Lời dẫn: Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, truyện Tiếu lâm có một vị trí đặc biệt. Đó là tiếng cười vượt thời gian của cha ông ta. Truyện cười, truyện tiếu lâm in bằng chữ quốc ngữ thì ta thấy đã nhiều, nhưng ít ai biết người xưa không chỉ kể chuyện tiếu lâm mà còn dùng chữ Nôm chép lại và in để “phát hành” rộng rãi.
Cùng cười với người xưa, xin giới thiệu một vài truyện trong cuốn Tiếu lâm tân truyện (2 quyển) được in vào năm Khải Định 1 (1916), tại nhà in Phúc Yên. Hai cuốn này có mang ký hiệu VNv.269 và VNb.98, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản do TS. Nguyễn Xuân Diện phiên âm từ bản Nôm.
.
Thầy đồ
1. Trúng tửu
Có một thầy đồ dạy học, học trò hỏi rằng: “Thưa thầy Đại học chi đạo nghĩa là gì?”. Thầy giả cách say rượu nói rằng: “Thầy đang say rượu, mai tỉnh thầy bảo”. Thầy về hỏi vợ, vợ bảo rằng: “Đại học là tên sách, chi đạo
là đạo lý trong sách ấy”. Sáng hôm sau thầy gọi trò bảo rằng: “Các anh
không ai biết gì cả, đương lúc người ta say rượu mà lại hỏi, bây giờ
sao không hỏi đi”. Học trò hỏi rằng: “Thưa thầy Đại học chi đạo nghĩa là gì?”. Thầy cứ nói như lời vợ. Học trò lại hỏi đến câu: Tại minh minh đức. Thầy vội vàng ngã ra, nói rằng: "Ta lại trúng tửu".
2. Tử viết (Thầy Khổng Tử nói rằng)
Có một thầy đồ dạy học trò sách Luận ngữ.
Sáng hôm nào cũng có một cô con gái đi chợ qua đấy. Nghe học trò người
nào cũng nói rằng: “Tử viết”, cô ta không biết là ý gì mà mình cứ đi
qua thì học trò nói “Tử viết”. Một hôm, cô ta thấy một cậu đang rửa
mặt ở cầu ao, hỏi rằng: “Tử viết là nghĩa thế nào hả cậu”. Cậu ta mới
bị thầy đánh, đương tức, nói rằng: “Tử viết là tượng vào cô”. Cô ta hầm hầm đến nơi thầy, dang tay tát một cái thật mạnh, nói rằng: “Thầy quen Tử viết với tôi hử”.
24. Sao văn tế
Thầy
đồ ngồi dạy học, chủ nhà vợ chết, nhờ thầy làm văn tế. Thầy đồ sao ngay
văn tế bố. Chủ nhà trách thầy rằng: “Viết nhầm”. Thầy nói rằng: “Văn ở
sách có khi nào nhầm, nhà anh nhầm thì có, đây tôi không nhầm rồi”.
31. Thầy đồ
Có một
nhà giàu, nuôi thầy đồ dạy học trong nhà để dạy con gái. Thầy thấy cô
con chủ nhà cũng dễ thương, thì cứ ngấp nghé, nhưng cô ta vô tình. Cứ
đến bữa cơm, bưng lên để thầy ăn, thì thầy lại hỏi rằng: “dục”. Như thế
đã năm sáu lần mà cô ta không hiểu ra ý làm sao. Liền đem lời ấy hỏi
bố. Bố biết ý thầy nhưng để bụng, bèn dặn con rằng: “Hễ lần sau thầy có
hỏi thế, con nói là “hữu dục”. Thầy lại hỏi rằng: “Tại hà xứ?”. Cô ta
chẳng hiểu thế nào, lại vào hỏi bố. Bố bảo: “Lần sau thầy hỏi thế, thì
con bảo “Tại Táo quân tiền”. Quả nhiên lần sau thầy lại hỏi, cô ta bảo
rằng: “Tại Táo quân tiền”. Tối hôm ấy, thầy đồ yên trí là học trò mình
đã bằng lòng, liền xuống bếp thấy người đắp chiếu nằm đấy thì chắc rằng
học trò mình, còn bàn là ai, chạy lại sờ vú.
Chẳng
may ông chủ biết trước, đã giả tảng nằm đấy. Thấy thầy sờ vú, liền
trừng mắt lấy củi vừa đánh vừa nói rằng: “Này dục này!”. Thầy đồ phải
bữa đau, bỏ cả sách cả cặp mà đi thẳng.
4. Ăn cho ích vào thân
Có hai
vợ chồng thầy ký nuôi một thằng ở, ngày nào cũng để nó ăn cơm nguội.
Thằng ở tinh quái, nghĩ ra một kế xỏ chủ nhà. Một hôm cô ký đang ngồi ở
đằng sau, thằng ở nói rằng: “Mình ở nhà này mới một tháng, chỉ ăn cơm
nguội mà dái to như thế này”. Cô ký nghe thấy, cứ lẳng lặng đi ra. Từ
đấy, bữa nào cũng bắt chồng ăn cơm nguội, cơm sốt thì cho thằng ở ăn.
Chồng lấy làm lạ, hỏi mãi, vợ không nói. Sau tức quá, nói to lên rằng:
“Tại làm sao mà cứ bắt người ta ăn cơm nguội mãi thế”. Vợ bất đắc dĩ nói
rằng: “Ăn cho ích vào thân, chứ tại làm sao mà căn vặn mãi”.
17. Tại anh thầy địa lý
Một
thầy địa lý, một thầy phủ thủy, một thầy bói ế hàng, bảo nhau đi phương
khác kiếm ăn. Đi từ sáng đến gần tối, chả biết vào đâu, mà thầy nào
cũng đói cả. Thầy địa lý sực nhớ, gần đến có nhà quen mới bảo hai thầy
kia rằng: “Ngày xưa tôi có để một ngôi địa lý cho cái nhà ở trong làng
này. Nhà nó bây giờ cũng phong lưu, anh em mình cố đến đấy, thế nào cũng
được một bữa no say. Nhưng tôi bảo hai ông rằng: Giá đến đấy người ta
có mời ăn thì ta phải làm cao mới được, đừng làm bộ đói mà họ khinh”.
Ba thầy cố đi, một lúc đến nơi. Chủ nhà mừng lắm, ra đón vào, sai người
nhà làm cơm thết đãi. Ba thầy nhất định từ, chủ nhà không nghe. Cố ý
mời mãi. Ba thầy cứ một mực rằng: “Xin thôi, chúng tôi đã cơm rượu ở
ngoài hàng cả rồi, chỉ đến phiền ông ngủ một tối, sáng mai anh em xin
đi sớm”. Chủ nhà nghĩ thật, thôi không mời nữa, bảo người nhà sửa
giường, trải chiếu để các thầy đi ngủ.
Ba
thầy buồn quá, đành phải nhịn đói đi nằm. Nhưng mà thầy kia cứ trách
rằng: “Chỉ tại anh thầy địa lý cả”. Rồi nói rằng: “Việc gì mà lại xui
nhau làm khách, để hóa ra bây giờ đói không ngủ được”. Thầy địa lý thấy
nói lôi thôi, sợ nhà người ta biết, mới bảo rằng: “Thôi các ông cứ nằm
im đấy, chốc nhà nó ngủ yên, tôi xuống bếp lục xem may ra có cái gì ăn,
thì tôi sẽ gọi”. Tính bác thầy bói háu đói mà lại tham ăn, nghe thấy
nói thế, nghĩ bảo dạ rằng: Hắn đi có gì hắn ăn một mình thì làm sao,
mới vội vàng lẳng lặng xuống bếp một mình, chẳng may phải cái cuốc ở
tường, cán cuốc nó bổ vào đầu đau quá, hốt hoảng ngỡ người đánh, kêu
tru lên rằng: “Tôi lạy ông, ông tha cho tôi, sự này tại anh thầy địa
lý”.
21. Úm ba la, ba ta cùng khỏi
Một
chị, chồng đi vắng, ở nhà ngồi cắt củ từ, thấy củ hay hay, mới tê mê
tẩn mẩn lấy một củ cho vào chốn ấy, không ngờ lấy ra không được, phát
sốt điên cuồng cả người lên. Đến lúc chồng về, chị ta giả cách ngộ cảm,
lên giường đắp chăn nằm. Anh chồng thấy vậy, ngẩn người ra, vẫn định về
làm khoản ấy, ai ngờ về vợ lại như thế, buồn mình mới ra ngoài sân,
nghịch chó cái cho đỡ buồn, nghịch thế nào mà tự nhiên anh ta mang con
chó lên giường, cũng đắp chiếu kín nằm rên khư khử. Ai hỏi thì nói trá
rằng đau bệnh. Kỳ thực cậu ta bị chó cái giữ, lôi ra không được, cho nên
phải ôm chó cái lên giường. Thành thế ra chồng nằm rên một giường, vợ
nằm rên một giường. Hai vợ chồng cùng bị bệnh cả. Người nhà thấy vậy sợ
lắm, chạy đi kể chuyện với ông thầy pháp ở bên cạnh nhà: “Không biết
làm sao hai vợ chồng tự nhiên phát bệnh như thế, để thầy xem có phép gì
cứu được không”. Ông thầy bảo rằng: “Ma làm đấy, phải cúng thì mới
khỏi”. Người nhà mời ngay ông ta đến cúng hộ cho. Ông thầy đến, vào
thăm chồng, hỏi bệnh ra làm sao, người chồng nói nhỏ vào tai rằng: “Ông
có cúng thì cúng cho nhà tôi, vì không biết làm sao mà tự nhiên nó
phát sốt như vậy, còn tôi thì không phải bệnh”, mới nhỏ to kể thật
chuyện mình cho thầy nghe. Ông thầy lại vào thăm người vợ, thì người vợ
nói sẽ rằng: “Ông có cúng xin ông cúng cho nhà tôi, vì không biết làm
sao mà tự nhiên phải đau bão làm vậy, còn như tôi thì không phải gì
cả”. Cũng kể thật cả chuyện mình cho ông thầy nghe. Ông thầy biết rõ
rằng, hai bên cùng phải một bệnh mà bên nọ giấu bên kia, song cũng cứ
làm thinh như không, ra sân đặt đàn để cúng. Nhưng mà chỉ tơ tưởng
chuyện hai vợ chồng nhà chủ, cho nên tê tê buồn buồn, sẵn thấy có chai
rượu ở trên bàn, đem xuống để ngay cái ấy vào miệng chai, chẳng may
không lôi ra được, cứ chịu chết đứng ở ngoài sân, hai tay ôm lấy chai
rượu. Chị kia trông thấy bật cười đến nỗi băng cả củ từ ra, con chó cái
thấy củ từ, nghĩ là miếng thịt chạy ra đớp. Thầy pháp tưởng chó đến
cắn mình, sợ quá sun lại, chai rơi xuống đất. Thế là ba người cùng khỏi
cả. Bởi vậy, thầy pháp ra trước đàn bắt quyết mà niệm chú rằng: “úm ba
la, ba ta cùng khỏi”.
33. Đòi ăn
Có anh
đi kiết, đến xin thuốc của ông lang bên cạnh và dặn rằng: “Hễ bao giờ
tôi khỏi thì xin ông sang đánh chén”. Cách được một tháng, không thấy
anh ta sang lấy thuốc, mà cũng không đả động gì đến chuyện ăn cả, hễ
hỏi anh ta thì anh ta nói dối rằng hãy còn khó đi lắm. Ông lang tức
lắm, định lúc nào anh ta đi đồng thì đứng nấp một bên. Khi anh ta đi
xong, ông lang vội vàng chạy ngay lại, lấy tay chỉ vào bãi phân mà trách
anh ta rằng: “Đồ xỏ lá, đi phân như thế mà không cho ông ăn”.
N.XD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét