4 thg 8, 2024

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 1/8/2024 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

***

Góp nhặt bên đường

Thời xưa, xưa thật là xưa, nhà nào chẳng may có người qua đời thì người nhà chỉ  cần lấy cái chày giã mạnh vào chiếc cối không, âm thanh khác thường ấy bào cho láng giềng chạy tới hỏi thăm, chia buồn và để cùng nhau lo việc chôn cất.

Phật giáo và Đạo giáo

Trong một ngôi chùa Bắc Việt người ta thường thấy chia ra làm 2 khu thờ lớn nhỏ khác nhau, và ngoài cửa còn có một vài cây cổ thụ như cây bồ đề, hay cây đa, cây gạo.

Tục ngữ nói: Thần cây đa, ma cây gạo.

Cung giữa chùa là để thờ Phật có tượng. Gian bên có 3 pho tượng nữ thần ở trên bệ, dưới có tượng quan tướng Ngũ Hổ. Như vậy đủ thấy chùa Việt Nam thờ hỗn hợp hai yếu tố với nhau là Phật giáo ngoại laiThần đạo bản xứ.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Vọng thê

 

Ở gần núi Ba Thê có xã Vọng Thê. Người ta giải thích rằng đi xa mong ngóng về vợ. Thực ra thì người Pháp đã đóng cái thang. Người ta leo lên cầm cờ phất qua phải qua trái để điều khiển đào kinh cho thẳng. Cái thang đó gọi là thang trông, chữ Nho là vọng thê. Cụ đồ nho nào đó đã lấy tên này làm tên xã.

(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)

 

Cười

 

Thì có: cười tươi, cười tươi như hoa, cười hề hề, cười hô hố, cười mím chi, cười nụ, mỉm cười, cười vang, cười rộ, cười toe tóet, cười tình, cười làm duyên, cười trừ, cười xả lả, , cười chua chát, cười nhẫn nhục, cười tít mắt, cười cầu tài, cười đểu, cười mỉa mai, cười chế diễu, cười mếu máo, cười gằn, cười nhếch mép, cười khanh khách, cười khềnh khệch, cười như nắc nẻ, cười sặc sụa, cười khúc khích, cười như pháo rang, v…v…

 

 Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Cùng mô tuýp với “Cô hàng nước”, cô hàng thứ hai của làng tân nhạc Việt Nam cũng là một "cô hàng" xinh xắn, trẻ trung, phơi phới. "Cô hàng cà phê” ngồi ở chợ Dầu làm

cho bao gã thiếu niên đa tình say mê, đến nỗi “đi đâu cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng cô nàng, thì trong lòng chàng mới yên”. Và trong số các chàng nho nhỏ ấy, có anh chàng đã “rạt rào muốn xiêu”.

Không chỉ có thế, tác giả để cho một anh chàng nữa xuất hiện, cũng yêu quá hóa như điên rồ đến nỗi thất tình mắc phải căn bệnh tương tư “Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma”. Để rồi, khi "cô hàng" biết yêu thì anh chàng cũng sắp tới thiên đàng”. Chẳng biết sau đó cô hàng sống thế nào nhưng riêng chút tình muộn kia cũng để lại bao nỗi xót xa cho lòng người.

 Và anh chàng tự sự trong ca khúc vẫn mơ mãi "cô hàng" với bàn tay ngà năm xưa.

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)

 Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

 Lịch sử, người nước tôi, như tự sơ nguyên định mệnh đã cài lắp những triền miên nội tình thù nghịch lẫn nhau, chẳng phép màu nào có thể hòa/hóa giải. Cho tới hôm nay, vẫn là một chờ đợi khó khăn: “Giờ phán xét cuối cùng”.

Nhân văn – Giai phẩm. Nhà thơ Hữu Loan qua đời vào trung tuần tháng 3 năm 2010 tại quê nhà, hưởng thọ 94 tuổi. Phùng Quán ra đi ngày 22 tháng 1 năm 1995. Trần Dần mất ngày 17 tháng 1 năm 1997. Cùng những ngày của mùa xuân.  Phan Khôi, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang...và nhiều nữa… những thành phần trụ cột của phong trào “Đi tìm tự do tư tưởng, đòi hỏi nhân quyền”, là đỉnh cao của văn hóa, cội nguồn, nay đã ra người thiên cổ.

Thiên cổ, là bên kia của hiện thực bên này ư? Bên kia, ai có nhớ về? Hoài niệm, bảo tôi nghĩ và viết những dòng này.

(Cung Tích Biền Sàigòn 1987 - Little Saigon, California 2017)


Tiểu sử
: Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, bút hiệu Chương Dương, Việt Điểu, sinh ngày 8.2.1938 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Trước ở tại Đồng Ông Cộ, Sàigòn, nay ngụ cư tại Mỹ

Tác phẩm : Ai tỉnh ai điên - Cõi ngoài - Bạch hóa - Chim cánh cụt - Thằng bắt quỷ

Trần gian vốn là mộng

Ta thoáng thấy thiên đường không mặc cả
Bến nước này xin rũ áo rong chơi

Dương Nghiễm Mậu, bác đã đi rồi

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác bùi ngùi lòng ta”

[Nguyễn Khuyến tiễn Dương Khuê]

  Dương Nghiễm Mậu, một tài năng đáng quý, một nhân cách đáng trọng, đã ra đi. Dù cẩn thận thế nào, dè xẻn chữ nghĩa ra sao, tôi hiểu, mình vẫn cứ phải nói. Ngoài trách nhiệm một nhà văn, Dương Nghiễm Mậu còn là một con người khôn khéo trong thuật “Xuất - Xử giữa cuộc thế  đầy những nghịch lý. Hành trình ấy là cuộc dài dặc đầy nan nguy mà thời cuộc đã luôn bày ra nhiều thử thách; chúng thật lòng khước từ sự chân thiện; chúng hết mình biến hóa Tà thành ra Chính; một sử lịch thiếu phân minh khi luôn mong muốn những ước mơ, hy vọng, nhân phẩm của mỗi con người phải bị toàn triệt bôi đen, tẩy xóa. Đến châu ngọc, cũng đành, dưới cái nhìn lem luốc, một thế cuộc đã vãng tuồng.

DDương Nghiễm Mậu
Cung Tích Biền

Sự nghiệp văn chương của Dương Nghiễm Mậu đã được minh định, và tồn tại tới hôm nay qua bao nhiêu thế hệ người đọc, tôi viết, muốn viết vể chữ nghĩa của ông, lại khó thể viết ra trong một bài ngổn ngang những ngậm ngùi này. Đành viết những kỷ niệm chỗ lai rai tương phùng, giữa tôi và ông.

Những gặp gỡ, kỷ niệm, những sớm chiều bên chén trà cốc rượu cùng nhau, gẫm ra chỉ là những vụn vặt thường tình chỗ riêng tư, chẳng đáng kể ra; nhưng đêm qua, đêm Sàigòn một cuộc mưa dư hưởng của cơn bão bùng từ phương Bắc dội về, ông đã từ biệt quá bất ngờ. Nhanh. Đau. Một cái đột quỵ. Một gục xuống. Và, mãi mãi...Nỗi bàng hoàng đã tức tốc hóa ánh chớp, bỗng sáng lòa trong tôi. Bao là kỷ niệm về nhau bừng dậy, như sinh thể đồng loại bước đi, như ai đó bất ngờ bật điện cho hàng đèn đường, một không gian từ lâu tối tăm. Phút ánh sáng mờ ảo, trải rộng những ướt át, rõ mặt từng lá rụng, vắng quá một đường mưa. Tôi đi ngược con đường kỷ niệm, cho một ít trí nhớ, viết từ trí nhớ, về nhau, những ngày cũ kín trùm, mờ trắng của màn sương, ngậm ngùi là con thằn lằn khuya nhìn nghiêng trên góc tường.

(Cung Tích Biền)

Trần gian vốn là mộng

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa

 Nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng viết trên 30 tập truyện ngắn, truyện dài, thơ… không kể đến một số bài báo có tính cách nghiên cứu… Suốt chừng ấy năm với chừng ấy đầu sách, báo chí viết nhiều về ông, bạn đọc tìm đến ông như người thân yêu, bởi nhân cách của ông trong cuộc sống và trên những trang giấy.

Có những độc giả, sau khi đọc truyện ông bỗng nhớ đến da diết về chốn quê hương cỏ lá, có người “dám cả gan” vào thư viện xé vài trang truyện mang về để thấy quê hương thật gần gũi bên mình, để tận hưởng hương vị ngày tết cổ truyền dân tộc như thể mình đang sống trên mảnh đất còn đầy khốn khó này.

Và có lẽ ông cũng là nhà văn duy nhất sau năm 1975 được nhiều độc giả mến mộ, thư từ, thăm viếng; được các thế hệ sau luôn gọi ông bằng Thầy mỗi khi tiếp xúc. Nhân cách sống và viết của Võ Hồng làm cho độc giả cảm thấy luôn được gần gũi với ông, sách vở của ông trở thành nhà văn của tất cả mọi người. Trong tận cùng sâu thẳm suy nghĩ của độc giả mọi lứa tuổi, trải qua bao cuộc bể dâu, nhân cách ông vẫn giữ nguyên vẹn kính trọng đó.

(Nguyễn Lệ Uyên)

 Trần gian vốn là mộng

Trên lối cũ bàn chân xưa để dấu
Bước phiêu bồng cỏ lá rộn ràng reo

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Hình như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ.  Đào Tiềm, Lý Bạch, Đỗ Phủ. Đào đã có lúc phải đi ăn xin…. Ở ta cũng vậy. Trong hồi gần đây, ông Trần Tế Xương, “một tuồng rách rưới con như bố”. Ông Nguyễn Khắc Hiếu tuy, trước khi nhắm mắt, một số đồ đạc cũng bị tịch thu vì thiếu tiền nhà. Trong các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm. Khắc hẳn những ông Trần Tế Xương, cái nghèo của ông Phụng lại là thể “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi”.

 Chính ông kể cho tôi biết tổ phụ ông chỉ làm lý trưởng, thân phụ ông chỉ là một người thường dân và đã tạ thế từ khi ông mới bảy tháng. Ở nơi quê quán, ông không có lấy một tấc đất cắm dùi.
“Tư tưởng xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong mạch máu”.

Có lần ông nói với tôi như thế. Người khác nghe những chuyện đó, có lẽ sẽ cho là ông xấu số. Nhưng tôi, tôi nhận thấy chính là cái may của ông. Thật vậy. Nếu được sinh trưởng vào nhà phú quý, hay được học hành thi đỗ, có một việc làm cao lương, thì ông cũng đến làm một cậu ấm phá của, hay một ông chủ xe hơi nhà lầu, xã hội ai còn biết ông là ai, tôi đâu có bạn với ông?

(Gia thế ông Vũ Trọng Phụng – Ngô Tất Tố)

 Trần gian vốn là mộng

 Biết như thế mà còn đau như thế
Thì vui buồn nào để của riêng ai

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Vào khoảng năm 1947-1948, nhà văn Nguyên Hồng sau một ngày làm “công việc bếp núc” của tòa soạn ngủ thiếp đi, chợt có ai lay mình dậy: “Kìa, Hoàng Cầm đấy à, có việc gì cần mình thế!”.

Nhà thơ Hoàng Cầm tay cầm mảnh giấy, khuôn mặt hốc hác sau một đêm mất ngủ: “Anh Nguyên Hồng, đêm qua dân làng tôi cho hay Pháp chiếm Bắc Ninh rồi, kể cả cái làng Nguyệt Cầu mà hồi nào anh chạy giặc ở nhờ nhà ông Ngọc Giao ấy! Mình xúc động viết bài thơ này đọc cho Nguyên Hồng nghe nhé”.

Nghe giọng đọc trầm ấm của Hoàng Cầm: “Em ơi buồn làm chi? - Anh đưa em về bên kia sông Đuống...” Tự nhiên nhà văn Nguyên Hồng ôm mặt khóc nức nở. Ông vật mình thổn thức, nước mặt giàn giụa... Nhà thơ Hoàng Cầm biết tính ông, cứ đọc... cho đến hết bài thơ dài. Còn nhà văn Nguyên Hồng cứ khóc... khi những âm hưởng của bài thơ kết thúc từ lâu. Rồi ông lặng lẽ rút ra 4-5 tờ giấy: “- Hoàng Cầm này, ông chép cho tôi ba bản thật sạch sẽ, bài thơ này rất cần cho nhiều người đọc... “.

 Khoảng 2 tháng sau, trong lúc nhà thơ Hoàng Cầm đang hướng dẫn cho diễn viên tập vở kịch Đứa con nuôi thì nhà văn Nguyên Hồng xuất hiện ở bậc cửa, tay cầm tờ báo do nhà nghiên cứu văn học Như Phong và nhà văn Tô Hoài phụ trách: “Này Hoàng Cầm, bài của ông tôi gửi đấy, giờ báo in đây”.

Nhà thơ Hoàng Cầm run run nhận tờ báo từ tay Nguyên Hồng. Bao nhiêu tâm sự trào dâng về quê hương ông, về cái làng Lạc Thổ phía bên kia sông Đuống, về các cô gái “môi trầu cắn chỉ”, về tranh làng Hồ. Màu dân tộc sáng

bừng trên giấy điệp... trên nền giấy bản lem nhem, dưới những con chữ mòn vẹt kia.

Và nhà thơ Hoàng Cầm đến tận bây giờ cũng không quên được nhà văn Nguyên Hồng đối với ông là tác giả bài thơ Bên kia sông Đuống ngay từ những ngày đầu tiên ấy.

 (Trần Văn Đô – Chuyện làng văn)

 Hà Nội trong mắt người trí thức

Đào Tuấn : Giáo sư có thấy những con đường Hà Nội đặc biệt không?

Nguyễn Huệ  Chi : Những con đường tĩnh lặng của Hà Nội giúp ta chiêm nghiệm về cuộc sống và tự mình hướng nội. Như anh Lê Đạt nói, nó giúp ta đuổi sạch mọi tà khí trong đầu. Những con đường ấy cứu vớt mình. Nó cho mình trở lại sự hồn toàn, trở lại chính là mình. Cách đây mấy năm tôi có gặp một người bạn Hà Lan vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội. Anh ta cứ xuýt xoa rằng Hà Nội mới thực là Việt Nam, Hà Nội mới đầy đủ là phương đông. Tôi nói là Sài Gòn rất đẹp, có những góc phố lộng lẫy như ở Paris vậy. Anh ta nói Sài Gòn không là cái gì cả, có đến Hà Nội mới đích thực gặp được Việt Nam.

ĐT : Phải chăng khi đi trên những con đường của Hà Nội, đường Phan Đình Phùng, đường Nguyễn Du, đường Cổ Ngư... ông ấy cảm nhận được cuộc sống của mình và của những người khác.

NHC : Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi. Ở Sài Gòn mình khó tìm thấy sự hòa hợp đó. Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp nhưng Sài Gòn khác với Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội tự nhiên ta thư thái như một lãng tử.

Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất trời, về tất cả mọi thứ và quên đi xung quanh mà không cần phải có một cố gắng nào hết. Hà Nội vẫn giữ được những cái đó. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm. Hà Nội bây giờ cũng bươn chải, đua chen một cách ghê gớm.

"Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất". Đó là lời của ông Tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ ông ấy nói thêm : "Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không". Nghe câu nói ấy chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn.

 (phỏng vấn Gs Nguyễn Huệ Chi - Đào Tuấn)

Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 1

Để trình bày sự bất công của các nhà làm văn học sử với mảng văn học Nam kỳ Lục tỉnh, xin trân trọng giới thiệu và trích dẫn “Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua” của tác giả Nguyễn Văn Trung, tác giả là giáo sư đại học Văn khoa. Rất tiếc bài quá dài, nên chúng tôi chỉ trích dẫn những nhận định chánh của tác giả.

Những ai hiểu biết ít nhiều về văn học Việt Nam thời hiện đại có lẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến văn học bằng quốc ngữ ở miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khoảng 1865 đến 1930, và thốt ra: Ủa, có thực sao? Vì cho đến nay trong những sách báo viết về văn học sử mà chúng tôi đọc được, hầu hết đều chỉ nói phớt qua hai người: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, bỏ qua Trương Minh Ký, ba người có sinh hoạt văn học vào những năm 1875, sau đó nói đến Đông Hồ và Hồ Biểu Chánh. Họa lắm mới có người nhắc đến tên ông Nguyễn Chánh Sắt. Có thế thôi.

Vậy có một sự kiện là: mảng văn học này bị bỏ quên vì không biết hay bị bỏ qua vì bị phủ nhận. Do đó, nói tới thời kỳ này, trong tất cả các mặt sinh hoạt văn học: dịch chữ Hán, chữ Nôm, Pháp văn ra quốc ngữ, biên khảo văn học, phong tục, lịch sử, khoa học, sách giáo khoa, sáng tác thơ, văn xuôi, đặc biệt các thể văn tiểu thuyết, theo lối phương Tây, v..v... trên báo chí, sách biên khảo cũng như ở lớp học, chúng ta chỉ được nghe nói đến những tên: Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, v…v... cụ thể là những người cộng tác với "Đông Dương tạp chí" và "Nam Phong". Thực ra chỉ hai tờ báo này được biết đến nhiều hơn cả hoặc được đề cao hay bị đả kích.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

Những tờ báo cũ miền Nam

Có một hôm đang làm việc tại tòa soạn trong khu báo chí ở Little Saigon, một người đàn ông bước vào hỏi tên tôi, và vào đề ngay: “Nghe nói ông muốn mua sách báo cũ miền Nam, tôi có nguyên bộ tạp chí Văn, không thiếu số nào vì tất cả đã đóng gáy mạ chữ vàng, ông có muốn mua không?” Câu trả lời là có, và kinh nghiệm dạy rằng cần phải để xem người bán muốn bán đến độ nào, người bán là dân trong nghề văn nghề báo…. 

Tôi từng chưng hửng khi cách đó khoảng năm năm, một người ở Houston liên lạc về chuyện báo cũ, chủ đề là bộ

Bách Khoa, và nói giá một cách rất hăng hái: phải 15,000 Mỹ kim mới bán. Bách Khoa có hai đời chủ nhiệm, sống được khoảng 18 năm, từ 1957 tới 1963 tên Bách Khoa, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang, thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, từ 1964 tới 1975 phải đổi tên là Bách Khoa thời đại, vì ông Huỳnh là người của chế độ cũ, mà chế độ đó vừa bị lật đổ hồi 1 tháng 11 năm trước, nên ông Châu lên làm chủ nhiệm, sống thêm 11 năm nữa.

Báo ra hai kỳ một tháng, nếu không “sốt tê” (nhảy) một số nào, số chót phải là 432, nhưng chắc chắn không tới con số bụ bẫm toàn vẹn đó, thiếu hụt đâu khoảng vài ba chục số.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí bán ra khoảng thập niên 60 trung bình, đổ đồng là 30 đồng một số, đầu thập niên 70 giá lên đến 200 đồng một số, đại khái so với Mỹ kim mỗi số báo chỉ giá vài chục xu, mà đòi bán 15,000 Mk bộ Bách Khoa khoảng 400 số, thì quá đáng, cho dù đã đóng bìa cứng mạ chữ vàng đi nữa.

(Viên Linh) 

 Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 2

 Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số những chứng từ bày tỏ sự kiện mảng văn học kể trên ở miền Nam bị bỏ quên.

Những tác giả gốc Bắc, Trung viết về văn học tại miền Bắc:

Ba người được coi là ảnh hưởng chính trong cái nhìn bỏ quên mảng văn học này, đó là. Dương Quảng Hàm: Trong Việt Nam văn học sử yếu, chương IV : "Văn xuôi mới của ta, như chương ba đã nói, sở dĩ thành lập được một phần lớn nhờ báo chí. Trong các nhà viết báo có công lúc buổi đầu phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh và ông Phạm Quỳnh" (trang 414).

Về văn dịch, Dương Quảng Hàm viết: "Dịch các tác phẩm về loại cổ điển. Khi người nước ta đã biết trọng quốc văn và muốn lấy quốc văn làm lợi khí để truyền bá học thuật, thì các nhà cựu học dịch các bài cổ văn.

Phan Kế Bính trong Đông Dương Tạp chí và các sách Kinh truyện của Tàu (bản dịch Kinh Thi), quyển thứ nhất của các ông Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô, Hà Nội, Nghiên Hàm ấn quán 1924; bản Trung Dung của hai ông Hà Tứ Vi và Nguyễn Văn Dang; các nhà Hán học lại dịch các thơ văn và sách vở viết bằng chữ Nho của các cụ ta ngày xưa... đồng thời, các nhà Tây học cũng dịch các đoản văn và các tiểu thuyết kịch bản thuộc về nền văn cổ điển của nước Pháp, các ông Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố trong D.D.T.C. Nguyễn Văn Vĩnh trong bộ Âu Tây tư tưởng; Phạm Quỳnh trong N.P.T.C.".

Trong Chương 7, nói về các văn gia hiện đại, ông cũng chỉ giới thiệu các tác giả miền Bắc trừ Đông Hồ.

Khuynh hướng về học thuật: Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Dư Sở Cuồng, Trần Trọng Kim, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.

Khuynh hướng lãng mạn: Tương Phố, Hoàng Ngọc Phách với quyển Tố Tâm, Đông Hồ.

Khuynh hướng xã hội: các nhà văn Tự lực văn đoàn.

Khuynh hướng tả thực: các nhà văn ngoài nhóm Tự lực văn đoàn như: Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang v.v... (449-452).

 Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)

 Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt

Bolero Mỹ Latin là một thứ giai điệu phóng khoáng và trữ tình. Nhạc sĩ hai nước Cuba và Mexico có công phát triển bolero, biến tấu nó với các điệu thức tương tự viết theo phép ký âm 4/4, tạo ra hẳn một dòng nhạc bolero mới; xôn xao,rực rỡ

Dòng nhạc bolero này bao gồm các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha. Mẫu số chung là kiểu viết nhạc 4/4 tương tự nhau; chỗ khác nhau là cách chơi, cách xử lý ca khúc.

Bolero du nhập Việt Nam những năm 1950. Nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã nhanh chóng thẩm thấu điệu thức ấy, biến nó thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Một nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc đã viết thành công bài rumba bolero đầu tiên, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc Nắng chiều.

(Vũ Đức Sao Biển)

Ý nghĩa số lạy (bái), vái

2 lạy và 2 vái áp dụng cho người sống: lạy cha mẹ, khi đi phúng điếu người quá cố còn trong quan tài: 2 lạy nếu là người bậc dưới của người quá cố, nếu ở vai trên người quá cố thì chỉ vái 2 vái tượng trưng cho sự sống của âm dương nhị khí. 

Chữ nghĩa làng văn

Ngẫm chuyện hồi xưa - 1

Những tháng đầu tiên sau tháng 8/1945, trong giai đoạn này, chính phủ cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn có sửa đổi lại đôi chút để đáp ứng với tình thế “cấp bách và khó khăn”. Mãi tới niên khóa 1951-1952 mới thay thế bằng chương trình phổ thông 9 năm, và từ niên khóa 1956-1957 đổi thành 10 năm. Sau năm 1975, miền Bắc mới quay lại chương trình 12 năm từ niên khóa 1981-1982.

Ở các vùng Pháp chiếm cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, sửa đổi đôi chút ở các môn Việt văn, sử địa, công dân, còn các môn khoa học thì vẫn giữ nguyên.

(Vũ Thế Thành)

Phố nhỏ, ngõ ngang, hẻm dọc

ở Hà Nội 36 phố phường

Phố Mã Mây chạy theo hướng nam lên phía bắc rồi lại quay sang phía tây. Đầu phía nam của phố cắt phố Hàng Bạc, đầu quay sang phía tây nối vào phố Hàng Buồm. Phố Mã Mây là phố ghép hai phố- phố Hàng Mây và phố Hàng Mã.

Thời xưa Phố Hàng Mã chuyên bán các loại đồ cúng bằng giấy cho các đám tang, đám rước, giấy vàng. Phố Hàng Mây chuyên bán các đồ dùng chế biến từ mây và cả sợi mây nguyên liệu..

 

Đinh Liệt là con phố nhỏ nối từ Hàng Bạc ra Cầu Gỗ. Phố dài khoảng 175 m, trong địa phận quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, là nơi buôn bán các mặt hàng thổ cẩm. Phố Đinh Liệt thời xưa được chia làm hai phần: đầu đi từ Hàng Bạc và đầu từ Cầu Gỗ. Cả hai đường đều dẫn vào khu dân cư xung quanh hồ Thái Cực (hồ Hàng Đào). Sau khu Pháp lấp hồ làm nhà cửa thì hai đoạn này được ghép lại với nhau làm đường, được Pháp đặt tên là Rue Od Endhal. Sau năm 1945, phố được đặt tên lại là phố Đinh Liệt, lấy tên một trong những khai quốc công thần thời Lê sơ.

(Lương Văn Hồng)

 Sơ lược thi cử ngày xưa

Những người đậu thi Đình có 3 hạng:

 1. Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ gồm 3 người đỗ đầu: Trạng nguyên, Bảng nhã, Thám hoa.

2. Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân: đứng đầu là Hòang giáp

3. Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân gọi tắt là Tiến sĩ.

 Dưới triều Lê, cử nhân được gọi là Hương cống và tiến sĩ là Thái học sinh. Trong dân gian thường gọi tiến sĩ là “Ông Nghè”.

Theo tác giả Chu Thiên (tác giả Bút nghiền, Nhà nho) thì “nghè” là mái che nắng mưa của các điện trong cung vua. Các ông tiến sĩ vào đình thi phải đứng đợi dưới các mái che đó nên gọi là ông Nghè (trang 239).

 (Ông Nghe ông Cống xưa và nay – Trần Thạnh)

Văn hóa…ẩm thực

 Cháo lòng

 Tới đây lại phải có đôi dòng về cháo lòng. Với đa số người miền Nam, cháo lòng là một món ăn tương đối bình dân, nhưng với dân Bắc kỳ chính gốc, “cháo lòng” là cháo cao cấp, còn “cháo huyết” mới là cháo rẻ tiền.

Cháo lòng của người Bắc được nấu bằng nước xương hầm (xương ninh) và có tim, gan, thận, dạ dày…, trong khi nước ngọt của cháo huyết chỉ là tiết cuối khi chọc tiết lợn, nên bát cháo huyết màu đen xỉn, lèo tèo vài miếng phổi, huyết cứng, thịt vụn, trông rất ư… bình dân nên giá cả cũng bình dân.

(Thiên Lôi miệt dưới)

Học lại chữ Hán

Trong ngôn ngữ Trung-hoa, có tiếng Tía của Quan Thoại, mà Tía  Đệ tức em trai. Thổ ngữ Triều châu có tiếng Tía tức dại danh từ  đó, nhưng danh từ cha của ta là danh từ chớ không phải đại danh từ, vả lại Tía cũng khó lòng biến thành Cha, và người Triều Châu chỉ leo heo có mấy huyện ở bên Tàu thì nếu phải vay mượn, ta không vay mượn của đám thiểu số ấy đâu.

 

Năm 1658, có nhóm lưu vong nhà Minh sang Nam kỳ, gồm rất đông Triều Châu, nên người miền Nam quả có mượn đại danh từ Tía của Triều Châu thật đó, khi con xưng hô với cha.

Pà, Pá, Ba, Bố, Tía gì cũng để dùng xưng hô, thí dụ: "Ba ơi, cho con đi chơi" hoặc:"Tía ơi, con đói bụng" chớ không ai lại nói: "Gia đình gồm ông, bà, ba, mẹ, và các con."

Đại danh từ Bố đã hơi được biến thành danh từ thật đó, người ta nói: "Bố anh Nam rất già" Nhưng chưa biến hẳn, chẳng hạn không thể nói: "Chém bố cái kiếp ba đào" hay có thể nói, nhưng chỉ nói đùa, hoặc nói một cách thân mật mà thôi.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)

Chợ Lớn kỳ bí

Đúng là luôn luôn trong óc tôi thưở ấu thơ, Chợ Lớn là một phố khách. Người Tầu sống trong đó là những người khách, trước kia nhiều người Việt gọi họ là “khách trú” nay là “các chú” nhưng họ vẫn là khách. Vì họ có một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những bảng hiệu người Việt đọc không hiểu, cách ăn mặc (áo xẩm) khác biệt. Ngôn ngữ khác biệt, nếu họ muốn nói tiếng Tầu với nhau, người Việt không hiểu nhưng người Việt nói gì, phần đông họ hiểu.

Những ngõ ngách trong Sài Gòn thân quen với tôi bao nhiêu, thì trong Chợ Lớn lại kỳ bí, đáng ngại bấy nhiêu. Có lần đi xe Honda tìm nhà trong vài xóm tại Chợ Lớn, tôi có cảm giác có hàng chục con mắt theo dõi mình ngay từ đầu xóm, dù rằng phần đông đều là những ánh mắt hiền lành, nhưng cảm giác mình là kẻ xa lạ rất rõ rệt. Cảm giác thực của sư “tha hương trên chính quê hương”.

Ngay cả cách thờ phượng cũng khác người Việt. Những bức tượng Quan Công, Châu Xương, Quan Bình đặt ở đâu là tờ giấy khai nguyên quán của chủ nhà gần như trúng trên 90%. Người Việt ít ai thờ Quan Công lắm, có thể nói là người Việt gốc thì hoàn toàn không. Kiến trúc nhà cửa tại Chợ Lớn giống những phố Tầu trên khắp thế giới nhiều hơn là giống kiến trúc người Việt. Nhất là từ sau khi người Pháp đặt sự cai trị tại miền Nam, thì Sài Gòn có nhiều khu nhà kiến trúc theo Pháp.

(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)

 Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn

  Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nếu tôi dám liều lĩnh cho rằng mình biết được chút ít về Sài Gòn, từ những tên xóm, tên cầu, tên đường, nhà thờ, nhà chùa, chuyện nhân vật này, chuyện ngày xưa chút chút, do những tay bút từng trải như Vương Hồng Sển, Sơn Nam… ghi lại.

Bài này là một cố gắng đền bù vào kiếm khuyết đó, cũng là một hoài niệm về một nơi chốn mà nay càng thấy yêu thương, luyến tiếc. “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” (Bà Huyện Thanh Quan)

Mụ trầu

Dựa theo ý nghĩa đoạn văn thì có thể hiểu mụ trầu là một bà già miền Nam bỏm bẻm nhai trầu. Sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển kể chuyện: "Một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay "dọn bàn" tứ chiếng làm cho Tây, chồng là tụi "nấu ăn" "ba rọi " của Pháp. Hai người đụng nhau chung lưng làm nghề bán đồ lâm vố (do Pháp ngữ rabiot tức đồ dư) (...).

Dè đâu, cuộc làm ăn vừa khá thì anh chồng biến chứng sanh sứa chuyện nọ kia, mèo mỡ bê tha, bỏ gánh lại cho một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Tức quá, chị nghĩ ra câu hát như vầy:
Thượng thơ, Phó soái, Thủ Ngữ treo cờ (hò lơ)
Bu-don (bouillon), ỏm-lết (omelette), bí-tết (beefsteak), xạc-xây ờ (sacré). Mũ-ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ ! (hớ hơ).

Thân làm một mụ già trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Đố ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào?" (1).

 (1) Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, tr. 108.

 Nguyễn Dư)

 Võ Kỳ Điền với thảo mộc

Mẫu đơn - 1

Bạn tôi rất thích cây cỏ, tối ngày chăm sóc khu vườn sau nhà. Chúng tôi định cư ở thành phố Montréal và anh là

người Việt đầu tiên mở tiệm hiệu Bonsai ở thành phố nầy. Bonsai, tôi cùng anh thường vào các trại bán hoa kiểng lớn, lục lọi các cây thông, cây tùng hư, cong vẹo, cằn cỗi, có khi là những cây gần chết vứt bỏ ở thùng rác... mua rẻ đem về cắt bớt cành dư thừa, dùng dây đồng uốn éo cho có hình dáng đẹp, cho thành bonsai...

Một hôm anh ghé nhà chơi và trong câu chuyện bàn về cây cỏ, anh nói trong một bài của tôi có một chỗ sai và anh cho biết hoa pivoine (peony) không phải hoa mẫu đơn mà là thuợc dược. Tôi hỏi anh căn cứ vào đâu mà nói vậy vì hầu hết các tự điển đều ghi pivoine là mẫu đơn, còn thược dược là dahlia. riêng tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì cho là mẫu đơn, hoa trắng thật thơm, có nhiều tai, cuống mập như ống, đài 5 chia nhọn, lá láng mọc đối và chùm ba, cây nhỏ trồng làm hàng rào cao tới 2 m.

Tiểu sử  Võ Kỳ Điền tên thật: Võ Tấn Phước. Sinh ngày 31.10.1941 tại Dương Đông, Phú Quốc. Từ nhỏ đến lớn sống ở Bình Dương. Hiện ngụ cư tại Gia Nã Đại.
Tác phẩm : Kẻ đưa đường (tuyển tập truyện ngắn), Miền Đất Lạ (truyện dài).

Thành ngữ tục ngữ…sai

 Cạn ao bèo đến đất 

Ý nói hết lượt người khác rồi đến lượt mình?

 

Có lẽ GS cũng không chắc cách giải thích của mình có đúng hay không nên đã đặt dấu chấm hỏi (?) cuối câu.

Và quả tình nó không ổn thật!

Bởi theo nghĩa đen, sở dĩ bèo nổi được, sống được là nhờ có nước. Hết nước thì bèo chạm đến đất và có thể chết vì khô héo.

Vậy nghĩa bóng câu thành ngữ ý nói đã hết thời, hết chỗ dựa dẫm thì lộ bản chất thấp kém của mình, không phải hết lượt người khác rồi đến lượt mình. Chẳng nhẽ bèo đợi hết nước để đến lượt mình được chạm đất rồi chết chăng?

(Hoàng Tuấn Công)

Võ Kỳ Điền với thảo mộc

 Mẫu đơn - 2

 Ca dao có câu: Con vợ khôn lấy thằng chồng dại, như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu . Nhớ đừng lầm với hoa lài (jasmine) ướp trà, hoa trắng nhỏ thơm lừng. Anh chỉ bức tranh trên tường nhà tôi, nói - rõ ràng đây nè, bức tranh nầy phải người Tàu vẽ hoa mẫu đơn không? Tôi xác nhận đúng là như vậy. Tôi cũng đã hiểu ý nghiã bức tranh, đức Khổng Tử cho mẫu đơn là phú quí chi hoa, hoa lan là vương giả chi hoa. Hai con bướm, chữ nho đọc là trùng điệp. Bốn chữ trong bức tranh với nét thảo tung hoành như lời mong uớc, chúc phúc - phú quí trùng điệp.

 

Kể từ dạo đó, tôi nhớ lại các điển cố Trung Hoa. Chuyện bà Võ Tắc Thiên đày hoa mẫu đơn xuống Giang Nam tới các câu tả Kiều bị Hoạn Thư đánh đập - Dạy rằng: cứ phép gia hình, ba cây chập lại một cành mẫu đơn... rồi nhớ lan man qua Chinh Phụ: - xảy nhớ khi cành Diêu, đoá Nguỵ, trước gió xuân vàng tía sánh nhau.

Tìm lại tam cúc

 Trong bài “Bộ bài tam cúc”, Quỳnh Dương kể lại chuyện bà mẹ bất ngờ gặp bộ bài tam cúc trên một sạp bán tạp hóa nơi đường rừng. Giữa những bộ bài chắn, tú lơ khơ, chỉ có một bộ tam cúc mà bà hàng cho biết từ lâu chẳng ai hỏi han đến. Mẹ tác giả vội mua và háo hức mang về khoe với mấy bố con. Về đến nhà, mẹ mang ngay bộ tam cúc ra khoe trước sự ngạc nhiên của hai đứa vì chưa từng thấy bao giờ, còn bố thì nhìn mẹ rất thán phục. Bố mẹ xung phong chơi làm mẫu, hai đứa ngồi xem lạ lẫm và thích thú. Lạ chưa? tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, một cây, đôi cây, ba cây, đi đêm... ba chục năm qua dường như chưa bao giờ quên được trong tiềm thức, cứ gọi quân vanh vách. Ðược một lát, thấy bố mẹ to tiếng, hai đứa càng ngạc nhiên hơn. Thằng anh ghé tai thằng em nói nhỏ: Thế mà mỗi lần mình chơi cờ vua, có cãi nhau tí xíu bố mẹ đã mắng. Hôm nay thì đến lượt bố mẹ cãi nhau kìa...

Sau vài chiêu sơ đẳng, hai đứa đã biết chơi cùng bố mẹ. Các con quý bộ tam cúc lắm. Hết giờ học, miệt mài chơi tam cúc. Chơi giữ gìn hai con nhé, Tết này, mẹ sẽ đưa các con về quê ngoại, ra mộ cụ thắp hương, mẹ sẽ đốt bộ bài tam cúc để 'gửi' xuống cho cụ, chắc cụ ở dưới suối vàng hẳn ấm lòng lắm đấy. Dù có đôi chút tiếc nuối, mẹ hứa sẽ cất công tìm bộ bài khác cho các con. Nhưng Tết này, cả nhà mình sẽ có một cái Tết ấm áp và có ý nghĩa hơn. Mẹ tin là như vậy”.

(Song Thao)

Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Cùng lý luận, những phát hiện mồ chôn tập thể trong năm 1969, Porter đều cho là thành tích của sĩ quan chiến tranh tâm lý. Nạn nhân ở Vĩnh Lưu, Phú Mỹ và Tuỳ Vân, … đều là nạn nhân của các cuộc đánh bom của máy bay Mỹ, kể cả 250 xác người (không phải 400 theo Douglas Pike) ở khe Đá Mài.

 Lý luận và dẫn chứng về con số nạn nhân trong cuộc thảm sát Mậu Thân này cũng không khác như bài “The Myth of the Bloodbath: North Vietnam’s Land Reform Reconsidered”, tháng 9, 1973, pp2-15, đăng trên Bulletin of Concerned Asian Scholars – Gareth Porter đã viết về những cái chết của chỉ vài trăm người (vì sai phạm thay vì hàng chục ngàn người bị giết theo chính sách) trong cuộc cải cách ruộng đất của cộng sản Việt Nam.

Nguồn tài liệu Porter dùng để biện giải như trên là tài liệu do đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành.

Trong khá nhiều tác giả, nhà báo viết về cuộc thảm sát Tết Mậu Thân như Stewart Harris (16) của tờ Times London (bài đăng ở trang 4, New York Times, 28-3-1968), Stanley Karnow (Vietnam: A History, trang 530-531), Don Oberdorfer (“Executions, Extrajudicial” (17), hay Jack Shulimson (US Marines in Vietnam: 1968, The Defining Year, v.v… Gareth Porter là người Mỹ duy nhất với những lý luận bênh vực cho các thủ phạm thảm sát dân Việt Nam ở Huế.

(16) Misreporting that doomed millions, Red Irvine − Editor, Aust B, 1977, Accuracy in Media. Onlien: http://snipurl.com/21h4x [www_aim_org], February 15, 2008.

(17) Crimes of Wars, A-Z Guides, Online: http://snipurl.com/21hua [www_crimesofwar_org], February 15, 2008.

(Trần Giao Thủy)

 Bức tượng “Thương Tiếc”

Anh Thu cũng bị lúng túng vì thái độ “bất hợp tác” của anh lính nhảy dù. Mấy cô bán hàng lại cười khúc khích, có lẽ các cô nghĩ nãy giờ có một người “điên” ngồi uống bia nói chuyện với cái ly và bây giờ lại thêm người “điên” nữa lân la đến làm quen.

Người lính tiếp tục gục đầu ngồi độc thoại, phớt lờ những lời xã giao làm quen của anh Thu. Dường như anh tưởng bị quân cảnh hỏi giấy nên lẳng lặng móc bóp giấy tờ cho anh Thu mà không hề ngước mắt nhìn và tiếp tục uống!

Anh Thu cầm bóp trở về bàn mình và ghi lại tên anh lính: Võ Văn Hai, cấp bậc Hạ sĩ, binh chủng Nhảy dù, cả tên tiểu đoàn lẫn KBC (Địa chỉ Khu Bưu Chính của quân lực VNCH). Khi anh Thu trả lại giấy tờ, Hạ sĩ Võ Văn Hai nhét vào túi với vẻ bất cần, cũng không thèm ngước mặt nhìn lên.

***
Khuya thứ Sáu anh Thu mới bắt đầu vẽ để sáng thứ Bảy trình Tổng thống. Từ 8g tối đến 6g sáng anh phác thảo được 7 bản vẽ trong tiếng súng và bom thỉnh thoảng vọng về Sài Gòn. Những ý nghĩ ở một hậu phương yên bình trong khi những người lính ngày cũng như đêm xả thân ngoài chiến trường khiến anh Thu dồn hết tâm trí vào những nét vẽ của anh.

(Nguyễn Ngọc Chính)

Nguyễn Ngọc Chính chào đời ngày 19/6/1946, ở Vĩnh Yên. 1953 di cư vào Đà Lạt. Anh nguyên là một cựu sĩ quan QLVNCH, khóa 4/68 Thủ Đức. Năm 1969, mãn khóa anh tùng sự tại trường Sinh Ngữ Quân Đội. Sau 30 tháng 4, anh đi “cải tạo“ (Trảng Lớn, Tây Ninh). Khi thóat khỏi tù, anh không tìm cách vượt biên hoặc rời đất nước theo diện HO. Anh chọn ở lại, cũng nhờ

vậy, chúng ta đọc được những dòng ký ức “Hồi ức một đời người“, đằm thắm tình quê, tình đất, tình người của anh.

Xử nữ

Xử nữ là người con gái chưa lập gia đình, còn ở nhà với cha mẹ.

Từ ý nghĩa đó, xử nữ địa là đất chưa khai phá, trồng trọt, xử nữ tác là tác phẩm đầu tay của một nhà văn.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn


Ở trên căn gác bút, tôi có thì giờ nghĩ ngợi về đời sống, về tôn giáo, xã hội, chế độ. Mặc dầu tôi không là tín đồ của một tôn giáo nào, nhưng kính trọng tất cả những thánh nhân. Trước bàn làm việc của tôi có hình của Gandhi. Những lời lẽ ấy, những tư tưởng ấy giúp cho tôi khởi sắc trở lại và tha thiết với cuộc sống, mà tôi cho là quá ngắn ngủi với một kiếp người. Tôi có thể nói thật nhiều hoặc không nói gì. Chẳng phải vì hãi sợ hay lý do gì khác. Thường thì tôi hay bông đùa với cuộc đời, vì tôi yêu đời, tha thiết với đời. Đơn giản như bốn phép tính. Cộng, trừ, nhân, chia. Một cộng một là hai, hai nhân hai là bốn, bốn chia hai được hai, hai trừ hai không được gì cả. Hết. Tức là zéro. Tôi cứ tưng tửng giữa cuộc đời, coi là nghiệt ngã thì nó nghiệt ngã, không đáng gì cả thì thôi, mặc kệ nó, không phải là chuyện cấp bách, quần áo mặc sao cũng được, nhà cửa có chỗ chui ra chui vào, cơm nước có muối mè gạo hẩm là xong. Không rượu chè, cờ bạc, hút xách. Nhu cầu cần thiết chăng, có các con tôi, chúng cần học hành để biết lấy tí chút chữ thánh hiền là quí rồi. Tôi đã từng lao động để nuôi con, cho đến ngày không còn đẩy nổi chiếc xe bán xôi vò nữa thì mới nghỉ. Trước đây, gần
hai chục năm trước, sau ngày đi học tập cải tạo về, mà trả lời với Công An phường kiểu này thì mệt đó. Anh nói anh không lao động mà vẫn sống nhăn, chẳng ai tin hết. Nghiêm túc lên nào. Có làm mới có ăn, không làm mà có ăn, đích thị anh là kẻ phạm pháp, phi ăn cắp thì cũng ăn trộm, ăn cướp, nói chung là ăn... bẩn. Kẻ ăn bám xã hội hèn hạ như loài ký sinh trùng. Phải truy nguyên tróc nã cái mà anh đang hưởng thụ đến nơi đến chốn, có nguồn có gốc, theo lý thuyết tam đoạn luận.


Bây giờ thì dễ dãi rồi, anh có thể trả lời tiền có để tiêu, để thưởng thức một tô phở xuất xứ từ Đô do người thân từ nước ngoài gửi về cho, bất kể đó là người thân hay bạn bè thương tình. Anh không bị kết tội là liên lạc với người nước ngoài nữa. Chuyện đó bây giờ bị coi là chuyện chẳng hơi sức đâu. Kể từ ngày tôi phi lao động, nằm dài chờ Chúa thu hồi hộ chiếu trên giường bệnh, nếu tôi không có bạn bè giúp đỡ lo lắng cho thì đã lận số rồi. Chưa biết lên Thiên Đàng hay xuống địa ngục.

(Nguyễn Thụy Long)

Miếng đỉnh chung

Đỉnh là cái vạc, chung là quả chuông. Nhà giầu ngày xưa nấu thức ăn bằng vạc,

Đến giờ đánh chuông gọi toàn gia tới ăn. Phải nhà giầu, nhà rộng, đông con cháu nên phải dùng đến vạc. Do đó “đỉnh chung” là chỉ nhà giầu sang phú quí.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)

Thầy Nguyễn Khắc Hoạch, nhà giáo nghệ sĩ

Cuộc đời tị nạn tại Quận Cam mở ra một giai đoạn mới cho tôi, giai đoạn chính thức làm báo, làm truyền thông, ngày ngày tiếp xúc với chữ nghĩa, và suốt giai đoạn này thầy Hoạch là một người hỗ trợ tinh thần liên tục cho tôi. Một niên học ngắn ngủi năm xưa chưa cho tôi biết gì nhiều về thầy, nhưng giờ đây thầy thực sự đóng vai trò hướng đạo cho tôi qua những lời khuyên nhủ trực tiếp, qua những hoạt động văn hóa của thầy và qua những gì thầy viết.

 Nơi thầy Hoạch hầu như không có ranh giới phân biệt giữa một vị đại khoa bảng và một người “làm văn nghệ.” Đường biên giữa một giáo sư đại học và một người làm thơ, viết tùy bút và tiểu luận hẳn nhiên là phải có, nhưng với sự sống thật của thầy, đường biên ấy đã được xóa mờ đi một cách thật nên thơ, và làm nổi bật lên một phong cách độc đáo khó tìm được một mẫu thứ hai trong giới trí thức Việt Nam hiện đại. Thầy thấy rõ sự khác biệt giữa “vai trò của nhà giáo dục, vai trò khuôn mẫu, mực thước, ít nhiều hướng về việc bảo vệ truyền thống, bảo vệ di sản ‘cổ điển’ và những giá trị đã có sẵn, có thể có lúc mâu thuẫn với vai trò cách tân, khám phá, sáng tạo, không đi con đường mòn của văn nghệ sĩ. Lấy một ví dụ, phong cách của người dạy học khi soạn, giảng, hay chấm bài (ngôn ngữ, văn phạm, hành văn, bố cục, v.v...) thường có tính quy phạm (normatif), theo những khuôn mẫu và tiêu chuẩn nhất định, điều mà văn nghệ thường không biết tới hay cố tình né tránh để đi tìm cái mới, cái độc sáng.”

 Nhưng giáo sư Hoạch là người đã dung hòa được hai tính cách đối ngược ấy trong suốt cuộc đời của ông. Ông đóng vai trò “ông thầy” một cách trọn vẹn trên bục giảng, trong vai trò Khoa trưởng Văn Khoa, nhưng đồng thời ông vẫn là một nghệ sĩ, tâm hồn thiết tha với những vẻ đẹp, những nỗi khổ, những cái mới mẻ của cuộc sống chung quanh, và diễn đạt hết sức đẹp đẽ trong văn và thơ. Ông có tài “văn

nghệ hóa” kho kiến thức mênh mông của mình để những điều trầm trọng như núi Thái Sơn trong lãnh vực triết lý học thuật có thể hiện ra nhẹ tênh như mây bay gió thoảng. Nhưng đó là những cụm mây, làn gió có sức nặng ngàn cân!

Mặt trời cho ta biết mênh mông ba ngàn thế giới

Hoa hồng và em cho ta biết nguồn diễm lệ không cùng

Tóc trắng

Mây chiều cho ta biết dòng thời gian chẳng đợi chờ

Gió bão trên điện đài xưa cho ta biết niềm tàn lụi hư vô

Nụ cười nước mắt cho ta biết

Những nổi trôi định mệnh con người...

(Quán trọ muôn đời)

 Phạm Phú Minh)

 ***

 Phụ đính I

40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi

Thời gian 40 năm là một khoảnh khắc lịch sử, tuy vậy cũng đủ để cho con người hoàn tất một sự nghiệp hay từ giã cõi đời.

 Trong suốt 40 năm qua, kể từ khi miền Nam sụp đổ trước sự xâm lấn của CS miền Bắc, nhiều văn nghệ sĩ vốn đã tạo dựng nên một nền văn học rực rỡ của miền Nam cũng đã vượt thoát ra đi để mưu tìm một cuộc đời tự do đáng sống. Trên phần đất tự do thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh những nỗ lực để hội nhập vào xã hội mới,

các nhà văn, nhà thơ gốc Việt vẫn tiếp tục miệt mài sáng tạo, duy trì và phát triển văn học miền Nam trên đất tạm dung để có thể coi là đã có một nền văn chương VN hải ngoại. Và cũng ròng rã trong suốt 40 năm tận tụy với ngòi bút ấy, nhiều người đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại phía sau những công trình có thể chưa hoàn tất nhưng cũng đã gieo nhiều nỗi ngậm ngùi, xót xa trong lòng của nhiều người ở lại

Nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm hội nhập, mặc dù không thể thu góp đầy đủ tất cả những nhà văn, nhà thơ đã khuất bóng, phần liệt kê dưới đây xin coi như một nén nhang cho tất cả những nhà văn, nhà thơ đã mất ở hải ngoại mà trong suốt 40 năm qua đã góp phần cung ứng cho đời những tác phẩm quý giá để các thế hệ sau khi nhìn lại không thể không biết tới.
Danh sách xếp theo thứ tự thời gian (tới tháng 6/2017) mà các vị đã khuất núi. Nhật Tiến biên soạn - Tổng hợp từ nhiều nguồn.

 (xem tiếp kỳ tới)

 ***

 Phụ đính II

Tạp chí Bách Khoa

Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng. Không có chủ trương “văn nghệ cách mạng” cũng không chủ trương “vượt thời gian”, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương…

 

Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu đón

nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến.

 

Nguyên Sa dùng chữ xôi đậu” không nhất thiết là nói đùa. Ở một nơi khác, ông có viết “Bách Khoa với đời sống lâu dài không bị xếp vào hàng ngũ báo nhà nước” (Bách Khoa, 15-1-1971). Lời này bổ sung cho lời kia, và nói lên một sự thật kỳ lạ: 

 

(Đặng Tiến)

 Chữ nghĩa làng văn

 Thanh Tâm Tuyền - 1

 Ngày ấy ngoài việc phụ trách biên tập cho tờ báo Tiền Tuyến, tôi (Phan Lạc Phúc) còn viết Tạp ghi (TG) hằng ngày. Khi làm trang nhất xong, trong tiếng rì rầm của máy in tôi ngồi kiểm bài trang trong và viết TG. Trong khi đó Thanh Tâm Tuyền ngồi viết feuilleton cho chuyện dài đăng từng kỳ trên báo (tôi không nhớ rõ đó là Cát lầy hay Dọc đường). Có tác giả viết sẵn từ ở nhà, có tác giả đến tòa soạn mới viết. Thảo Trường, Lam Giang đến là đưa bài ngay. Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn đến tòa soạn mới viết. Thanh Tâm Tuyền là người viết kỹ nhất, chậm nhất, bản nháp của anh dập xóa, sửa chữa nhiều lần. Anh không chỉ là một văn nghệ sĩ, anh là một nhà trí thức khó khăn với bản thân mình trước hết.

Trong "nghề" viết TG, tôi rất cần thông tin. Một giảng viên ở khóa học bên Mỹ nói về việc viết column "Information, information, information". Tôi nhiều khi bí rì. Ở tòa soạn, tôi có 3 nguồn. Nếu cần hỏi về Đông Phương hay Sử, Địa có "ông đồ bùn chữ như chấu chát" Lam Giang; hỏi về triết sử hay văn học Tây phương có bạn TTT người đọc sách

chuyên sâu và kỹ lưỡng; cần hỏi về thơ, văn tiền chiến có Hà "chưởng môn" hiểu rộng, biết nhiều.

(Nói thêm về Thanh Tâm Tuyền – Phan Lạc Phúc)

 Chữ nghĩa làng văn

 Thanh Tâm Tuyền - 2

 Có thể nói từ ngày Thanh Tâm Tuyền vô quân đội (1961 hay 1962), trừ một thời gian ngắn giải ngũ và sau này có gần hai năm anh làm việc trên trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, lúc nào tôi cũng làm việc gần gũi Thanh Tâm Tuyền. Đặc biệt thời kỳ Tết Mậu Thân (1968), anh bị động viên trở lại và hội nhập với anh em TT chúng tôi. Ngày ấy "nhà banh" là "trăm phần trăm" ở trong trại 24/24. Chúng tôi là "ký giả" nhưng cũng phải cầm súng, tối đến đi phục kích, kiểm soát hay canh gác.

 Trong bài thơ Đường luật TTT có nhã ý tặng tôi sau này (dưới bút hiệu Trần Kha) có 2 câu kết "Mong ngày gặp gỡ nằm chung chiếu, Đấu láo qua đêm như dạo nào" là nói đến thời kỳ này. 

(Nói thêm về Thanh Tâm Tuyền – Phan Lạc Phúc)

cây đa  làng quê xưa

Mời Xem :

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN kỳ 15/7/2024 _ Ngộ Không Phí Ngoc Hùng  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét