Một số người có trí nhớ siêu việt và không thể quên dù là ký ức hạnh phúc hay kỷ niệm đau buồn đầy hối hận, gọi là hội chứng HSAM khiến các nhà khoa học chưa thể lý giải.
Thông thường, trí nhớ là một cuốn sổ với những mớ hình ảnh hỗn độn. Bạn muốn bấu víu quá khứ đến mức nào thì những kỷ niệm dù là cảm động nhất cũng sẽ phai đi theo thời gian. Thế nhưng nếu bạn hỏi Nima Veiseh về những gì đã làm trong 15 năm qua, anh ấy sẽ chia sẻ thật tỉ mỉ về thời tiết, chiếc áo đã mặc hay quang cảnh bên ngoài cửa sổ chuyến tàu buổi sáng. Tình trạng này được gọi là chứng siêu trí nhớ về bản thân hay hội chứng HSAM.
"Ký ức của tôi như một thư viện video ghi lại mọi ngày, từ khi thức dậy đến lúc đi ngủ", Veiseh nói vớiBBC. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 15/12/2000 anh gặp cô bạn gái đầu tiên tại bữa tiệc sinh nhật 16 tuổi của người bạn. Veiseh vốn có trí nhớ rất tốt và dường như tình yêu tuổi trẻ đã tác động, khiến đầu óc anh trở nên nhạy bén thần kỳ. "Tôi có thể nói cho bạn biết tất cả về từng ngày sau đó", người đàn ông khẳng định.
HSAM khiến ký ức của con người rõ nét, sống động như những cuộn băng ghi hình. Ảnh:BBC.
|
Hội chứng siêu trí nhớ về bản thân lần đầu được phát hiện vào thập niên 2000. Người phụ nữ trẻ Jill Price đã gửi mail đến nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu trí nhớ là Jim McGaugh, phàn nàn rằng cô ghi nhớ mọi thứ kể từ năm 12 tuổi đến lớn. Tò mò, Jim McGaugh mời Price đến phòng thí nghiệm. Ông đưa ra một ngày và yêu cầu Price kể lại những sự kiện thế giới đã diễn ra vào hôm đó. Kết quả, Price trả lời chính xác gần như 100%.
Cuốn nhật ký của Price cho phép các nhà nghiên cứu xác minh cuộc sống cá nhân cũng như kiểm chứng trí nhớ siêu phàm của cô. Sau vài năm mày mò, nhóm chuyên gia thử Price một lần nữa bằng cách yêu cầu cô liệt kê ngày tháng đến phòng thí nghiệm. Trong giây lát, Price đưa ra đáp án đúng. "Không ai trong chúng tôi nhớ được như thế", McGaugh và đồng nghiệp ghi trong hồ sơ.
Điều thú vị của người mang HSAM là ký ức thường chỉ xoay quanh chính bản thân. Họ không giỏi ghi nhớ các thông tin như dãy từ, dãy số. "Đôi khi tôi không nhớ những gì vừa xảy ra 5 phút trước nhưng lại biết rất rõ sự kiện ngày 22/1/2008", người đàn ông với biệt danh Bill giải thích. Bên cạnh đó, trợ lý giáo sư Lawrence Patihis từ Đại học Nam Mississippi cùng đồng nghiệp phát hiện người HSAM cũng mang "những ký ức giả". Họ có thể cho vào đầu những dữ liệu không hề tồn tại.
Vậy những người HSAM ghi nhớ như thế nào? Nhà nghiên cứu Craig Stark từ Đại học California cho rằng họ mã hóa chi tiết ngay khi sự kiện xảy ra nên ký ức sau vài tháng vẫn còn tươi mới. "Có điều gì đó đặc biệt trong cách họ lưu giữ thông tin", Stark nói.
Hình chụp não không cho thấy bất cứ khác biệt nào về mặt giải phẫu đủ để lý giải hiện tượng trên. Thay vào đó, người HSAM thường rất giỏi tưởng tượng và chú ý. "Tôi cực kỳ nhạy cảm với tiếng động, mùi và chi tiết hình ảnh", Nicole Donohue, một trong những người được nghiên cứu cho biết. "Chắc chắn cảm nhận của tôi mạnh mẽ hơn người thường". Khả năng chú ý thiết lập nền tảng vững chắc còn trí tưởng tượng cho phép "xem lại" kỷ niệm trong nhiều tuần, nhiều tháng tiếp theo. Mỗi lần ký ức được tái hiện, chúng lại đậm nét hơn. Tuy nhiên, không phải ai giỏi tưởng tượng cũng phát triển HSAM mà phải trải qua một sự kiện thời thơ ấu đủ mạnh mẽ, ám ảnh.
Mặt trái của HSAM là khiến con người không quên được những kỷ niệm đau buồn. Ảnh:BBC.
|
HSAM kéo đến những cảm xúc trái ngược. Về mặt tích cực, bộ nhớ siêu phàm làm sống lại trải nghiệm phong phú. Ví dụ, Veiseh từng đến rất nhiều nơi để thi taekwondo và luôn tranh thủ thăm bảo tàng. Giờ đây, các bức tranh vẫn nằm lại trong ký ức anh. "Bạn hãy thử tưởng tượng ghi nhớ được mọi bức tranh trên mỗi bức tường tại tất cả không gian trưng bày của gần 40 quốc gia", người đàn ông hào hứng. Với đam mê về lịch sử, Veiseh trở thành họa sĩ chuyên nghiệp kiêm tiến sĩ nghiên cứu về thiết kế và công nghệ.
Ở khía cạnh khác, HSAM khiến con người không thể quên đi nỗi đau. "Thật khó để vượt qua khoảng khắc đáng xấu hổ", Donohue tâm sự. "Bạn vẫn cảm thấy những cảm xúc đó. Bạn không thể xóa đi dù làm gì đi nữa". Veiseh đồng tình: "Đó giống như một vết thương hở".
Tuy vậy người HSAM vẫn cố gắng đối diện với cuộc đời. Bill thường xuyên hồi tưởng lại ký ức đau đớn song quyết định nhìn chúng như những bài học để không lặp lại trong tương lai: "Một số người mắc kẹt trong quá khứ và không mở lòng cho những kỷ niệm mới. Tôi không như thế. Tôi mong chờ mỗi ngày để khám phá những điều mới lạ". Veiseh thậm chí còn nghĩ tình trạng này đưa anh trở thành người tốt bụng, khoan dung hơn. "Họ nói hãy tha thứ và quên đi, nhưng vì quên là điều xa xỉ không thể có nên tôi học cách tha thứ thật sự. Không chỉ đối với những người khác mà còn cho cả bản thân
Minh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét