Lời mở đầu: Từ bao thế kỷ nay, người Việt chúng ta vững tin rằng
những cuộc khởi nghĩa của các tộc Việt chống lại ách đô hộ của
nhà Đông Hán vào thời đầu thế kỷ I là có thật. Các anh thư, anh
hùng đã can trường hợp lực khởi nghĩa không phải là những nhân
vật thần thoại mà các vị thật sự là tổ tiên của chúng ta, đã anh dũng
chống lại cuộc xâm lăng, phá bỏ ách đô hộ tàn ác, khắc nghiệt của
vua quan nhà Đông Hán để giành lại độc lập cho nước nhà. Thật
đáng quan tâm là đến nay đã gần hai ngàn năm sau thời Hai Bà
Trưng, chúng ta vẫn chưa biết được chắc chắn điều nào thực, điều
nào hư trong số những điều được ghi chép trong các thần tích,
ngọc phả, trong các sử sách xưa về những cuộc khởi nghĩa oai
hùng đó.
Ngay cả tên họ của Hai Bà đến nay hậu sinh chúng ta vẫn
không biết người Việt cổ phát âm như thế nào? Họ của Hai Bà là
Lạc, là Trưng, hay là không có họ? Vì kiến thức về chữ Hán của
người viết rất hạn hẹp nên khi biên khảo phải dựa theo các phiên
âm Hán Việt và bản dịch của các tác giả đi trước. Biển học mênh
mông, sách báo, tài liệu nhiều không kể xiết, tuy đã cố gắng tham
khảo, đối chiếu và kiểm chứng các ghi chép được lưu truyền
nhưng chắc chắn bài biên khảo này còn có điều sai sót, chân thành
mong các bậc thức giả cao minh rộng lượng cho ý kiến và chỉ giáo.
(XEM TIẾP TRONG ATTACHMENTS KÈM THEO)
* Trước tiên, điều mà hậu sinh chúng ta cần để ý là từ bao thế kỷ
nay, vì cứ theo như trong Hậu Hán thư [後漢書, tác giả: 范曄 Fan
Yeh - Phạm Diệp (Việp) (398-446)] là tài liệu chữ Tàu cổ xưa nhất có
ghi tên Hai Bà là 徵 側 và 徵 貳, người đời sau theo âm Hán Việt đọc
徵 側 là Trưng Trắc, 徵 貳 là Trưng Nhị, nhưng các chữ 側 và 貳
trong câu văn Tàu có thể hàm nghĩa không tốt: 側: âm Hán Việt trắc
(như dùng cho: phản trắc, trắc lậu), 貳: âm Hán Việt nhị (như dùng
cho: nhị tâm) Người Tàu nghe tiếng Việt cổ Chắc và Nhì, khi ký âm
thì họ dùng chữ 側 (âm Hán Việt: trắc) và chữ 貳 (âm Hán Việt: nhị).
Khi dịch câu văn chữ Tàu sang tiếng Việt thì đành theo sát nguyên
văn chữ Tàu, nhưng hậu sinh chúng ta khi nhắc đến tên Hai Bà, để
tỏ lòng tôn kính, nên ghi theo âm tiếng Việt là Trưng Chắc và Trưng
Nhì. Thực ra, đến nay chúng ta vẫn không biết người Việt cổ phát
âm tiếng nói như thế nào? Hai Bà và quân dân khởi nghĩa nói tiếng
Việt cổ trong hệ ngôn ngữ Tai Kadai (từ miền Lĩnh Nam) hay trong
hệ ngôn ngữ Mon-Khmer (trong vùng Nam Á)? Điều này còn tùy
thuộc vào sự kiện các cuộc khởi nghĩa của các tộc Việt thời Hai Bà
khởi phát từ nơi nào?
Trong vùng Lĩnh Nam hay tại đồng bằng sông Hồng? (
xin xem thêm bài: Khảo luận về các địa danh nước Việt cổ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa – © 2015-2023 Đỗ Hoàng Ý)
Từ đầu thế kỷ thứ 20 đến nay đã có nhiều công trình biên khảo công
phu về nguồn gốc tiếng Việt cổ của các tác giả Âu Mỹ và Việt, được
chú ý đến nhiều là các bài: -Études sur la phonétique historique de
la langue annamite: Les Initiales (Henri Maspéro, Bulletin de l'École
Française d'Extrême-Orient (BEFEO), Hanoi, 1912). -La place du
vietnamien dans les langues austroasiatiques (André-Georges
Haudricourt, Paris, 1953). -Linguistic research on the origin of the
Vietnamese language: an overview (Mark Alves, Maryland, USA,
2008). -The Austroasiatics in Ancient South China, Some Lexical
Evidence (Jerry Norman and Tsulin Mei, Monumenta Serica 32
(1976). Tuy các nhà nghiên cứu chưa đạt được kết luận đồng nhất
về nguồn gốc tiếng Việt cổ nhưng đa số đồng ý là sau nhiều biến
cố lịch sử, theo các đợt dân di cư từ miền Lĩnh Nam tiếng Tai Kadai
đã pha trộn với tiếng Mon Khmer của thổ dân sống tại vùng đồng
bằng sông Hồng, sông Mã. Dần dà sự pha trộn của hai ngôn ngữ
Tai-Kadai và Mon Khmer tạo thành tiếng Việt cổ vào những thế kỷ
đầu Công nguyên.
Thiển nghĩ, người Tàu khi cần phiên âm các
tiếng của người Việt cổ nhưng không có tiếng Tàu nào tương đồng,
họ đành phải ký âm tạm bằng một chữ Tàu khi đọc lên nghe gần
giống tiếng Việt cổ. Ví dụ như: (theo hệ ngôn ngữ Mon Khmer) Có
thể người Việt cổ nói Người Tàu ký âm bằng chữ: Âm đọc theo chữ
Tàu Mlinh hay Mring 麊冷 Mi Linh Kurung 徵 Trưng Dù thế nào
chăng nữa, tuy chưa ai biết theo tiếng Việt cổ tên Hai Bà được phát
âm như thế nào nhưng theo truyền thống của người Việt từ nhiều
thế kỷ nay, hậu sinh chúng ta cần tôn trọng tên húy của Hai Bà và
nhắc đến tên Hai Bà theo âm tiếng Việt là Bà Chắc và Bà Nhì. * Xét
về họ của người Việt cổ, các nhà nghiên cứu đều ghi nhận là cho
đến thời đầu Công nguyên các tộc người Việt cổ có tên gọi nhưng
không mang họ:
- Theo tác giả Claude Madrolle, người Việt cổ vào
đầu Công nguyên chỉ có tên gọi nhưng chưa đặt họ cho tên người.
Tác giả có ý cho rằng với tên Hai Bà, tiếng Trưng không phải là
được dùng để chỉ họ của Hai Bà. Nhưng tác giả không giải thích
tiếng Trưng được dùng với ý nghĩa gì? (Le Tonkin Ancien, Bulletin
de l'École Française d'Extrême-Orient (BEFEO), tập số XXXVII,
Hanoi, 1937). - Theo tác giả Bình Nguyên Lộc, đến khi nhà Đông
Hán đánh chiếm, cai trị nước ta, vua quan Tàu bắt ép người Việt cổ
theo tục Hán, phải có đầy đủ danh tính (tên họ) để cho tiện việc
kiểm tra dân số. (Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình
Nguyên Lộc, Sài Gòn, 1971). -
Theo tác giả Eric Henry (Đại học North Carolina)
trong văn hóa Việt thượng cổ không thấy lưu lại
dấu vết gì chứng tỏ là người Việt cổ có mang họ, kể cả các vua. Tác
giả cho rằng đến khi vua quan nhà Hán xâm chiếm nước Việt cổ
vào thời đầu Công nguyên thì người Việt cổ bắt đầu phải đặt họ
theo tục Hán. (The Submerged History of Yuè, Sino Platonic papers,
#106, May 2007). Hiểu theo như thế, nếu Trưng không phải là họ
của Hai Bà thì hậu sinh chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của tiếng
Trưng: - có thể tên Hai Bà là tên kép gồm hai tiếng Trưng Chắc,
Trưng Nhì. - có thể tên húy Hai Bà chỉ giản dị là Chắc và Nhì, còn
tiếng Trưng, theo phong tục Việt cổ, được kèm theo tên húy để bày
tỏ sự tôn kính đối với Hai Bà. - có thể tiếng Trưng hàm ngụ ý nghĩa
là người lĩnh đạo, chỉ huy, là vua, chúa*. *khoảng thập niên 1970,
tác giả Phạm Huy Thông (1916-1988) nêu lên giả thuyết tiếng Trưng
có thể là từ tiếng Mon-Khmer cổ Kurung* để chỉ tước vị Vua trong
văn hóa Phù Nam**. Người viết chưa tìm được biên khảo nguyên
bản có ghi chi tiết này. Mong được các bậc thức giả cao minh chỉ
Giáo.
** Trong một số biên khảo vào đầu thế kỷ 21 như: -The
Transmission of Indian Buddhist Cultures and Arts towards Funan
Periods on 1st-6th Century the Evidence in Vietnam-Phramaha
Chakrapol (Acharashubho) Thepa Religion and Philosophy Faculty,
Mahamakut Buddhist University, Salaya, Thailand, 2021). -Funan
Reviewed: Deconstructing the Ancients- Michael Vickery, Bulletin
de l'École Française d'Extrême-Orient, Vol. 90/91 (2003-2004). Các
tác giả đều ghi trong lịch sử Phù Nam, Kurung Bnam (tiếng
MonKhmer) là để chỉ người ở ngôi vua cầm quyền cai trị nước Phù
Nam.
- Theo tác giả Nguyễn Xuân Quang: …. Đại Tộc Việt là Người
Mặt Trời, thờ phượng mặt trời, theo đạo mặt trời. Cảnh thờ phượng
mặt trời của Lạc Việt cổ còn vẽ lại rành rành trên vách đá Hoa Sơn
(Huashan) ở Quảng Tây, Trung Quốc cách đây hơn 2.500 năm cùng
thời với trống đồng nòng nọc, âm dương Ngọc Lũ I của đại tộc
Đông Sơn, có chủ thể mặt trời ở tâm trống. …….. Hai Bà Trưng hiểu
theo nghĩa Sáng Trưng là gọi theo Họ Hùng Vương Mặt Trời Mọc
Sáng Ngời...Nữ Vương Nang Trưng Thái Dương bao gồm nghĩa
Nang là Trứng Tạo Hóa và Thái Dương là Sáng Trưng, mặt trời thái
dương. Trưng Trắc là Mẹ Nang Thái Dương Một, thứ Nhất và Trưng
Nhị là Mẹ Nang Thái Dương Nhì, thứ hai.
(https://bacsinguyenxuanquang.
dien-danh-tnh-hai-btrung/).
* Khảo luận về các ghi chép tên họ Hai Bà
Trong một số cổ thư * Các bộ Sử ký, Việt chí, Đại Việt sử ký, Việt
sử cương mục , Việt Nam thế chí đã thất truyền nên không biết là
hơn một ngàn năm sau thời Hai Bà khởi nghĩa, tiền nhân đã ghi tên
của Hai Bà như thế nào và có ghi họ của Hai Bà hay không? Ghi
chú và Khảo luận:
*Sử ký: vào thế kỷ 12, trong khoảng những năm
vào triều vua Lý Anh Tông (trị vì: 1138-1175). Đỗ Thiện ghi chép lịch
sử nước Việt từ thời thượng cổ đến cuối triều vua Lý Nhân Tông
(trị vì: 1072-1127). Bộ sử này được kể là bộ sử đầu tiên do tác giả
người Việt biên soạn. Bộ sử này đã thất truyền. *Việt chí:vào thế kỷ
13, trong khoảng những năm 1234-1258 đời Trần, sử thần Trần
Phổ* đã hiệu đính lại bộ Sử ký của Đỗ Thiện thành hai quyển I và II,
ghi chép tiếp về nhà Lý, thành quyển III. Bộ sử mới này có tên là
Việt chí. *có tài liệu ghi là Trần Tân/ Tấn (?)
Theo các tác giả Phan Huy Lê và Trần Văn Giáp
thì rất có thể Trần Tân (hay Tấn) hay Trần
Phổ chính là Trần Chu Phổ [Phan Huy Lê (Bài khảo cứu, in ở đầu
bản dịch bộ Đại Việt sử ký toàn thư) và Trần Văn Giáp (Tìm hiểu kho
sách Hán Nôm)]. *Đại Việt Sử ký: soạn giả Lê Văn Hưu (1230-1322),
hiệu đính lại các công trình của Đỗ Thiện và Trần Phổ, loại bỏ đoạn
cuối viết về thời gian trị vì của Lý Chiêu Hoàng*(trị vì: 1224-1225),
đặt tên sách là Đại Việt sử ký (大越史記) hoàn thành năm 1272. Bộ
sử này đã thất truyền và chỉ còn lưu lại từng đoạn được ghi trong
bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên vào thế kỷ thứ 15. * Theo
thiển ý, điều này cần được kiểm chứng. *Việt sử cương mục và Việt
Nam thế chí: do Hồ Tông Thốc biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ 14,
cuối đời nhà Trần. Vì thất truyền nên nay không ai biết nhiều về bộ
sử này.
Trong bài Tựa của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên
có nhắc đến Việt sử cương mục. * Theo Việt điện U Linh tập (粵甸幽
靈集) của Lý Tế Xuyên (có biên khảo ghi là Lý Tế Xương) (1329),
trong phần “Lịch đại nhân quân” (歷代人君- các vị vua của các đời)
có truyện “Uy liệt thuần trinh phu nhân, Chế thắng bảo thuận phu
nhân” (威烈純貞夫人–制勝保順 夫人) ghi:
“Theo Sử kí và thế truyền,
Chị em phu nhân vốn họ Lạc, chị tên là Trưng Trắc, em tên là Trưng
Nhị, là người huyện Mi Linh, Phong Châu, thời Đông Hán, chính là
con gái Lạc tướng châu ta vậy. Ban đầu Trưng Trắc lấy Thi Sách ở
huyện Chu Diên. Trưng Trắc là người có dũng khí và rất cứng cỏi.
Đương thời Thứ sử châu ta là Tô Định, dùng pháp luật để cai trị họ,
Trưng Trắc giận, cùng em cất binh đánh đuổi Tô Định, tấn công vây
hãm Giao Châu ta, cho đến Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân, dân
man di đều hưởng ứng theo. Lược định được 75 thành ở cõi Lĩnh
ngoại, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng, dựng trị sở ở Ô Diên”.
(Việt Điện U Linh tập, người dịch: Lê Hữu Mục, Huế, 1959) Theo tác
giả Đào Phương Chi (Phương pháp nghiên cứu văn bản Hán Nôm
qua tác phẩm Việt Điện U Linh tập –
Tạp chí Hán Nôm, số 6, Viện Hán Nôm Hà Nội, 2011),
trải qua thời gian gần 6 thế kỷ, từ khi Việt
Điện U Linh tập được hoàn thành đến đầu thế kỷ thứ 20, đã có
nhiều tác giả truyền thừa hiệu đính, tu bổ tập truyện truyền kỳ này.
Theo những ghi chép trong 13 văn bản chữ Hán còn được giữ lại
tại các thư viện trên thế giới thì thấy rằng sau Lý Tế Xuyên, ít nhất
đã có 6 tác giả để lại bút tích làm thay đổi văn bản Việt Điện U Linh
tập: - vào thế kỷ thứ 15: Nguyễn Văn Chất (1422 - ?) thêm phần Tục
biên (Tục bổ). - vào thế kỷ thứ 16: Lê Tự Chi viết Càn Hải tứ vị thánh
nương tịnh tự, Lê Thuần Phủ soạn Bạt. - vào thế kỷ thứ 17–18:
Nguyễn Quang Dụ, Cao Huy Diệu và Lê Hữu Hỷ viết Tiếm bình, Bổ
Chú, Nguyễn Đình Giản viết hiệu bình. - đáng kể nhất là Gia Cát thị
(Chư Cát thị) năm 1774 đã san định tác phẩm, đặt tên Tân đính hiệu
bình Việt Điện U Linh tập.
Trong bài Tựa, Gia Cát thị cho rằng Lý Tế
Xuyên không phải là tác giả đầu tiên mà chỉ là người làm nối theo
phần cuối; sách Việt điện u linh đã có từ trước. - vào thế kỷ thứ 18:
Kim Miện Muội đã phụng mệnh lục và kiểm xét tác phẩm năm 1771.
- vào thế kỷ thứ 20: Ngô Giáp Đậu (1853 - ?) viết thêm Trùng bổ Vì
thế hậu sinh chúng ta không biết được là dịch giả Lê Hữu Mục đã
dùng văn bản nào khi dịch Việt Điện U Linh tập năm 1959. * Theo
Lĩnh Nam chích quái (嶺南摭怪)của Trần Thế Pháp biên soạn vào
khoảng năm 1370 đến 1400, trong truyện “Trinh Linh Nhị Trưng phu
nhân” có ghi:
“Xét quốc sử thì Hai Bà Trưng họ Lạc, bà chị tên là
Trắc, bà em tên là Nhị, người làng Mê Linh châu Phong, con gái lạc
tướng Giao Châu, ban đầu gả cho Thi Sách ở Châu Diên; Phu nhân
người hùng dũng, hay quả quyết khi hành sự”.
(Lĩnh Nam chích quái, người dịch: Lê Hữu Mục, Huế, 1959-1960)
Ghi chú và Khảo luận:
* Vào thế kỷ 15, Vũ Quỳnh (1452-1516) biên soạn Tân đính
Lĩnh Nam chích quái có ghi: ..... tính từ phía ngoài Ngũ Lĩnh ước
khoảng 65 thành. Các tướng sĩ họp bàn, tôn phu nhân làm vua, gọi
nước là Trưng*, đóng đô ở Mê Linh, thuộc Chu Diên. (Tân Đính Lĩnh
Nam chích quái, người dịch: Bùi Văn Nguyên, Nhà xuất bản Khoa
học Xã hội, Hà Nội, 1993) *Vũ Quỳnh ghi tên nước Việt cổ thời Hai
Bà là nước Trưng (quốc hiệu Trưng). Hiểu theo như thế Trưng
không phải là họ của Hai Bà * Theo tác giả Tiên Đàm: … Lấy được
65 thành đất Lĩnh Nam, bà Trưng mới xưng vương, đặt tên nước là
Triệu. [bài: Thân thế và sự nghiệp của Hai Bà Trưng, tạp chí Tri Tân
số 38 (13/3/1942)]
* Trong Đại Việt Sử lược do soạn giả khuyết danh
biên soạn vào khoảng những năm 1377-1388, chỉ ghi tên, không
thấy nhắc đến hoặc ghi rõ họ của Hai Bà:
“Đời Quang Vũ nhà Hậu Hán niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 16 (40 sau Công nguyên) có Trưng Trắc người huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) là con gái của quan Lạc tướng.Trưng Trắc lấy chồng người
huyện Chu Diên là Thi Sách.”….. (Người dịch: Nguyễn Gia Tường,
Hà Nội, 1972) * Năm 1455, vua Lê Nhân Tông (trị vì 1442-1451)
truyền cho Phan Phu Tiên (có khi được đọc là Phan Phù Tiên) tục
biên bộ Đại Việt sử ký, ghi chép những việc chính yếu từ đời vua
Trần Thái Tông (1225-1258) đến khi quân Minh thua chạy về Tàu
(1427). Sách chỉ có bản chép tay, nay sách đã thất truyền nên
không biết trong sách ghi tên họ Hai Bà như thế nào.
* Theo Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên (1400-1497) biên soạn:
...Tên húy là Trắc, họ Trưng.
Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện
Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. (Thi
Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau.
Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc làm họ là lầm). Đóng đô ở Mê
Linh. Canh Tý, năm thứ 1 [40], (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân,
tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại
thù Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh
hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu
Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở
Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng*. (Kỷ Trưng Nữ
Vương, Trưng Vương - Đại Việt Sử ký toàn thư) (Theo Đại Việt Sử
ký toàn thư – Bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính
Hòa thứ 18 (1697), Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính,
chú giải và khảo chứng, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội,
1967). Ghi chú và Khảo luận:
* Đây là lần đầu tiên sách chính sử
Việt ghi họ của Hai Bà là Trưng. Trong những thế kỷ trước: - các bộ
Sử ký, Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký, Việt sử Cương mục, Việt sử thế
chí đã thất truyền nên không biết là có ghi họ của Hai Bà hay
không? - trong truyện thần kỳ Việt Điện U Linh tập: từ khi tự lập làm
vua, mới xưng là họ Trưng. - Lĩnh Nam chích quái ghi Hai Bà họ
Lạc. - Đại Việt Sử lược thì không thấy ghi rõ họ của Hai Bà. - Đại
Việt Sử ký toàn thư có ghi chú: Sách Cương mục tập lãm lấy Lạc
làm họ là lầm.
Theo Viện Hán Nôm, Hà Nội:
http://www.nomfoundation.org/
vietnam/Fulltext/5-Ky-Trung-
chữ Hán trong Đại Việt Sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản
(1697) như sau: ..... 畧 定 嶺 南 六 十 五 城 自 立 爲 王 始 稱 徵 姓 焉.
Phiên âm Hán Việt: … lược định Lĩnh Nam lục thập ngũ thành, tự
lập vi vương, thủy xưng Trưng tính yên. Dịch nghĩa: …. lấy được 65
thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng. (bản dịch:
Viện Hán Nôm, Hà Nội) Nếu hiểu đúng theo như trong câu văn trên
có một chi tiết đáng chú ý: sau khi lên làm vua, bà Chắc “mới xưng
là họ Trưng”.
Điều này cũng có nghĩa là trước khi lên làm vua, Hai
Bà có tên nhưng không mang họ. *Ngô Sĩ Liên hoàn thành Đại Việt
Sử ký toàn thư khoảng năm 1479 triều vua Lê Thánh Tông. - Năm
1511, vua Lê Tương Dực (trị vì: 1510-1516) khiến Vũ Quỳnh khảo
đính Đại Việt Sử ký toàn thư, soạn thành bộ Đại Việt thông giám
thông khảo, sau thường được gọi tắt là Đại Việt thông giám. - Năm
1514, vua sai Lê Tung soạn bài Tổng luận sách Đại Việt thông giám.
- Khoảng năm 1519, đời Lê Chiêu Tông (trị vì: 1516-1522), Đặng
Minh Khiêm vâng mệnh hiệu đính Đại Việt Sử ký (theo Lịch triều
hiến chương loại chí- Phan Huy Chú). - Khoảng năm 1663-1665, vua
Lê Huyền Tông (trị vì: 1663-1671) khiến Phạm Công Trứ chủ biên
việc khảo đính bộ Đại Việt Sử ký toàn thư. Ông cùng với một nhóm
danh sĩ khảo duyệt, khảo đính và tục biên bộ Đại Việt Sử ký toàn
thư, sau đó sách được khắc in năm 1665. -Vào triều vua Lê Hy Tông
(trị vì: 1676-1705), vua Lê và chúa Định Nam Vương Trịnh Căn (ở
ngôi chúa; 1682-1709) giao cho Lê Hy chủ biên việc khảo đính Đại
Việt Sử ký toàn thư và Đại Việt Sử ký bản kỷ tục biên. Sách hoàn
thành được đặt tên là Đại Việt Sử ký tục biên, được cho khắc ván
gỗ in năm Chính Hòa thứ 18 (1697)*. *theo tác giả Trần Hoàng Vũ,
bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 gồm 33 quyển. Mãi đến thế kỷ
thứ 19, bản này được rút gọn và sắp đặt lại còn 25 quyển (24 quyển
chép sử và quyển thủ có gồm Lời tựa của nhóm sử thần Lê Hy),
khắc in thời triều Nguyễn vào khoảng năm 1802-1827 tại Thăng
Long (theo tác giả Trần Nghĩa). Bản in thời triều Nguyễn được gọi
là bản in Nội các quan bản. (theo loạt bài: Bí ẩn mộc bản Chính Hòa
năm thứ 18, Trần Hoàng Vũ, Hà Nội, 4-2022) * Xem lại tiến trình hình
thành bộ quốc sử Đại Việt Sử ký toàn thư từ khi Ngô Sĩ Liên hoàn
tất việc biên khảo năm 1479 đến năm 1697 khi bản khắc ván in
được ban hành, bộ sách đã trải qua nhiều lần khảo duyệt, khảo
đính và tục biên ... đều bởi những danh nho tiền bối. Vì thế người
đời sau thật tình không biết nguyên văn bản gốc đã bị sửa đổi,
thêm bớt nhiều ít như thế nào. Riêng về sự kiện lịch sử: ..... 畧 定 嶺
南 六 十 五 城 自 立 爲 王 始 稱 徵 姓 焉. .…. lược định Lĩnh Nam lục
thập ngũ thành, tự lập vi vương thủy xưng Trưng tính yên …. lấy
được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng.
(bản dịch: Viện Hán Nôm, Hà Nội) khởi đầu chỉ là chi tiết trong
truyện cổ lưu truyền trong dân gian hoặc những điều thế truyền
qua nhiều đời, được Lý Tế Xuyên ghi lại trong Việt Điện U Linh tập
năm 1329. Đến 150 năm sau, không biết là chính Ngô Sĩ Liên (1479)
hay các danh nho đời sau, khi hiệu đính hoặc tục biên, đã đưa chi
tiết truyện thế truyền này vào chính sử Đại Việt sử ký toàn thư. *
Theo bản Lâu Thượng thần tích ngọc phả cổ truyền* được lưu giữ
tại đình Ngoại - Lâu Thượng (Phú Thọ) do Hàn lâm viện Đông các
đại học sĩ Nguyễn Bính (1525-1605) phụng soạn năm Hồng Phúc
nguyên niên (1572), triều vua Lê Anh Tông, có ghi là nhà Hai Bà làm
nghề chăn tằm, quen gọi cái kén tốt, dày là kén chắc, kén mỏng
hơn là kén nhì; nên khi Hai Bà sinh ra, gia đình bèn dùng ngay hai
tiếng ấy mà đặt tên chị là Chắc và em là Nhì* *Theo mục Khảo Dị ở
phần chữ Hán trong sách Trưng Vương Lịch Sử (Hà Nội, 1937) của
tác giả Hoàng Thúc Hội (bút hiệu Cúc Hương). Năm 1942, trên tạp
chí Tri Tân số 42, nhà văn Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm, 1902- 1977)
(con của Hoàng Thúc Hội) có nhắc đến thần tích này ghi tên của Hai
Bà là Chắc và Nhì. (Hoàng Thúc Trâm là người chủ trương và là chủ
bút Tạp chí Tri Tân, xuất bản số đầu năm 1941 ở Hà Nội). * Ở làng
Nại Xá (Đan Phượng, ngoại ô Hà Nội ngày nay) nơi miếu thờ ông
Thi có lưu giữ bản Nại Tử xã Thần miếu sự tích, theo đó thì Trưng
Vương có tên thời con gái là Ả Lã Nàng Đê: ….Nghe nói Ả Lã Nàng
Đê* là người có nhan sắc kiều diễm mà vẫn chưa lấy chồng bèn nói
với Lạc tướng, Lạc tướng nói rằng: Ta và Lạc tướng Phong Châu
trước đã có nguyện ước. Nay nghe có nàng Ả đó phải chăng là
duyên tiền định vậy. Bèn cho người đến hỏi đón về (tức ngày mùng
10 tháng 11). Ở đất Chu Diên hai họ đều cùng vui mừng…. ….
Trưng nữ vương vì căm ghét Tô Định là kẻ tham tàn bạo ngược giết
chồng mình nên đã dấy quân đến hỏi tội Tô Định. Sau đó đánh
chiếm được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam, rồi lên ngôi vua, tôn phong
cho chồng là Quốc vương Thiên tử Đông Hán Đại vương, còn mình
thì tự xưng là Quốc Thiên tử, coi tên Ả Lã Nàng Đê là tên thụy*……
(nguồn: Wikipedia, không ghi rõ ai soạn bản văn này) Ghi chú và
Khảo luận: *Thiển nghĩ: Bản thần phả này có những chi tiết không
hợp lý, cần được xét lại nghiêm chỉnh, cần phải tra xét văn bản gốc
Nại Tử xã Thần miếu sự tích (viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm) và
đối chiếu với các thần phả những làng khác.
*Trong sách Đạo Thánh ở Việt Nam, tác giả Vũ Ngọc Khánh ghi Thánh Bà Ả Lã Nàng Đê là con gái của Thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt, đã giúp
Trưng Vương đánh giặc Hán. (Đạo Thánh ở Việt Nam, Vũ Ngọc
Khánh, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung ương, Hà Nội, 2001).
Theo thần phả đình Đại Mỗ, huyện Từ Liêm thì Ả Lã Nàng Đê là con
gái của Tể tướng Lữ Gia. Sau khi Mã Viện đánh bại quân khởi nghĩa
ở Lãng Bạc và Cấm Khê, Bà trầm mình ở sông Hát. Ả Lã là vị thần
được thờ ở nhiều nơi nhất trong số các nữ tướng thời Trưng
Vương*. Thiển nghĩ: * Nhà Triệu bị diệt vong năm 111 trước Công
nguyên, cuộc khởi nghĩa thời Hai Bà Trưng khởi phát năm 40 sau
Công nguyên, hai sự việc cách nhau 150 năm. Như thế các ghi
chép về thần Ả Lã giúp Hai Bà đánh giặc Hán hiển nhiên không hợp
lý nếu xét theo diễn tiến thời gian của các sự kiện lịch sử Việt cổ! *
Từ nhiều thế kỷ nay, việc biên soạn lịch sử nước Việt thời thượng
cổ đều dựa vào các ghi chép trong sách sử Tàu cổ xưa và những
điều được lưu truyền trong dân gian qua bao nhiêu đời. Hậu sinh
chúng ta không thể quá tin vào sách sử Tàu, cũng không thể cả tin
các truyền thuyết lâu đời về những sự kiện lịch sử của cuộc khởi
nghĩa thời Hai Bà chống ách đô hộ của vua quan nhà Đông Hán vào
đầu thế kỷ I. Chúng ta cần phải kiểm chứng, suy xét cẩn thận mọi
ghi chép trong sử sách xưa, trong các thần tích, ngọc phả để thoát
khỏi những ngộ nhận về lịch sử Việt, và quan trọng hơn nữa là
tránh không tiếp tục lưu truyền lại đến các thế hệ mai sau những
hiểu biết sai lạc về lịch sử Việt. Trong khi chờ đợi thêm những hiểu
biết mới về nước Việt cổ, về ngôn ngữ của các tộc người Việt cổ
thời Hai Bà, điều tiên quyết trong việc ghi nhớ công đức của Hai Bà
là hậu sinh chúng ta cần lưu truyền tên họ Hai Bà cho chính đáng:
Tên húy Hai Bà là bà Chắc và bà Nhì. Tiếng Trưng để bày tỏ sự tôn
kính, có thể để chỉ tước vị Vua. Danh xưng Trưng Chắc nên hiểu
với ý nghĩa tôn quý là Bà Vua Chắc. Danh xưng Trưng Nhì nên hiểu
với ý nghĩa tôn quý là Bà Vua Nhì. Nhớ đến công đức Hai Bà Trưng
là nhớ đến công đức Hai vị Vua của triều đại độc lập đầu tiên của
nước Việt cổ dưới trời Đông Á. * * *
(Trích từ: Cuộc khởi nghĩa thời Hai BàTrưng, © 2015 – 2023, Đỗ
Hoàng Ý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét