Ngay khi Andrew Lees bắt đầu sự
nghiệp bác sỹ tại Bệnh viện University College London, một trong những
người sếp trực tiếp đã giao cho ông một danh sách các tài liệu cần đọc
rất lạ lùng.
Thay vì các cuốn sách về giải phẫu, trong số những cuốn sách ông được yêu cầu đọc có Sherlock Holmes trọn bộ.Một bộ tiểu thuyết trinh thám thì có liên quan gì đến thầy thuốc chuyên khoa thần kinh tương lai?
Tuy nhiên hóa ra là nó liên quan rất nhiều – như bác sỹ Lee đã kể lại trong một bài viết trên tạp chí Não bộ.
Dù chuyên môn của bạn là gì đi nữa, những gì bạn rút tỉa được sẽ là một bài học có ích về nghệ thuật tư duy logic.
Lee đã chỉ ra rằng chính Arthur Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật Holmes, cũng là một thầy thuốc.
Có những bằng chứng cho thấy là ông đã tạo ra nhân vật Holmes dựa trên hình ảnh của một trong những thầy thuốc hàng đầu trong cùng thời kỳ với mình: bác sỹ Joseph Bell của Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh.
“Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ thử viết một câu chuyện trong đó nhân vật chính sẽ điều tra các vụ án như cách mà Bác sỹ Bell xử lý các căn bệnh,” Doyle nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1927.
Sức mạnh của sự quan sát
Tuy nhiên bác sỹ Lee nhận thấy rằng khi mạch truyện được phát triển thì Conan Doyle cũng lấy cảm hứng từ các bác sỹ khác, chẳng hạn như William Gowers, người viết cuốn Những điều cần biết về Thần kinh học.Bản thân Conan Doyle cũng chuyên nghiên cứu về sự thoái hóa hệ thần kinh khi còn là sinh viên, và cả Doyla và Gowers đều chơi chung với nhà văn Rudyard Kipling.
Gowers thường dạy các sinh viên của ông phải bắt đầu chẩn đoán bệnh ngay từ khi bệnh nhân bước vào cửa.
“Các bạn có thấy ông ấy khi ông bước vào phòng hay không? Nếu không thấy thì lẽ ra bạn phải để ý."
"Một trong những thói quen mà các bạn cần phải tạo dựng và không bao giờ được bỏ là quan sát bệnh nhân kể từ khi họ bước vào: phải để ý từ diện mạo cho đến dáng đi."
"Nếu làm được như thế, các bạn có thể sẽ thấy bệnh nhân dường như bước chân khập khiễng và sắc khí thất thường trên gương mặt của bệnh nhân có thể thu hút ngay sự chú ý của các bạn.”
Điều này hoàn toàn giống thói quen của Sherlock Holmes, đó là ghi lại đặc điểm của mỗi người mà ông gặp dựa trên những dấu hiệu, đặc điểm dù là nhỏ nhất.
Chúng ta có thể thấy điều này qua phiên bản phim truyện Sherlock Holmes mới nhất của BBC.
Nhất là khi chính tầm quan trọng của những chi tiết dường như là vụn vặt nhất mới là điều khiến cho cả Conan Doyle và bác sỹ Gowers quan tâm.
“Những chi tiết nhỏ mới chính là những chi tiết quan trọng nhất, và từ lâu điều đó đã trở thành phương châm làm việc của tôi,” Conan Doyle từng viết trong tác phẩm ‘A Case of Identity’.
Không để thiên kiến chi phối
Cả Gowers và Holmes đều cảnh báo về việc chớ để định kiến có sẵn trong đầu chi phối nhận định của mình. Đối với hai ông, những quan sát điềm tĩnh và không thiên lệch mới chính là cách hành xử đúng.
Chính vì vậy mà Sherlock Holmes đã phê bình bác sỹ Watson trong tập ‘The Scandal of Bohemia’ rằng: “Anh nhìn thấy nhưng anh không có quan sát. Sự khác biệt là rất rõ ràng.”
Hoặc theo cách nói của bác sỹ Gowers thì: “Phương pháp bạn nên áp dụng như sau: mỗi khi bạn đối diện với một trường hợp mà bạn cảm thấy không có gì quen thuộc thì hãy quên hết tất cả những phương cách và tên tuổi của bạn."
"Hãy xử lý nó như thể là trước giờ bạn chưa từng gặp phải một vụ việc như vậy và hãy tìm cách giải quyết nó như là một vấn đề riêng biệt.”
Có đôi lúc sức mạnh của sự quan sát trong đời thực của bác sỹ Gowers dường như đã đạt đến mức của nhân vật Holmes trong tiểu thuyết.
Ta hãy xem nghiên cứu của ông về một bệnh nhân lúc đầu bị chẩn đoán sai là mắc chứng rối loạn tâm lý.
“Tôi nhìn lơ đễnh vào thẻ thông tin bệnh nhân đặt ở đầu giường bệnh và ngay lập tức tôi để ý ngay đến phần ghi nghề nghiệp là ‘Thợ sơn’."
"Sau khi rời mắt khỏi tấm thẻ thông tin đầu giường tôi chú ý đến lợi của ông ấy và ở đó tôi đã nhìn thấy hậu quả của công việc của bệnh nhân.”
Bằng cách chỉ dùng đôi mắt quan sát để nhìn thấy những gì mà người khác không để ý, Gowers đã suy đoán chính xác rằng người bệnh đó bị nhiễm độc do các chất nhuộm.
Ngoài ra còn có nhiều ví dụ khác nữa: cách mà cả Gowers và Holmes ‘suy luận ngược’, chẳng hạn như phân tích ra tất cả các khả năng khả dĩ dẫn đến một chứng bệnh nào đó (đối với Gowers) hay vụ án sát nhân nào đó (đối với Holmes).
Cách làm này có lẽ được tóm tắt hay nhất trong câu châm ngôn nổi tiếng nhất của Holmes: “Một khi bạn đã loại trừ những điều không thể khả năng xảy ra thì tất cả những khả năng còn lại dù có vô lý đến đâu vẫn có thể sẽ đúng.”
Học hỏi từ sai lầm
Tuy nhiên có lẽ bài học quan trọng nhất mà cả Gowers và Holmes rút ra được là tầm quan trọng của việc nhận ra sai lầm.“Thưa quý vị – nếu lúc nào cũng đưa ra nhận định chính xác thì ta sẽ thấy rất hài lòng, nhưng nhìn chung thì việc nhận xét sai lại có ích hơn nhiều," Gowers viết.
Còn Holmes thì thừa nhận: “Tôi phải thú nhận rằng cho đến giờ tôi vẫn còn mù tịt, nhưng rút ra bài học kinh nghiệm dù có muộn vẫn tốt hơn là không học được gì cả.”
Sự khiêm nhường này chính là điểm mấu chốt để vượt qua được ‘lời nguyền về sự tài giỏi’ mà đã có quá nhiều người tài và người thông minh mắc phải.
Trong vòng một vài năm qua, nhà thần kinh học nhận thức Itiel Dror thuộc trường University College London đã ghi lại nhiều trường hợp các chuyên gia trong cả lĩnh vực y khoa lẫn khoa học pháp y đã để cho suy nghĩ thiên lệch chi phối nhận định của họ trong công việc – đôi khi trong những tình huống mang tính sống còn.
Cho dù bản chất thật sự về ảnh hưởng của Gowers đối với Conan Doyle có là gì đi nữa, các bài học của Holmes ngày nay đem đến cho chúng ta bài học quan trọng hơn về sức mạnh của việc tư duy logic.
Ngay cả những công nghệ hiện đại nhất cũng không bao giờ có thể thay thế được sức mạnh của việc dùng mắt thường quan sát và suy luận một cách hợp lý.
Như Lees đã nói, thì bệnh viện cũng giống như ‘hiện trường vụ án’ và vẫn có phải có những bộ óc tinh tế nhất để giải mã những bí ẩn.
Như ông đã thấm thía qua từng ấy năm: nếu như bạn muốn rèn luyện khả năng suy luận thì không có gì cho bằng đọc đi đọc lại những cuốn sách về thám tử Sherlock Holmes.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét