3 thg 7, 2023

Chữ nghiã làng văn Kỳ 30/6/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 ***

 Một số địa danh hành chính bị viết sai ở Nam bộ

 Thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đúng ra là Cai Lễ/ Cai Lạy. Sách Gia Định thành thông chí viết 該礼 Cai Lễ, âm Nôm là Cai Lạy.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, Cai Lễ là nói tắt tên ông Cai vệ [?] Phan Tấn Lễ, người có công chỉ huy khai khẩn vùng đất này

(Lê Công Lý)

 

Chữ quốc ngữ

Từ điển khác với Tự điển.

Tự điển mỗi điều chỉ có một chữ.

Từ điển mỗi điều từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ. Ấy là vì chữ ‘‘Từ” () khác với chữ “Tự” ().

‘‘Từ” là lời, ‘‘Tự” là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.

 (Phan Khôi, Ngự sử văn đàn - Hoàng Yến Lưu)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

Ví dụ chỉ tính riêng lỗi chính tả lẫn lộn giữa S thành X, X thành S, đã có ít nhất gần 30 lỗi, kèm theo lời khuyên hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành

(phần trong ngoặc kép   “….” viết đúng nguyên văn của từ điển.

Phần trong ngoặc đơn (….) là đính chính của Hoàng Tuấn Công):


lãi: lãi xuất.”  
Gs Nguyễn Văn Khang

 (viết đúng = lãi suất).

 (Hòang Tuấn Công)

Chích

Chích: chân gà hay giò (chân cẳng)

“Chích” còn là tên riêng của một tên ăn trộm thời Xuân Thu. Vì vậy có từ “đạo chích”, chỉ thằng ăn trộm…gà.

Thế nên có câu “Chó ngươi đạo Chích sủa vua Nghiêu”.

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

xuất: khinh xuất. → không viết: suất.”  Gs Nguyễn Văn Khang

 (viết đúng = khinh suất).

 (Hòang Tuấn Công)

 Nhà hát ả đào phố Hàng Giấy

 Theo Trần Quốc Vương gốc gác từ đời Lê,

ông cụ Nguyễn Tuân đã dẫn Nguyễn Tuân tới đây để nghe hát ả đào. Muốn tới nhà hát ả đào ở cuối phố Hàng Giấy phải đi qua chợ Đồng Xuân, ngoại ô Hà Nội.

Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh

 


(Nguyễn Đức Quỳnh - ảnh Nguyễn Mạnh Đan)

 

Nhân cách Nguyễn Đức Quỳnh cũng được Cao Thế Dung mô tả: “Cụ Nguyễn sống như một ông đồ xứ quê; không có một nhu cầu nào riêng, suốt tháng năm cụ vận bộ bà ba nâu, đi dép Nhật, ăn uống đơn giản, đơn giản hơn cả một nhà tu. Cụ không như ai dấu tài, dấu nghề; cụ chỉ dẫn từng chi tiết nếu anh em thật lòng cầu học. Cụ có thái độ xử thế tiếp vật của một nhà Nho.”

 Nguyễn Long Thành Nam, một người cùng thế hệ, cũng nhận xét khi gặp lại nhau vào năm 1964: “… nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh mặc bộ bà ba nâu là mặc cái mầu sắc thanh đạm của con người Việt Nam, của kẻ sĩ Việt Nam. Và như thế, cái Đạo anh Quỳnh đi tìm hẳn phải là Đạo Việt Nam.”

Đàm Trường Viễn Kiến là nơi Nguyễn Đức Quỳnh mở cửa mời các nhà văn và giới trí thức tới cùng xây dựng một thứ “Đạo Việt Nam.” Như Nguyễn Mộng Giác viết: “…ông không dùng văn chương như một cách phụng sự cái đẹp.” Từ Thằng Kình cho tới Ai Có Qua Cầu,Nguyễn Đức Quỳnh viết để phụng sự một thứ khác văn chương, gọi nó là một thái độ sống, một “đạo” hay một ý thức hệ cũng được.

Ông là người rất mê Truyện Kiều, cuốn sách duy nhất của ông xuất bản trong thời kỳ này đặt tựa bằng câu“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Khi ông qua đời, nhà văn Mặc Đỗ nói đã “mất một người Việt Nam có gốc Việt chắc chắn.” Ông đã viết một cuốn “Nhân Minh Luận,” và Mang Mang cả hai hiện nay không biết đang ở đâu.

Cuối cùng, chúng ta phải nhắc tới Nguyễn Đức Quỳnh khi nói đến văn học ở miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975, vì ông có ảnh hưởng trên rất nhiều văn nghệ sĩ trong giai đoạn đó. Lớp người trẻ được ông khích lệ, bị thu hút vì nhân cách và kiến thức rộng rãi của ông, những người cùng tuổi cũng kính trọng ông. Cuốn sách Ai Có Qua Cầu của ông đáng được phân tích để tìm hiểu tâm trạng của các người trí thức yêu nước ở miền Nam sau khi nước Việt Nam bị chia đôi.

 Đỗ Quý Toàn)

 Bên lề chữ nghĩa

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân

(Nguồn: Tôi đi đâu)

 198 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

 Lê Mạmh Thát rất nặng tính thực nghiệm duy lý khoa học. Tôi còn nhớ vào năm 1968, nhân dịp được US State Department mời qua thăm viếng một số trường đại học Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp Lê Mạnh Thát tại Wisconsin, đêm cuối cùng ấy, chúng tôi đã thức suốt đêm nói chuyện, nói về mặt lịch sử Phật giáo bộ Chân Nguyên toàn tập (2 cuốn) và bộ Sơ thảo Lịch Sử Phật giáo Việt Nam (mới in được 2 cuốn) của Lê Mạnh Thát là những sử liệu quý báu nhất chưa từng thấy xuất hiện tại Việt Nam từ cả thế kỷ nay.

Chính thát là người đầu tiên đã phát hiện ra "Sáu Bức Thư" quan trọng ở thế kỷ thứ V ở Việt Nam giữa Ðạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu. Trong Ngiên Cứu Lịch Sử năm 1981 ở Việt Nam. Trần Văn Giầu đã trích dẫn tài liệu của Lê Mạnh Thát về "bằng chứng sáng tỏ của một số sinh hoạt văn hóa của nhân dân Giao Châu hồi thế kỷ thứ V... rằng sinh hoạt văn hóa đó đã phát triển đến một trình độ đáng tự hào, mang nhiều đặc sắc dân tộc, yêu nước. "cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác."

 Nếu không bị giam từ ngày 1 tháng 4 năm 1984 thì chắc chắn Lê Mạnh Thát còn tiếp tục phát hiện biết bao điều bí ẩn dấu kín "đã chôn vùi trong bóng tối ngàn năm" như lời của Trần Văn Giầu nói về sự phát hiện tư liệu lịch sử về thế kỷ thứ V ở Việt Nam do Lê Mạnh Thát khai quật ra từ "Hoàng Minh Tập' và sau cùng mới đây khi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ bị Hà Nội kết án tử hình thì đó chính là sự phát hiện lỗi lạc nhất của nhị vị.....

Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.

Trong lòng nhị vị vẫn hừng hực thệ nguyện vô biên đến Giác ngộ vì lợi cho tất cả và giải thoát cho tất cả, mà bước đi đã dược thể hiện nhất hiện nay là dâng hiến cả sinh mệnh mình để giải phóng quê hương thoát khỏi cái chủ nghĩa ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất và vô minh nhất của thế kỷ XX.

Chúng ta chỉ đủ sức nhìn thấy được những thiền sư đúng nghĩa mỗi khi nào chúng ta có đủ sức mạnh tâm linh để tự quên mình, cũng như Ðại sư Ðạo Cao đã dạy trong sách "Sáu bức thư ở thế kỷ thứ V" mà Lê Mạnh Thát đã phát hiện cho toàn dân tộc.

(Hai vị Thiền sư - Phạm Công Thiện)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Hé miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.

(Nguyễn Khuyến)

 Nguyễn Trọng Thuật với Nam Phong

Một trong những tay bỉnh bút đắc lực của Nam Phong là cây viết Nguyễn Trọng Thuật. Nguyễn Trọng Thuật sinh năm 1883, người xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là nhà văn tiền phong của văn học chữ quốc ngữ tiền bán thế kỷ XX.

 Từ nhỏ ông được gia đình cho học chữ Hán, lớn lên học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Trong thời kỳ báo chí trở thành mảnh đất hấp dẫn cho những người yêu chuộng văn chương, Nguyễn Trọng Thuật đã quay sang làm báo, cộng tác với tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh. Thời gian này, ông biên soạn một tác phẩm về quê nhà: quyển Danh nhân Hải Dương (xb 1919).

Ông qua đời ở Hà nội ở tuổi 57.


Tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật còn để lại gồm khá nhiều loại:
– Loại danh nhân lịch sử như Danh nhân Hải Dương, Nguyễn Trường Tộ.
– Loại văn học: Thơ ngụ ngôn, Việt văn tinh nghĩa.
– Loại tiểu thuyết: Quả dưa đỏ được giải thưởng của hội Khai trí tiến đức 1925, Cô gái hái dâu (kể tích nguyên phi Ỷ Lan và Lý Thánh Tông).
– Loại dịch thuật: dịch Thượng kinh ký sự  của Lê Hữu Trác.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu…đi dzìa

 Sự ra đời của tờ Nhân Văn

 T.K.: Thưa anh, các anh không lấy tiền của bất cứ nhà xuất bản nào muốn giúp đỡ Nhân Văn, như vậy anh Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức phải là một người nhiều tiền lắm thì mới có thể bỏ ra để in Nhân Văn, Giai Phẩm và các tờ báo khác?

L.Đ.: Đó là một sự lầm lẫn. Anh Trần Thiếu Bảo cũng không có nhiều tiền gì cả. Anh ta cũng là người tháo vát thôi. Mà anh ta từ kháng chiến về, Trần Thiếu Bảo chỉ có cái vỏ thôi, chứ Trần Thiếu Bảo làm gì có tiền! (cười). Nếu anh ấy có tiền thì anh ấy đã bị đi tù rồi. Anh ấy có một xu nào đâu! (cười). Nhưng mà anh này giỏi lắm, anh ấy đi mua giấy, mua chịu, việc nhà in anh ấy rất giỏi.

Hơn nữa anh Trần Thiếu Bảo là một nhà in ở kháng chiến về. Việc quản trị tờ Nhân Văn là do anh Đang lo, tôi không có thì giờ lo việc ấy lắm nhưng mà thế này: nói chung là chúng tôi đều mua chịu giấy báo và sau đó thì hoặc là anh em vay nợ để mua giấy báo và in chịu và bán xong thì lại giả nợ. Đó là mình không lấy tiền nhưng mình lấy sự ủng hộ.

Và cái việc ấy phải nói đến vai trò của anh Đang. Anh Đang là trước anh ấy hoạt động ở giới văn hóa trong nội thành, cho nên anh ấy quen rất nhiều những người làm văn hóa và những cơ sở in ấn ở nội thành. Đó là nguyên tắc đề ra thế, còn có vi phạm hay không thì cái đó tôi cũng chưa được kiểm tra một cách rõ rệt lắm.

 (Phỏng vấn Lê Đạt – Thụy Khuê)

 Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Dù sao Nguyễn Du cũng đã để lại cho hậu thế hai câu thơ... mới lạ, thậm chí... khó hiểu. Có lẽ Nguyễn Du là người đầu tiên tự hỏi đời sau ai sẽ khóc mình? (Tố Như là tên tự của Nguyễn Du?!). 

Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông làm quan ở Bắc Hà (1802-1804).  
Hồ-tây cảnh đẹp hoá gò hoang, 
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn. 
Son phấn có thần chôn vẫn hận, 
Văn chương không mệnh đốt còn vương. 
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, 
Cái án phong lưu khách tự mang. 
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, 
Người đời ai khóc Tố Như chăng? 
(bản dịch của Vũ Văn Tập)

Tiểu Thanh là một người con gái có tài, có sắc, sống vào đầu đời Minh. Nàng họ Phùng lấy lẽ một người cũng tên là Phùng, vì tránh tên chồng, nên gọi là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen, bắt ở một ngôi nhà trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ, chẳng bao lâu buồn mà chết. Lúc bấy giờ mới 16 tuổi. Nay ở Cô Sơn (Chiết Giang) vẫn còn mộ. 
Tiểu Thanh có một tập thơ nói tâm sự của mình. Lúc nàng chết rồi, vợ cả ghen, lấy đốt đi. Còn sót một số bài, người ta chép lại gọi là Phần dư cảo. 

Có thuyết nói tính từ khi Tiểu Thanh mất cho đến lúc Nguyễn Du làm bài thơ Độc Tiểu Thanh ký là được ba trăm năm

 (Nguyễn Dư)

 Hồ Xuân Hương: Huyền thoại và sự thực

 Chữ Nôm tuy đã xuất hiện từ bao nhiêu thế kỷ trước: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông đã có thơ nôm … nhưng phải đến Hồ Quý Ly và đặc biệt là đến đời Nguyễn Tây Sơn, nó mới thực sự có ngôi thứ rõ ràng, không còn “nôm na là cha mách qué” nữa, nó đã là thứ văn tự được luật pháp quy định dùng trong văn bản hành chính.

 

Đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì văn chương chữ Nôm đã đạt đến trình độ điêu luyện, các tác phẩm chữ Nôm hay hơn hẳn những thơ văn Hán-Việt ở các đời trước cũng như cùng thời. Thơ Nôm lại có sức sống mạnh mẽ hơn thơ Hán-Việt vì phạm vi phổ biến rộng hơn; tác phẩm không chỉ gói gọn trong tầng lớp “sĩ” nữa mà trải rộng ra dân gian... đều có thể đọc Kiều, thuộc thơ Hồ Xuân Hương. Vậy Hồ Xuân Hương có gốc họ tộc ở đâu? sinh trưởng trong khoảng thời gian nào?

 

Theo Hồ Phi Tiến căn cứ gia phả của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An: Kể từ Hồ Hồng là người khai cơ lập nên họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì đến Hồ Phi Phúc là đời thứ 11. Hồ Phi Phúc (đổi họ Nguyễn) sinh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

 

Đời thứ 11 Hồ Phi Diễn sinh Hồ Xuân Hương. Vậy nếu xem Hồ Hồng (1) là thủy tổ (đời thứ nhất) ở Quỳnh Đôi đến Hồ Xuân Hương là thuộc đời thứ 12; Nguyễn Huệ đời thứ 12. (Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng chung ông tổ 5 đời là Hồ Thế Anh).

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

 

(1) Hồ Tông thế phả do Hồ Sĩ Dương soạn, hậu chép bổ sung; 

Hồ gia thực lục-bản chi thế thứ tục biên của Hồ Phi Hội (1802-1875; người cùng thế hệ với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ); Án sát Hồ Trọng Toàn (1801-1864); Hồ Quỳnh gia phổ của chi Hồ Phi Tích; Phả ký tộc Trung chi II họ Hồ Quỳnh Đôi ghi phả hệ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu Nghệ An từ đời ông tổ đầu tiên là trạng nguyên Hồ Hưng Dật sống vào thế kỷ thứ 10.

Sau đó có một khoảng thời gian 300 năm, tộc phả này bị thất truyền rồi lại tiếp tục được chép từ năm 1314 khi ông Hồ Kha từ Quỳ Trạch (Yên Thành) về Quỳnh Đôi xem địa thế và giao cho con là Hồ Hồng ở lại khai cơ lập nên làng Quỳnh Đôi.

Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

 Vì người phương Bắc muốn đồng hóa người Việt bằng cách cho rằng cả hai là một dòng của người Tàu, sau một ngàn năm đô hộ, họ để lại rơi rớt một ông con lai là Trần Thế Pháp với hai dòng máu Tàu-Việt. Vì vậy, qua Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp gán ghép nguồn gốc Hán tộc cho Lạc Long quân. Các nhà chép sử Hà Nội, với xu hướng lệ thuộc vào người phương Bắc nên lập lại gần như nguyên văn những huyền thọai, huyền sử ấy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đủ tư liệu để mà viết sử dài dằng dặc…“12 thế kỷ sau thời vua Hùng”. Vì sau nhiều năm bị đô hộ bởi Hán tộc, cụ sử thần mượn truyền thuyết Tam vương ngũ đế với 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống, hầu mong tránh cảnh nồi da xáo thịt.

 Bài Đồ chí ca trích lục trong An Nam chí lược mà Lê Tắc mô tả nước ta từ….đời nhà Đường ở bên Tàu:

An Nam bản đồ sổ thiên lý

Thiểu thị cư dân, đa sơn thủy

Đông lân Hợp Phố, bắc nghi Ung

Nam để Chiêm Thành, tây Đại Lý

 Tuy nhiên sử nhà Nguyễn có phần cẩn án: “ Sử cũ lại chép quá xa, hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi thêm: Trong An Nam chí lược quyển sử lâu đời nhất, cũng có viết:

 Chuyện 18 đời vua Hùng Vương là không có thật..

 Giai thọai làng …vua xóm chữ

 Giai thọai Lý Thái Tông với tôn hiệu

Là vị vua thứ 2 của nhà Lý, trong 26 năm, Lý Thái Tông đã có những đóng góp phát triển kinh tế, xã hội, củng cố bộ máy đất nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá ông “là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ, trong lục nghệ không nghề gì không tinh tường. Vì có tài đức ấy nên có thể làm mọi việc”.

 

Lý Thái Tông có tôn hiệu dài nhất.

Ngay sau khi lên ngôi, tôn hiệu của ông là:

“Khai thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tuế công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí áo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế”.

Tất cả có 50 chữ.

Đến tháng 6 năm Kỷ Mão (1039) vua lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Kim dũng ngân sinh, Nùng bình phiên phục.

Tháng 11 năm Giáp Thân (1044) ông lại tăng tôn hiệu thêm 8 chữ nữa là: Thánh đức thiên cảm, tuyên uy thánh võ.

Như vậy tôn hiệu của vị vua này có tổng cộng 66 chữ.

Giai thọai làng …vua xóm chữ

Tận thu lòng dạ thế gian

Một dịp năm mới, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ăn mặc giả làm thường dân ra phố chơi để xem xét tình hình dân chúng. 
Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, nên trong lòng rất vui thích . Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng  đối liễn gì hết .

 Vua ghé vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng : 
- Chả nói giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với ai cho thêm tủi.
Vua ngạc nhiên hỏi : 
- Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ ? 
- Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ.
Nghe xong, vua cười nói : 
- Nếu vậy, nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất,việc gì mà lại kêu là hèn.

Rồi vua gọi lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau : 
Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự, 
Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm. 

Nghĩa là : 
Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ, 
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
(*)

 (*) theo truyền thuyết, giai thọai này ở làng Cổ Nhuế (tên Nôm là Kẻ Noi), Hà Đông với nghề gánh phân và đổ thùng ở Hà Nội.

Cúng tổ thợ may, tổ thợ mộc - 1

Hai vị tổ nầy tôi chưa thấy ai thờ. Dượng tôi là thợ mộc, chị em bạn dì của tôi là thợ may, tới ngày cúng tổ, họ bày lễ vật lên bàn uống nước ở nhà trên gồm:

Nhang, đèn, nước.

Một dĩa mứt, bánh.

Một dĩa trái cây

Lên đèn, đốt nhang, họ đứng vái lâm râm trước bàn cúng rồi cắm nhang lên lư nhang. Độ năm mười phút họ cúng nước.

Thế là xong, tất cả đều dẹp hết.

(Phạm Hữu Nghĩa)

Hàm Nghi: một nhà ái quốc, một nghệ sĩ đa tài - 1

Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi năm 14 tuổi lấy hiệu là Hàm Nghi nhưng chỉ một năm sau đã rời bỏ ngai vàng chạy ra Tân Sở lãnh đạo Phong trào Cần Vương chống lại thực dân Pháp. Sau hơn ba năm nằm gai nếm mật tại vùng sơn cước các tỉnh Qủang Trị, Qủang Bình và Hà Tĩnh, nhà vua bị Pháp bắt rồi đày sang Algérie năm 1888, lúc đó mới 18 tuổi.

Nhà vua từ trần ngày tại Alger ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ tức là ngày 4 tháng 1 năm 1944 sau 55 năm sống cuộc đời lưu đày, không hề được gặp lại bất cứ một người bà con họ hàng thân thích nào.

Khi đến Algérie, vua Hàm Nghi là một chàng thanh niên 18 tuổi không hề biết mảy may gì về nền văn hoá xứ người, tuy nhiên khi từ giã cõi đời thì ông là một người nghệ sĩ đa tài với một kiến thức chẳng kém gì những bậc thượng lưu trí thức của nước Pháp.

Dù đã bị truất ngôi nhưng trong suốt 55 năm sống cuộc đời lưu đày ông luôn luôn giữ phong cách của một bậc quân vương. Dù sống trên đất nước của kẻ thù nhưng ông vẫn luôn luôn chứng tỏ cho người Pháp thấy tinh thần bất khuất của ông, sự chống đối của ông, dù chỉ là một sự chống đối tiêu cực.

 Dù rằng ông lấy vợ người Pháp, dù rằng ông phải nói tiếng Pháp, dù ông phải học hỏi ở nền văn hoá của nước Pháp, nhưng trong suốt cuộc đời lưu đày, từ ngày đặt chân lên xứ Algérie cho đến ngày từ giã cõi đời, ông không hề thay đổi trang phục của quê hương ông, của dân tộc ông, đó là đầu tóc búi củ hành, đó là cái khăn đóng đội trên đầu và cái áo dài đen cố hữu, không hề thay đổi một loại y phục nào khác.

Trong vườn Villa Gia Long, ông xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ đến đất nước và tổ tiên.

  Như vậy thì trong tâm tư, dù đã bị sống lưu đày trong hơn năm thập niên, dù không hề được nhìn thấy lại quê hương nhưng ông bao giờ cũng nghĩ đến quê hương đất nước.

Dù là một kẻ ái quốc, từ giã cõi đời trong sự cô qụanh của một kẻ lưu đày nơi xứ người để rồi cũng sẽ bị lãng quên theo năm tháng

                               Di ảnh vua Hàm Nghi (1871-1944)

Nhưng là một nghệ sĩ thì dù đã đi vào thế giới bên kia nhưng những tác phẩm nghệ thuật của ông vẫn sẽ còn tồn tại muôn đời. Dù rằng hậu duệ của ông cho đến nay vẫn giữ ý nguyện chỉ muốn giữ những tác phẩm nghệ thuật của ông là vật sở hữu riêng tư trong gia đình…

 Tuy nhiên biết đâu có một ngày nào đó, những hậu duệ này, họ sẽ thay đổi ý kiến và công chúng sẽ được có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm đó.

(Trần Đông Phong)

 Cúng tổ thợ mộc - 2

 Về thợ mộc, tôi nghe nói các thợ mộc nòi nghĩa là có nhập môn với một ông thầy thì họ có thờ tổ. Cũng nghe nói các vị nầy nếu cất nhà thì cứ cất mười nhà thì ếm một nhà. Ếm nặng thì bịnh nặng dai dẳng có khi chết, ếm nhẹ thì chỉ làm ăn thất bại và nghèo khổ mà thôi.

 Ếm nghèo nhưng chưa chắc đã làm cho chủ nhà nghèo. Họ đặt một lá bùa có vẽ một cái gàu. Nếu đặt cho gàu tát ra thì nghèo nhưng đặt cho gàu tát vô thì giàu. Nếu chủ nhà giàu thì ông thợ ếm nghèo tàn mạt. Khi đặt bùa ếm, họ cũng sợ bị chủ nhà khử bằng cách đạp lên đầu cái cái bóng của ông ta ở dưới đất. . Khi đang lấy bùa ra ếm mà thấy chủ nhà đi tới, họ đặt vội thay vì tát ra lại đặt cho tát vô.

Có khi họ ếm bằng cách đóng đinh vô đòn tay ngay chỗ cột cái (cột chính của ngôi nhà) hay đóng đinh thẳng vô đầu cột cái. Cây đòn tay nầy gọi là đòn dông.

(Phạm Hữu Nghĩa)

 Hàm Nghi: một nhà ái quốc, một nghệ sĩ đa tài - 2

 Riêng đối với người VN, chúng ta mong ước ngày đó để cho chúng ta được chiêm ngưỡng những tác phâm hội hoạ và điêu khắc không những của một nhà ái quốc mà cũng còn là một nhà nghệ sĩ đa tài cuối thế kỷ thứ 19.

 Vào năm 1925 khi vua Khải Định mất, triều đình Huế nhận được một bức trướng với hai câu đối viếng như sau:

Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc.

Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu.

 Hồi đó có nhiều người cho rằng câu đối đó là của vua Duy Tân gửi về, tuy nhiên có vài lý do cho thấy rằng nhận xét đó không đứng vững cho lắm vì trên thực tế thì vua Duy Tân bị đày ở đảo Réunion, đảo không nằm trên đường giao thương bằng đường thủy từ Âu châu sang Á châu, do đó nuốn liên lạc với Đông Dương rất khó khăn.

Ngược lại vua Hàm Nghi bị đày ở Algérie, một lãnh thổ của nước Pháp, vào thời gian đó ông đã được người Pháp cho phép sang Pháp nhiều lần, và năm 1926 thì ông đang ở Pháp để tham dự lễ tốt nghiệp của Công chúa Nhữ Mây và cũng để tổ chức triển lãm tranh và tác phẩm điêu khắc. Như vậy thì rất có thể ông đang ở Pháp từ năm 1925 và cũng rất có thể câu đối đó (và bức tượng) do ông từ Pháp gửi về vì tang lễ của vua Khải Định phải chờ Hoàng thái tử Vĩnh Thụy đang ở Pháp về để chịu tang.

Người viết (Trần Đông Phong) không dám khẳng định câu đối nói trên là của ông, tuy nhiên xin mượn vế sau của câu đối này để kết thúc bài biên khảo này.

 Vua Hàm Nghi, ông là một nghệ sĩ tài hoa, một nhà ái quốc đã từ giã cõi đời cách đây đúng 65 năm nhưng nhà vua vẫn còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu vì ngày nay, tại quê nhà cũng như tại khắp nơi, không một người VN nào mà lại không khỏi kính trọng và tiếc thương cho một nhà vua ái quốc, một nghệ sĩ đa tài và cũng là một người tỵ nạn lưu đày sang tận Phi Châu cách đây đúng 130 năm.

(Trần Đông Phong) (1)

 (1)Trần Đông Phong, tên thật là Trần Đức Thắng, sinh năm 1937 tại Thanh Hóa. Năm 1958, ông là giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ. 1969-1975, ông là chủ bút Nguyệt San Anh Ngữ "Free Front,",  Sang Hoa Kỳ năm 1995, định cư tại Dallas, Texas.

Tác phẩm: "Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng", "Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hoa Kỳ và VN: Thomas Jefferson, Hoàng Tử Cảnh" và "Vua Hàm Nghi: Một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài hoa" nhưng chưa kịp ấn hành thì qua đời ngày 24 tháng 12 năm 2009 tại Dallas.

 Khoa cử thời xưa

 Giai thọai trường thi

Thêm một vụ khác nổi danh không kém với “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”: Năm 1841, Cao Bá Quát làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, sửa bài hộ cho 24 quyển phạm trường quy. Nguyễn Văn Siêu làm phân khảo lấy đỗ cho cháu của bạn mặc dù đã bị đánh hỏng. Việc bị giám sát Hồ Trọng Tuấn đàn hạch: Cao Bá Quát bị tội tử hình. Thiệu Trị cho là Quát không gian lận mà chỉ muốn cứu vớt thí sinh có tài lỡ phạm trường quy, giảm án “giảo giam hậu” (đợi xử giảo, chết toàn thây, không bị chặt đầu). Sau đổi qua “xuất dương hiệu lực” cho theo phái đoàn đi Tân Gia Ba. Nguyễn Văn Siêu bị phạt đánh trượng và đi đày một thời gian.

Giai thoại làng nho toàn tập ghi chép những chuyện như sau:

Khóa thi 1825, có Đốc học Hồ Trọng Điển trường thi Nam Định cho học trò đi thi mặc giả làm người hầu vào lều khảo thí của ông. Khóa thi 1831 có Đề điệu Nguyễn Thọ Xuân trường thi Nghệ An cho hai thị nữ mặc giả lính hầu đem vào trường. Khoa thi 1840, Nguyễn Công Trứ làm chủ khảo trường thi Nam Định đem ả đào vào trường thi. Những việc trên bị phát giác, nhưng chúa Trịnh không nỡ bắt tội nên ỉm đi.

Người Minh Hương

Trần Thượng Xuyên đến với quân sĩ và gia đình mang theo, nhiều binh sĩ này vẫn tiếp tục cầm vũ khí theo đuổi binh nghiệp nhưng một số lập nghiệp tại vùng đất mới. Sau một thời gian, thêm một số cư dân và thương gia đến sau, với vốn liếng để lập chợ. Cù lao Phố trở thành cảng sầm uất xuất nhập khẩu, với kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua từ nhiều nguồn của cư dân sống trong vùng Đồng Nai như lâm sản, ngà voi, nai, heo rừng, sừng tê giác..

 Nguyễn Hữu Cảnh, do chúa Nguyễn gởi vào sau này để cai quản vùng đất mới, đến Cù lao Phố ngay lúc cù lao với cảng đang hưng thịnh, nhưng trụ sở hành chánh và đồn binh đặt ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Hữu Cảnh vào cù lao Phố với thủy quân.

Khi ông mất ở Rạch Gầm, quan tài được đưa về Cù lao Phố, rồi từ đấy về miền Trung theo đường thủy, chôn ở quê ông là Quảng Bình. Chứng tỏ Cù lao Phố lúc đó là cảng quan trọng, sầm uất nơi cập bến của tàu bè khi đi và đến Đồng Nai, cửa ngỏ của Nam bộ. Hiện nay ở Cù lao Phố còn đền thờ mộ tượng trưng ông, do dân chúng thiết lập để nhớ ơn ông.

 (Nguyễn Đức Hiệp)

Ăn cơm trước kẻng

 

Ngày xưa một số nhà đông con cháu mà vẫn chung sống với nhau dưới một mái nhà đến ba bốn đời (tam tứ đại đồng đường) tổng số có thể tới bốn hoặc năm chục nhân khẩu, hàng ngày đàn ông thì đánh cờ, đọc sách, ngâm thơ; Đàn bà thì tầm tang dệt cửi; Trẻ con thì đánh bi đánh đáo bắt dế bắn chim. Mọi người tản mác cho nên tới giờ ăn phải dùng kẻng làm hiệu lệnh để tập hợp đông đủ để ăn cơm.

 

Người ta đã dùng chiếc đũa cả đảo cơm, hoặc bất cứ vật gì tương tự gần gụi cho tiện, gõ vào cái chảo, cái chung, cái vạc hay cái đỉnh phát ra âm thanh gọi là tiếng kẻng ngõ hầu báo hiệu giờ ăn cơm. Ăn cơm trước khi nghe báo bằng tiếng kẻng là không đúng phép tắc.

Ăn cơm trước kẻng biến thái mô tả hiện tượng quan hệ nam nữ như vợ chồng trước khi thực sự trở thành vợ chồng. Tức là đáng lẽ phải đợi có sự đồng thuận của cha mẹ đôi bên, tổ chức lễ cưới để thân thuộc chứng kiến thì vì đói bụng, sực trước gây ra tình trạng trái với thuần phong mỹ tục.

(Nguyễn Phú Long)

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

nhân tình 

Nhân tình nghĩa là tình cảm của con người. Ðôi khi người ta dùng từ nhân tình với nghĩa là người yêu, chủ yếu là trong ngôn ngữ thường ngày. Soạn giả cho rằng, nhân tình, trước hết, có nghĩa là người yêu. Thực ra, đó là cách hiểu và cách dùng coi quan hệ giữa các từ tố ở đây giống như trong tiếng Việt. Người soạn từ điển phải chú ý giải thích trong những trường hợp như thế này.

 Trong tiếng Hán, tình nhân mới có nghĩa là người yêu

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Phụ bản của người tầm khảo NK

Theo ngu ý, ta viết là “nhân tình”, người Tàu đọc từ phải sang trái

là…tình nhân.

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Rau bợ là vợ canh cua 

(Rau bợloài dương xỉ mọc ở chỗ đất ẩm, không ai trồng, nhưng ăn được). Ý nói: Rau bợ nấu canh cua thì hợp.

 

Tuy cùng bộ dương xỉ nhưng hình dáng cây rau bợ không hề giống cây dương xỉ. Giải thích như Gs rất dễ khiến người ta hình dung rau bợ chính là cây dương xỉ thường mọc ở dưới tán rừng.

 

Cần viết và phân biệt chính xác, cụ thể: rau bợ thuộc họ tần, bộ dương xỉ, không phải “loài dương xỉ”.

Rau bợ, hay cỏ bợ thực chất là một loại cỏ mọc hoang dại, thường sinh trưởng ở môi trường nước (không phải ở chỗ đất ẩm như Gs nói) còn có tên chữ là tứ diệp thảo (cỏ bốn lá, do mỗi chiếc lá to chia làm bốn mảnh lá nhỏ) điền tự thảo (lá cỏ chia 4 mảnh, hình giống chữ điền 田), dạ hợp thảo (cỏ có lá rủ xuống khi về đêm).

 

Hơn nữa, tại sao “rau bợ lại như “vợ canh cua”, Gs không hề giải thích mà chỉ nói chung chung “Rau bợ nấu canh cua thì hợp”.

Vậy nó “hợp” như thế nào ?

Theo dân gian, canh cua nấu với rau bợ rất hợp bởi không chỉ là món thơm ngon mà còn là vị thuốc chữa viêm nhiệt, mất ngủ.

“Rau bợ mà nấu canh cua

Người chết nửa mùa sống lại mà ăn”

(Ca dao)

 (Hoàng Tuấn Công)

Gia Định Báo - 1

Tuy nhiên, các đô đốc Pháp nhanh chóng hiểu rằng rất khó thay đổi được một đất nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo và lòng trung thành sâu sắc của người dân đối với triều đình. Họ chú ý tăng cường ảnh hưởng của Pháp tới đời sống và phong tục của người Nam Kỳ. Để thực hiện thành công chính sách cai trị, các “quan” Pháp được khuyến khích học chữ hán, chữ quốc ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam. Chính vì thế, rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt mang tính chuyên môn cao được các “học giả” quân sự dịch và soạn thảo trong giai đoạn này.

Ngay từ năm 1864, các trường tiểu học quốc ngữ được thành lập tại các trung tâm quan trọng nhất và các làng công giáo. Mục đích chính là nhằm đào tạo một thế hệ công chức tương lai tận tâm với nước Pháp, đồng thời cắt đứt ảnh hưởng của Nho giáo.
Đến  năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng là văn tự chính thức trong giao dịch, giấy tờ hành chính, tư pháp và thương mại của nhà cầm quyền thuộc địa. Các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ và chỉ được thăng chức hay giảm thuế nếu biết đọc, biết viết loại văn tự này.   

(Nam Sơn Trần Văn Chi)

Gia Định Báo - 2

3.6. Gia Định Báo day Viết văn xuôi  

Thông qua những bản dịch, lần đầu tiên một loại hình văn học mới được đưa vào An Nam. Đó là văn xuôi, với nhiều thể loại khác nhau, như tiểu luận, ký sự hay tiểu thuyết. Tại thời kỳ đó, thể loại này còn chưa được ưa chuộng và không được coi là « văn học », vì người ta cho rằng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ ngang như lời nói. Bài văn xuôi đầu tiên do Trương Vĩnh Ký biên soạn, dài khoảng 7 trang, dưới tựa đề Ghi về vương quốc Khơ Me (1863).
Phải tới khi Trương Vĩnh Ký viết một tập bút ký khác, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), công phu hơn và trau chuốt hơn được in năm 1881. Tuy nhiên, ông phải mượn rất nhiều từ Hán để có thể miêu tả tỉ mỉ chuyến đi này. Không bàn tới mục đích của chuyến công du Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, ở đây chúng ta chỉ quan tâm sau chuyến đi này, ông viết một bản hồi ký ghi lại những kỷ niệm, những điều « mắt thấy tai nghe », vị trí địa lý, lịch sử, những phong tục tập quán của những địa phương nơi ông đi qua.
 
Một nhà nghiên cứu nhận xét đây là « một trong vài tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất của thế kỷ XIX, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi để lại nhiều dấu ấn ngôn ngữ với những phương ngữ, tiếng Việt cổ có giá trị về mặt ngôn ngữ. Câu văn khúc chiết, sinh động chứng tỏ năng lực viết văn xuôi quốc ngữ của tác giả trong buổi sơ khai của loại chữ mới mẻ này.
Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc tại Bắc Kỳ.

(Nam Sơn Trần Văn Chi)

***

Phụ đính I

 

Những nhà văn nhà thơ khuất núi sau ngày 30-4

 Tro cốt Hiếu Chân

 

Trưa nắng. Một người mang áo vải xô, đội mấn gai, chít khăn tang, tay dắt xe đạp, từ phía nhà sách Ngoại Văn, tên gọi mới của nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do, Sài Gòn băng qua đường. Anh ta dựng xe vào gốc cây me già, rồi tới trước cửa hàng 142, cúi đầu chào, chờ đợi. Khi tôi bước ra, người mặc đồ tang nói:

"Thưa cô. Cháu mang Bố cháu lại chào cô."

"Bố cháu?"

Người mặc tang phục, nét mặt trang trọng:

"Dạ. Thưa cô. Bố cháu đây."

 Hai tay anh ta chắp lại, xoay người về phía chiếc xe đạp dựng bên gốc me. Sau xe đạp có cột một gói nhỏ, bọc bằng vải xô. Người thanh niên mặc tang phục là chồng của cháu Vĩnh, con rể anh chị Hiếu Chân. Anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt bị bắt cùng lúc với các anh Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Khánh Giư, Hồ Văn Đồng... từ hồi tháng năm 1985, anh Hiếu Chân vừa chết trong nhà tù Chí Hoà. Gia đình và thân hữu lo lót. Thượng Tọa Trí Quang và các tăng chùa Ấn Quang phụ giúp. Sau bao nhiêu thủ tục quanh co, mới hôm qua thôi, di hài anh vừa được hỏa thiêu.

(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)

(xem tiếp kỳ tới)

***

Phụ đính II

Họan quan


Còn có phương pháp thiến nữa gọi là "Thằng hệ pháp" tức là dùng dây cột chặt dịch hoàn của đứa bé, lâu dần bộ phận sinh dục mất khả năng phát triển và chết đi.
Hoặc cho đứa bé uống một thứ thuốc tê, gọi là ma tuý dược, rồi dùng kim chích hoài vào dịch hoàn khiến cho bộ phận sinh dục không còn công dụng được nữa.

Tác giả Carter Stent mô tả việc thiến ở cuối đời nhà Mãn Thanh như sau:
"Trước khi thiến, người muốn làm thái giám được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp, và được hỏi lần cuối cùng là có hối hận gì khi bị thiến hay không. Nếu trả lời không, thì một người giữ chặt cái bụng người đó, 2 người khác banh hai chân ra và giữ cho không cục cựa. Băng vải được quấn chặt ở bụng dưới và ở 2 bên đùi.

(Trúc Giang)

 Bác tôi là hoạn quan

 Ấy thế mà cũng có một lần bác phải ra trước nhân dân. Trong chiến dịch bài phong kiến, không biết vì đùa nghịch hay vì ác ý, mà chủ tịch ủy ban thôn đã lôi bác ra trong một cuộc mít tinh, để hỏi về cách sống xa hoa của bọn vua chúa và cách bóc lột của chúng.

– Mày làm gì trong cung?

– Thưa hầu hạ.

– Hầu hạ ai?

– Thưa hầu vua và hoàng hậu.

– Phải gọi đích danh là thằng Bảo Đại và con Nam Phương, biết chưa?

– Dạ thưa biết.

– Nó ăn, mày làm gì?

– Thưa đứng hầu.

– Nó ngủ, mày làm gì?

– Thưa sửa soạn chăn màn.

– Nó đái, mày làm gì?

– Dạ…

– Có cầm c…cho nó đái không?

(K.Đ.)

 Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.

Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.

Tác phẩm: Người giữ nhà thờ họ, Lão tiền bối,

Những tháng năm cuồng nộ


Mời Xem :

 1./

 Chữ nghiã làng văn Kỳ 15/6/2023 - Ngộ không Phí Ngoc Hùng


 2./ 

 

Phở biên niên cổ sự - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét