4 thg 9, 2017

" BÒ GIÀY PHẢI MŨI " - HOÀNG TUẤN CÔNG






Trong lời tựa sách “Tục ngữ phong dao”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - người có đóng góp đáng kể trong nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian hồi đầu thế kỷ XX-viết: “Ngày nay, ai là người đã lưu tâm đến quốc văn, quốc tuý mà không lo sợ rằng những câu lý thú tối cổ của ông cha để lại, mà tức là cái kho vàng chung cho cả nhân loại, nếu không chịu mau mau thu nhặt, giữ gìn lấy, thì tất mỗi ngày một sai suyễn, lưu lạc đi thực là đáng tiếc”.



Quả vậy. Ngoài một số tục ngữ, thành ngữ thông dụng, đã được từ điển, sách báo ghi nhận và phổ biến rộng rãi, thì trong dân gian vẫn còn khá nhiều thành ngữ, tục ngữ mang tính địa phương, có khi chỉ bó hẹp trong một tỉnh, huyện nào đó nhưng rất hay, rất độc đáo. Nếu không được ghi chép, sưu tầm, rất dễ bị mai một trong tình hình thành ngữ, tục ngữ ngày càng ít được vận dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.



Có thể lấy ví dụ, phương ngữ Thanh Hoá (cụ thể vùng huyện Quảng Xương), có thành ngữ “nói như bò giày phải mũi”, ám chỉ ai đó nói loanh quanh, luẩn quẩn, trao đi đổi lại mãi mà vẫn không nhận thức được vấn đề.



Về nghĩa đen, “giày” trong “bò giày phải mũi”, là “giày xéo”, “dẫm”, “đạp”; “phải” có nghĩa trong “dẫm phải”, “vướng phải”, “mắc phải”. Nghĩa hiển ngôn của “bò giày phải mũi”, là con bò dẫm phải cái mũi của nó. Tuy nhiên, “mũi” ở đây phải hiểu là sợi dây thừng xâu mũi, buộc mũi con bò, chứ không phải chính là cái mũi con bò.



Người ta xâu mũi trâu bò để dễ bề điều khiển, khống chế nó. Bình thường, khi có sự chăn dắt, điều khiển của con người, thì bò không bao giờ dẫm phải sợi dây thừng. Tuy nhiên, khi bò bị cột (buộc) ở một chỗ, hoặc kéo lê sợi dây thừng đi gặm cỏ, đôi khi nó dẫm phải sợi dây thừng buộc mũi. Con bò tìm cách gỡ ra, nhưng sợi thừng lại quấn luôn vào chân, thậm chí giắt luôn vào kẽ móng chân. Thế là nó loay hoay tìm cách thoát ra. Tuy nhiên, khi con bò hất mũi lên để giật sợi dây thừng, thì lập tức, sợi dây lại giật vào chân nó. Con bò đạp chân để vằng ra khỏi sợi dây, nhưng mũi nó lại bị sợi dây đang vướng chân giật ngược trở lại. Thế là con bò cứ loanh quanh, luẩn quẩn, không biết làm cách nào thoát ra được.



Từ sự quan sát này, dân gian đặt nên thành ngữ “bò giày phải mũi”, để ví với người nào đó, khi tranh luận, bàn cãi, do bảo thủ, hoặc không nhận thức được vấn đề, cứ loanh quanh, luẩn quẩn với những lý lẽ không đâu.



Ví dụ: Giáp và Ất tranh luận với nhau. Ất thắc mắc về vấn đề X, Giáp đã giải đáp cặn kẽ cho Ất hiểu và chuyển sang vấn đề Y. Tuy nhiên, tranh cãi hồi lâu, ẤT lại quay lại thắc mắc về một nội dung nào đó rất giống với vấn đề X (hoặc chính là vấn đề X), mà Giáp đã giải thích rất rõ ràng với ẤT trước đó. Cứ thế, cuộc tranh luận trở nên bế tắc, do ẤT không nhận thức được vấn đề đang bàn cãi. Trong tình huống này, Giáp thường buông ra một câu: “Mày nói như bò giày phải mũi ấy!”, hoặc “Đúng là bò giày phải mũi! Thôi tao không thèm nói với mày nữa!”.



Để diễn tả kiểu tranh luận tương tự như “bò giày phải mũi”, người Thanh Hoá còn gọi là “nói cù xoày”, “nói lùng quanh”. Nghĩa là nói mãi rồi cuối cùng lại quay lại cái cũ, không nhận thức được vấn đề, chẳng khác nào cái cù nó xoay vậy. Tuy nhiên, cách ví von “nói như bò giày phải mũi” hay hơn, sinh động, gợi tả hơn rất nhiều. [Trong thực tế, đôi khi con trâu cũng dẫm phải sợ dây thừng. Tuy nhiên, trong tư duy hình tượng của dân gian, bò là con vật ngu dốt (thành ngữ Ngu như  bò; Dốt như bò). Bởi vậy, con bò tỏ ra rất hợp với nghĩa bóng của thành ngữ “nói bò giày phải mũi”].



Hiện chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ từ điển, hay tài liệu nghiên cứu, sưu tầm nào ghi nhận, cũng chưa thấy có dị bản đồng nghĩa nào khác diễn tả tình thế tranh luận, bàn cãi kiểu như “bò giày phải mũi”. Tuy nhiên, nếu phải tìm một thành ngữ gần nghĩa, có lẽ đó là thành ngữ “nói với đầu gối”. Nghĩa là nói mà người ta không tiếp thu, không hiểu, không nhận thức ra vấn đề, bảo thủ, chẳng khác nào tự mình nói với mình, nói với cái đầu gối của chính mình.



Có thể nói, “bò giày phải mũi” là cách ví von, so sánh rất sinh động của  "anh nông dân", thông qua những quan sát thực tế trong đời sống sản xuất hàng ngày. Cách nói tuy mộc mạc mà thâm thuý, lời ngắn mà ý hay.



      Hoàng Tuấn Công/9/2017






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét