17 thg 7, 2023

Khuất Đẩu: TIẾNG CƠM SÔI ( T.Vấn và Bạn Hửu )

              Tình Yêu và Cuộc Sống – Tranh: MAI TÂM
 

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà*             

Phạm Hữu Quang

.Tôi là con nhà nông, nhưng không biết cày bừa. Được mẹ nghe lời cha dặn ráng cho con đi học, tôi học thì ít mà suốt ngày cà nhổng, hết đánh bi đánh đáo đến tắm sông… thì nhiều. Tuy không động tay động chân đến việc nhà, nhưng nấu cơm thì phải biết.

Đói thì đầu gối phải bò!

Nhưng bò vào bếp là cả một công việc không dễ chút nào. Nhất là cái bếp chỉ có hai ông táo và một bà táo chúa, cùng một mớ rơm rạ. Mùa đông thì rạ ướt nhẹp, thổi cho chín nồi cơm mệt ná thở luôn, mùa hè, rơm dễ bắt lửa, lạng quạng là cháy nhà!

Vậy mà chừng dăm bữa mọi việc cũng đâu vào đó. Biết đong gạo đi vo, biết đãi sạn, biết nhen lửa, biết ngồi canh lửa cho đến khi cơm cạn, cơm chín. Biết nấu cơm không nhão, không khê, không cháy khét. Dĩ nhiên không được để cơm sống, chẳng những không có cơm ăn mà còn phải ăn đòn.

Tiếng kêu rào rạo của nó, cũng như tiếng cối xay kêu cút kít, tiếng giã gạo kêu thình thịch, lâu thành quen, chẳng việc gì phải nhớ.

Nhớ chăng là nhớ tiếng hế… hò hê của những người đi cấy lấy công, nhớ tiếng hò giã gạo trong những đêm trăng, nhớ tiếng hô bài chòi, tiếng hát bội, tiếng trống làng thùng thình.

Rồi đi học xa. Làng bị đốt. Quên hẳn tiếng cơm sôi, mãi đến khi đọc được hai câu thơ trên của Phạm Hữu Quang, mới thấy nhớ nó tha thiết.

Nó “không trong như tiếng hạc bay qua” cũng “không đục như nước suối mới sa nửa vời”. Tiếng khoan không “như gió thoảng ngoài”, tiếng mau cũng không “sầm sập như trời đổ mưa”! Lại càng không giống tiếng mưa thu thánh thót rơi.

Nó đùng đục, nằng nặng, nghĩa là không đục lắm, cũng không nặng lắm. Nó không kêu sùng sục như nồi bánh tét, cũng không o… o… như tiếng nước sôi trong ấm. Nó chỉ kêu rào rạo, đủ cho ta biết cơm sắp cạn, cần phải bớt lửa. Nó như một người khản tiếng phải cố kêu lên vài tiếng, trước khi nằm thở dốc.

Tác giả suốt ngày bên bếp vợ/ Chẻ củi, trèo thang với giặt đồ, những việc mà anh cho là không đáng để một thằng đàn ông phải làm. Dù túi rỗng, anh vẫn quyết chí đi giang hồ một phen.

Giang hồ ta ghé cơm nhà bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều

Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng!

Đến lúc thấy tóc trên đầu đã chớm bạc, anh mới khóc và nhận ra rằng;

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!

Tức là nhớ cái bếp bên vợ, nhớ những lúc vợ nhờ chẻ củi, bắc cho cái thang hay giặt giùm đồ của chính anh. Hồi đó anh thấy ghét thấy bực bội, nhưng giờ anh thèm được vợ sai (gọi lịch sự là nhờ). Tôi tin vợ anh sẽ nói lẩy,” giang hồ mà, sao lại về đây” kèm theo một cái nguýt dài sắc lẹm. Nhưng mà thương lắm đấy!

Phải rồi, tiếng cơm sôi làm tôi nhớ tới cái bếp, nhớ từng cái nồi đồng, cái trã bằng đất, nhớ củ khoai lùi, trái bắp nướng, nhớ mùi cá chiên, nhớ bát canh rau muống, nhớ lá bồ ngót, nhớ trái ớt hiểm, nhớ mâm cơm bày ra trong bếp, một bên là rơm rạ, một bên là tro nóng, nhớ những giọt mưa bị gió hắt vào… nhớ dáng mẹ ngồi, nhớ cách mẹ xới cơm, nhớ ơi là nhớ.

Giờ, có nồi cơm điện, đổ gạo đổ nước vào, cắm điện thế là xong. Làm sao nghe được tiếng cơm sôi nữa. Mà nghe làm chi khi điện thoại có đủ thứ để xem, để nghe, để đọc, nhất là phây bút có cả trăm cái like chỉ nhờ một bức ảnh “tự sướng”!

Vậy thì thôi nhé! Tiếng gọi đò! Tiếng rao đêm! Tiếng guốc khua! Và giờ là tiếng cơm sôi!

Hết cả rồi! Chỉ còn tiếng bom rơi đạn nổ của Nga Mỹ và bầy đàn mà thôi!

6/2023

(Trích: NỖI BUỒN MÂY TRẮNG – Sắp xuất bản)

©T.Vấn 2023

* Phụ Lục: bài thơ Giang hồ của Phạm Hữu Quang

GIANG HỒ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố

Phố lạ mà quen, ta giang hồ

Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ

Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ

.

Giang hồ đâu bận lo tiền túi

Ngày ta đi chỉ có tay không

Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi

Mây trắng trời xa, trắng cả lòng

.

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn

Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình

Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng

Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

.

Giang hồ có buổi ta ngồi quán

Quán vắng mà ta chẳng chịu về

Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống

Đếm thấy thừa ra một gốc si

.

Giang hồ mấy bận say như chết

Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều

Chí cốt cầm ra chai rượu cốt

Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu

.

Giang hồ ta chẳng hay áo rách

Sá gì chải lược với soi gương

Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc

Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa

Thấy núi thành sông biển hóa rừng

Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió

Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

.

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta khóc. Mới hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Phạm Hữu Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét