TẠ DUY ANH
Nhà văn Tạ Duy Anh
Cách đây hơn chục năm, nếu không nhầm thì đó là vào dịp Tết năm
2002, tôi xuýt nữa thì gặp “nạn văn chương” chỉ vì một cái truyện ngắn tên là Người khác, in ở số tết năm 2002 của báo Gia đình và xã hội. Đó là cả một
câu chuyện khôi hài có lẽ chỉ xảy ra ở nước ta. Nguyên do là thế này. Tôi có
một truyện thiếu nhi được đưa vào giảng dậy chính thức ở trường phổ thông, sách
ngữ văn lớp sáu, chương trình cải cách. Để phục vụ mục đích giảng dạy, Bộ giáo
dục chủ trương làm bộ ảnh chân dung cỡ lớn những tác giả có tác phẩm trong sách
giáo khoa, kèm theo tiểu sử in ở một tờ áp phích riêng. Lần ấy có Tố Hữu, Đoàn
Giỏi, Nguyễn Tuân, Trần Đăng Khoa, Đích-ken, A. Đô-đê…và tôi, khoảng trên dưới
chục người. Ảnh thì có người đến tận nhà chụp. Tiểu sử thì do một ông tiến sỹ
được thuê viết tóm tắt từng người, kèm theo ít tác phẩm. Vì cẩn thận nên những
người thực hiện bèn đưa bản in thử lại cho tôi kiểm tra giúp lần cuối xem có
sai sót gì không. Chính vì thế mà tôi phát hiện ra họ ghi sai tên thật của tôi.
Tên bố mẹ đặt cho tôi là Tạ Viết Đãng, thì trong phần tiểu sử ghi là Tạ Viết
Dũng. Hóa ra do họ lấy theo Kỷ yếu Hội nhà văn. Tôi bèn lấy bút sửa lại, coi đó
như cơ hội đính chính tên mình. Người của Bộ giáo dục cảm ơn tôi, rối rít bảo
nếu không có tôi thì họ lại làm sai theo quyển Kỷ yếu, tức là sai lần thứ hai.
Nhưng chỉ vài hôm sau thì chính ông ta, lần này có thêm người nữa, quay lại,
mặt phiền muộn bảo với tôi: “Chúng tôi nghĩ kỹ rồi, không thể sửa được, anh
đành mang tên thật là Dũng thôi”. Tôi hỏi: “Sao lại kỳ thế?”. Ông ta giải
thích: “Kỷ yếu của Hội nhà văn in là Dũng, mọi người đều nghĩ tên anh là Dũng,
nay nếu chúng tôi sửa thành Đãng, thì họ không nghĩ Hội nhà văn sai, mà nghĩ
chúng tôi làm ẩu, chỉ có việc chép lại cái tên cũng không xong. Chắc chắn họ sẽ
nghĩ như vậy mà chúng tôi thì không thanh minh được”. Tôi nghe xong thì muốn
cười phá lên. Tôi bảo bằng giọng vui đùa: “Thế chả lẽ tôi không được mang chính
cái tên bố mẹ đặt cho, mà phải mang tên của người khác ư”. Ông của Bộ Giáo dục
bảo: “Chính chúng tôi cũng thấy buồn cười nhưng không có cách nào, đành phải
thế vậy, anh đành tạm là người khác vậy”. Tôi chỉ có thể thông cảm chứ không thể
chấp nhận. Cuối cùng, nghĩ mãi, tôi đưa cho họ một giải pháp là không cần ghi
tên thật, chỉ ghi bút danh thôi. Họ chấp nhận như một lối thoát khả dĩ nhất.
Thế là trong tư liệu Bộ giáo dục dùng làm giáo cụ trực quan gửi cho tất cả các
trường Trung học cơ sở, tôi chỉ có tên Tạ Duy Anh.
Khi người của Bộ Giáo dục về rồi, tôi cứ ngẫm mãi về chuyện đó,
vừa buồn cười vừa bực mình. Và tôi nảy ngay ra tứ truyện với cái tên Người khác. Có một người đàn ông, vì sự lầm lẫn của đám đông mà vô tình trở
thành người có lý lịch và gốc gác hoàn toàn khác, khác rất xa so với nguồn gốc
xuất thân của anh ta. Lúc đầu anh ta chỉ nghĩ đó như một sự cố. Nhưng sống dưới
cái lý lịch của người khác (do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho), anh ta
được hưởng không biết bao nhiêu là sự trọng vọng, trở thành người của công
chúng, thần tượng của hàng triệu người trẻ tuổi với hàng loạt việc làm phi
thường cũng do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho anh ta. Rồi anh ta thấy mình
là chính con người khác ấy từ khi nào không biết. Mọi chuyện cứ thế cuốn anh ta
ngày một xa gốc gác thật của mình. Anh ta mất dần cơ hội thanh minh anh ta
không phải là cái người mà đám đông tưởng tượng. Mỗi khi định làm điều đó, thì
có vô số lý do, cả từ bản thân lẫn bên ngoài ngăn cản, không cho anh ta đi đến
cùng. Thậm chí mọi người lại coi ngay cái ý định “thành thật” ấy của anh là trò
mà chỉ ai là thiên tài rồi mới thích tự nhạo báng mình một cách đáng yêu như
vậy. Nhưng rồi một sự cố xảy ra với người bạn thân một thời…khiến lương tâm anh
ta bị phán xét nghiêm khắc. Anh ta quyết định cách cuối cùng để trở về là mình:
viết cuốn hồi ký. Trong cuốn hồi ký đó anh ta kể lại toàn bộ sự thật, rằng bố
anh ta chẳng phải là ông tai to mặt lớn nào cả, mà chỉ là ông dân cày. Bản thân
anh ta cũng chẳng có tí tài cán nào như mọi người vẫn nghĩ. Viết xong anh ta
quyết định đem đến một nhà xuất bản có tay giám đốc là chỗ quen biết. Ông giám
đốc lúc đầu tưởng anh ta sắp có tác phẩm mới, đón tiếp nồng hậu với ý định sẽ
in số lượng cực lớn. Nhưng khi biết nội dung là bản thú nhận về nguồn gốc thật
của anh ta, thì tay giám đốc không dám in vì không thể trở thành kẻ đồng phạm
làm sụp đổ trước mắt đám đông một thần tượng lớn. Ông giám đốc van xin anh ta
tha cho ông, sau khi nói rõ sự tình như vậy. Rằng ông ta không muốn bị nguyền
rủa hoặc ăn trứng thối vì đã bôi nhọ thần tượng của hàng triệu người. Đám đông
sẽ không tha cho ông ta. Nghe xong, anh ta lên cơn khùng điên và đấm ông giám
đốc đến chết ngất vì không cho anh ta cơ hội cuối cùng để trở về là chính anh
ta…
Đại loại truyện có nội dung như vậy. Những gì tôi gán ghép cho
nhân vật phần lớn lấy từ chính bản thân tôi. Khi viết tôi chỉ nghĩ đến mình,
nhất là tình tiết nhập học muộn và bị thêu dệt là con ông lớn. Những hành động
của nhân vật cũng lấy từ chính những việc tôi làm trong thời gian học ở trường
trung cấp Nghiệp vụ và Kỹ thuật tại phố Thia, Hòa Bình.
Nói tóm lại, truyện ngắn Người khác là hình thức tôi tự nhại
chính mình.
Hồi đó báo Gia đình và xã hội là tờ mới nổi, có một số lượng độc
giả khá đông, thuộc tờ báo hót (đó là lý do tôi chọn báo GĐvà XH in truyện và
còn vì nhuận bút ở đó cũng thuộc vào loại cao). Vì thế khi báo ra, chỉ vài
tiếng đồng hồ sau đã ồn lên tin đồn tôi viết truyện ám chỉ một nhân vật cỡ bự,
có lý lịch y hệt với lý lịch nhân vật của tôi, giống tới 90%-như lời một cán bộ
ngành Văn hóa tư tưởng-nhất là chi tiết trồng sắn, vì nhân vật cỡ bự kia xuất
thân từ nghề lâm nghiệp. Tổng biên tập báo là nhà thơ Trần Quang Quý, có tên
trong đoàn đi thăm quan Hoa Kỳ với tôi, nửa đêm gọi cho tôi, giọng lo lắng cứ
hỏi xem khi viết có nghĩ tí gì đến nhân vật bự nào không. Tôi bật cười bảo
rằng, của đáng tội tôi chỉ nghĩ đến đàn bà thôi. Ông tổng biên tập sau đó bỏ
chuyến đi Hoa Kỳ theo lời khuyên của lãnh đạo Bộ, vì sợ ở nhà có chuyện gì
không ai lo nổi. Trong khi đó, qua một số người làm nhiệm vụ bắn tin, thì cơ
quan chức năng sẽ “Quyết không tha cho TDA lần này”. Ai nói, nói trong hoàn
cảnh nào thì tôi không biết. Nhưng tôi biết đã có ý kiến nghiêm túc đề nghị
truy tố tôi vì tội lợi dụng tự do sáng tác để bôi nhọ lãnh đạo. Họ còn nói tên
cụ thể của người đưa ra đề nghị đó. Tôi nghe và biết vậy, không bợn lên chút lo
sợ nào. Nhưng buồn cười nhất là một buổi Sáng tôi đang ngồi viết thì Vũ Hữu Sự
gọi điện, thoại và khi nghe tôi trả lời, ông vẫn hốt hoảng hỏi lại: “Có đúng là
tiên sinh đấy không?” Tôi đáp: Không là tôi thì là ai, tiên sinh đang gọi cho
tôi hay gọi ai? “ Tôi gọi cho ông, nhưng ông vẫn đang ngồi ở nhà đấy chứ?” Tôi
bật cười khiến Vũ Hữu Sự thanh minh: “Vì tôi đang đi trên đường thì ông T.B.H
gọi giật lại bảo TDA vừa bị bắt, chính ông ta trông thấy. Tôi bảo với T.B.H là
lúc đầu buổi sáng nay tôi còn thấy TDA đưa con đi học, làm gì có chuyện ấy.
T.B.H cả quyết: Vừa bắt rồi, bằng xe Ba-đờ-sốc, tin tôi đi. Ông ấy bảo ông bị
bắt vì truyện ngắn Người khác”.
Vũ Hữu Sự nói xong thì thở phào.
Giờ đây nhớ lại chuyện này, lần nào tôi cũng không nhịn được cười
phá lên. Mới thấy chơi văn chương cũng… nguy hiểm như chơi dao vậy!
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/11/11/nho-lai-de-cuoi/
·
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét