TT - Sau mấy năm,
chúng tôi mới quay lại Vũng Tàu. Chỉ sau mấy năm mà nhịp sống thay đổi nhiều
với những phố xá hàng hiệu lộng lẫy, đèn ven biển và trên biển lung linh như
một thành phố khác đang rọi bóng vào chính Vũng Tàu, cáp treo đêm thứ bảy đi về
trên cao liên tục nối liền với khu vui chơi giải trí...
Mặc cho nhiều thứ vui lên thì mỗi bước đụng tới dịch vụ du lịch, chúng tôi vẫn phải phòng ngừa, hỏi han kỹ lưỡng. Những câu thường xuyên hỏi như ăn uống ở đâu, thuê phao, ngồi ghế sao cho khỏi... bực mình? Hỏi kỹ mà vẫn thấy những bực mình nho nhỏ. Như việc chủ quán trên bãi biển đòi khách phải vừa trả tiền nước vừa trả thêm tiền ghế, một số khách cũng bỏ đi như chúng tôi trước kiểu “chém” quá vô lý này. Những người dân địa phương chân thành khuyên không nên đến đường X, đường Y vì ở đó sẽ bị “chém chết”.
HHT là một trong những con đường được “chỉ điểm” du khách không nên tới. Nhưng sau khi bàn luận, chúng tôi quyết thử một phen xem mình sẽ “chết chém” như thế nào. Chọn một quán hải sản “search” được trên Google với lời quảng cáo “bán giá gốc”, vào quán tôi thấy không chỉ chúng tôi mà nhiều bàn khách khác đều dè dặt khi nói chuyện giá cả với các nhân viên quán, có người còn ghé vào tai nhau thầm thì trước khi đưa ra kết luận.
Tôi chờ đợi xem nhân viên sẽ tỏ thái độ khó chịu nào không khi khách liên tục đưa ra những lời đề nghị “rào giậu” kỹ để tránh hậu quả khôn lường. Các nhân viên quán này vẫn chịu đựng nhũn nhặn, nói năng nhỏ nhẹ và chỉ dẫn lịch sự. Khi chúng tôi báo lại một con ghẹ không được tươi ngon, nhân viên quán kiểm tra và nhà bếp vui vẻ đền lại một con ghẹ khác. Món lẩu cá nhân viên “xin giải thích rõ, đây là cá tươi quán làm sẵn để tủ lạnh, không phải là cá
còn sống, nếu cá sống chúng tôi có mức giá khác”. Cuối cùng là giá bữa ăn rõ
ràng, đúng với giá đã thỏa thuận dù giá từng món vẫn khá cao so với nhiều thành
phố biển khác.
Nếu làm tính nhẩm cũng có thể thấy không cần phải lừa lọc, chèo
kéo, thu nhập của quán ăn này trong ngày cuối tuần phải đến hàng chục triệu
đồng. Nhưng cái lời nhất, lại là cái khó kiếm nhất chính là cảm giác yên tâm để
khách còn hẹn lòng quay lại.
Khi không còn tin nhau, mọi thứ thật nhọc nhằn. Tôi chợt nhận ra
như vậy sau nhiều nghi hoặc, dò hỏi khi đến đây, một cảm giác tổn thương âm
thầm dường như đã xâm chiếm Vũng Tàu và xâm chiếm cả tinh thần những du khách.
Trên mạng, số trang “nói xấu” Vũng Tàu và những lời khuyên “nâng đỡ” nhau không
“sụp bẫy” vô số kể. Cũng như tôi với bạn bè mấy năm qua, kể từ khi thành phố
trở nên “nổi tiếng” chặt chém, chúng tôi thường rủ nhau... không đi Vũng Tàu.
Một trong những thứ mà các công ty nghiên cứu thị trường ngày nay
thường đưa ra là chỉ số lòng tin của người tiêu dùng.
Tôi chưa đọc thấy tài liệu nói về chỉ số lòng tin vào một thành
phố, nhưng thật lòng nghĩ nó chắc không khác gì những nghiên cứu trên. Nó thậm
chí còn thiêng liêng hơn cả chỉ số lòng tin bình thường vào một mặt hàng hay
một ngành nghề. Nó còn là nguồn cảm hứng tinh thần mạnh mẽ, nó có linh hồn, nó
khiến yêu hay ghét một cách mãnh liệt, nó không chỉ là kinh tế, nó còn là văn
hóa với những giá trị trừu tượng không kém phần quan trọng.
Lòng tin về một thành phố có lịch sử không, nó bị mất vào thời
gian nào, ai đã làm mất? Người dân làm du lịch tại chỗ hiểu bao nhiêu về chỉ số
này? Và khi đã đánh mất, một thành phố phải làm gì để lấy lại?
Tôi có nhiều suy nghĩ hơi ngậm ngùi nhưng không kém phần “thương
thương” khi bước ra khỏi quán ăn trên con đường HHT, hi vọng sự nhũn nhặn tôi
vừa chứng kiến là sự nhũn nhặn chiếm đa số của du lịch Vũng Tàu, hoặc nếu là
một động thái “làm lại cuộc đời” của nhiều người dân làm dịch vụ tại đây thì
cũng đáng ghi nhận và trân trọng. Tôi tự nhủ đây sẽ là quán ăn tôi nên giới
thiệu cho bạn bè trước khi đến Vũng Tàu để tiết kiệm thời gian tìm kiếm và hạn
chế “nơron” nghi ngại.
Tôi tin nhiều người cũng giống mình, với Vũng Tàu, luôn muốn tin
lại từ đầu... Chỉ có điều, chính Vũng Tàu có thật sự nhận ra mình bị tổn thương
không để còn chung sức mà làm lại.
TRƯƠNG BẢO CHÂU
(ảnh: tuoitretour)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét