24 thg 8, 2024

NAM BỘ KHÔNG PHẢI NHƯ NHỮNG ĐIỀU BÙI XUÂN ĐÍNH VIẾT ( Nguyễn Thanh Lợi )


Sách “Các dân tộc ở Việt Nam, tập 1, nhóm ngôn ngữ Việt – Mường” (Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2015), do PGS.TS. Vương Xuân Tình chủ biên, đã dành 15 trang viết về người Việt ở Nam Bộ, phần này do PGS.TS. Bùi Xuân Đính chấp bút. Đọc qua tôi thấy viết trớt quớt, nhiều nội dung không đúng với thực tế, nếu không muốn nói là hết sức bậy bạ!
Trang 347, tác giả cho rằng dân vào khai phá Nam Bộ là dân “tứ xứ lưu vong” (nông dân nghèo đói, người bị tội trốn lính, lính đào ngũ…). Bùi Xuân Đính viết như vầy là không hiểu gì về lịch sử di dân ở Nam Bộ, vẫn bám theo quan điểm cũ rích của các nghiên cứu trước đây. Chính Lê Quý Đôn đã viết trong “Phủ biên tạp lục” là những người có “vật lực”, tức tầng lớp giàu có ở Điện Bàn (Quảng Nam) vào khai phá Nam Bộ. Ghe bầu góp phần vào việc khai phá Nam Bộ, mà chủ nhân của nó là “các lái buôn”, đâu phải nghèo, như Trùm Châm vào buôn bán ở Vũng Tàu. Thì đâu phải chỉ có những thành phần “lưu vong” như ông Đính viết.
Cũng ở trang này, Bùi Xuân Đính giải thích lý do những cư dân đi khai phá theo kiểu lẻ tẻ, nên “không giữ các hoài niệm, các tục lệ của làng quê gốc”. Nhưng thực tế, trong hành trang vào Nam Bộ, những cư dân Nam Trung Bộ đã mang theo những tập tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, văn học dân gian từ bản quán vào. Nếu không thì đã không có tục thờ cá Ông, Bà Cậu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Cố Hỷ, Bạch Mã Thái Giám, Tống ôn, cúng Việc lề… ở xứ này. Đâu phải cứ đi theo cả làng xã thì mới mang theo hoài niệm, tục lệ từ quê cũ. Cái bệnh nghề nghiệp nghiên cứu làng xã của ông Đính đã thể hiện không đúng chỗ.
Trong trang này, tác giả còn dẫn ra mấy ca dao để nói lên tính hoang vu, sự khắc nghiệt của vùng đất Nam Bộ, nhưng nó lại rất là trật chìa, tức là đã bị biến dạng:
Xứ đâu có xứ lạ lùng,
Con chim kêu tui cũng sợ, con cá vùng tui cũng kinh.
Chúng ta thường nghe những bản phổ biến là:
Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng phải ghê/kinh.
Ca dao nào mà thêm 2 từ “tui” vào mất hay.
Hoặc một câu khác mà tác giả dẫn:
Đồng Nai nước chảy lượn lờ,
Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um.
Câu ca dao tiêu biểu, phổ biến là:
Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um.
Nên việc chọn câu ca dao nào để đưa vào sách của mình buộc nhà nghiên cứu phải chọn lọc, chứ không thể tùy tiện, khi muốn nói về bản sắc của một vùng đất.
Ở trang 347, Bùi Xuân Đính còn cho rằng kinh tế chính của người Việt Nam Bộ là nghề nông (trồng lúa nước), cho thấy ông chỉ chăm bẳm vào Tây Nam Bộ với nghề trồng lúa nước. Không có những nghề khác như làm rẫy, làm vườn, đánh bắt, làm muối, làm nước mắm, các nghề thủ công khác thì sao đảm bảo đời sống xã hội. Chỗ không có ruộng thì dân làm gì mà sống?
Đã vậy, ông còn cho nông dân Nam Bộ chỉ có “quảng canh “cầu may”, nhiều khi lúa sót lại cũng thu hoạch khá”. Viết nghiên cứu mà kiểu như đùa giỡn. Làm ruộng mà không nghiêm túc thì lấy đâu cái ăn như ông nói, chỉ trông vào may rủi như đánh bạc vậy. Không thể có những suy diễn thiếu căn cứ khi viết nghiên cứu khoa học được.
Trang 348, tác giả liệt kê những chợ nổi nổi tiếng của Nam Bộ là Cái Răng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau, Ngã Bảy Phụng Hiệp… Thưa ông, là ở Châu Đốc (An Giang) không hề có chợ nổi. Còn những chợ nổi nổi tiếng ông kể thì không có Long Xuyên, Cà Mau (chợ nhỏ, nay đã tan) được xếp hạng trong đó; nếu kể thêm thì có chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang).
Ở trang 351, Bùi Xuân Đính suy diễn khi viết “ngoài một số món ăn Bắc, người Việt ở Nam Bộ tạo ra nhiều món ăn mới để thích ứng với cách ăn uống trong điều kiện thiên nhiên của một vùng có nhiều kênh rạch”. Cư dân người Việt Nam Bộ chủ yếu gốc miền Trung nhưng khi vào Nam Bộ thì họ ăn uống dựa trên những nguyên liệu khai thác được từ thiên nhiên nơi đây, tạo ra những món ăn riêng, như bông súng, củ co, mắm thái, chứ đâu có ăn canh rau đay, mắm tôm cà pháo như miền Bắc hay rau lang, khô mặn như miền Trung.
Và ông cũng cho rằng người Việt nơi đây “ưa dùng nguồn đạm thủy sản (các loại cá, tôm) kết hợp với các loại chim thú (chuột, dơi, cóc, rùa), các loại côn trùng”. Hóa ra người Việt Nam không ăn thịt heo, bò, gà, vịt, các loài động vật khác à? Vậy những vật nuôi trong nhà để làm gì? Khi cúng đình, cúng miễu thì lấy heo, bò, gà, vịt ở đâu ra mà cúng. Phó giáo sư Bùi Xuân Đính chuyên nghiên cứu về làng xã thì chắc phải biết điều này!
Tác giả còn viết “Người Việt ở Nam Bộ ưa ăn mặn, ăn cay, ăn chua, ăn gỏi; trong mâm cơm thường có đĩa rau tự nhiên trong vườn, vài lát xoài, đĩa mắm ớt” (tr.351). Điều này thì càng sai trầm trọng. Tự nhiên đang nói về vị mà chen món ăn là gỏi vào. Người miền Trung mới ăn mặn, ăn cay, người Việt Nam Bộ thiên về vị ngọt xưa nay. Có người nhận xét canh chua của người miền Tây Nam Bộ “ngọt như chè” thì đủ biết. Các món ăn của người miền Tây dù thường ngày hay trong đám tiệc đều có bỏ nước dừa tươi nên có vị ngọt. Món gỏi chỉ ăn trong đám tiệc, chứ không trong bữa ăn hàng ngày. Xoài cũng không phải là món ăn phổ biến hàng ngày trong dĩa rau ở Nam Bộ, mà nhà nào thích ăn thì ăn thôi.
Các món xào, rán (Nam Bộ gọi là chiên), canh chua đâu phải học từ người Khmer như tác giả viết. Món cháo thì nhiều dân tộc có, phải đâu nhờ người Hoa thì người Việt Nam Bộ mới biết ăn cháo!? Các món chủ yếu của người Việt Nam Bộ là kho, xào, canh.
Người Việt Nam Bộ uống trà cũng khá phổ biến, dù không ghiền như ở miền Bắc. Nước dừa không thể uống mỗi ngày được như ông Đính viết. Ở miền Nam, người dân uống nước dừa, nước chanh đường, nước chanh muối, nước rau má... Mùa hè ở quê họ uống nước các loại đậu rang vàng hạ thổ, ở tỉnh và Sài Gòn uống nước sâm, nước mía...
Không thể là “Cách chế biến đồ ăn thường “xuềnh xoàng”, không cầu kỳ, không chú trọng bày vẽ hình thức” (tr.352). Viết như vậy là không hiểu gì về ẩm thực Nam Bộ và quá xem thường người Nam Bộ. Cách chế biến món ăn Nam Bộ rất phóng khoáng nhưng vô cùng tinh tế. Cá lóc nướng mọi bằng rơm, nhưng khi trình bày thì nào là rau, mắm nêm, mỡ hành, đậu phộng... trông rất hấp dẫn và bắt mắt. Hãy nhìn một dĩa tép xào với bông điên điển, hay một nồi mắm kho, lẩu mắm thì sẽ thấy màu sắc, nghệ thuật sắp đặp trong món ăn đó như thế nào. Nói đơn giản như món thịt heo kho tàu sẽ thấy các hình khối vuông tròn của thịt, trứng vịt, màu của nồi thịt kho đẹp mắt ra sao. Vì sao mà người Nam Bộ phải bỏ thêm nước màu khi kho thịt, khi cá. Nếu có dịp vào Nam Bộ, tôi sẽ đãi ông ăn các món đó để thấy người miền Nam chúng tôi ăn uống có “xuềnh xoàng” không!
Việc tiếp khách ăn uống ở hàng quán là không đúng (tr.352). Người Việt Nam Bộ rất hiếu khách và không khách sáo như người miền Bắc, nên họ rất vui khi khách đến chơi, có gì đãi nấy, không câu nệ nhưng vẫn dành những món ngon nhất để đãi, không ăn là giận đó.
Người Nam mời khách đến nhà là mời thật lòng, mang món ngon ra đãi, làm xong trước khi khách đến khi khách về còn được mang quà. Ở Tây Nam Bộ họ biếu khách trái cây, khô mắm, gạo... Cái gì có trong nhà là cho, khách khen là cho hết...
Đúng là trang phục phổ biến của người Việt ở Nam Bộ xưa là đồ bà ba nhưng không phải chỉ màu đen (tr.352) như tác giả viết. Làm như ở Nam Bộ chỉ có dân ngu, cu đen, chỉ toàn những người chân lấm tay bùn. Người Nam Bộ mặc cả bà ba màu trắng và nhiều màu tùy lứa tuổi, tầng lớp, xuất hiện trong môi trường nào. Và họ còn mặc cả áo dài nữa, từ những người buôn gánh bán bưng cho đến nhà giàu có.
Trang 352, tác giả mô tả ”Nhà thường đơn sơ bằng tre nứa, lá dừa; không phải theo kiểu nhà ngói cây mít, sân gạch, kín cổng cao tường như ở Bắc Bộ”. Đúng là chỉ có ông Đính ngồi ở Hà Nội thì mới đủ giàu sức tưởng tượng để viết ra những dòng này! Không ai so sánh một nhà nghèo ở miền này với một nhà giàu ở miền khác. Tại sao không so sánh với nhà của công tử Bạc Liêu, ruộng đất cò bay thẳng cánh? Phương pháp so sánh không cùng một đối tượng của ông như vậy là đã có vấn đề rồi. Đó đây trong những miền quê ở vùng sâu cho đến nay vẫn còn sót lại những ngôi nhà nghèo như ông mô tả. Nhưng hiện nay, Nam Bộ vẫn còn lại vài trăm ngôi nhà cổ của các điền chủ, những quan chức thời Pháp, mà về quy mô, kiểu thức kiến thức ăn đứt các nhà giàu ở miền Bắc cùng thời. Bởi vì đây là vùng đất của các địa chủ, sở hữu nhiều ha đất ruộng vườn, có khối tài sản lớn.
Cũng trang này, tác giả viết:”Trước đây, khi các loại vải màn còn khan hiếm, để chống muỗi, đỉa, vắt và sương lạnh, người Nam Bộ tạo ra chiếc nóp làm từ ba tấm đan bằng sợi cây bàng ghép lại để ngủ đêm ở ngoài vườn, ngoài kênh rạch”. Viết như vậy, nhưng chứng tỏ ông Đính hoàn toàn không biết cái nóp ở Nam Bộ là gì, mà chỉ dựa vào tài liệu của người khác để mô tả lại. Vì cái nóp chỉ dùng để chống lạnh, chống muỗi, rắn rít như cái mùng (miền Bắc gọi là màn) bây giờ. Nóp giống như cái ví (cái bóp) của đàn ông. Bên trong có cái “lưỡi gà” (đường viền) để khi vô trong nằm rồi thì nằm đè lên cái viền đó để miệng nóp kín lại, không con gì chui vô được. Nóp được đan bằng cỏ bàng chứ không phải cây bàng và được ghép lại từ “3 vung đệm” là “3 tấm đan bằng sợi cây bàng ghép lại” của ông Đính. Chiếc nóp đã đi vào âm nhạc với bài hát “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn vào năm 1945:
Nóp với giáo mang ngang vai
nhưng thân trai nào kém oai hùng
Ở Nam Bộ chỉ có ghe chứ không có thuyền như cách gọi ở miền Bắc. Và cũng không có “thuyền và xuồng được làm bằng tôn gắn động cơ” (tr.353). Các loại ghe Nam Bộ đều đóng bằng gỗ, ngày xưa thì chèo, nay gắn động cơ, chứ không chiếc nào đóng bằng tôn. Trí tưởng tượng của ông Đính khi mô tả về ghe xuồng ở Nam Bộ quả là bay bổng vô cùng!
« cải biên » là một từ dùng cẩu thả khi ông Đính viết về sự « dịch chuyển văn hóa » của văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, dân ca, vè, đồng dao…) từ Trung Bộ vào Nam Bộ (tr.353)
Vọng cổ, đờn ca tài tử không phải là loại hình nghệ thuật sân khấu như tác giả viết ở trang 353. Hai loại hình nghệ thuật (đàn/hát) này dùng để hát lúc lao động, trong gia đình, đám tiệc, lễ hội… như tác giả viết. Vọng cổ là một bài bản/ làn điệu âm nhạc trong khi đờn ca tài tử là 1 thể loại âm nhạc thì không thể xếp chung 1 rọ, cùng với cải lương (loại hình sân khấu) theo kiểu của ông Đính được. Rồi cũng không phân biệt được đàn bầu với độc huyền khi trình bày (tr.354).
Trang 354, Bùi Xuân Đính cho là ở Nam Bộ “có nghi lễ nông nghiệp từ miền Bắc” nhưng không nói rõ là nghi lễ gì; có “thờ Mẫu (tiêu biểu là đền Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc)”. Nam Bộ chỉ có tín ngưỡng thờ nữ thần, mà sau này một số nhà nghiên cứu đã “nâng tầm” lên là thờ “Mẫu thần” như Ngô Đức Thịnh. Gọi miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc đúng hơn là đền, để thờ danh nhân.
Nên viết chính xác là lễ cúng Việc lề, một hình thức giỗ họ ở Nam Bộ, thay vì là “lễ cúng lề”. Tài liệu mà tác giả dẫn của Nguyễn Hữu Hiếu cũng ghi chính xác như thế (tr.355-356).
Ở trang 356, tác giả viết về các đình làng ở Nam Bộ “không mang dáng vẻ uy nghi, tiêu biểu như đình ở ngoài Bắc”. Chắc tác giả chưa đi được các đình ở Nam Bộ nên mới viết như thế. Nam Bộ có biết bao nhiêu ngôi đình cổ với dáng vẻ không kém phần uy nghi, còn “tiêu biểu” là như thế nào, thì tôi thực sự không hiểu tác giả muốn nói gì.
Viết Thành Hoàng của các đình Nam Bộ “các võ tướng gắn với công cuộc mở đất, dựng nghiệp của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn” (tr.356) là không đầy đủ. Vì Thành Hoàng mang tính phiếm chỉ, tức không rõ lai lịch mới chiếm đa số ở Nam Bộ. Thoại Ngọc Hầu bị ghi nhầm thành “Thoại Bạch Hầu”. Đâu có liên quan gì đến bệnh bạch hầu, uốn ván ở đây.
Người Việt Nam Bộ không theo đạo Hồi (tr.356), chỉ có người Chăm mới theo tôn giáo này. Ông Đính lại cho rằng các tôn giáo ở Nam Bộ (đạo Phật, đạo Kitô, đạo Hồi, Tin Lành) đã được địa phương hóa, kết hợp với các tín ngưỡng bản địa để trở thành các tôn giáo mới, như Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa, Đạo Phật khất sĩ… dễ đi vào mê tín dị đoan, thường gắn với các yếu tố chính trị - xã hội nên dễ bị lợi dụng (khác với ở Bắc bộ, tôn giáo có tính “thuần túy” hơn) (tr.356).
Vậy xin hỏi ông, yếu tố mê tín dị đoan trong đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo Khất sĩ là như thế nào? Tại sao lại phải quy chụp khi viết về tôn giáo, vốn là vấn đề rất nhạy cảm. Cũng không thể xếp đạo Dừa ngang hàng với Cao Đài, Hòa Hảo được. Đến đây, thì người đọc có quyền nghi ngờ kiến thức về tôn giáo của PGS dân tộc học Bùi Xuân Đính với những gì ông viết.
Cuối bài viết, Bùi Xuân Đính dẫn bài « Nhớ Bắc » của Huỳnh Văn Nghệ sáng tác năm 1940 (tr.359-360) để nói lên « tính khắng khít và thống nhất của vùng đất Nam Bộ » với văn hóa Việt Nam. Thật ra nói người Nam Bộ nhớ về nguồn cội đất Bắc là nói kiểu văn học thi ca, cái gì không có thì đừng gượng ép. Vả lại, nghiên cứu dân tộc học thì đừng lấy thơ ca như là một "chất liệu".
Chỉ với 15 trang viết mà Bùi Xuân Đính đã bộc lộ những sai sót, nhầm lẫn, không đúng với thực tế về người Việt Nam Bộ xưa và nay. Đó là hậu quả của kiểu suy diễn, võ đoán, rất chủ quan, do chỉ nhào nặn tài liệu của người khác, mà thiếu đi kiến thức thực tế cũng như tham khảo nguồn tài liệu tin cậy. Cứ viết về Tây Nam Bộ rồi suy ra cả Nam Bộ là điều dễ nhận ra trong những trang viết này của Bùi Xuân Đính. Và quan trọng hơn hết là cái nhìn kỳ thị, xúc phạm một cách thô thiển khi viết về đất và người Nam Bộ, lấy miền Bắc làm hệ quy chiếu. Xem thường văn hóa vùng miền là điều tối kỵ và không thể chấp nhận được trong một công trình nghiên cứu. Đã không đóng góp thì đừng gây nhiễu loạn trong nghiên cứu với những điều xằng bậy mà mình đã viết. Điều đáng nói tác giả lại là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về người Việt và làng xã Việt Nam. Dân tộc học là cái nghề điền dã và phải phản ánh trung thực như cuộc sống vốn có trong những trang viết như ông đã biết, thưa ngài giáo sư!
Phó giáo sư Vương Xuân Tình với vai trò chủ biên, cũng phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà ông Đính đã viết trong cuốn sách này. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cũng liên đới chịu trách nhiệm khi in ấn cuốn sách.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét