Một phương pháp xét nghiệm, chẩn
đoán ung thư phổi vừa mới được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại
học Utah, Hoa Kỳ: bệnh nhân không cần đến bệnh viện để xét nghiệm
máu và thời gian xét nghiệm được rút ngắn từ 2 tuần xuống còn 2 phút.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Khoa Hóa
học và Kỹ thuật Hóa học Marc Porter và giáo sư Khoa Giải phẫu Courtney
Scaife tại Đại học Utah, Hoa Kỳ cho biết nhóm nghiên cứu đã phát triển
một phương pháp xét nghiệm ung thư phổi mới. Phát minh mới này đã được
công bố trên tạp chí Analytical Methods.
Xét nghiệm nhanh ung thư phổi, tia hy vọng cho người nghèo
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung
thư phổi là căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều thứ hai, khiến 788.000
người tử vong trên thế giới năm 2015. Một trong những thách thức đối với
nền y khoa hiện đại là làm sao giúp chẩn đoán sớm bệnh, trước khi ung
thư phát triển đến các giai đoạn sau.
Phương pháp xét nghiệm cho kết quả
nhanh, và bệnh nhân không cần gửi mẫu máu đến bệnh viện để xét nghiệm.
Xét nghiệm này cho kết quả trong vòng hai phút thay vì hai tuần như
trước đây.
Ngoài ra, chi phí phương pháp xét nghiệm
này khá rẻ, khoảng 3 USD (khoảng 70.000 VND) cho một lần xét nghiệm. Ở
các nước đang phát triển khi cơ sở vật chất y tế chưa được cải thiện,
phương pháp này có thể mang lại tia hy vọng cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Hiện nay, phương pháp xét nghiệm, chẩn
đoán ung thư phổi bao gồm xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm và siêu
âm. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, các phương pháp xét
nghiệm này chỉ có ở các bệnh viện lớn trong thành phố. Do đó, bệnh nhân
tốn nhiều chi phí cho việc đi lại và xét nghiệm.
Quy trình sử dụng cartridge xét nghiệm ung thư phổi
Xét nghiệm này sử dụng một cartridge
(hộp) bằng nhựa, kích thước bằng một quân cờ domino. Cartridge chứa một
lớp màng mỏng có thể nhận dạng các chỉ thị sinh học (biomarkers) đặc
trưng với một loại bệnh nào đó.
Bệnh nhân có thể sử dụng các dịch sinh học từ cơ thể như máu, nước bọt, nước tiểu hoặc nước mắt và nhỏ lên trên lớp màng này.
Sau đó, một giọt dung dịch chứa hạt nano vàng được nhỏ lên lớp màng nhằm giúp các chỉ thị sinh học này bám vào màng.
Nếu trong dung dịch sinh học có chứa các
chỉ thị sinh học, một đốm đỏ sẽ xuất hiện. Điều này cho thấy bệnh nhân
đã mắc phải loại bệnh này và cần phải được đưa đi điều trị sớm.
GS Porter nói: “Nếu chúng ta phát
triển các xét nghiệm ung thư nhanh với độ chính xác cao, chúng ta có thể
thay đổi và cải thiện cuộc sống, giúp cứu sống hàng triệu bệnh nhân tại
các nước đang phát triển”.
Tương lai của các xét nghiệm nhanh
Theo Granger, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Xét nghiệm này thực hiện khá dễ dàng, giống như sử dụng que thử thai tại nhà”.
Ngoài ung thư phổi ra, các nhà khoa học
tin rằng các phương pháp xét nghiệm nhanh khác có thể được phát triển
như chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm, lao phổi, sốt rét và sốt dengue
(bệnh nhiệt đới cho muỗi truyền).
Những căn bệnh này khá phổ biến tại các nước nghèo, đe dọa mạng sống của hàng triệu người mỗi năm.
Hiện nhóm nghiên cứu đang hợp tác với
Công ty B&W Tek, Hoa Kỳ nhằm phân tích chi tiết lớp màng và số lượng
chỉ thị sinh học bám vào màng. Trong tương lai, chúng ta có thể biết
được độ nghiêm trọng của bệnh và hướng dẫn cách xử lý điều trị đối với
từng trường hợp.
Dự án nghiên cứu này được tài trợ bởi
Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health), Viện Ung thư
Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), Viện Ung thư Huntsman
(Huntsman Cancer Institute), và Công ty USANA Hoa Kỳ.
Cao Sơn (Theo Sciencedaily)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét