15 thg 6, 2022

Hai giáo sư tìm ra điều tạo ra một kẻ xả súng. Các chính trị gia có quan tâm? (TC.Da Màu )

  ♦ Chuyển ngữ:  

(Bài phỏng vấn của báo mạng Politico do Melanie Warner thực hiện, đăng ngày 27-05-2022)

 Lời người dịch: Thương vong từ những vụ xả súng hàng loạt là nỗi đau lương tâm chưa bao giờ nguôi của nước Mỹ, một cường quốc hiện đại vào bậc nhất của thế giới nhưng không sao buông bỏ được một số di sản của quá khứ cách mạng lập quốc — ở đây là quyền sở hữu và đeo súng được Tu Chính Án Thứ Hai bảo vệ. Đối với người Mỹ, hầu như vĩnh viễn không thể xảy ra chuyện những lực lượng của chính quyền đi đến từng nhà dân để thu giữ súng. Súng là một biểu tượng cho một nguyên lý nền tảng của dân quyền, tức quyền của công dân dám đối đầu với và răn đe mọi sự áp bức phi pháp, kể cả của chính quyền, nhắm vào thân thể và tài sản họ. Trong lịch sử Mỹ, nhiều cộng đồng di dân đã không thể tồn tại nếu quyền súng không có trong hiến pháp. Trong ký ức chung của cộng đồng Việt tại Mỹ, vẫn còn âm vang tiếng súng của những vụ đối đầu giữa những ngư dân gốc Việt chân ướt chân ráo, cố gắng bám biển để tìm chỗ sống nơi quê hương mới, với những lực lượng kỳ thị chủng tộc Ku Klux Klan áo mũ trắng toát.

 

Để đối phó với mối đe dọa bạo lực súng, người Mỹ đã từng làm ra những bộ luật kiểm soát việc mua và sử dụng súng đạn. Giới nghiên cứu xã hội học Mỹ vẫn luôn trăn trở với những lý thuyết để giải thích và giải trừ mối nguy này. Nhưng ngay thế nào là một vụ xả súng, người Mỹ cũng không đồng ý với chỉ một định nghĩa. Chẳng hạn, Cục Điều Tra Liên Bang FBI thu thập dữ liệu về “những vụ kẻ nổ súng chủ động,” được họ định nghĩa là “một hoặc nhiều cá nhân chủ động tham gia vào việc giết hoặc toan tính giết nhiều người trong một khu vực có cư dân.” Theo định nghĩa của FBI, trong năm 2020 có 38 người thiệt mạng trong những vụ như vậy, không kể các hung thủ. Trong khi đó, Thư Khố Bạo Lực Súng (Gun Violence Archive), một kho dữ liệu trực tuyến về những vụ bạo lực súng ở Hoa Kỳ, định nghĩa xả súng là những vụ trong đó có bốn người trở lên bị bắn, ngay cả khi không có ai bị giết (cũng không kể hung thủ). Theo định nghĩa này, trong năm 2020 có tới 513 người thiệt mạng trong những vụ xả súng.

Bài phỏng vấn dưới đây của báo mạng Politico xoay quanh một cuộc nghiên cứu mới về hiện tượng xả súng do hai giáo sư đại học thực hiện. Những phát kiến của họ đáng chú ý trước hết là nhờ ở tính cụ thể của giải pháp: những thành phần định chế nào là cần thiết, cách các tổ chức này làm việc với nhau, và kể cả một đề nghị dẫn đến mức ngân sách cụ thể cho một lực lượng chuyên gia tâm lý. Tính xác đáng của nghiên cứu này nên được xem trọng hơn cả, vì nó nhắm vào sức khỏe tâm thần cũng như khuynh hướng tự sát của những kẻ xả súng. Theo một khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, 54% số tử vong vì súng tại Hoa Kỳ là do tự sát, nghĩa là trong đa số vụ bạo lực súng, hung thủ cũng nhắm vào chính họ. Điều này được hai nhà nghiên cứu xác nhận, và mọi khâu trong giải pháp họ đưa ra đều nhắm hóa giải khuynh hướng tự sát của các hung thủ.
 

* Phần lớn những kẻ xả súng có những nét chung nào đó, theo Jillian Peterson và James Densley, điều đó nghĩa là ta có thể nhận diện và điều trị họ trước khi họ gây ra bạo lực.

  
Mỗi khi ở Mỹ xảy ra một vụ xả súng hàng loạt được nhiều người chú ý, cả một đất nước đau buồn và ngờ vực hối hả tìm kiếm lời giải thích. Kẻ tội phạm này là ai và làm thế nào hắn có thể tạo ra một hành động khủng khiếp và vô nhân đạo như thế? Một vài chi tiết xuất hiện về cuộc đời gặp khó khăn của đương sự và mọi người bỏ mặc câu chuyện trôi qua.

Ba năm trước, Jillian Peterson, phó giáo sư về tội phạm học tại Đại Học Hamline, và James Densley, giáo sư về tư pháp hình sự tại Đại Học Metro State, quyết định chọn cách tiếp cận khác. Theo cách nhìn của họ, việc không đạt được sự thấu hiểu dựa trên chứng cứ và ý nghĩa hơn về nguyên ủy hành động của những kẻ xả súng có lẽ tương đương với việc đánh mất một cơ hội ngăn chặn vụ xả súng kế tiếp xảy ra. Cuộc nghiên cứu của họ được tài trợ bởi Viện Tư Pháp Quốc Gia, nhánh nghiên cứu của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, nhằm xây dựng một kho dữ liệu về tất cả những kẻ xả súng từ năm 1966 đã bắn chết bốn người trở lên tại một nơi chốn công cộng, và tất cả những vụ xả súng trong trường học, chỗ làm và cơ sở tôn giáo kể từ năm 1999.

Peterson và Densley cũng biên soạn tiểu sử chi tiết về 180 kẻ xả súng, nói chuyện với vợ chồng, cha mẹ, anh em, bạn bè thuở nhỏ, đồng nghiệp và thầy cô giáo của họ. Nói về chính những tay súng này, thì hầu hết đã không sống sót sau cuộc tàn sát, nhưng năm người còn sống đã nói chuyện với Peterson và Densley từ nhà tù, nơi họ đang thi hành những án chung thân. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra nhiều người đã lên kế hoạch xả súng hàng loạt nhưng đổi ý.

Những phát hiện của họ, cũng được xuất bản trong cuốn sách năm 2021, The Violence Project: How to Stop a Mass Shooting Epidemic (tạm dịch, Dự án bạo lực: Làm thế nào để chặn cơn đại dịch xả súng), phơi bày những điểm chung gây giật mình giữa những kẻ gây ra những vụ xả súng hàng loạt và gợi ý rằng một cách tiếp cận được hỗ trợ bởi dữ liệu và sức khỏe tâm thần có thể nhận diện và ứng phó với kẻ xả súng kế tiếp trước khi hắn bóp cò. Điều này chỉ khả thi nếu các chính trị gia sẵn lòng thật sự tham gia vào việc tìm kiếm và tài trợ cho những giải pháp được nhắm đến. POLITICO nói chuyện với Peterson và Densley tại văn phòng của họ ở thành phố St. Paul, tiểu bang Minnesota, về vấn đề làm thế nào mọi người trên toàn quốc đã thay đổi dần cách nghĩ về những kẻ xả súng hàng loạt, tại sao việc sử dụng những từ ngữ như “quái vật” là phản tác dụng, và tại sao những luận điểm chính trị về sức khỏe tâm thần cần phải được tiếp nối bằng hành động cụ thể.

* * *

POLITICO: Do cả hai người dành ra rất nhiều thời gian nghiên cứu những vụ xả súng hàng loạt, tôi muốn hỏi liệu quý vị có cùng phản ứng chấn động và khiếp sợ như mọi người khác đối với vụ nổ súng tại trường tiểu học Uvalde. Hay theo một cách nào đó quý vị đã đoán có vụ này?

Jillian Peterson: Ở một cấp độ nào đó, chúng tôi chờ đợi vì những vụ xả súng hàng loạt có tính lây lan trong xã hội và khi một vụ thật lớn xảy ra và được truyền thông chú ý nhiều, chúng tôi thấy dường như những vụ khác sẽ diễn ra tiếp theo. Nhưng vụ này đặc biệt đau lòng. Tôi có ba đứa con đang ở bậc tiểu học, một đứa học lớp 4.

James Densley: Tôi cũng là phụ huynh của hai bé trai, một đứa 5 tuổi và một đứa 12 tuổi. Đứa con 12 tuổi biết tôi đang sống bằng nghề gì và cháu tìm tới tôi để được an ủi nhưng tôi không nói được lời nào với cháu. Làm thế nào tôi nói, “Chuyện này xảy ra tại một trường học, nhưng bây giờ mọi chuyện đã ổn để con trở lại trường và sống cuộc sống bình thường.” Thật là nhói tim.

POLITICO: Quý vị thấy có sự liên hệ giữa hai vụ xả súng Buffalo và Uvalde?

Peterson: Ở thời điểm này chúng tôi chưa biết chắc, nhưng nghiên cứu của chúng tôi sẽ nói rằng rất có thể. Ta có một người 18 tuổi gây ra một vụ xả súng hàng loạt khủng khiếp. Tên anh ta xuất hiện mọi nơi và tất cả chúng ta dành ra nhiều ngày để nói về “thuyết thay thế.” Kẻ xả súng đó đã giành được sự chú ý của chúng ta. Do đó, nếu ta có một người 18 tuổi khác đang trong trạng thái tâm thần bất định và theo dõi mọi chuyện, điều đó có thể đủ để khiến anh ta mạnh dạn hơn và làm theo. Chúng ta đã chứng kiến điều này xảy ra trước đây.

Densley: Những kẻ xả súng nghiên cứu những kẻ xả súng khác. Họ thường tìm thấy một cách để thông cảm với nhau, như, “Có những người khác ở ngoài kia cũng cảm thấy như mình.”

POLITICO: Quý vị có thể dẫn chúng tôi lướt qua đường nét chung của những kẻ xả súng đã xuất hiện từ cuộc nghiên cứu của quý vị?

Peterson: Có một lộ trình hết sức nhất quán này đây. Chấn thương hồi còn nhỏ có vẻ là nền tảng, dù cho đó là bạo lực trong gia đình, tấn công tính dục, cha mẹ tự tử, hình thức bắt nạt quá quắt. Sau đó ta thấy dần dần hình thành sự mất hy vọng, niềm tuyệt vọng, sự cô lập, thái độ căm ghét chính mình, thường khi cũng có sự ruồng bỏ của bạn bè cùng trang lứa. Điều đó biến thành một điểm khủng hoảng thật sự có thể nhận ra được khi mà họ hành động một cách khác biệt. Đôi khi họ có những toan tính tự sát.

Điều khác biệt so với tự sát thông thường là lòng căm ghét chính mình chuyển sang nhắm vào một nhóm người. Họ bắt đầu tự hỏi, “Đây là lỗi của ai?” Ấy là một nhóm chủng tộc hay phụ nữ hay một nhóm tín ngưỡng, hay ấy là các bạn học của mình? Lòng căm ghét xoay ra phía ngoài. Ngoài ra cũng có một cuộc mưu cầu danh tiếng và sự chú ý.

POLITICO: Quý vị đã viết là các vụ xả súng hàng loạt luôn luôn là những hành động tự sát bạo lực. Mọi người có nhận ra đây là điều đang xảy ra trong những vụ xả súng hay không?

Peterson: Tôi không nghĩ hầu hết mọi người nhận ra đây là những vụ tự sát, ngoài những vụ giết người. Những kẻ xả súng đã thiết kế những vụ này thành hành động sau cùng của họ. Khi ta vỡ lẽ ra điều này, nó đảo ngược hoàn toàn ý kiến cho rằng một người có súng tại hiện trường sẽ ngăn chặn được vụ xả súng. Nếu đúng phần nào, thì đó chính là một động cơ của những kẻ xả súng. Họ sẵn sàng để bị giết.

Ta khó tập trung vào phía tự sát vì đây là những vụ giết người kinh hoàng. Nhưng đây là một mảnh then chốt vì chúng tôi biết có rất nhiều thông tin từ giới chuyên gia ngăn ngừa tự tử có thể được áp dụng ở đây.

POLITICO: Tôi nghe người ta nhắc nhiều trong mấy tuần qua về “quái vật” và “tàn ác ròng.” Quý vị cho rằng loại ngôn ngữ này thật sự khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Tại sao?

Densley: Nếu chúng ta giải thích vấn đề này như là tàn ác ròng hay những nhãn hiệu khác như tấn công khủng bố hay tội ác do thù ghét, chúng ta hài lòng hơn vì điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy như đã tìm ra động cơ và giải được bài toán. Nhưng chúng ta đã chẳng giải được gì hết. Chúng ta chỉ giải thích cho qua vấn đề. Điều mà thuật ngữ thật sự có vấn đề này làm là ngăn cản chúng ta nhận ra rằng những kẻ xả súng hàng loạt là chúng ta. Điều này với mọi người là khó tưởng tượng bởi vì những cá nhân này đã làm ra những việc khủng khiếp, quái đản. Nhưng ba ngày trước, kẻ nổ súng trong trường học ấy là con trai, cháu nội, hàng xóm, đồng nghiệp hay bạn học của một người nào đó. Ta phải nhận ra họ như là con người gặp khó khăn trước đó nếu muốn can thiệp trước khi họ trở thành quái vật.

Peterson: Kẻ nổ súng Buffalo nói với thầy giáo của anh ta rằng anh ta sẽ thực hiện một vụ giết người và tự sát sau khi tốt nghiệp. Mọi người không quen nghĩ rằng những chuyện như thế này có thể là thật bởi vì những người thực hiện những vụ xả súng hàng loạt là kẻ ác, những quái vật rối loạn tâm thần còn đây là một đứa trẻ trong lớp của tôi. Có chỗ không ăn khớp ở đây.

POLITICO: Quý vị có bị chỉ trích vì quá thông cảm với những kẻ xả súng hàng loạt?

Peterson: Chúng tôi không tìm cách tạo ra lời biện minh hoặc nói rằng họ không nên bị quy trách nhiệm. Đây mới thật sự là vấn đề, lộ trình đi đến bạo lực đối với những người này là gì, nó đến từ đâu? Chỉ khi đó ta mới bắt đầu xây dựng những giải pháp được dẫn dắt bởi dữ liệu và hiệu quả. Nếu ta không sẵn lòng hiểu lộ trình này, ta sẽ không bao giờ giải quyết được chuyện này.

POLITICO: Thế thì, các giải pháp là gì?

Densley: Có những điều chúng ta có thể làm bây giờ trong tư cách những cá nhân, như cất giữ súng an toàn hoặc một điều đơn giản như là hỏi han con cái.

Peterson: Kế đó ta thật sự cần những nguồn lực tại những định chế như trường học. Ta cần xây dựng những đội ngũ để điều tra khi bọn trẻ gặp khủng hoảng và rồi kết nối những đứa trẻ ấy với các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Vấn đề là tại nhiều nơi chốn, các dịch vụ ấy không có sẵn. Không có tổ chức nào lo cho sức khỏe tâm thần cộng đồng hay sức khỏe tâm thần tại trường học. Trường học là khung cảnh lý tưởng vì không cần có phụ huynh dẫn bạn vào đó. Nhiều hung thủ đến từ những gia đình mà phụ huynh không lo lắng mấy về những cuộc hẹn khám sức khỏe tâm thần.

POLITICO: Trong cuốn sách của quý vị, quý vị nói rằng trong một thế giới lý tưởng, sẽ có 500.000 nhà tâm lý học làm việc tại các trường học trên khắp nước. Nếu ta giả định một mức lương khiêm tốn là 70.000 Mỹ kim một năm, tổng số chi phí là trên 35 tỉ Mỹ kim. Quý vị có nhận thấy bất cứ đà tiến chính trị cấp liên bang hay tiểu bang nào dành cho dù chỉ một lát mỏng của loại nguồn lực về sức khỏe tâm thần này?

Densley: Mỗi lần những bi kịch này xảy ra, chúng ta luôn tự hỏi mình, “Đây có phải là vụ rốt cuộc sẽ làm mũi kim chuyển động?” Tự sự của phía Cộng Hòa là chúng ta sẽ không đụng đến súng vì đây hoàn toàn là về vấn đề sức khỏe tâm thần. Thế thì, ta cần phải hỏi câu hỏi tiếp theo, kế hoạch để sửa chữa vấn đề sức khỏe tâm thần ấy là gì. Không thấy ai nói, “Hãy tài trợ cho việc này, hãy thực hiện nó, chúng ta sẽ nhận được thêm phiếu bầu.” Đó là cái mảnh chính trị còn thiếu ở đây.

POLITICO: Phía đảng Dân Chủ có đang nói về sức khỏe tâm thần hay không?

Densley: Chuyện quá thường trong chính trị là nó trở thành một đề nghị hoặc thế này hoặc thế nọ. Kiểm soát súng hoặc sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của chúng tôi nói rằng không có giải pháp nào trong số đó là hoàn hảo nếu đứng riêng. Ta phải thực hiện nhiều điều cùng một lúc và đặt chúng vào với nhau như một chương trình đầy đủ. Mọi người phải thoải mái với sự phức tạp và điều đó không phải lúc nào cũng dễ.

Peterson: Từ sau vụ Columbine đã có mối quan tâm thật sự về việc phòng thủ trường học – những máy dò kim loại, cảnh sát viên có súng, việc dạy trẻ chạy và ẩn núp. Sự chuyển hướng tôi bắt đầu chứng kiến, ít nhất tại đây ở Minnesota, là người ta đang nhận ra là phòng thủ trường học không có tác dụng. Trên 90 phần trăm số trường hợp, những kẻ nổ súng trong trường nhắm vào trường của chính họ. Đó là những người bên trong, không phải người bên ngoài. Mới có một dự luật ở Minnesota công nhận an ninh công cộng là việc huấn luyện dân chúng ngăn ngừa tự sát và dành ngân sách cho chuyên gia tâm lý. Tôi hy vọng ta tiếp tục di chuyển về phía đó.

Densley: Tại Uvalde, có cả một đội quân người tốt có súng đứng trong bãi đậu xe. Cách tiếp cận cứng rắn dường như không được việc.

POLITICO: Quý vị có ủng hộ luật tín hiệu báo động (red flag laws)?

Peterson: Cuộc nghiên cứu của chúng tôi chắc chắn ủng hộ các luật lệ ấy, vì có quá nhiều hung thủ chủ động biểu lộ những dấu hiệu cảnh cáo. Họ nói về việc sẽ làm điều này và cho mọi người biết rằng họ muốn tự sát. Nhưng điều mà vụ Buffalo cho ta thấy là chỉ vì ta có một đạo về luật tín hiệu báo động không có nghĩa là mọi người được huấn luyện về cách áp dụng nó và biết nên triển khai nó cách nào.

POLITICO: Điều gì cần phải thay đổi để khiến cho luật lệ thêm hữu hiệu?

Densley: Có hai phần. Một là huấn luyện và ý thức. Mọi người cần biết rằng đạo luật hiện hữu, cách nó vận hành và ai có nhiệm vụ phải báo cáo về một cá nhân. Phần thứ hai là bộ phận thực tiễn của việc thi hành luật pháp. Quy cách để thu giữ một cách an toàn những khẩu súng ấy là gì? Đặc biệt trường hợp ta chỉ có sự hiện diện nhỏ của cơ quan công lực, có lẽ một hoặc hai cảnh sát viên, và ta yêu cầu họ đi đến nhà một người nào đó ở vùng nông thôn và kiểm soát toàn bộ kho vũ khí của nhà ấy.

POLITICO: Điều gì nên xảy ra tại Buffalo, nếu như tiểu bang New York có một luật về tín hiệu báo động?

Peterson: Từ những gì chúng tôi biết, có vẻ như nên có thêm chương trình giáo dục cho cảnh sát, cơ sở sức khỏe tâm thần và trường học. Nếu nơi nào trong ba nơi ấy khởi động tiến trình tín hiệu báo động, điều đó sẽ ngăn chặn được kẻ nổ súng mua được súng.

Vụ này thật sự cho thấy những giới hạn của các hệ thống đương thời của ta. Cảnh sát điều tra, nhưng kẻ nổ súng vào lúc đó chưa có súng, cho nên đó không phải là một mối đe dọa tức thời. Cơ quan sức khỏe tâm thần kết luận đó không phải là một cuộc khủng hoảng tức thời, cho nên anh ta trở lại trường. Nếu đó không phải là một tình huống nóng bỏng vào lúc ấy, thì không ai làm được điều gì. Trong những người ấy, không ai có nhiệm vụ phải bảo đảm rằng anh ta nên được kết nối với một người nào đó trong cộng đồng có thể giúp anh ta về lâu dài.

Densley: Ngoài ra, có điều gì đó xảy ra đặt người ta vào tầm quan sát. Ngay cả khi họ không phải là kẻ nổ súng kế tiếp, có gì đó không đúng. Làm thế nào ta giúp những cá nhân này tái hội nhập theo một cách thức sẽ thay đổi được đời sống của họ? Điều đó bị bỏ quên nếu ta chỉ chú trọng vào từ ngữ “mối đe dọa.”

POLITICO: Tôi kinh ngạc trước một chi tiết trong sách của quý vị về một trong những hung thủ mà quý vị điều tra. Vài phút trước khi anh ta nổ súng, quý vị tường trình rằng anh ta đã gọi đến một cơ sở về sức khỏe hành vi. Có phải là luôn có một hình thức nào mà qua đó hung thủ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc truyền đạt chủ tâm của mình trước khi sự việc xảy ra?

Peterson: Ta không thấy điều đó xảy ra nhiều nơi những kẻ nổ súng lớn tuổi hơn thường đi đến sở làm của họ. Nhưng với những kẻ nổ súng trẻ tuổi, đó là hầu hết các trường hợp. Ta cần phải xem sự “rò rỉ” này như là tiếng kêu cứu. Nếu bạn nói, “Tôi muốn bắn trường học ngày mai,” bạn cũng đang nói, “Tôi không cần biết tôi sẽ sống hay chết.” Bạn cũng đang nói, “Tôi hoàn toàn tuyệt vọng,” và bạn đang nêu chuyện đó ra cho mọi người thấy vì trong thâm tâm bạn muốn nó bị ngăn chặn.

Ta phải lắng nghe vì đẩy người ta ra sẽ làm tăng cường độ nỗi đau của họ và khiến họ tức giận hơn. Kẻ nổ súng ở Parkland đã bị đuổi học ngay trước khi trở lại trường. Đây không phải là một vấn đề mà ta cứ trừng phạt là xong.


  Mời Xem Lời tự thú của một người tạo ‘mim’ công lý xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét