Tác giả: Ferdinand von Schirach/Renate Graber ; Der Standard 16./17.10.2010
Người dịch: Ninh Dương
Trong loạt bài “Hỏi một cách khác”, nữ phóng viên Renate Graber, biên tập viên kinh tế của tờ „Der Standard“ phỏng vấn những nhân vật thú vị về ý kiến của họ đối với sự phát triển xã hội hiện tại và về bản thân họ. Luật sư Ferdinand von Schirach nói rằng tất cả các phạm nhân kinh tế luôn luôn rất vô tội và bình giải điểm tương đồng giữa thi ca và những vụ kiện.
***
„Hỏi một cách khác“, ngày 15.10.2010: Luật sư Ferdinand von Schirach nói rằng tất cả các phạm nhân kinh tế đều luôn rất vô tội. Những điểm tương đồng giữa thi ca và những vụ kiện tụng và sự chậm chạp của cơ quan tư pháp đảm bảo được điều gì (phán quyết qua SMS), phần câu hỏi do Renate Graber đặt.
Standard: Ông có sẵn lòng bào chữa cho Ruth Becker, người đang bị xét xử vì tội sát hại Tổng Chưởng lý Siegfried Buback do RAF gây ra vào năm 1977 không? Là một luật sư bào chữa hình sự, ông chuyên trách về tội phạm tài chính. (ghi chú của người dịch: RAF = Rote Armee Fraktion; tạm dịch là Phái Hồng Quân, còn được gọi là Nhóm Baader-Meinhof).
Schirach: Đây sẽ là một vụ kiện thú vị. Các vụ kiện Stammheim vào những năm 1970 có nhiều sai sót. Vào thời điểm đó, quốc gia còn non trẻ này nghĩ rằng mình có thể gặp nguy cơ và cần phải tự bảo vệ – nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết thông minh nhất cho việc xét xử hình sự. Và chính khuyết điểm này dẫn đến mối quan hệ lạ lùng mà nhiều người vẫn còn giữ với RAF đến bây giờ. Với tôi, các tiến trình đó dường như chịu trách nhiệm phần nào đối với huyền thoại kỳ lạ về Mùa Thu nước Đức. Bây giờ thì đã khác: Nhà nước cảm thấy an toàn vì đã có thế đứng vững chãi. Giờ đây tất cả các sự việc cần phải nhắm vào chủ đích của phiên tòa tố tụng hình sự: Sự thật.
Standard: Đó chính là ý nguyện của con trai ông Buback. Anh ấy nói: “Cuối cùng chúng tôi muốn biết sự thật.” Người ta có thể tìm thấy sự thật trong các phiên tòa không?
Schirach: Trong một phiên tòa hình sự, sau khi kết thúc quá trình thu thập chứng cứ, ta sẽ có được một giả thuyết về những gì đã xảy ra. Nhưng đó chỉ là giả thuyết, bản thân nó không phải là sự thật, không phải là thực tế. Mọi giả thuyết đều có thể sai lệch, chúng có thể bị bác bỏ trong những trường hợp nhất định: mỗi một thẩm phán giỏi đều biết điều đó. Như vậy thì chúng ta chỉ có thể đến gần với sự thật, không hơn không kém. Và luật pháp vẫn là thứ tối ưu mà chúng ta có được. Tôi không muốn có một cuộc trưng cầu dân ý xét xử tội một người- nhưng đó sẽ là một quyền chọn khác thay thế thủ tục tố tụng tại tòa án của chúng ta.
Standard: Theo ông, giả thuyết về sự thật có đáp ứng được nhu cầu?
Schirach: Không thể có gì khác hơn được. Chúng ta cần có một phương thức để đánh giá nhân chứng, vật chứng khách quan. Phương thức này là luật chứng cứ nghiêm ngặt. Bộ luật tố tụng hình sự là thiết bị lọc mà mọi chứng cứ phải được thông qua. Tôi thấy cách chúng ta đến với sự thật thông qua sự chính thức hóa cũng khá ổn. Tương tự như trong một bài thơ: trong văn học cũng không có sự chính thức hóa nào cao hơn. Một bài Haiku hay (chú thích: thơ ngắn Nhật bản), hẳn nhiên là nói lên sự thật. Văn chương cũng là sự chính thức hóa, một hiện thực đã được chắt lọc. Nếu văn học là sự phản ánh hiện thực hoàn toàn, nó sẽ không còn gì là thú vị. Chính thức hóa là một cách làm cho mọi thứ trở nên dễ hiểu, là con đường dẫn đến sự thật.
Standard: Là luật sư bào chữa, ông không quan tâm đến sự thật, không muốn biết rằng thân chủ của mình có phạm tội hay không. Điều này sẽ hạn chế khả năng bảo vệ. Ông không có một chút tò mò nào à?
Schirach: Tất nhiên, giống như mọi người, tôi có cảm nhận một điều gì đó đúng hay không đúng – nhưng việc này không đóng bất kỳ một vai trò nào trong vụ án cả. Ở đây chỉ xoay quanh vấn đề, liệu một sự việc gì đó có được xác minh không. Nó khác xa sự thật.
Standard: Ông nói thực tế là bẩn thỉu và phức tạp. Nhưng thông thường thì mọi thứ khá đơn giản, đúng không?
Schirach: Thực tế luôn rất phức tạp. Và: Chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt được chúng. Nhất là trong các phiên tòa hình sự, bởi vì ta không có mặt tại hiện trường và chỉ có thể có được một hình dung về thực tế thông qua quyền chứng cứ. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, tôi e rằng, chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt được thực tế một cách trọn vẹn. Nó rất đa dạng, ta luôn chỉ biết được một phần.
Standard: Thật ra thì ông muốn theo học ngành nghệ thuật?
Schirach: Vâng, tôi rất muốn học về lịch sử nghệ thuật …
Standard: … nhưng ông sợ không đủ sống.
Schirach: Vâng, tôi đã nghĩ như vậy khi còn trẻ.
Standard: Ông thực sự lo lắng rằng sẽ không thể kiếm sống bằng công việc của mình à?
Schirach: Đúng vậy.
Standard: Bây giờ thì ông thừa sức rồi. Ông đã trở thành một luật sư bảo vệ được ưa chuộng.
Schirach: Tôi có thể tự lo liệu cho mình.
Standard: Nhưng ông chỉ đại diện cho mười hoặc mười lăm thân chủ một năm. Như vậy có đủ sống không?
Schirach: Tôi chẳng có du thuyền và không tham gia các cuộc đua xe hơi. Tôi chỉ đảm nhận một vài ủy nhiệm vì tôi coi nhẹ việc kinh doanh đại chúng. Tất nhiên, điều này có nghĩa là phí tổn sẽ mắc hơn cho thân chủ.
Standard: Ông vừa cho xuất bản cuốn sách thứ hai: những truyện ngắn pha trộn các đoạn trích từ các vụ án của mình. Một hình thức „Vệ sinh tâm lý“?
Schirach: Chúa ơi, Không, viết lách không phải là liệu pháp đối với tôi…
Standard: Ông không đánh giá cao liệu pháp. Tại sao như vậy?
Schirach: Có những trường hợp tâm lý trị liệu hữu ích, chẳng hạn như chấn thương tâm lý sau tai nạn. Nhưng đa phần thì con người kìm nén những trải nghiệm xấu, điều này thuộc về bản năng và hoạt động tốt. Tâm lý trị liệu muốn làm cho những thứ bị kìm nén trở nên hữu hình – tôi nghĩ rằng mỗi một cá nhân không thể nào xử lý mọi thứ mọi việc được. Ta có thể xem xét các sự kiện lịch sử, chẳng hạn như xác định lại tại sao có rất nhiều người trong Đệ tam đế chế (Đức quốc xã) phạm tội, sự kìm nén tập thể có thể bị phá vỡ bằng cách này. Nhưng tôi nghi ngờ hiệu quả của nó đối với các trường hợp cá nhân.
Standard: Ông khẳng định: „Bạn viết tựa như con người của bạn.“ Riêng ông thì viết rõ ràng, ngắn gọn, súc tích. Những câu chuyện của ông tựa như sự đối lập với các văn bản pháp lý …
Schirach: Vâng, luật sư viết có khác.
Standard: Còn ông thì sao?
Schirach: Tôi cố gắng làm rõ mọi thứ.
Standard: Điều đó có luôn được đón nhận?
Schirach: Tôi không thực sự quan tâm đến việc nó được đón nhận như thế nào. Tôi có đủ độc lập để nói lên những gì tôi cho là đúng. Đó là một đặc quyền. Nếu bạn quá quan tâm đến việc lời nói của bạn ảnh hưởng lên người khác ra sao, cuối cùng bạn sẽ hành động giống như bà Merkel: cố gắng nói sao cho vừa lòng tất cả mọi người và đánh mất chính mình ngay trong lúc đó.
Standard: Ngày càng có nhiều vụ án kinh tế nổ ra ở Áo. Gần đây, một luật sư bào chữa đã nói với tôi rằng anh ta “thích bất kỳ tên trộm cắp tử tế nào hơn là tội phạm kinh tế.” Với ông thì sao?
Schirach: Tôi cũng vậy. Điều phiền toái với những phạm nhân kinh tế là tất cả đều vô tội.
Standard: Còn những vụ đẫm máu thì luôn có tội phạm?
Schirach: Đúng vậy, ở đây, việc tỏ ra vô tội cũng khó hơn: Hãy nghĩ đến một người đàn ông với một con dao, vật được tìm thấy bên cạnh một xác chết. Mặt khác, khi bạn bào chữa cho một giám đốc ngân hàng, ông ta thường rất ngây thơ vô tội. Tôi cũng không quan tâm đến những câu chuyện, không thấy chuyện lừa đảo thú vị chỗ nào. Mô típ của nó thì rất đơn giản, chán ngắt. Luôn quanh quẩn trong vấn đề tiền bạc và quyền lực.
Standard: Ít người chết hơn.
Schirach: Điều đó đúng, nhưng lại không mang tính quyết định. Tôi không bào chữa cho hành động, mà là con người. Hãy tưởng tượng bạn đã giết chồng mình, và đang ngồi trong phòng giam: Nơi đó bạn chỉ có một mình, trần trụi, bị ném trở lại với chính mình. Làm việc với một người trong tình huống này hầu như luôn thú vị hơn là việc kiểm tra xem người này có thỏa đủ điều kiện để kiện người kia hay không. Nó sơ đẳng hơn, con người hơn, và đó chính là cuộc sống. Tình yêu luôn là mô-típ thú vị hơn nhiều so với lòng tham.
Standard: Ông rất muốn bảo vệ Socrates và sẽ khuyên ông ấy sử dụng quyền im lặng. Vào thời điểm trước công nguyên, liệu ông ấy có chạy tội được không ?
Schirach: Những lời buộc tội ông ta khá lố bịch: sự vô thần và gây hại tuổi trẻ – hai điều mà ông ta có thể dễ dàng bác bỏ. Bằng chứng phạm tội không được cung cấp bởi nguyên đơn, mà từ lời khai của chính Sokrates. Điều này sẽ không xảy ra nếu có luật sư bào chữa.
Standard: Chính vì thế, có nhiều điều lưu truyền về ông ta: những phát biểu của ông trước tòa. “Ngôn ngữ La tinh dành riêng cho những người tử tế,” giáo sư của ông thích nói như vậy.
Schirach: Đúng. Ông ấy đã từng là một người lính trong chiến tranh và sau đó mới trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Ông là người cổ đại, từng trải nghiệm mọi thứ. Ông ta tin rằng giáo dục là một cách để bảo vệ bản thân thoát khỏi những đe dọa trên thế giới. Bây giờ tôi không tin vào điều đó nữa, nhưng vào thời điểm đó nó thật có ý nghĩa với tôi.
Standard: Lúc ấy ông mắc chứng „Cảm giác kèm“ (Synästhesie/Synesthesia), trông thấy màu sắc qua các mẫu tự. Một cái gì đó tương tự đã diễn ra trong cuốn sách của ông.
Schirach: Bây giờ vẫn vậy, khi tôi tưởng tượng các chữ cái trong đầu.
Standard: „B“ thì
Schirach: „B“ màu nâu, „H“ màu vàng, „A“ màu xanh, vân vân.
Standard: Vậy thì màu sắc tràn ngập tại Hội chợ sách Frankfurt nơi ông vừa đến…
Schirach: (cười) Đúng vậy.
Standard: Tại tòa án, ông đánh giá cao sự cổ xưa. Chủ nghĩa hình thức, các quy tắc nghiêm ngặt?
Schirach: Tôi thích phiên tòa vì nó nghiêm túc. Đó là sự đối nghịch với màn phô diễn trên truyền hình. Sự chậm chạp của phiên tòa, các hình thức cũ kỹ, nơi mà một công ty tư vấn kinh doanh không có cửa để xen vào và nhiều vụ việc kéo dài lâu có lợi điểm là tính nghiêm túc không bị suy giảm.
Standard: Cơ quan tư pháp của Áo đang nằm trong làn đạn chỉ trích vì sự chậm chạp của quá trình tố tụng.
Schirach: Nó giống như việc viết thư. Chúng ta đã từng phải ngồi xuống, lấy một tờ giấy ra, bơm mực vào bút, suy nghĩ xem câu chữ chúng ta vừa bắt đầu sẽ kết thúc như thế nào. Sau đó là thời máy tính, thư điện tử và tin nhắn SMS. Tại tòa án, những mẫu đơn cũ, sự kéo dài, phức tạp, đảm bảo cho chúng ta tránh được việc cuối cùng kết án qua tin nhắn SMS: “Có tội”. Hoặc một khuôn mặt cười – dành cho “vô tội”.
Standard: Tôi không thấy bất kỳ luật sư nào nói rằng tòa án tượng trưng cho công lý. Ông có thấy như vậy không?
Schirach: Công lý là gì? Nếu hiểu đây là sự cân bằng lợi ích dài lâu trong một xã hội, thì việc phán xử theo luật có thiết lập công lý. Nhưng mọi người đều muốn công lý trong mọi trường hợp; đó là một mục tiêu có tầm cỡ cao, không phải lúc nào cũng đạt được.
Standard: Những thân chủ bị kết án có thấy công bằng không?
Schirach: Tôi hy vọng là đa số mọi người đều vừa ý.
Standard: Còn ông?
Schirach: Chúng ta không có chiến tranh, chúng ta không có nạn đói, chúng ta không bị chết cóng, chúng ta được tự do hơn bao giờ hết. Ta cho rằng điều này là một sự hiển nhiên. Nhưng, thật ra nó là một điều rất đỗi khác thường. Mỗi ngày, chúng ta phàn nàn về năm triệu điều khoản, nhưng vì sao chúng ta lại phát cáu lên như vậy? Chủ yếu là vì những thứ không quan trọng.
Standard: Ông đánh giá cao tất cả ? Khi thức dậy, ông có ý nghĩ theo lối Thiền-Phật giáo: “Bạn đã chết”?
Schirach: Đôi khi tôi thưc hiện điều này. Nó giúp ta đối phó với thực tế là một ngày nào đó ta qua đời. Và như vậy ta sẽ sống có ý thức hơn.
Standard: Nhưng có lẽ nó cũng không giúp ích gì khi ta chết.
Schirach: Điều gì sẽ giúp ta khi giáp mặt với cái chết?
Standard: Ông cho rằng cuối cùng thì điều quan trọng duy nhất là ta đã sống một cuộc sống tử tế. Thế nào là sống tử tế?
Schirach: Tất cả chúng ta đều biết điều đó từ khi còn nhỏ. Đó không phải là một triết lý vĩ đại: Ta không nên làm hại bất kỳ ai.
Standard: Ông không cho rằng mình là người lạc quan hay bi quan và biện minh cho điều đó bằng cách nói rằng ông “không mong đợi gì”. Thoạt nghe có vẻ hơi định mệnh.
Schirach: Người lạc quan phán xét, và người bi quan phán xét, cả hai điều đều vô nghĩa đối với tôi. Mọi việc sẽ diễn ra bất chấp việc ta đánh giá chúng như thế nào. Tôi quan sát sự việc xảy ra. Cần phải tránh việc phán xét mọi thứ mọi lúc; có như vậy ta sẽ thấy dễ chịu hơn.
Standard: Ông luôn luôn giữ khoảng cách, đúng không?
Schirach: Cái này cũng có liên quan đến công việc của tôi. Mặc dù khi còn là một đứa trẻ, tôi cũng đã sống xa cách.
Standard: Ông gọi sự cách biệt của mình theo cách của Schopenhauer là “sự hợp tác hạn chế”. Tại sao ông thích xa lánh như vậy?
Schirach: Đó là điểm đặc trưng, ta không thể tự đánh giá bản chất của chính mình.
Standard: Nhưng ta có thể suy ngẫm về nó.
Schirach: Tôi không thích nghĩ ngợi về bản thân mình nhiều như vậy.
Standard: Tại sao không?
Schirach: Điều đó thật nhàm chán, tôi không coi mình là quan trọng. Tôi thích nghĩ về người khác hơn, đó là điều mà tôi quan tâm hơn.
Standard: Sau phiên tòa xét xử Eichmann, Hannah Arendt đã nói, cái ác cuối cùng cũng tầm thường. Có phải nó luôn luôn như vậy?
Schirach: Mọi thứ mà chúng ta có thể nêu tên cuối cùng đều trở nên tầm thường. Cái ác chỉ là cái ác khi chúng ta không thể đặt tên cho nó. Cái ác là sự bí ẩn ma quỷ, ẩn nấp sau bức màn, trong tủ, dưới gầm giường hoặc trên con đường đi về nhà vắng vẻ khi ta nghe thấy tiếng chân bước ngay phía sau mình. Còn nếu ta có thể nhìn thấy và đặt tên cho nó, thì nó không còn ác nữa, có thể nó vẫn xấu xa hoặc tàn bạo, nhưng không còn là bóng tối. Trong phiên tòa xét xử Eichmann, Adolf Eichmann đã được mô tả và qua đó đã mất đi tính chất ma quỷ và cái ác trở nên tầm thường.
Standard: Ông nội của ông, Baldur von Schirach, chịu trách nhiệm trục xuất người Do Thái ra khỏi Wien với tư cách là thống đốc đế chế của Hitler ở Wien. Ông đã bị kết án 20 năm tù tại Nürnberg và mất năm 1974. Ông có nghĩ rằng cuối cùng ông ta đã nhìn nhận tội đạo đức của mình không?
Schirach: Tôi không biết. Lần cuối tôi gặp ông là khi tôi mới sáu tuổi. Thật khó để thừa nhận một thứ tội khủng khiếp như vậy. Ít nhất là ông đã thừa nhận một phần tội lỗi tại phiên tòa và trong hồi ký của mình. Nhưng ngày hôm nay chúng ta biết rằng ông đã có mặt tại diễn văn Posen (1943, bài phát biểu bí mật của Heinrich Himmler về vụ giết người Do Thái hàng loạt; chú thích.). Ông ta đã luôn im hơi lặng tiếng về việc này. Vậy là, tội lỗi của ông còn nặng nề hơn nhiều so với những gì ông đã thừa nhận.
Standard: Câu hỏi cuối cùng: Cuộc sống là gì?
Schirach: Không là gì cả.
./.
Renate Graber, Der Standard, 16./17.10.2010; Báo giấy
Nguồn tiếng Đức: https://www.derstandard.at/story/1287099235741/liebe-ist-immer-das-viel-spannendere-motiv
Chú thích: Ferdinand von Schirach (46 tuổi, ghi chú: -năm 2010) là một luật sư bào chữa hình sự ở Berlin và là một nhà văn (“Tội phạm”, 2009; “Tội lỗi”, 2010). Ông sinh ra ở München, theo đạo Tin Lành và học tại một trường nội trú Dòng Tên. Schirach đã bào chữa cho cựu thành viên Bộ Chính trị CHDC Đức Günter Schabowski, người mà sau khi đất nước thống nhất đã bị kết án ba năm tù vì tội ngộ sát (“Người chết tại bức tường”). Schirach chuyên bảo vệ tội phạm tài chính. Ông nội của ông là Baldur v. Schirach, lãnh đạo Thanh niên Đức Quốc xã, chịu trách nhiệm việc trục xuất người Do Thái với tư cách là Thống đốc Đế chế của Hitler ở Wien.
./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét