16 thg 7, 2023

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 126_VƯỜN THƠ MỚI - (Bài Xướng :KỶ NiệM BUỒN )


Bài Xướng : KỶ NIỆM BUỒN

Dầm mưa thuở ấy một ngày
Trong tôi hình bóng đến nay hãy còn
In sâu trong trái tim buồn
Nhớ từng khoảnh khắc tỏ tường bên nhau
Nõn nà vóc ngọc mắt nâu
Tuổi xuân chưa tỏ mộng đầu ươm mơ
Cơn mưa cuốn đứt đường tơ
Em đi biền biệt bỏ bờ sông Tương
Bỏ bằng hữu bỏ lớp trường
Bỏ anh giây phút yêu thương để rồi
Cả đời vương lệ mây trời
Buồn dòng nước xoáy thân người hồn ta
Ngước trông cánh nhạn bay xa
Nhớ em chợt giọt nước nhòa đôi mi.

Tâm Quã

Họa 1: ĐƯỜNG TU

Dầm sương giải nắng bao ngày
Lênh đênh mệnh bạc đến nay hãy còn
Dang tay chấp nhận chẳng buồn
Nghiệp căn nhân quả am tường với nhau
Hằn sâu trong ánh mắt nâu
Niềm tin Đạo Pháp ngẩng đầu không mơ
Dù ai rót mật đường tơ
Thiền sinh chánh định đến bờ Tiêu Tương
Đường tu như bãi thao trường
Đớn đau vấp ngã vết thương qua rồi
Sinh ra đứng dưới bầu trời
Gian truân sướng khổ có người có ta
Tri âm bè bạn gần xa
Tịnh tâm lắng đọng nhạt nhoà ướt mi

Trầm Hữu Tình

Họa 2: SỐ KIẾP

Thời gian luân chuyển mỗi ngày

Biết bao lưu luyến đến nay vẫn còn
Trải qua sóng gió chẳng buồn
Chung lưng đấu cật am tường cùng nhau
Nhìn 
đời không chút gợn nâu
Quyết tâm kết tóc bạc đầu mộng mơ
Tưởng đâu nguyệt lão xe tơ
Ai ngờ bỏ ngõ bên bờ mạch Tương
Lao đao lận đận tình trường
Thời gian mộng mị tiếc thương hết rồi
Đừng than oán trách ông trời
Đó là số phận kiếp người của ta
Hết duyên nên phải lìa xa
Hoàng hôn ảo não nhạt nhòa bờ mi

PTL

Chú thích:

Mạch Tương: nước sông tương chảy không dứt. Ý nói nước mắt tuôn chảy không ngừng.
Theo truyền thuyết thì vua Thuấn
(Đế Thuấn 帝舜), cũng gọi Ngu Thuấn 虞舜) có 2 bà phi: Nga Hoàng 娥皇và Nữ Anh 女英.

Khi nghe vua Thuấn mất ở sông Tương, hai bà đến đó khóc rồi tự vận.

Câu 237 và 238 trong truyện Kiều:

Vâng lời khuyên giải thấp cao

Chưa xong điều nghĩ đã đào mạch Tương


Họa 3: CHÁNH NIỆM

Quay về chánh niệm mỗi ngày
Nguyện cầu nghiệp lực tiêu tai chẳng còn
Thân người ai cũng vui buồn
Giữ tâm thanh tịnh tỏ tường cùng nhau
Mặc vào chiếc áo màu nâu
Trang nghiêm giới luật không sầu mộng mơ
Nhủ lòng cắt đứt dây tơ
Hướng tâm tu niệm xa bờ sông Tương
Hồng trần như bãi chiến trường
Đắm trong lục dục sắc hương phai rồi
Có thân trong cõi đất trời
Con đường đạo lý mọi người cùng ta
Sống chung pháp hội không xa
Đi vào thiền định khép hờ đôi mi

Hương Lệ Oanh VA July 5th 2023

 

Họa 4:TÌNH NHỚ

Mưa bay nắng dệt tháng ngày
Sông tình chưa cạn bến nay vẫn còn
Bằng lăng hoa rủ tím buồn
Vườn xưa lối cũ chưa tường hỏi nhau
Bồng bềnh vai xoả tóc nâu
Gió đưa trăng lượn bên đầu suối mơ
Vì đâu phím lỗi chùng tơ
Vòng tay dang dở dỗi bờ cung tương
Anh say về chốn sa trường
Quên bao kỷ niệm nhạt thương lỡ rồi
Chiều đan mây xám giăng trời
Quay cuồng biển nhớ hỡi người trong ta
Núi xanh rừng thẳm trong xa
Trái tim cô quạnh lệ nhoà hoen mi

Kim Trân 

Họa 5:Mưa Buồn

Mưa sao suốt cả đêm ngày
Vầng dương rạng rỡ xưa nay mất còn
Đã buồn lại cứ thêm buồn
Chỉ ta và bóng bên tường có nhau
Không gian nhoè nhoẹt sắc nâu
Trời giăng ánh chớp ngẫng đầu tỉnh mơ
Thân tằm mòn mỏi buông tơ
Hồn xưa dẫn lối đến bờ tiêu tương
Ngẩn ngơ trăm nỗi đoạn truòng
Trào dâng hoài cảm tiếc thương cũng rồi
Ước gì vẹt ngút mây trời
Để trăng lấp loáng soi người rọi ta
Nước mang bong bóng trôi xa
Hạt mưa hoà lệ nhạt nhoà bờ mi

Minh Tâm


Họa 6: Một Thời Để Nhớ

Năm xưa đau khổ từng ngày
Ngậm ngùi cay đắng tới nay vẫn còn
Lặng nghe khúc hát tình buồn
Hẹn mai tâm sự tỏ tường nhìn nhau
Em thơ tuổi ngọc tóc nâu
Tình yêu chưa trải tình đầu chưa mơ
Ai làm cho đứt đường tơ
Em ngồi hong nắng bên bờ Tiêu Tương*
Xa bạn hữu, bỏ ngôi trường
Xa vùng kỷ niệm người yêu đâu rồi
Tàn binh cải tạo Cổng Trời**
Vùi thây mộ lạnh có người bạn ta
Rừng chiều hoàng hạc xa xa
Trông về quê mẹ lệ nhòa ướt mi!
Nguyễn Cang

*Tiêu Tương: Một hình ảnh ước lệ trong văn chương.

“Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương, Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng”.

( “Chinh Phụ Ngâm”, Đặng Trần Côn)

**Cổng Trời: một trại cải tạo thuộc tỉnh Hà Giang ( Bắc Việt), sát biên giới Trung Quốc.

Mời Xem :

Thơ XH, Nhóm Vườn Thơ Mới Kỳ 125 -_ Bài Xướng : MùaThu Lỗi Hẹn (Nguyễn Cang )

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét