Mỗi
ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái
ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm
thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì
màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại cũ, loại
thường, không phải smart phone. Thức ăn đã được nấu sẵn, để trên bàn
trong bếp. Nước lạnh, nước ngọt có trong tủ lạnh. Cả ngày Nó ngồi đó, hí
hoáy vẽ hết bức tranh này đến bức tranh khác. Khi nào đói Nó chỉ cần
chống hai tay vào cái giường gần đó làm điểm tựa, quẳng thân mình xuống
đất, dùng hai tay đẩy người lết đến bên cái bàn trong bếp, lại bám lấy
cái ghế khác, quẳng thân mình lên ghế, rồi lấy hộp thức ăn, bỏ vào trong
microwave. Buồn đi tiêu, đi tiểu thì có cái bô đậy nắp để sẵn trong
toilet. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Nó lết đến bên cửa, nhướn người lên
đút chìa khóa vào ổ, lết ra ngoài, bám vào từng bậc cầu thang dẫn lên
mặt đất rồi lết ra cửa trước, đập vào cửa gọi bà chủ nhà, một người phụ
nữ gốc Pakistan, Hồi giáo, luôn luôn bận rộn suốt ngày với việc nhà và
ba đứa con nhỏ trong lúc ông chồng đi làm, công việc của ông ta là lái
xe bus. Trong thế giới của Nó, mọi thứ đều được đặt biệt danh cho dễ
nhớ. Bà chủ nhà có dáng người thấp, tròn tròn như trái banh, lúc nào
cũng chùm khăn trên đầu được đặt tên là Banh Trùm Đầu. Còn ông chồng là
Bụng Bia. Ba đứa con, hai trai một gái, khoảng 6, 7 tuổi và 2 tuổi, lần
lượt được đặt tên là Tóc Xoăn-đứa con gái, Chân Khẳng Khiu-đứa con trai
và Bi Ve-vì hai con mắt nó đen lay láy, tròn xoe như hai hòn bi ve.
Mẹ
đã dặn đi dặn lại có chuyện gì hãy mở cửa bò ra ngoài gọi bà chủ nhà.
Hoặc nhắn tin cho Mẹ. Nhưng chẳng có chuyện gì để Nó phải bò ra ngoài
hay phải nhắn tin cả. Ngày nào cũng thế, tháng nào cũng thế, chả có
chuyện gì xảy ra. Nhưng Mẹ vẫn lo lắng. Mẹ dặn cả bà chủ nhà Banh Trùm
Đầu. Thỉnh thoảng khi ra sân đi đổ rác hoặc lấy thư trong hộp thư ngoài
cổng, Banh Trùm Đầu lại đi vòng qua cửa sổ tầng hầm, khom người nhìn
xuống để xem Nó có làm sao không. Cũng có khi Banh Trùm Đầu đi xuống mấy
bậc cầu thang gõ gõ lên cửa lớn, khi Nó mở ra, Banh Trùm Đầu đưa cho Nó
mấy cái bánh chiên, bên trong có hành, nhờn nhờn mỡ, hoặc một chén cơm
trộn với các loại đậu, thịt gà, khá nặng mùi gia vị. Nó không thích
những món đó, nhưng Nó không hề tỏ thái độ. Khuôn mặt Nó rất ít khi biểu
lộ điều gì.
Căn
hộ nhỏ Mẹ con Nó thuê nằm ở tầng hầm (basement) của căn nhà gỗ nhỏ hai
tầng, thêm một tầng áp mái. Gia đình Banh Trùm Đầu chỉ sống ở tầng trệt,
còn lại cho thuê tất. Mẹ giải thích, ở xứ này phần lớn những ngôi nhà
đều có tầng hầm như vậy, thường thì họ để làm nhà kho, nhưng với một số
người, nhất là dân nhập cư, họ sửa chữa lại cho thuê để kiếm thêm thu
nhập.
Căn
tầng hầm hai mẹ con Nó ở một nửa chiều cao thấp hơn mặt đất, phần cao
hơn mặt đất khoảng thước rưỡi, và cửa sổ thì chỉ cao hơn mặt đất khoảng
30 cm. Ngồi bên trong nhìn ra cửa sổ Nó chỉ thấy chân người đi qua.
Không bao giờ thấy mặt nếu như họ không tình cờ ngồi thụp xuống nhìn
vào. Nhưng cũng không có nhiều người đi qua vì cửa sổ mở ra con đường
vắng phía sau, bên kia đường là một khu đất trống. Tuy nhiên đó là cả
thế giới bên ngoài của Nó.
Cái
thế giới ấy chuyển từ mùa này sang mùa kia. Mùa đông là mùa Nó ghét
nhất. Không phải vì lạnh. Ở trong nhà có sưởi. Nhưng chỉ một phòng khách
này là có hệ thống sưởi chìm dưới nền nhà. Phỏng ngủ của hai mẹ con,
bếp, phỏng tắm đều không có sưởi. Mẹ đã mua thêm một cái máy sưởi điện
nhỏ đặt trong phòng ngủ. Thành thật mà nói thì cái máy sưởi nhỏ ấy chả
ấm thêm được bao nhiêu. Nhưng dẫu sao thì hai mẹ con đã có chăn, chăn
rất dày cho mùa đông. Cái mà Nó ghét hơn là mùa đông trời tối sớm. Buổi
sáng 9 giờ trở đi mới sáng còn 3 giờ chiều là trời đã tối. Nó không nhìn
thấy gì bên ngoài nữa, và Nó phải bò vào giường, nằm đọc đi đọc lại
những cuốn sách mang theo ở nhà sang đây. Nó hay dùng chữ “ở nhà” thay
vì dùng hai chữ Việt Nam. Căn hộ có cái ti-vi của chủ nhà, tủ lạnh, bếp
điện cũng là của chủ nhà, nhưng Nó không thích xem ti-vi. Toàn những thứ
tiếng nó không hiểu gì. Điều thứ hai khiến Nó ghét mùa đông là vì suốt
cả mùa Đông dài, Mẹ sẽ không bao giờ cho Nó ra khỏi nhà đi đâu cả. Mùa
hè thì khác.
Mẹ đưa Nó sang cái xứ xa xôi lạnh lẽo này vào mùa hè.
Mùa
hè đầu tiên khá là vui. Khi đó hai mẹ con sống ở nhà ông Cao Kều. Đó là
người đàn ông duy nhất cho tới nay chịu cưới Mẹ, theo nó biết. Và đó
cũng là người Na Uy đầu tiên mà nó tiếp xúc khi tới đây. Ông ta trông
già hơn Mẹ nhiều, đầu trọc nhẵn nhụi và cao lêu nghêu. Ông ta đối xử với
Mẹ và Nó khá là tử tế, dù rất ít khi nào “trò chuyện” với Nó. Có lẽ Mẹ
cũng tràn đầy hy vọng sẽ sống lâu dài với ông Cao Kều. Nó còn nhớ Mẹ đã
hào hứng ra sao khi soạn sửa đồ đạc chuẩn bị sang Na Uy. Bà Ngoại cũng
mừng vì cuối cùng cũng có người cưới Mẹ, dù khi sang đến đây thì chả có
đám cưới mà chỉ có đi làm giấy tờ thôi. Những ngày tháng đầu tiên khuôn
mặt Mẹ lúc nào cũng rạng rỡ như có ánh nắng mặt trời rọi vào, Mẹ cười
luôn miệng, Mẹ cũng chiều ý Nó từ việc cho phép Nó mang theo rất nhiều
sách trong cái tủ sách của ông Ngoại để lại mà Nó say sưa đọc, mua cho
Nó kẹo, sô cô la dù Nó không ăn bao nhiêu.
Mùa
hè đó thỉnh thoảng ông Cao Kều lại chở Mẹ và Nó đi ra công viên, đi lên
Oslo chơi. Họ ngồi sưởi nắng, ăn kem- những cái kem dâu, kem sô cô la
ngọt lịm, lạnh tê lưỡi. Nhưng Nó thích nhất là kem màu xanh có hương vị
lạ lạ mà Mẹ gọi là pitas. Tuyệt hơn nữa là kem pitas có những hạt hạnh
nhân nhỏ nhỏ. Hồi ở nhà Nó chưa bao giờ ăn kem có hương vị đó. Có thể
người ta cũng bán, nhưng hồi đó Nó chỉ hay ăn kem dâu, kem vani và kem
sô cô la. Sô cô la thì Nó thích, nhưng kem sô cô la thì không vì quá
ngọt, Nó không thích cái gì quá ngọt. Chị Phương mà Nó gọi là Kẹo Ngọt
thì trái lại, rất thích ăn ngọt, chính vì vậy Nó mới đặt tên cho chị là
Kẹo Ngọt. Chị cũng thường nói với Nó bằng cái giọng rất ngọt ngào, dấp
dính như kẹo (không phải lúc nào cũng ngọt ngào, nhưng thường là như
vậy)
Nhưng
Phương không thích được gọi là Kẹo Ngọt, chị bảo gọi chị là Lan Phương,
hiểu chưa. Chả biết chị lấy ở đâu ra cái tên Lan Phương ấy. Nghe rất
điệu đàng. Và không cần suy nghĩ lâu, Nó cho là cái tên ấy không hợp với
chị.
Mùa
hè đầu tiên ấy ông Cao Kều còn chở Mẹ và Nó ra những chỗ có bờ biển ở
Oslo, hồi còn ở nhà Nó cũng từng được đi biển, một lần duy nhất. Biển ở
nhà có cát. Biển ở đây không có cát, chỉ có đá vụn. Ở đó có rất nhiều
người Na Uy cắm trại, họ nằm trần phơi mình giữa nắng, họ nướng thịt.
Mùi thịt thơm lừng. Và họ nói thứ tiếng Nó không hiểu.
Ông
Cao Kều và hai mẹ con cũng cắm trại, cũng nướng thịt như họ. Mẹ mang
theo tấm trải, dù, cái bếp than nướng một lần, xúc xích, bánh mì, salad,
bơ, táo đỏ. Ăn xong, Mẹ cũng cởi quần áo, chỉ mặc đồ tắm, phơi nắng như
người khác. Nhưng da Mẹ vàng và mịn, nhẵn, không có lông, khác với da
ông Cao Kều và những người Na Uy khác, trắng thật trắng, đàn ông có rất
nhiều lông, đàn bà cũng có lông nhưng sợi mảnh hơn, có màu vàng lấp lánh
trong nắng. Lông mi lông mày của họ có khi cũng màu vàng, có khi màu
nâu. Còn hai mẹ con Nó thì da nhẵn nhụi, tóc, lông mày, lông mi màu nâu
đen. Còn có những người da đen, tóc xoăn, những người da vàng nâu mà Mẹ
bảo đó là người Pakistan và những dân tộc khác nữa. Chỉ đến khi tới xứ
này Nó mới nhìn thấy nhiều người có ngoại hình khác nhau, nói thứ tiếng
khác nhau như vậy. Ở nhà chung quanh ai cũng giống hai mẹ con, ai cũng
nói cùng một thứ tiếng, thứ tiếng mà Nó không thể cất tiếng nói nhưng
hiểu được.
Mùa
hè đầu tiên đó mọi thứ đều mới mẻ. Mọi thứ là khám phá. Ngày nào Nó
cũng viết thư kể cho Kẹo Ngọt nghe. Những cái thư chữ to như con gà cồ,
ngoằn ngoèo, nhưng chị hiểu hết. Kẹo Ngọt rất thích đọc những điều mới
mẻ mà Nó viết. Nhất là lần đầu tiên thấy tuyết vào mùa đông như thế nào.
Kẹo Ngọt bắt Nó tả đi tả lại. Nhưng Nó không biết tả làm sao. Nó bèn
vẽ. Nó vẽ tốt hơn viết. Nhưng Kẹo Ngọt vẫn không thỏa mãn. Kẹo Ngọt bắt
Mẹ quay video bằng điện thoại gửi cho chị xem. Rồi cứ hai ba ngày lại
gọi điện thoại qua Skype để nói chuyện. Nó ngồi nghe Mẹ và Kẹo Ngọt nói.
Nó ra dấu hỏi Mẹ bao giờ thì Mẹ đưa Kẹo Ngọt sang đây. Mẹ luôn trả lời
sắp, sắp rồi.
Mùa
đông đầu tiên cũng vẫn còn vui. Nó ngồi nhìn Mẹ và ông Cao Kều trang
trí cây thông giáng sinh, trang trí quanh nhà. Mọi người ăn Giáng Sinh
với những món lạ khác với hồi còn ở nhà Nó, Bà Ngoại, Mẹ, Kẹo Ngọt hay
ăn. Ông Cao Kều còn tặng cho Nó một chiếc xe lửa chạy bằng pin, chạy
vòng quanh một đường ray, còn Mẹ thì tặng Nó một hộp bút chì màu và tập
giấy, kể từ đó Nó bắt đầu vẽ.
Nhưng
rồi Mẹ cũng không sống được lâu dài với ông Cao Kều. Nó không biết tại
sao. Có thể vì họ không hiểu hết tiếng nói của nhau. Có thể vì cuối cùng
Mẹ đâm chán cái chỗ ông Cao Kều ở, nó là một thị trấn nhỏ, rất nhỏ,
buồn tẻ và vắng vẻ, khu trung tâm chỉ có một, hai con đường, vài chục
cửa hàng, moi thứ đều đóng cửa sau 3 giờ chiều, Thứ Bảy Chủ Nhật thì
đóng cửa cả ngày. Mùa đông lạnh, khi ông Cao Kều đi làm hai mẹ con chỉ
biết loanh quanh trong nhà, ngoài trời thì tối thui và lạnh kinh khủng.
Có thể có vô số lý do nào đó mà Nó không sao hiểu được. Chỉ biết một
ngày Mẹ con Nó dọn lên Oslo, dọn sang nhà khác, chính là căn nhà có tầng
hầm này. Và chỉ có hai mẹ con với nhau. Rồi Mẹ đi làm.
Mùa
đông lại tới. Mùa đông dài, lạnh và tối. Chả đi đâu được. Rồi ngay cả
khi mùa đông đã qua đi, Mẹ cũng không hay dẫn Nó đi chơi nữa. Mẹ đi làm
cả tuần chỉ nghỉ có một ngày Thứ Hai. Mẹ làm ở một nhà hàng của người
Việt, sau giờ ăn trưa mới đi, đến gần nửa đêm mới về. Buổi sáng Mẹ ngủ
bù, tới hơn 9 giờ mới dậy. Ngày nghỉ duy nhất Mẹ hay ôm điện thoại nhắn
tin, hoặc nói chuyện với ai đó. Toàn đàn ông. Mẹ nói tiếng Anh, một thứ
tiếng Anh không trôi chảy với họ, cũng có khi Mẹ nói những câu ngắn ngắn
bằng tiếng Na Uy. Có lẽ không có ai là người Việt nên Nó không bao giờ
thấy Mẹ nói tiếng Việt. Những người đàn ông ấy thường xuyên thay đổi, Nó
biết như vậy vì cứ một thời gian lại thấy Mẹ gọi bằng một cái tên khác.
Giống
như hồi ở nhà. Những người đàn ông, những ông chú khác nhau, cứ đến rồi
đi. Hồi ở nhà Mẹ không đi làm ở nhà hàng. Mẹ làm công việc văn phòng,
có khi làm tiếp thị, quảng cáo gì đó, công việc cũng giống như những ông
chú, cứ một thời gian lại thay đổi. Nhưng lúc nào cũng thấy Mẹ chưng
diện khi đi làm, mặc đồ tây, thỉnh thoảng lại mặc váy, chải đầu, xức
nước hoa, tô môi, đánh phấn. Công việc nhẹ nhàng sạch sẽ, người lúc nào
cũng thơm nước hoa. Còn ở đây Mẹ hoàn toàn không trang đỉểm, ăn mặc bình
thường và buổi tối về người Mẹ lúc nào cũng đầy mùi thức ăn. Có lần Nó
ra dấu hỏi tại sao Mẹ không mặc đồ đẹp, không trang điểm. Mẹ cười chua
chát: -Mặc đồ đẹp làm gì, tới nhà hàng thì cũng thay ra mặc đồ của họ
thôi, cũng không cần trang điểm, làm phụ bếp thì trang điểm làm gì.
Nó đoán là Mẹ không thích công việc của Mẹ ở đây. Nhiều lần Mẹ phàn nàn bà chủ keo kiệt, lại hay mắng mỏ người làm.
Càng
ngày Mẹ càng hay rầu rĩ, cau có. Những cái tên đàn ông thay đổi nhanh
hơn. Giống như hồi ở nhà. Mẹ luôn luôn đi tìm một cái gì đó. Mẹ bảo Mẹ
muốn đi tìm một người tử tế làm cha của hai đứa. Nhưng có vẻ như những
người đàn ông chả ai muốn cưới Mẹ và làm cha của Nó và Kẹo Ngọt, còn khi
tìm được ông Cao Kều chấp nhận Nó thì Mẹ cũng không hạnh phúc. Đôi khi
một ý nghĩ buồn rầu len vào đầu Nó, biết đâu Nó chính là một trong những
nguyên nhân ấy. Nó là gánh nặng của Mẹ, Nó là một sản phẩm lỗi, với đôi
chân bị sốt bại liệt trở nên quặt quẹo, mềm nhũn, bất động và không bao
giờ Nó có thể cất tiếng nói, trò chuyện với Mẹ hay bất cứ ai. Nhưng Nó
giấu kín ý nghĩ ấy.
Nó
lại nhớ hồi còn ở nhà, có lần Bà Ngoại giận chửi Mẹ: -Lấy ai thì lấy
phứt một thằng đi, đừng có nay thằng này mai thằng khác, không ai coi ra
gì.
Rồi
thì người đàn bà ấy xuất hiện, đúng ngay hôm sinh nhật 12 tuổi của Kẹo
Ngọt. Khi Mẹ hỏi Kẹo Ngọt muốn gì, Kẹo Ngọt nói chỉ muốn đi ăn ở tiệm
KFC, với một điều kiện, cho cả Nó đi theo. Mẹ suy nghĩ rồi đồng ý. Tất
nhiên là Nó rất sung sướng vì Nó ít khi được đi đâu. Nó cũng đã từng
nhìn thấy những cái phim quảng cáo KFC nhiều lần trên tivi và Nó cho đó
có lẽ là thứ ngon nhất trên đời.
Hôm
đó Mẹ bảo Kẹo Ngọt và Nó gọi xe taxi tới công ty nơi Mẹ làm việc ngay
trước giờ ra về, nhưng chờ ở bên kia đường, Mẹ sẽ cùng lên taxi ba mẹ
con đi ăn ở tiệm KFC, sau đó hai đứa đi về trước còn Mẹ quay lại cơ quan
lấy xe gắn máy, vì Mẹ nói chở ba nguy hiểm.
Xe
taxi tới được một vài phút thì Mẹ đi ra. Nó và Kẹo Ngọt hoàn toàn không
để ý đến một chiếc xe hơi đang đậu xéo trước cửa công ty của Mẹ. Khi Mẹ
vừa đi ra thì bà ta và mấy người đàn bà khác từ trên xe hơi bước xuống.
Bà ta gọi tên Mẹ. Mẹ vừa quay đầu nhìn thì mấy người đàn bà sáp tới bao
chung quanh Mẹ để cho người đàn bà túm tóc Mẹ, tát Mẹ, chửi Mẹ là con
đĩ giựt chồng.
Nó
và Kẹo Ngọt ngồi đờ ra. Hoàn toàn bất ngờ, không biết phải làm gì.
Nhưng chỉ một lúc là có mấy người ở bên trong công ty chạy ra can ngăn.
Ồn ào lời qua tiếng lại. Như sực tỉnh, Kẹo Ngọt mở cửa xe taxi, định
chạy qua nhưng đúng lúc đó Mẹ nhìn thấy chiếc xe taxi, nhìn thấy Kẹo
Ngọt và cả Nó. Tóc rối tung, mặt đỏ bừng vì bị tát, áo bị xé toạc, Mẹ
khoát khoát tay ra dấu cho Kẹo Ngọt đừng chạy qua.
Kẹo
Ngọt lùi lại, chui vào xe. Nghĩ sao, Kẹo Ngọt nói với người tài xế cho
xe chạy trở về nhà. Suốt trên đường về Kẹo Ngọt không nói một lời, Nó
cũng không dám hỏi về việc có đi ăn KFC nữa không.
May
mà hôm đó Bà Ngoại đi lễ hội Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang nên không
biết. Không ai bảo ai, Nó và Kẹo Ngọt cũng không kể lại với Bà Ngoại.
Buổi
tối hôm đó Mẹ xin lỗi Kẹo Ngọt, xin lỗi Nó và năn nỉ Kẹo Ngọt ngày mai
lại đi ăn KFC nhưng Kẹo Ngọt nói không muốn đi ăn nữa. Rồi Kẹo Ngọt nói
một câu, y như cái câu Bà Ngoại thường hay nói: -Mẹ lấy ai thì lấy phứt
một người đi, mệt lắm. Khi nói câu đó, Kẹo Ngọt trông già hẳn đi. Và Mẹ
im lặng.
Sau
hôm đó Mẹ bỏ việc. Bà Ngoại càng chửi dữ hơn. Sau đó mấy tháng nữa thì
hai mẹ con Nó sang đây. Tuy Bà Ngoại chửi Mẹ dữ dằn nhưng khi đưa hai mẹ
con ra phi trường, Bà Ngoại khóc. Mẹ cũng khóc. Kẹo Ngọt và Nó thì
không.
xxxxx
Bây
giờ, ngay cái ngày nghỉ duy nhất hàng tuần Mẹ cũng không ở nhà. Chắc là
Mẹ đến với những ông chú nói thứ tiếng không phải tiếng Việt.
Hồi
còn ở nhà cả thế giới của Nó là những cuốn sách từ cái tủ sách to đùng
của Ông Ngoại để lại. Cả nhà-Bà Ngoại, Mẹ, Kẹo Ngọt không ai thích đọc
sách, trừ Nó. Bà Ngoại quá bận rộn đi lễ chùa, cúng bái, đi hầu đồng. Mẹ
bận đi làm, trang điểm, và bận rộn với những ông chú bí mật đến rồi đi.
Kẹo Ngọt cũng bận rộn với bạn của chị ấy. Chị ấy còn lén lấy son, phấn,
nước hoa của Mẹ để xài khi đi sinh nhật bạn. Bà Ngoại mắng chị: -Con bé
này rồi cũng phù phiếm nông nổi như mẹ mày.
Không
có ai làm bạn, ít được đi đâu, Nó đọc mọi cuốn sách mà Nó vớ được từ tủ
sách của Ông Ngoại, dù có nhiều cuốn Nó chả hiểu gì. Cuốn Hoàng Tử Bé
là một trong những cuốn Nó thích nhất, và khi Mẹ con Nó chuẩn bị đi sang
Na Uy, đó cũng là một trong những cuốn Nó mang theo.
Bây
giờ, cả thế giới của Nó chỉ còn là bên ngoài khung cửa sổ. Nó vẽ tuyết
rơi bên ngoài khung cửa vào mùa đông, vẽ những chiếc lá rụng vào mùa
thu, hay những vệt nắng trải dài trên lề đường vào mùa hè và mùa xuân.
Thỉnh thoảng nếu may mắn, có một con chim đậu bên ngoài cửa sổ. Hoặc một
con ruồi to tướng. Và khi Nó nhướn người lên, dán mặt vào khung cửa sổ,
Nó có thể nhìn thấy lề đường lát đá, những bông hoa nhỏ màu vàng mọc
dọc theo những bụi cỏ bên đường. Những bông hoa chỉ có vào cuối mùa xuân
sang mùa hè. Đôi khi một con mèo chạy qua. Một con mèo đen, bốn bàn
chân màu trắng giống như đi tất trắng. Lúc nào cũng là con mèo đó.
Nó vẽ tất cả những gì Nó có thể thấy.
Dần
dà Nó vẽ những đôi giày, những cẳng chân đi qua. Có một bà cụ thường đi
qua, luôn luôn mang giày cao gót dù lớn tuổi và chống gậy. Những cô gái
mặc váy đi xăng đan vào mùa hè, mặc áo khoác dày đi giày bốt cao cổ,
thấp cổ vào mùa đông. Có vẻ như gần đây cũng có một ngôi trường vì có
bọn học sinh cỡ tuổi nó đi qua. Nó không bao giờ thấy mặt ai cả. Nó chỉ
thấy giày. Một chút váy hoặc quần. Và Nó nhận ra họ nhờ những đôi giày.
Những đôi giày đi vào đầu Nó, xuất hiện trong những bức tranh vẽ bằng
bút chì màu. Vả lại như đã nói con đường này không có nhiều người đi qua
nên rất dễ nhớ.
Nò
khám phá ra có hai đôi giày luôn luôn đi cùng nhau-hai đứa con gái cỡ
tuổi Nó đi học. Nó đoán là thế. Hai đứa nói tiếng Na Uy. Hai đứa luôn
luôn đi cùng nhau, tíu ta tíu tít nói chuyện. Và giày chúng đi cũng
giống nhau. Mùa đông là giày bốt, màu đen hoặc màu nâu. Mùa xuân, mùa hè
giày mỏng hơn, một đôi màu hồng, một đôi màu vàng. Nó đặt tên hai đứa
là Giày Hồng và Giày Vàng. Cho dù mùa đông tới tụi nó có đổi giày thì
tên tụi nó cũng vẫn sẽ là Giày Hồng và Giày Vàng. Một phần vì Nó thích
đôi giày màu hồng đó. Đôi giày xinh xắn, có nơ hồng. Đôi giày vàng thì
không có nơ mà lại có cái khóa màu bạc, sáng óng ánh nằm phía trên.
Và tất nhiên, hai đôi Giày Hồng và Giày Vàng đã có mặt trong bộ sưu tập tranh của Nó.
Một
hôm Giày Hồng làm rớt một thanh kẹo. Giày Hồng ngồi thụp xuống nhặt, vô
tình liếc nhìn vào ô cửa và trông thấy Nó. Thoạt tiên Giày Hồng giựt
bắn mình khi thấy một đôi mắt đang chăm chăm nhìn ra. Giày Hồng đờ cả
người ra. Còn Nó thì vô cùng sững sốt khi nhìn thấy Giày Hồng có tóc màu
đen, mắt đen như tóc Nó, mắt Nó. Và có lẽ là thua Nó một, hai tuổi gì
đó. Nhưng rồi Giày Hồng bình tĩnh lại, mỉm cười với Nó. Nó chưa kịp phản
ứng thì Giày Hồng nhặt xong thanh kẹo, đứng lên và vội vã chạy đuổi
theo Giày Vàng.
Cả
ngày hôm đó Nó băn khoăn suy nghĩ. Không biết Giày Hồng có phải người
Việt không. Có thể lắm chứ. Hóa ra ở đây ngoài hai mẹ con Nó cũng có
những người Việt khác.
Buổi
tối khi Mẹ đi làm về Nó ra dấu hỏi Mẹ ở đây có những người Việt khác
không. Mẹ vừa mở hộp thức ăn ra, bỏ vào microwave hâm cho hai mẹ con ăn
vừa nói: -Có chứ. Nó lại ra dấu hỏi có nhiều không. Mẹ tỏ vẻ suy nghĩ
rồi nói: -Ở Oslo này có khoảng 5000, 6000 người gì đó.
Đến
lượt Nó choáng. Hóa ra nhiều người Việt ở đây đến thế sao. Vậy mà chẳng
bao giờ thấy mẹ nói chuyện với một người đàn ông người Việt nào.
Mẹ
thường hay mang thức ăn về nhà. Có hôm là thức ăn dư của tiệm, có hôm
là Mẹ mua để khỏi phải nấu. Ăn xong, Mẹ đi tắm cho bay hết mùi thức ăn
khỏi người, pha một ly cà phê đen uống-thói quen bao nhiêu năm, rồi ngồi
mở điện thoại ra đọc tin nhắn và nhắn lại, đọc lướt mấy tờ báo online
rồi đi ngủ. Ngày nào cũng vậy. Mẹ cũng không hay xem ti-vi. Có lẽ Mẹ
cũng không hiểu gì mấy.
Dù
Mẹ đã dặn đừng chờ, buổi tối Mẹ về khuya, nhưng Nó vẫn chờ. Nhiều hôm
ngủ gà gật, nhưng Nó nhất định cứ ngồi trên ghế, không vào giường trước.
Biết vậy, sau này cứ vừa bước ra khỏi cửa nhà hàng, leo lên xe bus là
Mẹ gọi cho Nó bảo Mẹ đang trên xe bus đây, nửa tiếng nữa về tới.
xxxxx
Kể
từ ngày hôm đó Nó thường hay đợi Giày Hồng và Giày Vàng đi qua. Thỉnh
thoảng Giày Hồng lại vờ như rớt cái gì đó, ngồi xuống nhặt và cười với
Nó. Lần này thì Nó đã kịp cười lại. Nó lấy làm thắc mắc tại sao Giày
Hồng không kể về Nó với con bạn Giày Vàng, hai đứa có vẻ rất thân kia
mà. Nhưng rồi Nó nghĩ có lẽ Giày Hồng muốn xem đó như là một bí mật giữa
hai đứa. Và Nó thấy thú vị với ý nghĩ đó.
Một
hôm Giày Vàng không đi học. Giày Hồng ngồi thụp xuống và nói chuyện với
Nó. Giày Hồng hỏi Nó bằng tiếng Anh. Nó đoán là Giày Hồng hỏi Nó tên
gì. Nó liền viết lên tờ giấy đưa lên sát tấm kính: Hoàng Tử Bé. Giày
Hồng ngỡ ngàng rồi bật kêu lên bằng tiếng Việt: -Bạn là người Việt sao?
Nó sung sướng gật đầu.
Giày
Hồng lại hỏi tại sao tên Nó là Hoàng Tử Bé. Nó đoán Giày Hồng chưa đọc
cuốn sách đó. Nó lại viết hỏi Giày Vàng đâu? Giày Hồng càng không hiểu.
Nó sửa lại: Bạn của bạn đâu? À, Anna hả, nó đi du lịch rồi. Mai mình
cũng đi du lịch. Mùa hè mà.
Rồi
Giày Hồng đi. Suốt mấy tuần lễ Nó thấy buồn. Những đôi giày trẻ con
cũng không thấy đi ngang. Mùa hè chắc tụi nó đi chơi cả. Chỉ có Nó ngồi ở
đây. Mẹ không còn nghĩ đến việc đưa Nó đi chơi nữa. Thay vào đó Mẹ đi
làm hai nơi, Mẹ bảo để kiếm tiền đưa chị Phương của con sang.
Bây
giờ Mẹ ra khỏi nhà từ trước 9 giờ sáng. Và vẫn về vào lúc gần nửa đêm.
Đã hết những thứ để vẽ, để đọc. Nó chả biết làm gì. Nó bèn gọi Skype cho
Kẹo Ngọt để Kẹo Ngọt kể chuyện này chuyện kia cho Nó nghe. Thỉnh thoảng
Bà Ngoại cũng ghé mặt vào hỏi một, hai câu. Nó gật, lắc hoặc cười đáp
lại những câu hỏi.
Rồi
mùa hè qua. Giày Hồng và Giày Vàng lại đi học cùng nhau. Chỉ có một lần
Giày Hồng cúi xuống cười với Nó. Có lẽ Giày Hồng còn bao nhiêu chuyện
khác, bao nhiêu bạn bè khác. Giày Hồng đã thay đôi giày mới, nhưng vẫn
màu hồng, có vẻ như đó là màu ưa thích của Giày Hồng. Đôi giày này không
có nơ mà lại có dây cột qua cột lại, và một đường viền màu trắng chung
quanh. Còn Giày Vàng thì đã thay sang Giày Trắng. Nó lấy làm mừng rằng
ngồi ở ngoài nhìn vào Giày Hồng không thể nhìn thấy chân Nó, và tưởng
rằng Nó cũng giống như Giày Hồng, Giày Vàng hay những đứa trẻ khác.
Mẹ vẫn thế, cau có và ủ rủ.
Một
hôm Giày Hồng đi học một mình. Rồi hôm sau cũng thế. Đến hôm thứ ba thì
Nó phát hiện có một đôi giày người lớn đi qua, cách sau Giày Hồng một
quãng. Đôi giày màu đen. Bước chân khập khiễng, chân cao chân thấp. Suốt
mấy ngày sau luôn luôn có đôi giày màu đen ấy đi sau Giày Hồng một
quãng. Hình như Giày Hồng cũng phát hiện ra. Giày Hồng đi nhanh hơn.
Giày Đen cũng đi nhanh hơn.
Rồi
vào cái ngày đó, Nó thấy Giày Hồng chạy vụt qua. Ngay sau đó là Giày
Đen khập khiễng chạy theo. Rồi Nó nghe thấy những tiếng động lạ, giống
như tiếng giãy giụa, xô đẩy, một tiếng kêu “Cứu…” bị tắt nửa chừng,
tiếng cốp xe mở ra và tiếng xe hơi rồ máy chạy. Nó bồn chồn không hiểu
gì cả. Nhưng cái tiếng kêu “Cứu…” bị tắt nửa chừng làm Nó băn khoăn mãi.
Tại sao Giày Hồng lại kêu lên bằng tiếng Việt? Vì buột miệng hay vì sực
nhớ ra Nó ở gần đó, có thể nghe thấy? Nhưng tại sao Giày Hồng lại kêu
cứu? Chuyện gì đã xảy ra?
xxxxx
Buổi
sáng hôm sau rồi hôm sau nữa Banh Trùm Đầu gõ cửa nhà Nó trước khi Mẹ
đi làm, nói gì đó. Rồi đưa cho Mẹ một tờ báo. Mẹ ô, a tỏ ra hết sức kinh
ngạc. Khi vào Mẹ nói bà chủ nhà bảo báo Na Uy mới đưa tin có một cô bé
người Việt bị mất tích, vì mình là người Việt nên bà ấy cho hay.
Mẹ
mở tờ báo ra, cố gắng đọc để hiểu. Sau đó Mẹ đặt tờ báo xuống, thay đổ
để đi làm. Nó với tay cầm tờ báo. Đâp vào đôi mắt Nó là tấm hình chụp
khuôn mặt Giày Hồng đang cười, mái tóc hai bên cột hai cái nơ màu
hồng-lại là màu hồng, kèm theo là hình ảnh bộ quần áo, đôi giày màu hồng
mặc lúc mất tích. Đôi giày có dây cột qua cột lại, và một đường viền
màu trắng chung quanh. Nó sững sờ.
Khi
Mẹ bước ra Nó rối rít ra dấu cho Mẹ gọi police. Tại sao? Mẹ kinh ngạc.
Nó chỉ vào tờ báo chỗ có tin Giày Hồng bị mất tích, ra dấu Nó biết
chuyện gì đã xảy ra. Mẹ không tin nhưng Mẹ biết Nó chưa bao giờ nói dối,
Nó không biết nói dối. Mẹ ngần ngừ, Mẹ không muốn dây vào cảnh sát.
Những người nhập cư không bao giờ muốn dính dáng tới cánh sát. Mẹ khoát
khoát tay định bỏ đi nhưng Nó đập mạnh tay lên bàn gọi Mẹ lại. Nó chưa
bao giờ phản ứng như vậy. Nhìn ánh mắt khắc khoải và cả thân mình run
lên như bị kích động của Nó, Mẹ đành thở ra, quyết định gọi điện thoại
đến chỗ làm cáo lỗi là bị bệnh, Mẹ còn vờ ho, giả giọng như người đang
mệt mỏi lắm. Rồi Mẹ gọi cho cảnh sát.
Và
cảnh sát tới sau đó không lâu. Một người thấp bé, đeo kính cận, là
người Việt làm phiên dịch và một người cảnh sát có màu tóc như màu lúa
mì và cái mũi đỏ.
Tóc
Lúa Mì Mũi Đỏ có vẻ tử tế. Mẹ giải thích với hai người, con trai tôi
nói là nó biết cái gì đó có liên quan đến cô bé bị mất tích. Kính Cận Bé
Nhỏ dịch cho Tóc Lúa Mì Mũi Đỏ. Tóc Lúa Mì Mũi Đỏ liền đi tới ngồi bên
cạnh Nó, xoa xoa đầu Nó và hỏi bằng tiếng Na Uy cho Kính Cận Bé Nhỏ dịch
lại. Nào cậu bé, cậu kể đi, cậu đã thấy gì nào.
Vừa
ra dấu, Nó vừa vẽ cho họ hiểu. Rằng Nó đã thấy người đàn ông đó đi theo
Giày Hồng mấy ngày liền ra sao, Nó đã nghe thấy những gì, Nó mô tả ông
ta đi đôi giày màu đen, Nó vẽ đôi giày cho họ xem, và cho biết thêm ông
ta đi khập khiễng, chân cao chân thấp.
Người cảnh sát có vẻ kinh ngạc trước những bức vẽ đầy chi tiết của Nó, luôn miệng: -Tuyệt lắm, tuyệt lắm cậu bé, cậu giỏi lắm.
Sau khi xoa đầu Nó, họ ra đi.
Mẹ
ngồi xuống cạnh Nó và bảo nào giờ kể cho Mẹ nghe mọi thứ xem nào. Và Nó
kể hết, Nó đã quen với Giày Hồng ra sao, cả cái tiếng kêu “cứu…” bị tắt
nửa chừng mà hồi nãy Nó không muốn kể cho người cảnh sát nghe. Nó hỏi
Mẹ tại sao Giày Hồng lại kêu lên bằng tiếng Việt? Mẹ trả lời giống y như
Nó nghĩ. Có thể là buột miệng trong lúc hoảng hốt, mà cũng có thể là
muốn cho con nghe thấy, để con có thể báo cho ai đó. Nó cầu mong cho
điều xấu sẽ không xảy ra cho Giày Hồng. Dù sao đi nữa, Giày Hồng là
“người bạn” duy nhất của Nó, nếu Nó có thể gọi như vậy, ở xứ này, cho
tới lúc này.
xxxxx
Nhưng
điều may mắn đã không xảy ra. Chỉ hai ngày sau, người ta tìm thấy Giày
Hồng nằm úp mặt bên bờ sông cạn, quần lót bị cởi vứt qua một bên, váy
tốc lên cao, một chiếc giày còn dưới chân, một chiếc trôi lờ lững trên
sông bị mắc vào một khúc củi mục rong rêu. Cổ cô bé có vết bầm tím do bị
siết cổ. Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau thủ phạm bị bắt. Người đàn
ông đi đôi giày đen, chân cao chân thấp.
Báo
chí đưa tin hắn là một người có công ăn việc làm đàng hoàng, có gia
đình, vợ con, một người bình thường, không tiền án tiền sự, chưa từng có
bất cứ vấn đề gì khiến hàng xóm hay cảnh sát phải để ý. Tóm lại, một
người hoàn toàn bình thường. Nhưng từ vụ này, người ta phát hiện ra hắn
cũng chính là thủ phạm của một vụ khác, mấy năm trước. Một cô bé người
Philippines, cũng 9 tuổi như Giày Hồng, bị bắt cóc và cái xác sau đó
được tìm thấy cũng trong tình trạng tương tự như Giày Hồng, mà suốt một
thời gian dài không ai tìm ra thủ phạm. Người ta đã chứng minh được DNA
để lại bên trong móng tay cô bé khi cào xước rách da thủ phạm trùng khớp
với DNA của Giày Đen.
Tất
cả những điều này là Mẹ kể cho Nó nghe. Nhưng tại sao hai cô bé bị
giết, tại sao thủ phạm bắt cóc hai cô bé thì Mẹ không giải thích. Mẹ chỉ
nói đó là một người xấu thích làm hại trẻ con. Và những chi tiết như
chiếc quần lót, chiếc giày bên còn bên mất, cả chuyện DNA gì đó, là Nó
nghe lỏm được khi Mẹ nói chuyện với Bà Ngoại và Kẹo Ngọt qua Skype. Kẹo
Ngọt đã 15, gần 16 tuổi. Có lẽ Mẹ nghĩ Kẹo Ngọt đủ lớn để kể.
Một
thời gian sau nữa Tóc Lúa Mì Mũi Đỏ quay trở lại, cùng với Kính Cận Bé
Nhỏ phiên dịch và một người nữ cảnh sát khác, mà nó gọi là Tàn Nhang vì
hai gò má cô đầy tàn nhang.
Tóc
Lúa Mì Mũi Đỏ luôn miệng khen ngợi Nó, xoa đầu Nó. Họ đem tặng Nó một
hộp bút chì màu thật to, một chiếc xe lăn. Đó là thứ mà Mẹ vẫn muốn mua
cho Nó bao lâu nay mà chưa đủ tiền. Tàn Nhang hỏi hoàn cảnh của họ, rồi
nghiêm khắc bảo Mẹ phải đưa Nó tới trường học, không thể để Nó ở nhà một
mình như thế này. Nếu lần sau họ tới mà Nó vẫn bị để ở nhà một mình thì
họ sẽ tước quyền làm mẹ của Mẹ và giao Nó cho các nhân viên xã hội. Mẹ
gật đầu rối rít, ja, ja luôn miệng.
Rồi
nhân viên xã hội tới, hướng dẫn Mẹ làm đơn xin tiền trợ cấp nuôi con và
đủ thứ chuyện khác. Họ cũng bắt Mẹ tìm một chỗ ở khác, cuối cùng Mẹ tìm
được một căn hộ nhỏ trên tầng ba một tòa nhà chung cư, có thang máy.
Lần này thì Nó có hẳn một balcon để ra ngoài ngồi vẽ nếu muốn. Và Nó
được đến trường, dành cho những đứa trẻ đặc biệt, những búp bê bị lỗi,
giống như Nó.
Mẹ đã đưa Kẹo Ngọt sang. Có hai đứa Mẹ bớt dành thì giờ cho những ông chú thường xuyên thay đổi.
Tờ
báo đưa tin Giày Hồng chết được Nó cất giữ cẩn thận. Suốt một thời gian
dài những hình ảnh tưởng tượng về cái chết của Giày Hồng cứ ám ảnh Nó.
Cho đến một ngày Nó quyết định loại bỏ khỏi đầu óc, không muốn chấp nhận
hình ảnh cái cô bé nằm sấp bên bờ sông, quần lót vứt một bên, váy bị
tốc lên, giày bên còn bên mất, cổ có vết bầm tím mà báo chí mô tả, mà Mẹ
kể cho Bà Ngoại nghe là Giày Hồng. Đó là những hình ảnh mà Nó không
thấy, vì vậy không thể là sự thật được. Nó cũng không muốn nhớ đến tiếng
kêu cứu của Giày Hồng. Thay vào đó, Nó vẽ Giày Hồng từ bức ánh chụp
trên báo, miệng nhoẻn cười, mái tóc cột hai bên hai cái nơ màu hồng, mặc
váy, đi đôi giày màu hồng và treo lên tường. Còn nữa, hình ảnh Giày
Hồng ngồi thụp bên cửa sổ, khom người xuống cười với Nó, nói chuyện với
Nó. Đây mới là Giày Hồng. Đây mới là sự thật.
Và
cuối cùng thì Nó cũng đã làm được điều đó, đó là những hình ảnh còn lại
mỗi khi Nó nhớ đến Giày Hồng. Cô bé với nụ cười mãi mãi đọng lại ở tuổi
lên 9.
Tháng 5.2022.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét