nhóm
các tài nguyên máy tính, từ các cơ sở hạ tầng "cho thuê", đến các dịch
vụ trả phí cung cấp khả năng truy xuất đến các ứng dụng thông qua
Internet.
Điện toán đám mây là gì?
Điện toán đám mây là một thuật ngữ ô (umbrella term) để chỉ một hệ
thống điện toán dựa trên Internet bao gồm một lượng lớn các máy tính và
thiết bị khác, trong đó nhiều thứ như cơ sở hạ tầng máy tính, khả năng
truy xuất đến các ứng dụng, phần mềm, sức mạnh xử lý... được chia sẻ
thông qua Internet.
Trên thực tế, toàn bộ thế giới số, dù là một đứa nhóc đang chơi game
online trên máy console hay một loạt các chuyên gia công nghệ đang tìm
cách tạo ra một ứng dụng tin nhắn, đều kết nối tới đám mây. Một số tên
tuổi lớn nhất trong thế giới số ngày nay, bao gồm Google, Facebook,
Microsoft và Amazon, đều dựa vào điện toán đám mây để duy trì công việc
kinh doanh của họ.
Một ví dụ để hiểu về điện toán đám mây
Dưới đây là một ví dụ đơn giản có thể giúp bạn hiểu về khái niệm điện toán đám mây.
Giả dụ bạn sở hữu một công ty phần mềm, với 100 nhân viên chuyên gia
công các chương trình cho các công ty và tập đoàn khác. Để tạo ra các
chương trình phức tạp đòi hỏi rất nhiều tài nguyên và máy móc, bao gồm
văn phòng làm việc, điện năng, máy chủ, máy tính, một lượng lớn các
thiết bị lưu trữ, và một hệ thống tản nhiệt khổng lồ để giữ cho mọi thứ
trong phòng máy chủ không bị quá nhiệt.
Nếu không có điện toán đám mây, bạn sẽ phải chi trả một lượng lớn cơ
sở hạ tầng điện toán dựa theo doanh số giả định bạn thu được trong một
năm cụ thể. Bạn có thể sẽ "vung tay quá trán" những tài nguyên đó, bởi
lo sợ mình có thể ước tính sai doanh số. Mọi tài nguyên điện toán như
vậy đều khá đắt đỏ. Tuy nhiên, là một chủ doanh nghiệp, chi phí bạn phải
trả chưa dừng lại ở đó. Sau khi đã mua mọi thứ nêu trên, bạn cần phải
có một nhóm gồm các chuyên gia đã được đào tạo bài bản để cài đặt, cấu
hình, thử nghiệm, chạy và duy trì toàn bộ hệ thống.
Không cần phải nói, thiết lập và duy trì một công ty phần mềm trong
một thế giới không có điện toán đám mây sẽ khiến túi tiền của bạn bốc
hơi trong nháy mắt. Chẳng ai có thể tự mình điều hành một công ty như
vậy, trừ khi họ là một trong những người giàu nhất thế giới. Đó là lý do
tại sao chỉ có một số ít các công ty IT (được "chống lưng" bởi các nhà
đầu tư giàu có) hoạt động được trước kỷ nguyên điện toán đám mây.
Tại sao lại gọi nó là "đám mây"?
Vì cái tên này mà một số người nghĩ rằng điện toán đám mây có liên
quan gì đó đến những đám mây ngoài đời thực, nhưng đảm bảo với bạn rằng,
hai thứ đó chẳng hề có chút "dây mơ rễ má" gì đâu.
Một điều thú vị là biểu tượng đám mây lại thường được sử dụng để đại
diện cho Internet trong các biểu đồ kỹ thuật. Người ta cho rằng chính
hành động xem Internet như một đám mây này đã dẫn đến sự phổ biến của
thuật ngữ "điện toán đám mây".
Internet - vì nó nằm trong một khung thoại hình đám mây, hãy gọi nó là... đám mây
Vậy mọi điều bạn cần biết ở đây là thuật ngữ "đám mây" được sử dụng
như một phép ẩn dụ cho Internet, và nó đã trở nên phổ biến trong thế
giới ngày nay. Cũng như các đám mây có mặt ở khắp mọi nơi, các tài
nguyên và dịch vụ trên đám mây cũng có thể được truy xuất từ bất kỳ đâu
thông qua một thiết bị điện tử với kết nối Internet.
Sự khác biệt giữa điện toán đám mây và lưu trữ đám mây
Bạn có lẽ nghe thấy thuật ngữ "lưu trữ đám mây" nhiều hơn là "điện
toán đám mây". Nhiều người thậm chí còn sử dụng chúng lẫn lộn với nhau,
nhưng chúng có như nhau hay không?
Không hẳn!
"Khi lớn lên con muốn trở thành gì? Một đám mây vũ tích?" - "Kho lưu trữ dữ liệu ạ"
Lưu trữ đám mây, đúng như tên gọi của nó, là một phương thức lưu trữ
thông tin số. Điều gì xảy ra với một bức ảnh khi bạn tải nó lên
Facebook? Nó đi đâu? Nó hẳn phải được lưu ở đâu đó, đúng chứ? Nếu không,
bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó trong album ảnh của tài khoản Facebook
của mình.
Và đây là lúc để thứ này "tỏa sáng": trung tâm dữ liệu.
Bất kỳ thứ gì bạn tải lên hoặc chạy từ đám mây (thông qua các sản
phẩm như Facebook và Google) đều được lưu trữ trên các máy chủ chuyên
dụng và các ổ lưu trữ nằm trong các nhà kho khổng lồ. Nhiều nhà kho như
vậy thường được đặt tại các khuôn viên vô cùng rộng lớn gọi là các trung
tâm dữ liệu. Các công ty IT lớn như Google và Amazon có nhiều trung tâm
dữ liệu tại khắp nơi trên thế giới, nơi họ lưu trữ dữ liệu người dùng
trong vô số các ổ cứng. Dưới đây là một đoạn video ngắn về khung cảnh
bên trong một trong những trung tâm dữ liệu của Google tại Mỹ:
Như vậy, khi bạn tải một tập tin lên đám mây, nó có thể được lưu trữ
trong một trung tâm dữ liệu cách nhà bạn vài cây số, hoặc nằm ở một nơi
cách đó cả nửa vòng trái đất. Bạn chẳng bao giờ biết được đâu! Phương
thức lưu trữ dữ liệu trong các trung tâm dữ liệu xa xôi và truy xuất
chúng bất kỳ lúc nào thông qua kết nối Internet được gọi đơn giản là lưu
trữ đám mây. Cần chú ý rằng, lưu trữ đám mây chỉ là một phần của điện
toán đám mây, do đó nói một cách chính xác, sử dụng hai thuật ngữ này
lẫn lộn với nhau là hoàn toàn sai.
Các lĩnh vực của điện toán đám mây
Như đã nói ở trên, điện toán đám mây là một thuật ngữ ô bao gồm một
loạt các tài nguyên và dịch vụ có thể truy xuất thông qua Internet. Điện
toán đám mây có thể được chia thành 3 lĩnh vực chính (hoặc gọi là mô
hình dịch vụ cũng được):
1. Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS)
Đây là mô hình dịch vụ cơ bản nhất của đám mây. Trong lĩnh vực này,
các công ty công nghệ lớn như Google và Amazon trực tiếp cho các công ty
khác, hoặc các khách hàng lẻ, thuê cơ sở hạ tầng điện toán. Google
Drive là một ví dụ điển hình của điều này - một nơi người dùng cá nhân
tận dụng IaaS bằng cách lưu trữ các tập tin trên Drive miễn phí (tất
nhiên với một số giới hạn nhất định).
2. Nền tảng như một dịch vụ (PaaS)
Đây là nơi các công ty cung cấp một nền tảng phát triển cho các công
ty khác tùy theo yêu cầu của họ. Với mô hình dịch vụ này, các nhà phát
triển ứng dụng không cần phải lo lắng về chi phí mua và duy trì các lớp
phần mềm và phần cứng bên dưới vốn cần thiết cho phần mềm của họ. Một số
nhà cung cấp PaaS nổi tiếng bao gồm Amazon Web Services, Microsoft
Azure và Google App Engine.
3. Phần mềm như một dịch vụ (SaaS)
Trong mô hình dịch vụ này, các khách hàng trực tiếp sử dụng phần mềm
ứng dụng và các cơ sở dữ liệu do nhà cung cấp dịch vụ trao tay, và trả
tiền phí dựa trên những gì họ sử dụng. Mô hình này còn được gọi là "phần
mềm theo nhu cầu", bởi hệ thống thanh toán "dùng gì trả nấy" của nó.
Các nhà cung cấp dịch vụ đáng chú ý trong lĩnh vực này là LinkedIn,
Dropbox, Twitter, Outlook Web Access...
Đây chỉ là những thông tin rất cơ bản về điện toán đám mây. Nếu bạn
muốn tìm hiểu kỹ hơn về các thành phần, dịch vụ, và phương thức hoạt
động của chúng, hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của VNReview nhé!
Minh.T.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét