16 thg 8, 2024

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 15/8/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

***

Thổ thần

Thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt một cái gò, cái đống đất có cây cổ thụ che phủ một cái bệ xây làm nền. Cư dân đem hương hoa, rượu, xôi, gà đến cúng tế, vì đấy là một đền hay nền thờ thổ thần. Ngừơi ta kiêng xâm phạm vào khu vực này, cây không được chặt, đất không được cuốc. 

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

Thần cây đa, ma cây gạo

Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo”. Người ta quan niệm, ma, thần là những linh hồn vô định nên thường nương tựa vào cây cổ thụ, lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa.

Am

Chùa nhỏ nơi hẻo lánh chân núi hay cửa rừng thường gọi là am.

Ngừơi ta hay xây am ở bên cạnh nghĩa địa để thờ vong hồn, gọi là chùa Âm hồn hay Am chúng sinh. 

 Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

 Với nhịp điệu khá lạ so với âm nhạc lúc đó, phảng phất chút dân ca, vừa ngẫu hứng, vừa duyên dáng, “Cô hàng cà phê” không chỉ được trình bày thường xuyên qua làn sóng điện thời bấy giờ mà còn là ca khúc yêu thích của nhiều thế hệ. Và nói đến ca khúc này, mặc dù có nhiều người thể hiện rất thành công như Vũ Khanh, Vũ Huyến… nhưng người ta vẫn nhắc nhiều tới Sỹ Phú và gần như đây là ca khúc ghi dấu ấn của nam ca sĩ này. Đây là ca khúc đáng kể nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Canh Thân bởi sức nặng biểu tượng văn hóa mới đi cùng đó là bao đổi thay.

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

Khóc 

 

Thì có: khóc lóc, khóc than, khóc nức nở, khóc tức tưởi, khóc thút thít, khóc xụt xùi, khóc sướt mướt, khóc thầm, khóc ấm ức, khóc nghẹn ngào, khóc không ra tiếng, khóc chảy máu mắt,

Khóc như “thiếu nữ vu quy nhật”. Tiếng khóc ở đây mang một ý nghĩa tinh tế phức tạp. Về nhà chồng, nếu chồng là người mình yêu thì phải vui, vậy khóc đây là khóc sung sứớng. Nhưng cũng có thể khi bỏ nhà ra đi với duyên tình cũng có thể buồn vì phải xa mẹ, xa em ...Vậy khi nói khóc như cô dâu ngày lên xe hoa, thì không những chỉ có nghĩa là khóc vì sung sướng. Mà đồng thời còn có một ý nghĩa trái ngược, mâu thuẫn, nói lên một tình cảm phức tạp, vừa buồn vừa vui khó diễn tả...

(Minh Võ)

Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 1

Một chiều đầu thánh Tám dương lịch, ra đầu con đường, đến thắp một nén nhang cho người vừa khất một tầm nhìn, con đường Sàigòn, tôi ngó mông tìm một chiếc xích lô. Chẳng thấy đâu. Hình ảnh chiếc xích lô đã vắng bóng hơn vài thập niên qua trong thành phố này, nhưng nhớ ông Mậu, tôi đi tìm, tôi chẳng thể quên hình bóng ấy. Xích lô đạp, luôn là vậy, trên con đường đầy những bóng mát, lá me rụng của một Sàigòn xưa. Và, ông Mậu.

Sinh thời, trước 1975, Mậu chẳng bao giờ tự lái xe hai bánh, đó đây. Người ta bảo ông không biết đi honda. Tôi nghĩ khác, có thể, ông chống cái sự nổ, từ cơ khí. Mà chống cái “nổ” sao chẳng đi xe đạp. Chỉ biết ông luôn ngồi xích lô.

Một dáng người thanh nhã, lúc nào cũng ăn bận chỉnh tề, áo trắng bỏ vào quần tây đen dài. Mậu luôn ngồi ngay thẳng, mắt nhìn thẳng, trán rộng sống mũi cao, miệng luôn một nụ cười thân thiện những thừa bí hiểm. Cây dù đen dựng dọc theo thân người, chiếc xích lô thong dong. Cái nhân dạng này, cốt cách này, tôi nghĩ, nếu thay là đôi giày hạ, vành khăn đóng, chiếc áo dài đen, Dương Nghiễm Mậu chẳng khác nào chân dung các Nhà nho.

 Một cái phẩm hạnh cổ điển, đóng khung trong sự chân thành, thuần khiết, nhưng rất lạ, cái tri đạo, “Lạc thiên an mệnh – Vui với Trời, an với phận”, đã đến quá sớm với Dương Nghiễm Mậu, từ lớp tuổi ông chưa là “Tứ thập nhi bất hoặc”. Ông bước trước tuổi, gìn vàng giữ ngọc khi tuổi đời lẽ ra phải điên đảo vì những lẽ vô thường của phá phách, lưu linh, bạt gió, mổ bụng mặt trời để nhặt ra một mặt trăng. Coi chơi.

(Cung Tích Biền)

 Trần gian vốn là mộng

 Có lần sợi tóc rong chơi
Bay xuyên cố sự tung trời thăng hoa

 Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi - 2

 Tôi gặp Mậu lần đầu tiên, khoảng đầu năm 1967. Trớ trêu, không phải Sàigòn, mà là ở tận Bạc Liêu. Ông đi trong đoàn Văn nghệ, gồm nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, anh Tô Kiều Ngân làm trưởng đoàn. Tô Kiều Ngân, người nổi tiếng qua tiếng sáo một thời, từng có biệt danh “Tiếng sáo Tô Lang”, lúc này Chàng Tô mang lon thiếu tá.

Chúng tôi có ngồi cùng nhau, quán Xừng Ký. Sông Miền Tây đục lờ chảy chậm, chiều Bạc Liêu tàn nắng. Hồi này tôi là sĩ quan tiểu đoàn 211 Pháo binh, doanh trại bộ Chỉ huy là một biệt thự trong khu vườn rộng mênh mông. Có một vài sĩ quan trong Sư đoàn 21, từng đọc Dương Nghiễm Mậu, cùng có mặt trong bữa rượu, “Để xem dung nhan nhà văn mình yêu thích”.

Lính mà, chén rượu, trận mạc, cái cách “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”, khi đã chạm mặt, là phải đến nơi đến chốn. Nhưng ngồi một lúc, tôi nhận ra, Dương Nghiễm Mậu chừng như xa cách dần dà cảnh ồn ào, hừng hực chí lớn. Là một người lính, bấy giờ Mậu đã bị gọi nhập ngũ, nhưng ông chừng rất ghét kỵ những ồn ào, bùng nổ lắm khi thô bạo, sỗ sàng, của cánh võ biền. 

Tinh ý lắm mới nhận ra điều “xa lánh” này ở Dương Nghiễm Mậu, vì ông là một người khôn khéo, biết tự chủ, không tự để mình hóa là một kẻ lạc lõng. Vẫn một nụ cười bí ẩn, không rõ ông cười vì cái gì, vẫn một ánh mắt nhìn kín đáo, rõ là không chú mục biểu lộ một soi mói riêng tư nơi một ai. Ngồi chung bàn đầy rượu, Mậu không uống được nhiều, vẫn tỏ ra thân thiện, luôn tôn trọng mọi người.

(Cung Tích Biền)

Trần gian vốn là mộng

 Thở đi nhẹ một kiếp người
Vui đi để có nụ cười thênh thang

Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa - 1

 Thế hệ trước và sau Võ Hồng đều sống trong một xã hội chập chững, có những ông mặc áo dài khăn đóng, đi guốc mộc che dù hô hào cải cách, pha trộn một ít chữ Hán, chữ Tây, vừa nhổ toèn toẹt bãi cổ trầu đỏ xuống gầm bàn trước mắt các cử toạ vừa trích cú những Trung Dung, Luận Ngữ, Đại Học … để kết án đám trị vì giam hãm sự phát triển chung của đất nước. Rồi những anh Tây học áo vét, cà vạt lên tàu về nước mang theo bao điều lạ hoắc, những chủ nghĩa ngu dân cùng những nôn mửa, buồn chán, xộc xệch máy móc dựng lên một rào chắn kiên cố mà họ gọi là thiên đường… xổ toẹt cả nền văn hoá văn minh đất nước. Tất cả trộn lại thành vòng xoáy cùng với vòng xoáy của chiến tranh nghi ngút khói lửa đẩy người dân đi hết ngẩn ngơ này đến những ê chề, đau khổ khác, không biết số phận sẽ “đi đâu, về đâu”?.

 Võ Hồng đã sống trong một bối cảnh như vậy, nhưng ông đã vượt lên trên để nhìn ngắm quan sát rồi bắt chữ nghĩa cõng chúng ra nơi quang đãng cho mọi người thưởng lãm và tự ngắm lại mình, cảnh sống quanh mình. Ông sống và viết. Viết bằng những kinh nghiệm có thật xảy ra chung quanh ông bằng một giọng văn dung dị đến mộc mạc như quê hương ông nghèo khó vậy. Những năm tháng xuôi ngược này, ông cùng sống với những người dân lam lũ, tìm hiểu suy nghĩ. Gom góp, tích lũy làm vốn sống cho mình.

(Nguyễn Lệ Uyên)

Trần gian vốn là mộng

Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn
Địa ngục vô môn hữu khách tầm

Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa - 2

Tất cả những điều này được các nhà phê bình văn học lớn nhỏ phân tích mổ xẻ khá là căn kẽ. Chỉ tội thân ông, một ông cụ già hồn nhiên, bỗng sau năm 1975 bị giới phê bình VC gán cho cái vòng kim cô : “nhà văn tiến bộ trong vùng đô thị tạm chiếm”.

Đọc những dòng viết tràng giang này, ông chỉ mỉm cười mà không bộc lộ một thái độ nào, coi đó như những lời nhàn đàm trong buổi trà dư tửu hậu. Ông không quan tâm những gì người ta nói về Võ Hồng theo kiểu cách “bần cố nông đấu tố địa chủ phong kiến”.

Cuộc đời của ông là ngòi bút và trang giấy để trả nợ quê hương từng nuôi dưỡng ông. Và ông tiếp tục viết. Viết vì những cảm xúc không thể dằn lòng, như ông đã từng viết với những trang sách của ông (Một Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng…)

Những lần được hầu chuyện ông trên căn gác nhỏ bừa bộn sách báo, mền gối, bút mực, bày la liệt. Nhắc lại “khu Xóm Mới hồi đó toàn cát, gai bàn chải, lộn xộn mà êm”, hỏi thăm Lò Gốm quê ông còn hay mất. Và qua từng trang sách. ông nhẫn nại làm việc bằng thứ ngôn ngữ đặc sệt nhà quê của quê hương ông. Lấy bối cảnh cho một cốt truyện, ông cũng đưa vào tên làng tên xóm nơi ông từng sinh ra và lớn lên và rời xa nó; chọn tên một nhân vật, ông cũng tìm những cái tên chơn chất cha mẹ đặt cho thời thơ ấu.

(Nguyễn Lệ Uyên)

Trần gian vốn là mộng

Gởi trời một giọt mù sương
Trao về cho đất vô thường cỏ thơm

 225 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

 Tôi biết ông (Vũ Trọng Phụng) mới từ hồi làm báo Công Dân, cách đây độ bốn, năm năm chi đó. Hồi ấy có lẽ là hồi quẫn bách nhất trong đời ông, vì ngoài báo Công Dân ông không có chỗ làm nào khác, mà báo chỉ là cơ quan của một bọn anh em nhà văn nghèo dúm rau, dúm bếp làm với nhau, ít khi trả tiền, in rồi, trong két được có tiền thừa mà trả cho người cầm bút. Thế nhưng, ông cũng không tỏ ra mình cần tiền. Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy năm xu đi xe. Một điều quan trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào.

Từ bữa nghe ông tạ thế, chẳng riêng gì các bè bạn, phần nhiều độc giả các sách của ông đều lấy làm thương tiếc. Ngoài sự ái ngại cho cái gia đình thảm đạm của ông, người ta còn ái ngại cho cái số mệnh ngắn ngủi của ông là khác. Đành rằng vậy. Trong một thế giới lắm người bảy tám, chín mươi, mà ông chỉ được có hai mươi tám tuổi, kể cũng thiệt thòi nhiều lắm.
Tuy vậy, vị tất ông đã chết non. Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ. Nhớ ông, thương ông, tôi cũng như các bạn của ông, nhưng không kể ông là người không thọ. Cái mà tôi lấy làm ân hận chỉ có một câu trả lời khi ông nằm trên giường bệnh.

 Tôi cố khuyên ông hãy dùng thuốc tây. Hình như ông cũng nhận thấy ý tôi, nên mới hỏi rằng:
- Bác tưởng tôi có chết không?
Câu hỏi của ông làm cho tôi buồn vô hạn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh mà đáp lại rằng:
- Chết làm sao được!
Tôi nói dối ông. Thực ra, bệnh trạng của ông, còn ai dám chắc rằng sống! Nghe nói mấy bữa trước ngày lâm chung, ông mong tôi lắm. Không biết mong để làm gì, hay để trách tôi nói dối.
Nếu quả thế, tôi đành phụ ông. Nhưng vì không muốn để ông trước khi từ giã cuộc đời, ngoài cái lo nghèo, lại thêm một cái lo chết. Cho nên tôi phải nói thế. Nói thế vị tất đã là nói dối.

Bởi vì một chồng tác phẩm của ông còn kia.

(Gia thế ông Vũ Trọng Phụng – Ngô Tất Tố)

Hà Nội trong mắt người trí thức - 1

ĐT : Một tờ tạp chí xuất bản ở Hà Nội giải thích hai chữ thanh lịch của người Hà Nội thế này: Chữ "thanh" trong thanh lịch là thanh tao, thanh tịnh, thanh nhã, thanh đạm, thanh khiết ... Chữ "lịch" là lịch lãm, lịch thiệp, lịch duyệt. Có đúng thế không?

NHC : Đó chỉ là suy nguyên về mặt ngôn từ thôi, còn muốn hiểu thanh lịch của người Tràng An thực sự thì phải hiểu từ bản chất. Thanh lịch nên được hiểu nôm na là "nền nã" thì đúng hơn. Tràng An là nơi hội tụ của bốn phương đất nước sớm nhất trong lịch sử và đã trải qua gần mười thế kỷ. Chính chiều dày lịch sử đó đã tạo nên con người với một sự ứng xử thế nào cho đẹp. Xã hội Tràng An nổi bật lên vì trong cả một cái biển mênh mông là nông thôn và làng mạc, bên trên thì rất sợ mấy ông chánh phó lý, không làm gì có tự do - giới hạn trong cái gọi là được mặc sức làm ăn sinh sống. Những cái đó cứ được cố kết lại, đúc lại dần dần. Đồng thời thêm vào đó là học vấn, là văn hóa; sự cư xử phù hợp với học vấn và văn hóa càng góp phần tạo ra nét thanh lịch của Hà Nội.

Đào Tuấn : Hình như cái thanh lịch của người Hà Nội giờ đã khác xưa.

Nguyễn Huệ Chi: Hà Nội bây giờ mất thanh lịch đi nhiều. Sự tăng dân số một cách cơ học quá nhanh đã làm văn hóa truyền thống của Hà Nội phai nhạt đi. Cấu trúc gia đình cũ của Hà Nội bị phá vỡ cũng là một nguyên nhân quan trọng. Vào khoảng sau 1954, một ngôi nhà từ đời ông đời cha để lại bị chia xẻ thành năm bảy cái nhà con, cho rất nhiều hộ từ đâu đâu về ở, khiến cho ứng xử của họ không còn giống như khi ngôi nhà ấy còn là một căn nhà êm đềm, trong đó có tôn ti, có nhường nhịn, có đi nhẹ nói khẽ nữa. Trật tự văn hóa đã thay đổi. Để trở lại thanh lịch như mong muốn thì phải chờ thời gian xác lập lại trật tự hợp với quy luật. Ngày xưa tôi thấy bố tôi nói, người ta đi ngoài đường không nói những lời sỗ sàng, bây giờ thì chuyện ấy có nhiều, nhất là với những người trẻ tuổi.

(phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)

 Nhân nghĩa bà Tú Đễ

 Có thể đôi lần, chúng ta nghe ai nói tới câu thành ngữ này. Chẳng hạn: “Ôi dào! Tôi lạ gì ông ta. Đúng là nhân nghĩa bà Tú Đễ”..

Như vậy, câu thành ngữ này để chỉ “hành vi của ai đó, được coi là đã làm một việc nhân nghĩa, nhưng thực chất chỉ là hình thức, không thật lòng”. Ngữ nghĩa có thể là như vậy. Vấn đề là tại sao người ta lại kéo “bà Tú Đễ” vào đây? Và bà là ai mới được chứ?

 

Tương truyền ở vùng Kinh Bắc xưa có một đức lang quân, tên là Đễ. Ông đã từng đỗ tới bậc tú tài. Vợ ông là một phụ nữ thuộc dòng quý phái. Bà luôn tỏ ra là một người nhân từ, tử tế, tốt bụng.

Nhưng bà tốt bụng ra sao? Ruộng nhà bà cho cấy giẽ. Bà chỉ lấy thóc bằng nửa người khác. Song bà lại đặt điều kiện là không thu thóc khi gặt hái xong mà lấy bất cứ lúc nào. Vào mùa thu hoạch xong, thóc lúa đầy bồ bà chưa hỏi han gì.

Đến khi tháng ba ngày tám, bà mới cho người đến đòi nợ. Đúng kì giáp hạt, thóc cao gạo kém, giá lương thực đắt gấp ba bốn lần, nhà nghèo ăn còn chả có, lấy đâu ra một đống thóc kia để trả? Nếu đủ thóc trả, thì coi chừng chạy cũng sạt nghiệp.

Đằng nào thì bà cũng hời to.

(Bảo Lâm)

Hà Nội trong mắt người trí thức - 2

ĐT : Còn văn hiến Thăng Long, thưa giáo sư, chúng ta phải hình dung thế nào về nó?

NHC:  Muốn hình dung cái gọi là văn hiến Thăng Long thì trước hết phải hiểu "văn hiến" là gì. Hiểu thật vắn tắt thì "văn hiến" bao gồm hai thành tố là điển tịch và hiền tài. Đó là hai thành tố không tách rời nhau, làm nên bộ mặt văn hóa của một nước.

Thăng Long để lại một truyền thống văn chương sách vở không kém phong phú, mặc dầu trải qua các biến cố lịch sử cũng bị mất mát nhiều. Còn hiền tài thì đương nhiên Thăng Long đời nào cũng có. Không thế đã không có mấy chữ "sĩ phu Bắc Hà".

ĐT : Tính độc đáo của nền văn hóa Thăng Long nằm ở đâu? Có thể coi văn hóa Thăng Long là đại diện cho nền văn hóa Bắc Hà.

NHC : Cũng có thể coi văn hóa Thăng Long là văn hóa Bắc Hà khi đất nước mở rộng biên giới về phía Nam sông Gianh kể từ thời nhà Trần trở về sau, và dần dần hình thành nên một khu vực dân cư rộng lớn cũng là một khu vực văn hóa quan trọng có tên là văn hóa Nam Hà. Chia nhỏ ra thì Bắc Hà cũng có nhiều tiểu khu vực văn hóa mang đặc trưng riêng như văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Nghệ Tĩnh v.v..., nhưng hình như có một hiện tượng xẩy ra từ rất sớm, là những tiểu khu vực văn hóa này luôn luôn lấy Thăng Long làm điểm quy tụ để giao thoa, xuyên thấm vào nhau; vì thế vô hình trung tinh hoa của những vùng văn hóa nói trên đều góp phần bồi đắp cho văn hóa Thăng Long thêm rực rỡ.

(phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)

Phố nhỏ, ngõ ngang, hẻm dọc , Hà Nội 36 phố phường

Ngôi nhà 115 Hàng Bạc trước đây là chủ sở hữu tư nhân do cụ Phạm Văn Thanh (đã mất) đứng tên. Sau năm 1955. Con trai cụ kể, năm 1890 khi bắt đầu hình thành phố Hàng Bạc, gia đình cụ từ làng Châu Khê (Hải Dương) lên Hà Nội sinh cơ lập nghiệp, mang theo nghề kim hoàn gia truyền của làng mình. Năm 1920, thân sinh ông Giao đã mua mảnh đất 2 mặt phố là Hàng Bạc – Đinh Liệt và xây dựng ngôi nhà vườn kết cấu 2 tầng.

 

Ngôi nhà vừa mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt với những đầu hồi có gắn hình con rồng cách điệu, vừa mang phong cách kiến trúc nhà biệt thự. May mắn thay, căn nhà gần như vẫn giữ được những kết cấu chính: ban công hiên nhà được trang trí những họa tiết cầu kỳ; khuôn viên rộng trước cửa nhà trồng cây cảnh, đặt hòn non bộ, bể cá vàng; khu vườn rộng xanh mát với các loài cây cau, lộc vừng, tre đằng ngà, trúc quân tử..

(Lương Văn Hồng)

Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 1

Vũ Ngọc Phan: Trong bộ Nhà văn hiện đại. Quyển nhất, tác giả chỉ nói đến Trương Vĩnh Ký, bỏ qua Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, rồi giới thiệu các tác giả viết trong Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong (Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật...) và Đông Hồ, Tương Phố.

- Nói về thể văn truyện ngắn theo lối Âu Tây, Vũ Ngọc Phan khẳng định Phạm Duy Tốn là người đi trước nhất: "Nhưng người ta cũng không thể quên ông là người đã viết truyện ngắn theo lối Âu Tây đi trước nhất. Như vậy người ta cũng có thể nói: Phạm Duy Tốn là nhà tiểu thuyết đi vào đường mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà". (trang 141).

 - Còn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được chú ý. "Tố Tâm là một quyển truyện rất văn hoa, kết cấu cũng khá và đã ra đời vào một thời mà tiểu thuyết sáng tác còn thấp kém, quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai. Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phải nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh" (trang 176). Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Na, 45 thi sĩ được coi là những nhà thơ hiện đại làm thơ mới, chỉ có hai người ở miền Nam được nói đến: Đông Hồ và Mộng Tuyết. Trong bài nói đầu: một thời đại trong thi ca, hai ông nhìn nhận Nguyễn Thị Kiêm, một người đã diễn thuyết cổ võ cho thơ mới ở miền Nam hồi 1933 là một nữ sĩ có tài có gan này không được giới thiệu trong số 45 thi sĩ hiện đại mà nhiều người trong số 45 đó ngày nay đã hoàn toàn bị bỏ rơi vào quên lãng.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt



Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (1926 - 2004)


Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tên thật là Lê Trọng, sinh năm 1926 tại Quảng Nam, hội viên của Hội Tác giả, nhạc tác gia và nhà xuất bản âm nhạc Pháp (Société des Auteurs, Compositeurs et Editeurs de Musique – SACEM). Chữ “Nguyễn” trong bút danh của ông là họ của người mẹ. Nhà ông là trường tư thục Hoàng Hồ nằm trên đường Nhật Bản (cũ), sau đổi tên là đường Cường Để trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Lê Trọng Nguyễn viết Nắng chiều năm 1952. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là một cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn (Bình Định) đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Ca khúc được thu thanh lần đầu tiên năm 1953 bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất với tiếng hát của danh ca Minh Trang. Chính Lê Trọng Nguyễn soạn hòa âm và phối khí cho dàn nhạc chơi bài này.

(Vũ Đức Sao Biển)

 Ý nghĩa số lạy (bái), vái

 4 lạy

Trong lễ tế suôi gia tại Kiên Giang, khởi đầu người tế lạy 2 lạy để trình với thông gia, sau cùng buổi tế thì lạy 4 lạy gọi là lạy tống tức báo tế lễ đã xong

Sư và vãi

Nguyễn Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp đãi ân cần, thì mấy ông bạn quý lại quay ra báng bổ nhà chùa.

Sư cụ bực mình ra câu đối:
Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ

Nguyễn Hòe cực chẳng đã phải đối bằng diễu cợt để cứu vãn thể diện chung:
Trên sư dưới vãi, ngảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)

Những tờ báo cũ miền Nam

Nhưng đó là một vụ lẻ loi. Người đàn ông tới tòa soạn tờ báo kiếm tôi muốn bán bộ tạp chí Văn 245 số đã đóng thành 42 tập. Ðương nhiên là tạp chí Văn đối với người viết văn đáng quí hơn là tạp chí Bách Khoa. Người bán không chịu ra giá. Hỏi nhiều lần anh cũng không nói. Người bán không nói giá, người mua không biết đâu mà tính, nhưng cứ khả năng mình, tôi nói sẽ biếu anh nguyên bộ Khởi Hành trị giá lúc ấy khoảng 300 Mỹ kim, cộng thêm 1500 Mỹ kim tiền mặt, anh nhìn tôi lặng lẽ đi ra. Khoảng vài chục thước, anh quay lại nói: “Tôi nợ credit card sát ván rồi, nên mới phải bán bộ báo Văn.” Hỏi anh bộ báo của chính anh mua rồi mang từ VN qua hay của ai, anh nói khi còn ở VN, anh chỉ mua tiểu thuyết đọc, chứ không mua tạp chí. Nhưng một hôm vào cái ngõ ở khu Tân Ðịnh, thấy một ông mập mạp cởi trần đang ngồi bán mấy thứ lặt vặt trước nhà, anh hỏi mua sách, thì ông nói có bộ báo Văn, có mua thì ông bán. Ông mang ra cho xem mới thấy ở gáy tập báo nào cũng có tên chủ nhân mạ chữ vàng in nổi trên cái bìa simili màu xanh xám: Trần Phong Giao.

Tôi im lặng nhưng lòng trĩu nặng, đó là thư ký tòa soạn tạp chí Văn, đó là bạn tôi, đó là người mang hết tinh hoa kiến thức của mình gầy dựng nên tờ báo văn chương có nhiều năm bán chạy nhất ở miền Nam. Năm 1975 từ Virginia tôi gửi thư về địa chỉ ở Tân Ðịnh cho bạn, nhưng thư bị trả về, bên ngoài phong bì có nét bút gạch chéo sỗ sàng, và mấy chữ “không có ở đây.”. Người bán sách cũ nói thêm anh không định mua bộ báo, chỉ khi biết người đó là Trần Phong Giao, người làm ra bộ báo, anh mua, để giúp ông, vì đoán chừng ông đang cùng quẫn ở thành phố Sài Gòn.

Suy nghĩ tới lui: nợ credit card hết mức rồi thì chắc là 5,000 Mk, bỏ ra số tiền ấy để mua bộ báo cũ, nhà thơ nghèo không kham nổi. Người bán sách báo cũ nghĩ sao, cho tôi số điện thoại và số nhà ở Los Angeles rồi mới quay đi. Hẳn anh hy vọng biết đâu tôi có thể đổi ý. Quả là cách đây vài ba năm tôi có kiếm anh, vì có một hai bạn đọc tri âm muốn mua bộ báo đó tặng lại tôi, song anh không còn ở chỗ cũ. 

(Viên Linh) 

 Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 2

 Đào Đăng Vỹ: Lịch trình tiến hóa của văn học và tư tưởng Việt Nam hiện đại (1865-1946). Năm 1948, Đào Đăng Vỹ diễn thuyết ở Huế (18-7) và ở Sài Gòn (2, 17-10-1948) bằng tiếng Pháp về lịch trình tiến hóa của văn học và tư tưởng Việt Nam. Hiện đại (1865-1946) chúng tôi chỉ có bản tiếng Pháp lập lại luận điểm đã nói trong Patrie Annamite có kể tên các báo Nông Cổ mín đàm, Nhựt báo Tỉnh, Lục tỉnh Tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn, Nam Phong...

Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu: Lược truyện các tác giả Việt Nam tập II (nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972) Nghiêm Toản đã lưu tâm nhưng còn rất mơ hồ. Đến các tác giả bộ Lược truyện..., sự thận trọng rõ rệt hơn. Chẳng hạn về văn xuôi, trước hết đã phát hiện một tiểu thuyết bằng văn xuôi, chữ nôm, vô danh, không biết được sáng tác tự bao giờ, nhan đề "Trần Đại Lang" được Hồ Văn Đoàn dịch ra tiếng Pháp trên tạp chí Revue Indochinoise 1905.

Còn về tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ, nhắc đến cuốn tiểu thuyết viết theo lối mới "Cuộc tang thương" của Đặng Trần Phát (nhà in Vĩnh Thành, 1923, Hà Nội) nghĩa là viết và in trước Tố Tâm. "Cuộc tang thương" viết năm 1922 và xuất bản năm 1923, trước Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (xuất bản năm 1925). Cuốn tiểu thuyết "Cành lê điểm tuyết" của Đặng Trần Phát, cũng là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng lại viết trước "Cuộc tang thương".

 

Vì muốn tìm hiểu cũng chưa có điều kiện, nên các tác giả kể trên chỉ kê khai một số tác phẩm của Nguyễn Chánh Sắt là tác giả duy nhất biết được.Có lẽ sự thận trọng dè dặt của nhóm ông Trần Văn Giáp không được chú ý đến, nên dư luận nói chung khi đề cập đến văn xuôi, tiểu thuyết thời kỳ này, cho đến nay vẫn nhắc lại luận điểm của các ông Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

Sơ lược thi cử ngày xưa

Nội dung các kỳ thi gồm các bài về kinh ngiã, thơ văn, văn sách. Duy chỉ vào đời Hồ Quý Ly mới có thi tóan pháp.

Các kỳ thi khó khăn như vậy có giúp gì cho đất nước, cho triều đình tuyển lựa nhân tải?”. Công bằng mà nói, nhiều nhân vật lịch sử có công với đất nước đã được tuyển chọn trong các kỳ thi này như: Nguyễn Trãi (Thái học sinh đời Hồ Quý Ly), Ngô Thời Nhiệm (Tiến sĩ thời Hậu Lê), Phan Thanh Giản (Tiến sĩ triều Nguyễn)…

Các đề thi trong các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình không hòan tòan tầm chương, trích cú. Mỗi kỳ thi ngòai phần kinh nghĩa và thi phú đều có một bài thi văn sách gồm 2 phân cổ văn và kim văn. Phần cổ văn hỏi về chính sử và sử Trung Quốc. Phần kim văn hỏi về chính sự nước nhà.

Theo tác giả Lãng Nhân trong Giai thọai lang nho. Năm 1818, đời vua Tự Đức, đầu bài kim văn kỳ thi Hội do chính vua đề ra là: “Quân xâm lăng càng ngày càng gây hấn, đồn lũy dựng lên khắp nơi. Vậy nên đánh hay nên hòa?”.

(Ông Nghe ông Cống xưa và nay – Trần Thạnh)

Ca trù, hát nói


 Phố cô đầu huyện Vũ Tiên (tỉnh Thái Bình)

 Nguyễn Công Trứ quê gốc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng thân sinh là Nguyễn Công Tấn là tri huyện Quỳnh Côi, sau là tri phủ Tiên Hưng. Ông bà Nguyễn Công Tần, sinh hạ cậu bé Củng (tên Nguyễn Công Trứ thuở nhỏ) ở Quỳnh Côi.

 

Cũng có thể vì vậy, cụ Nguyễn Công Trứ đã kiến mộ dân nghèo đắp đê biển, lập ấp. Cụ chiêu mộ nông dân lưu vong ở các nơi đến để khai khẩn đất hoang ở đây và lập lên huyện Tiền Hải.

Cụ Nguyễn Công Trứ mất tại chính quán (Nghi Xuân). Lúc sinh tiền, dân huyện Tiền Hải mang ơn cụ và lập sinh từ cho cụ. Về sau cụ cũng được sắc phong làm tôn thần thành hoàng của cả tổng Hướng Đạo, huyện Tiền Hải vào năm Khải Định thứ 2.

Lúc còn niên thiếu, cụ mê cô đầu đến nỗi phải đi theo cô đầu gánh hòm đồ nghề cho các cô. Một hôm cụ quảy đồ nghề cho nàng đi hát, khi qua khu miếu ở giữa cánh đồng làng Tường Yên thuộc huyện Thư Trì (Kiến Xương). Đoàn hát vào nghỉ mệt. Cụ định giở trò “nài hoa ép liễu”. Nhưng cô nàng không chịu nên vùng vằng…“ứ hự”.
Một thời gian sau, sau khi cụ đỗ đạt và được bổ làm tri huyện Thư Trì. Tổng lý đem cô đầu đến hát mừng quan mới. Khi nghe cô đầu ngâm câu: “Giang sơn một gánh giữa đồng... Thuyền quyên ứ hự... Anh hùng nhớ chăng?...” Cụ sực tỉnh và nhìn kỹ lại thì đúng là cô nàng xưa kia ở làng Ô Mễ (Thư Trì). Lần này thì mình là quan huyện, chắc cô nàng không còn…ứ hự nữa, mà có lẽ là…”ừ hự”. Người ta bảo cô này sau được làm quan tắt. Nghĩa là một bước nhẩy lên làm bà huyện ngay thôi.

Cụ là Dinh điền sứ, mở mang huyện Tiền Hải. Vì vậy đất Thái Bình nẩy sinh ra phố cô đầu huyện Vũ Tiên, chắc là do thừa hưởng cái di sản vui thú ả đào, ca trù của cụ.

(…) Ở miền Bắc chỉ có hai xóm cô đầu nổi tiếng là Khâm Thiên (Hà Nội) và Vũ Tiên (Thái Bình).

Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn

Không rõ 10 bang người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn cho mấy nhưng 5 bang chính gọi là “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, và Phước Kiến. Nhiều người Hoa (Tầu) đến từ những tỉnh miền duyên hải phía nam Trung Hoa định cư tại Chợ Lớn. Họ họp nhau, sống chung với từng bang hội, tùy theo gốc tích cố hương. Do đó, những tên hẻm được đặt với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường đã được thấy, như hẻm Tuệ Huê (làng Tuệ Huê).

như trong “lý trưởng” có nghĩa tương đương với làng, hoặc thôn. Đó là một quần thể tập hợp khoảng vài chục nóc nhà.

Hạng như trong câu thơ “Từ Ô Y Hạng rủ rê sang” của nhà thơ Quách Tấn, có thể dịch là xóm, qui tụ khoảng mươi nóc nhà cận kề nhau. Thường ra, một ông đại gia nào đó, mua một khoảng đất lớn sát một con lộ lớn. Trên miếng đất đó ông ta cho xây ngoài mặt tiền những cửa hàng xoay cửa chính ra ngoài lộ. Giữa những cửa hàng đó, có một con hẻm dẫn vào một khu xóm nhỏ, được lập ở phần sau khu đất, khoảng 7-8 căn nhà, cho họ hàng, con cháu của chủ nhân ở. Đầu con hẻm thường đắp chữ nổi, hay có bảng gỗ nói lên nơi chốn cố hương chủ nhân, chẳng hạn “Thái Hồ Hạng”, “Xóm Thái Hồ”  vì quê cũ của ông ta ở Hàng Châu.

(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)

Văn hóa…ẩm thực

Đậu rán

Ăn lòng lợn hoặc cháo lòng của người Bắc mà thiếu một đĩa đậu phụ rán (đậu chiên) thì coi như mới chỉ đạt tới 75% cái ngon. Một số người không chịu tìm hiểu tới nơi tới chốn, đã viết rằng đậu rán chỉ để ăn với cháo lòng, tương tự “dầu cháo quẩy”.

Còn nếu đem món đậu phụ dồn thịt chiên ra để chứng minh đậu phụ hợp với thịt heo cũng không đủ sức thuyết phục, vì ở đây đậu phụ được rán riêng rẽ để ăn dặm với lòng lợn hoặc cháo lòng.

Riêng người viết, qua trải nghiệm của bản thân, nhận thấy ăn lòng heo mà lâu lâu chơi một miếng đậu rán thơm lừng thì nó vừa bùi vừa béo không bút mực nào tả xiết! Đồng thời phải ăn lúc còn nóng thì mới tận hưởng được cái thơm ngon của nó.

(Thiên Lôi miệt dưới – tác giả ở Úc)

Bà già trầu

 

Bà già trầu miền Trung hay mụ trầu, mụ già trầu miền Nam là một. Một bà già có thú ăn trầu (trầu cau). Miền Bắc không có mấy bà này. Nhưng lại có một bà khác là mụ giầu.
Mụ giầu xuất hiện trong phóng sự Lục xì (1937) của Vũ Trọng Phụng 
(1). Trong tiểu thuyết Làm đĩ  (1937) Vũ Trọng Phụng viết là mụ giàu (2)
"Phía ngoài, ngay chỗ cửa vào (của dispensaire, nhà chữa bệnh, ngày xưa dân Hà Nội quen gọi là nhà Lục xì), độ chừng mười ba bà mụ giầu đương chuyện trò ầm ĩ chung quanh người gác cửa (...). Cứ trông đến thái độ khép nép rất có lễ độ, luôn luôn sợ hãi của họ và cái màu đen nghiêm trang đứng đắn của y phục họ, người không biết dám chắc không ai tưởng họ làm cái nghề ghê gớm là nghề chủ nhà thổ".

 

Mụ giầu, mụ giàu, mẹ giầu (Từ điển Gustave Hue, 1937) của miền Bắc là chủ nhà thổ (tiếng Pháp là tenancière de maison publique, là proxénète). Mụ giầu là Tú bà tân thời, thời Pháp thuộc.

 

(1) Vũ Trọng Phụng, Lục xì, Văn Học, 2004, tr. 113, 183.

(2) Vũ Trọng Phụng, Làm đĩ, Hội Nhà Văn, 2006, tr. 24-27.

(Nguyễn Dư)

Để nhớ lại một thời:Hoài niệm xe đò

Xe không chạy trên sông sao gọi xe đò?

Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi gặp ông ở một quán cà phê vỉa hè cách nay hai mươi năm. Trong chiếc áo sơ mi cụt tay, khuôn mặt ốm nhăn nheo màu bánh ít, mắt đăm chiêu sau cặp kiếng dày, ông thủng thỉnh trả lời theo kiến giải của mình.

“…Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện…”

(Trang Nguyên)

Võ Kỳ Điền với thảo mộc

Cây phong

Thảo mộc cũng vậy, cây nào bên Tàu cũng quí và thơ mộng hơn cây cối bên Việt Nam. Thơ văn cổ mình có bao giờ nói tới cây sao, cây dầu, cây bằng lăng, cây gõ, cây cẩm lai, cây mít, cây ổi,... mà toàn là cây ngô đồng, cây phong, cây cù mộc, cây tử, cây tang, cây du, cây đào, cây hạnh...

Quả đúng vậy, cây phong là thứ cây mà thơ văn mình thường nhắc tới. Cây phong (érable / maple) thứ cây đặc biệt của Canada, cây to cở hai ba người ôm, gỗ quí cứng chắc, lá to bằng bàn tay có 5 nhánh, hình dùng làm cờ tiêu biểu cho đất nước, Canada là Xứ Cây Phong, đi đâu cũng gặp.

- Người lên ngựa, kẻ chia bào,
- rừng thu phong đã nhuốm màu quan san
.(Kiều)

Thu đến lá phong đổi màu, tùy theo giống mà lá đỏ hay vàng.

- Trận gió thu phong rụng lá vàng,

rồi thì sau đó :

- trận gió thu phong rụng lá hồng.

 Lúc còn ở trong nước, có người thắc mắc - đã có gió rồi sao lại có phong nữa? Câu hỏi khó, nhưng nếu biết rõ phong là cây phong thì chắc không ai còn thắc mắc nữa, không cần phải học chữ nho làm chi. Thi sĩ Tản Đà đã đổi nhịp ngắt câu quen thuộc của thơ Đường - trận gió thu, phong rụng lá vàng.

Học lại chữ Hán

Nghe các sử gia Pháp phụ họa theo các sử gia Tàu nói rằng thuở ấy ta còn theo chế độ mẫu hệ, các nhà học giả ta giãy nảy phủ nhận, viện rằng ta đã có vua đàn ông là Hùng Vương.

Chứng tích "Vua đàn ông" nặng cân không bằng danh từ Cha.

Ta có thể nào tân tạo danh từ Cha, sau khi tiếp xúc với nhà Hán hay chăng? Có thể, nhưng lại không. Thường thì khi một dân tộc vay mượn một món đồ, một ý niệm, họ vay mượn luôn danh từ trong ngôn ngữ của dân tộc cho vay. Thí dụ ta vay mượn cái xà rông của dân Mã Lai thì vay luôn danh từ xà rông.

Người miền Nam vay mượn một thứ bánh của người Chàm. Người Chàm gọi bánh đó là bánh Gan con Tây (tức con Tê ngưu), ta cũng dịch y nguyên là bánh Gan con Tây.

(Sau này, vì luật lười biếng, người miền Nam nói tắt là bánh Gan)

Sự tân tạo chỉ để dành cho sáng tạo, cho phát minh riêng của dân tộc. Người Trung Hoa thường tránh mượn tiếng nước khác, nhưng vẫn phải phiên âm nhiều món như Cà- phê, Quan Thoại đọc là Khá fi, Quảng Đông đọc là Cafế.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)

 Tìm lại tam cúc

 Tam cúc rất ấm áp nằm trong thơ văn. Có lẽ vì cái thân mật và ấm cúng mà những quân bài giản dị với những hình vẽ ngây ngô mang lại. Nhìn vào bộ bài mà tôi cùng cả nhà say mê thời nhỏ dại, tôi thấy chỉ có lá tướng và sĩ có vẻ…oai phong.


 

Lá tượng vẽ con voi còn ra hình voi. Lá xe thì quá tức cười. Cả một bộ bài có hình quân sự, từ tướng tới quân, vậy mà xe không phải…thiết giáp mà là hình một chiếc xe cút kít có hai càng để kéo. Con mã có hình chú ngựa bình thản đứng ăn cỏ chứ không phải là chiến mã xông pha ngoài chiến trận. Mặc những bất cập ngây ngô, tam cúc vẫn lừng lững đi vào văn thơ. Từ tam cúc của thời thơ dại như bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về câu chuyện có thật của cô em gái tên Giang đánh bài tam cúc với con mèo.

(Song Thao)

Trâm gẫy, bình rơi

 Câu 70 của truyện Kiều chép:

Thì đà trâm gãy, bình rơi bao giờ

Đào Duy Anh trong hiệu khảo và chú giải Truyện Kiều trang 22:

“cái trâm gãy, cái bình bị rơi vỡ là tỷ dụ về người đàn bà đã chết”.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn


May mà tôi cũng chưa húp lầm cháo Lú ở bến đò sông Nại Hà để quên sạch sự đời. Lấy đâu ra tư liệu để viết
Hồi Ký Viết Trên Gác Bút. Thì ra tôi vẫn còn sống, vẫn còn minh mẫn. Không như anh bạn của tôi, thi sĩ Tú Kều, nổi tiếng một thời ở Sài Gòn trước 1975. Anh đã húp lầm cháo Lú ngay khi còn sống nhăn ở thế gian. Khiến anh quên tất cả: Quên đời, quên gia đình, quên tất cả những người thân, thậm chí không biết mình là ai...Vợ anh kể rằng, anh vừa ăn cơm xong, lại đòi ăn nữa vì quên biến rằng mình vừa ăn rồi. Chứng bệnh đó, người ở thế gian, bên cõi Âu gọi là bệnh Alzheimer, tên của vị bác sĩ tìm ra chứng bệnh đó. Đi ra đường mà không ai đưa dắt là Tú Kều đi lạc, không biết đường về tổ ấm của mình. Sống cứ ngơ ngơ ngáo ngáo chẳng ra sao hết. Anh ngồi với người thân nào đó cũng như với người xa lạ. Hệt như phim Bay xuống vùng đất lạ mà tôi mới được xem trên truyền hình. Hai người phi công bị rơi ở một vùng đất xa lạ úc châu. Nhiều ngày tháng lạc lõng đói khát, khổ cực, cô đơn. Cuối cùng được trở về với thế giới văn minh. Một trong hai người trở nên điên khùng, quên hết mọi sự đời, vĩnh viễn sống trong u tối, sống như một cục thịt, một nắm xương tàn đến trọn đời. Nhưng dù muốn dù không tôi cũng phải kiểm chứng lại chuyện này, tìm xem lý do nào khiến Tú Kều lại rơi vào tình trạng ấy. Tại sao tâm hồn anh lại tê tái đến vô cảm. Thuở Tú Kều còn tỉnh táo, anh có đưa tôi đọc tập thơ anh làm trong tù, những bài thơ cay đắng phẫn nộ, những cảnh trông thấy trong những ngày tù tội dài dằng dặc. Nhà thơ yếu đuối đó được trở về sớm hơn bản án anh phải mang, không biết do ân huệ từ đâu tới. Anh người Sơn Tây, từng kể chuyện quê hương anh cho tôi nghe, đọc thơ Tản Đà, Quang Dũng. Anh đọc bài thơ Quang Dũng, ánh mắt người Sơn Tây:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều se sắt thổi đêm trăng
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc tàn chinh chiến cũ
Thì có bao giờ em nhớ la

(Nguyễn Thụy Long)

Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ

Đọc những bài tùy bút trong Tình Khúc Đại Học không thể không cảm thấy mến yêu thầy, người đọc sẽ gặp ở đấy một tấm lòng muôn thuở đối với môi trường giáo dục đại học, với một cách nhìn kiến trúc trường ốc, nhìn truyền thống trao truyền kiến thức, nhìn các sinh hoạt sinh viên... vô cùng thiết tha và sâu đậm, với một lối viết rất là văn nghệ. Và lạ lùng thay, tất cả các bài viết riêng rẽ trong Tình Khúc Đại Học đều bắt đầu với hai chữ “Tôi yêu”...

Đối với Sorbonne: “Tôi yêu màu xám Paris của nửa chừng thế kỷ trong những năm 50, màu xám quen thuộc, màu xám huyền diệu mà H. Miller vẫn bùi ngùi cảm động nhắc tới như một nguồn thơ trìu mến, dìu dịu ngọt tuổi thanh xuân... Tôi yêu Sorbonne trước thời chỉnh trang đô thành...”

Đối với Cambridge: “Tôi yêu điệu blue ‘Dòng sông xanh’ của Cambridge, điệu moderato tịch mịch, chầm chậm, nhẹ nhàng buông lơi, điệu nhạc tươi sáng vừa dựng xong trong tâm tư cho riêng chính mình.”

Đối với Heidelberg: “Tôi yêu bản trường ca màu hồng của Heidelberg. Màu mong manh, sáng chói, yêu đời và cũng hơi đàn bà..., tình cảm, bâng khuâng...”

Đối với Harvard: “Tôi yêu màu nâu pha đỏ, ấm áp, bền vững – màu bordeaux, hay huyết dụ? – của tường nhà Harvard. Ấm áp ngay cả khi tuyết rơi trắng muốt, xóa mờ những bãi cỏ xanh.”

Và, đối với Văn Khoa Sài Gòn: “Tôi yêu những tấm lòng trinh bạch và màu trắng đơn sơ, hồn hậu, màu thanh bần lạc đạo trên vách tường Văn khoa, Văn khoa linh hồn thầm kín của đại học và quê hương trong những mùa lịch sử, nóng bỏng, sôi động.”

(Phạm Phú Minh)

*

Phụ đính I

40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn

Tổng hợp từ nhiều nguồn)




 Đỗ Ngọc Yến
 (1941-2006)


Ông là người sáng lập và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của nhật báo Người Việt, tờ báo lâu đời nhất và cũng lớn nhất tại hải ngoại.

 

Ông bắt đầu viết báo khi còn đi học và là chủ bút tờ báo ở trường Trương Vĩnh Ký. Khi vào đại học Văn khoa, ông trở thành một đại diện trong ban Chấp hành Sinh viên và đã tổ chức những cuộc xuống đường đòi lật đổ tướng Nguyễn Khánh năm 1964. Năm sau ông bắt đầu làm việc với International Voluntary Service (IVS), một hội thiện nguyện Hoa Kỳ, vận động tổ chức thanh niên sinh viên giúp tổ chức này phân phối thực phẩm cho đồng bào bị nạn bão lụt ở miền Trung. Từ năm 1964 ông viết bài cho các nhật báo Sống, Sóng Thần, Ðại Dân Tộc, tuần báo Ðời, và nhiều tờ báo khác. Bắt đầu từ thập niên 1970 ông cộng tác với nhiều phóng viên các báo ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam. Ngày 26-04-1975, ông và vợ cùng 3 con rời Việt Nam và định cư ở Hoa Kỳ.

Ông mất ngày 17-8- 2006 tại Fountain Valley, California.

 ***

Phụ đính II

Khó, dễ Nguyễn Tuân

 Ông là người viết về phở như một “miếng ăn kỳ diệu” với nhận xét trứ danh: Phở ăn giờ nào trong ngày cũng trôi, một ngày ăn vài bát cũng bình thường, ăn mùa nào trong năm cũng có nghĩa thâm thúy. Nhưng ngoài đời, ông không phải người quá nghiền phở. Song ông cũng thấu đáo và kỹ tính y như trong văn chương.

(Nguyễn Xuân Đào - con trai Nguyễn Tuân)

Sơn Nam vào chiến khu - 1

Ở Chiến khu 8, vùng Đồng Tháp Mười, ông Trần Văn Trà dành cho văn nghệ sĩ một chế độ sinh hoạt thoải mái, mỗi người ở riêng một căn chòi, tha hồ đi đứng, ngồi nằm, miễn là có cố gắng sáng tác. Nguyễn Bính đi lên trên ấy hồi nào, tôi (Sơn Nam) không hay. Thế rồi từ Chiến khu 8, trên báo Tổ Quốc, tôi vui mừng khi đọc được những vần thơ tươi mát, đôn hậu chứng tỏ nhà thơ đã hội nhập được với cuộc sống mới. Hãy nghe:

Thấy dừa lại nhớ Bến Tre,

Thấy sen lại nhớ đồng quê Tháp Mười

Trong Trường ca Đồng Tháp:

Hình thôn dáng xóm thương thương,

(…)

Nhà văn Sơn Nam kể như trên rồi nói rõ mục đích việc hồi tưởng của mình: “Dẫn chứng dông dài như trên vì hiện giờ gần như các tuyển tập của Nguyễn Bính ít thấy những đoạn thơ ấy”. Và Sơn Nam kể thêm, để thơ trên báo của mình đến được với người đọc, Nguyễn Bính mở hẳn một cửa hàng, một cơ sở phát hành. “Anh làm chủ hiệu sách tư doanh (có lẽ là đầu tiên ở chiến khu), nhà sách Nhân Dân, bảng hiệu ghi rõ ràng.

(Theo Ở chiến khu 9 NXB Trẻ 2002) 

 Sơn Nam vào chiến khu - 2

Sơn Nam đến cửa hàng sách này, ông kể:

“Trong khi anh đang xào nấu món gì đó ở sau bếp, tôi (Sơn Nam) nằm võng, hút thuốc mặc dầu bên cạnh sẵn chai rượu đế, nhưng tôi không màng vì dường như tạng phủ của tôi dị ứng với rượu.

Anh trao cho tôi những bài thơ cắt trong báo, lúc ở Chiến khu 8. Bài thơ dài, đề tài “địch vận”. Cô gái đẹp tên Hương đã lân la với bọn trong đồn bót. Ta mở trận đánh, đạt kết quả như ý muốn nhưng Hương bị thương:

Trên giường bệnh, trong một căn nhà vắng,

Hương bâng khuâng nhìn ánh nắng bên ngoài.

Trận xung phong làm chết mất anh Hoài,

Và lạc đạn, một tay Hương bị gãy.

(…)

Thi sĩ Nguyễn Bính còn tìm cách xuất bản miệng các bài thơ in báo của mình. Nhà văn Sơn Nam kể: 

“Buổi ấy, người ở ven sông Cái Lớn ít được dịp tiếp xúc với cách phát âm nghe như gắt gỏng, khó hiểu của người Việt từ đồng bằng sông Hồng. Mặc chiếc áo bà ba đen, không cài nút cổ, Nguyễn Bính đã nghiêm túc lên sân khấu, giữa tiếng hoan hô:

(…)

Thà rằng chết giữa chiến trường,

Còn hơn chết ở trên giường thê nhi.

Tổng phản công sắp sửa đến kỳ!

 

(Theo Ở chiến khu 9 NXB Trẻ 2002) 

            Ảnh năm 194... do tiệm ảnh Thanh Hà phục chế
 

 Mời Xem :

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 1/8/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét